Cuộc đấu đá giữa các nhóm quyền lực |
Tác Giả: Dân Làm Báo |
Thứ Ba, 28 Tháng 8 Năm 2012 07:06 |
Nhóm tài phiệt rất mạnh một thời đang có nguy cơ sụp đổ là nhóm của ông Nguyễn Tấn Dũng
Nhóm lợi ích chống ông Ba Dũng gồm có ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước liên kết với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, được sự tiếp sức của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Có tin Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ cũng đứng về phía nhóm này... Tình hình chính trị ở Việt Nam bỗng nhiên sôi động. Một nhân vật kinh tế - tài chính rất có thế lực, đang vùng vẫy bỗng bị sa lưới . Ông Nguyễn Đức Kiên, ông «Bầu Kiên», ông «Kiên Bạc» - do đầu tóc bạc trắng của ông - hay «bố già Kiên» bị cảnh sát bắt vì phạm tội kinh tế trong quản lý các ngân hàng tư dưới quyền ông.
Việc bắt giữ ông Bầu Kiên nói lên điều gì? Các sự kiện tiếp theo có thể là gì? Thái độ của các lực lượng dân chủ lành mạnh và tiến bộ nên ra sao giữa tình thế này?
Hiện nay cơ quan lãnh đạo của đảng CS gồm có Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra, Ban Chấp hành Trung ương đang trải qua một «cuộc phê bình và tự phê bình rộng lớn chưa từng có», từ mỗi tập thể đến mỗi cá nhân, khơi dậy 25 vấn đề to lớn của hiện tại và quá khứ, sẽ dẫn đến kết luận rõ ràng minh bạch để trình bày trước cuộc họp Trung ương 6 sắp đến.
Cái nền cho mọi sự kiện diễn ra sắp tới là cuộc phê bình và tự phê bình rộng lớn này. Môi trường chính trị của mọi diễn biến là cuộc đấu tranh gay gắt của các phe nhóm chính trị - kinh tế - tài chính đang cạnh tranh nhau, tranh giành nhau các quyền lực chính trị- quân sự- kinh tế - tài chính – an ninh, chia chác nhau các món «lợi ích khủng» mà thời kỳ phát triển và mở cửa mang lại. Cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các nhóm tài phiệt Việt Nam thời kỳ sơ khai của chủ nghĩa tư bản rừng rú đội lốt xã hội chủ nghĩa đang diễn ra.
Tội của ông Dũng và nhóm lợi ích của ông kể ra không xiết. Từ vụ Vinashin đến vụ Vinalines, quản lý lỏng lẻo ngành điện, phá sản hàng loạt tập đoàn quốc doanh, lỗ to ở khu công nghiệp dầu Dung Quất. Ông Dũng được mệnh danh là «thủ tướng phá của», và chính ông là người phải chịu trách nhiệm cho các vụ tham ô lãng phí đến hơn 20 ngàn tỷ đồng. Hồ sơ tội phạm của ông là một bản cáo trạng dài rất khó mà bào chữa nổi. Nhóm lợi ích chống ông Ba Dũng gồm có ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước liên kết với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, được sự tiếp sức của Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang và của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh. Có tin Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ cũng đứng về phía nhóm này. Đã 2 tháng này, nhóm này dựng lên một mạng Web mới mang tên Quan Làm Báo, kể tội rất rành rọt của nhóm Ba Dũng, gọi xách mé thủ tướng là «y tá», do y tá vốn là chức vụ của ông Dũng khi còn ở trong bộ đội địa phương Rạch Giá khi còn trẻ. Mạng Quan Làm Báo nêu bật cái tội của «y tá» Dũng là đã liên kết nhóm lợi ích trong nước với nhóm lợi ích tài phiệt nước ngoài - ngụ ý chỉ con rể của Ba Dũng là Henry Nguyễn Bảo Hoàng, tổng giám đốc IDG Ventures. Ba Dũng đã vội vã cho con gái là Nguyễn Thanh Phượng rút lui khỏi các chức vụ kinh doanh để tránh hậu họa của lời tố cáo trên đây.
Ta hãy chú ý việc bắt ông Kiên đã được chính Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang chỉ đạo theo chỉ thị của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và mấy tuần nay ông Trọng thường ngồi ở Văn phòng Đảng ủy Quân sự Trung ương trong Bộ Quốc phòng cẩn mật – vì người giữ chức tổng bí thư Đảng luôn luôn kiêm chức Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương - rất ít khi ghé qua Văn phòng Trung ương Đảng.
Hiện có một số tình hình còn lờ mờ, chưa rõ ràng, cần theo dõi kỹ. Có vẻ như cả 2 phe nhóm đều theo một đường lối y như nhau , nghĩa là nhân nhượng vô nguyên tắc đối với bọn bành trướng Bắc Kinh. Và cũng chưa rõ khi xung đột, Bắc Kinh sẽ đứng về phía phe nhóm nào.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các nhóm lợi ích hiện nay là thời cơ rất để nêu bật đòi hỏi chính đáng cấp bách của toàn dân là nêu cao trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và thực hiện dân chủ hóa mọi mặt cuộc sống, điều mà các nhóm lợi ích hiện nay rất thiển cận giáo điều - do mù quáng ôm chặt chủ nghĩa Mác-Lê và chế độ độc đảng đã phá sản - vẫn cố tình đặt ra ngoài mục tiêu chính trị của họ. |