Home Tin Tức Thời Sự Thủ tướng Đức đến Bắc Kinh trấn an về khu vực đồng euro

Thủ tướng Đức đến Bắc Kinh trấn an về khu vực đồng euro PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Năm, 30 Tháng 8 Năm 2012 07:59

Các nhà báo Đức tác nghiệp tại Trung Quốc tố cáo là họ bị hù dọa, ngăn cản, gây khó khăn 

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel và đồng nhiệm Ôn Gia Bảo (© Reuters)

 

Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay 30/08/2012, bắt đầu chuyến công du Trung Quốc, với mục tiêu chính là làm giảm lo ngại của Bắc Kinh về khu vực đồng euro. Bà đã thành công thuyết phục được thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra cam kết là Trung Quốc vẫn đầu tư vào nơi đây.

Cam kết này đã được thể hiện ngay lập tức qua việc ký kết giữa đại diện tập đoàn Airbus và ngân hàng Nhà nước Trung Quốc ICBC một hợp đồng mua 50 chiếc máy bay Airbus, với tổng giá trị lên tới 3,5 tỷ đô la.

Trong cuộc hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc, thủ tướng Đức đã trình bày các chính sách mà châu Âu đã và đang được thực hiện để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công và quyết tâm chính trị của châu Âu trong việc duy trì, củng cố đồng tiền chung.

Thủ tướng Đức nhấn mạnh : « Tôi đã giải thích với thủ tướng Ôn Gia Bảo rằng nhiều cải cách đang được tiến hành tại châu Âu và chúng tôi tuyệt đối quyết tâm đưa euro lên thành một trong những đồng tiền mạnh ».

Vào lúc tăng trưởng bị giảm sút, thị trường chứng khoán xuống tới mức thấp nhất kể từ 3 năm rưỡi qua, nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh do các khó khăn của Liên Hiệp Châu Âu, thị trường xuất khẩu số một của Trung Quốc.

Trong cuộc họp báo được tổ chức tại Đại Lễ đường Nhân dân, quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh, thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nêu rõ những quan ngại của Trung Quốc về tình hình kinh tế châu Âu. Ông nói : « Vừa qua, khủng hoảng nợ châu Âu vẫn tiếp tục trầm trọng, gây nên những lo ngại mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Nói thẳng ra là tôi cũng rất lo ngại ».

Theo lãnh đạo Trung Quốc : « Có hai mối quan tâm chính : Trước tiên cần biết là liệu Hy Lạp có ra khỏi khu vực đồng euro hay không. Thứ hai là liệu Ý và Tây Ban Nha sẽ đưa ra những biện pháp phục hồi kinh tế toàn diện hay không ».

 Tuy nhiên, thủ tướng Trung Quốc khẳng định là sau khi nghe đồng nhiệm Đức trình bày, ông tỏ ra tin tưởng hơn về khả năng thoát ra khỏi khủng hoảng và thúc giục châu Âu nên nhanh chóng áp dụng các chính sách này.

Dẫn đầu một phái đoàn hùng hậu bào gồm nhiều bộ trưởng và các doanh nhân, thủ tướng Merkel sang Bắc Kinh còn nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương, bởi vì Đức và Trung Quốc là hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới.

AFP cho biết, có thể nhiều hợp đồng kinh tế sẽ được ký kết trong dịp này. Trao đổi thương mại giữa hai nước đạt mức 169 tỷ đô la trong năm 2011, tăng 18,9% so với năm 2010.

Đây là chuyến công du Trung Quốc lần thứ sáu của bà Merkel và là lần thứ hai trong năm nay.

Theo giới phân tích, Bắc Kinh cho rằng Berlin có vai trò quyết định trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro và trong thời gian qua, Đức không ngần ngại khẳng định vị thế của mình như là một đối tác quan trọng, không thể thiếu vắng trong các cuộc thảo luận về châu Âu.

Theo chuyên gia Hans Kundnani, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (European Council on Foreign Relations – ECFR), các nhà lãnh đạo Trung Quốc « cho rằng họ thực sự không có sự lựa chọn nào khác là phải qua Đức để tiếp cận châu Âu ».

Trong chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng Hai năm nay, thủ tướng Đức cũng đã cố gắng thuyết phục Trung Quốc về các nỗ lực của châu Âu để củng cố đồng euro và giải quyết các khó khăn.

Mặc dù tới Bắc Kinh để kêu gọi Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế với Đức và với châu Âu, thủ tướng Angela Merkel không ngần ngại đề cập với giới lãnh đạo Trung Quốc các hồ sơ nhạy cảm.

Theo một quan chức Đức, trong chương trình nghị sự, thủ tướng Merkel sẽ thảo luận với giới lãnh đạo ở Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền, tình hình tại các khu vực có cộng đồng người Tây Tạng sinh sống, nơi diễn ra nhiều vụ tự thiêu nhằm phản đối chính sách đàn áp của Trung Quốc.

Mặt khác, các nhà báo Đức tác nghiệp tại Trung Quốc tố cáo là họ bị hù dọa, ngăn cản, gây khó khăn. Họ đã gửi thư kêu gọi thủ tướng Đức nêu chủ đề này trong các cuộc gặp với giới chức Trung Quốc.