Home Tin Tức Thời Sự Mỹ tạm dỡ bỏ hạn chế visa cho tổng thống Miến Điện

Mỹ tạm dỡ bỏ hạn chế visa cho tổng thống Miến Điện PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Năm, 30 Tháng 8 Năm 2012 08:15

 Lần đầu tiên sau 22 năm, Mỹ bổ nhiệm một đại sứ tại Miến Điện. 

 

Tổng thống Miến Điện Thein Sein sẽ đến Mỹ cuối tháng 9/2012 (REUTERS)

 

Theo AFP, hôm qua 29/08/2012, chính quyền Mỹ ra quyết định tạm dỡ bỏ các giới hạn của Hoa Kỳ đối với visa của các lãnh đạo Miến Điện nhằm tạo thuận lợi cho tổng thống Thein Sein và các thành viên phái cải cách trong chính phủ trong thời gian đến New York tham dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cuối tháng 9.

Đợt công du của tổng thống Miến Điện Thein Sein tới New York từ ngày 23-29/09 cũng trùng với chuyến đi Mỹ của nhà đối lập Aung San Suu Kyi.

Phát ngôn viên của Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSC) Tommy Vietor thông báo, việc tổng thống Barack Obama ra lệnh dỡ bỏ quy định cấm cấp visa Mỹ cho tổng thống Miến Điện Thein Sein là « nhằm khẳng định mối quan tâm của Washington để Hoa Kỳ có quan hệ gần gũi hơn với tổng thống Miến Điện và chính phủ của ông, hiện đang theo đuổi các cải cách ».

 Như vậy, cũng theo ông Tommy Vietor, tổng thống Thein Sein và các bộ trưởng theo đường lối cải cách có thể gặp gỡ các giới chức Mỹ và có cơ hội « hiểu biết hơn về đời sống chính trị Mỹ và nền dân chủ ».

Theo người phát ngôn của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, nếu không có biện pháp ngoại lệ này, trong thời gian ở Hoa Kỳ, tổng thống Thein Sein chỉ có thể hoạt động trong phạm vi trụ sở của Liên Hiệp Quốc tại New York.

Quyết định của Hoa Kỳ tạm dỡ bỏ rào cản visa đối với tổng thống Thein Sein được đưa ra tiếp theo việc Miến Điện tiến hành một cải tổ nội các quan trọng ngày 27/08 vừa qua, với việc một loạt các bộ trưởng thuộc phái cải cách được đưa vào các vị trí chủ chốt. Cuộc cải tổ này được đối lập hoan nghênh.

Theo AP, người phát ngôn Nhà trắng Caitlin Hayden cũng nhấn mạnh, các trừng phạt nói chung đối với giới chức Miến Điện vẫn chưa được dỡ bỏ và Hoa Kỳ vẫn sẽ đặc biệt chú ý đến các giới chức Miến Điện nào đồng lõa với các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Xin nhắc lại là, sau hai thập niên trừng phạt chống chế độ độc tài quân sự Miến Điện, vào tháng 7 mới đây, Washington đã cho phép các công ty Mỹ đầu tư vào Miến Điện, dưới sự kiểm soát, kể cả trong lĩnh vực dầu khí. Cũng vào tháng 7, lần đầu tiên sau 22 năm, Mỹ bổ nhiệm một đại sứ tại Miến Điện.

Theo các nhà phân tích, Miến Điện đã thay đổi rất nhiều kể từ khi chính phủ dân sự lên nắm quyền từ tháng 3/2011, với việc hàng trăm nhà ly khai được trả tự do, lãnh đạo đối lập bị quản thúc, giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi nay trở thành dân biểu. Toàn bộ quá trình này đã diễn ra không hề có đổ máu và được kiểm soát rất tốt.

Ngày 21/09 bà Aung San Suu Kyi sẽ tới New York để nhận giải thưởng của viện tư vấn Atlantic Council, tiếp theo đó lãnh đạo đối lập sẽ nhận huy chương vàng của Quốc hội Mỹ, mà Thượng viện Hoa Kỳ đã quyết định trao cho bà trước đó vào tháng 4/2008.