Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-08-2012 |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Hai, 27 Tháng 8 Năm 2012 12:39 |
Việt Nam: Người dân trong vòng xoáy một vụ xì-căng-đan ngân hàng
Logo của ngân hàng ACB
Tờ báo kinh tế Les Echos hôm nay có bài « Người Việt Nam bị mắc kẹt trong một vụ xì-căng-đan ngân hàng », thuật lại các biến cố liên quan đến vụ hai lãnh đạo một ngân hàng tư nhân lớn tại Việt Nam bất ngờ bị bắt hồi tuần trước và hệ quả gây sốc đối với thị trường tín dụng Việt Nam. Mở đầu với câu hỏi : Lời kêu gọi bình tĩnh từ phía chính quyền Việt Nam (ngay sau khi « bầu » Kiên – tức ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt ngày 21/08/2012) - liệu có được lắng nghe ? Les Echos cho biết vào ngày thứ Sáu, các khách hàng vẫn xếp hàng để rút tiền gửi tiết kiệm. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Việt Nam buộc phải tung ra gần 1 tỷ đô la vào hai ngày thứ Ba và thứ Tư, ngay sau vụ « bầu Kiên » bị bắt để trấn an người gửi tiền. Xe chuyển tiền liên tục đến các ngân hàng để đáp ứng nhu cầu tiền mặt khẩn cấp. Việc hai lãnh đạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu ACB, ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, bị bắt không những làm cho độ tin cậy của ngân hàng này bị sụt giảm, mà cũng ảnh hưởng nặng nề đến giá cổ phiếu tại hai sàn chứng khoán Hà Nội và Sài Gòn. Theo thẩm định của VietStock - một trang mạng chuyên về tài chính Việt Nam - , thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất 5 tỷ đô la, kể từ thời điểm ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt giữ. Theo Les Echos, « đằng sau vụ bê bối này, toàn bộ cuộc cải cách ngân hàng trở thành tâm điểm chú ý ». Một số chuyên gia nhận định, việc tự do hóa một lĩnh vực bao gồm 42 ngân hàng công và tư, được thực hiện vào hồi năm ngoái, đã không đạt được kết quả ; nhiều ngân hàng bị nghi ngờ có nợ xấu chồng chất. Chính phủ Việt Nam đang tiến hành sát nhập các ngân hàng, nhưng cuộc cải cách trong lĩnh vực này bị chậm trễ. Theo Les Echos, cuộc cải cách ngân hàng kể trên đã được thúc đẩy bởi ông Nguyễn Đức Kiên, sáng lập ngân hàng ACB, người vừa bị bắt, và tiếp sau đó là tổng giám đốc ACB. Ông Kiên là một trong những người giàu nhất Việt Nam và là một người thân cận với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Theo Les Echos, việc ông Kiên bị hạ bệ đã được đưa tin nhiều tại Việt Nam. Ông Kiên bị cáo buộc đã lập ra các tổ chức tài chính ngân hàng ít nhiều không có thực lực, và phát hành các trái phiếu trái luật ra thị trường. Với lợi nhuận từ các tổ chức này, ông Kiên có thể đã có được các cổ phần trong các ngân hàng khác nhân danh các thành viên trong gia đình, trước khi nhận được các khoản đầu tư mới. Cuối cùng thì, Les Echos kết luận, có một điều tốt lành là vụ này đã dẫn đến việc làm trong sạch môi trường ngân hàng, như nhận định của ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh : « Người ta không thể để nguyên trạng hệ thống này […]. Đã đến lúc phải làm sạch nó ». Phim « Trí thanh » bào chữa cho chính sách đày ải 17 triệu thanh niên dưới thời Mao Vẫn về Châu Á, báo Le Monde có bài « Đưa các ‘‘thanh niên có học’’ về nông thôn không phải là một phần của Cách mạng Văn hóa », nói đến bộ phim dài tập trên kênh truyền hình chính thức của Trung Quốc, mang tên « Trí Thanh », được phát vào đầu năm nay, với nhận định bộ phim dài tập này gợi lại và tô hồng số phận của 17 triệu thanh niên Trung Quốc, nạn nhân của chủ nghĩa Mao. Từ năm 1968 đến 1980, chính quyền Trung Quốc đã đưa khoảng 17 triệu thanh niên thành phố về các vùng nông thôn, nhằm để cải tạo họ thành « những người nông dân mới ». Những người Trí Thanh cũ - tên gọi tắt của « Thanh niên Trí Thức » - hiện nay thuộc lứa tuổi 55 – 65. Nhiều người trong số họ còn giữ nhiều hoài niệm về giai đoạn gian khổ này. Đới Tư Kiệt (Dai Sijie), nhà văn Trung Quốc sống tại Pháp, đã nói về kinh nghiệm này trong tác phẩm « Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa ». Phong trào đưa thanh niên có học về nông thôn đã để lại các thảm họa kinh hoàng, cả một thế hệ bị tước đoạt quyền học tập, rất nhiều bất công và bi kịch đã xảy ra. Các cựu Trí Thanh, những người bị thí bỏ cho « một ngày mai huy hoàng », thường gặp nhiều khó khăn khi trở lại thành phố. Việc phim truyền hình dài tập Trí Thanh thuật lại để tô điểm cho một quá khứ đầy bi kịch như vậy khiến nhiều khán giả truyền hình tức giận. Theo một người viết blog trên mạng Weibo, « trong số 25 690 trường hợp tử vong trong số những người Trí Thanh những năm 1974-1979, thì 60% là do các nguyên nhân bất thường ». Người viết blog này đặt câu hỏi, khi mà ngay cả các số liệu chính thức cũng cho thấy một thực tế bi thảm như vậy, thì làm thế nào mà người ta lại dám nói về thời kỳ này một cách không hối tiếc như thế ? Le Monde đặt câu hỏi, phải chăng với bộ phim truyền hình này, lãnh đạo tuyên huấn Trung Quốc muốn ca ngợi quá khứ của chủ tịch Trung Quốc tương lai Tập Cận Bình ? Bởi vì bản thân ông này từng là một « Trí Thanh », đã sử dụng một cách tuyệt hảo kinh nghiệm khi còn sống ở nông thôn trong chương trình kể trên để thăng tiến. Nhà xã hội học Pháp Michel Bonnin, tác giả cuốn « Một thế hệ bị đánh mất » (xuất bản năm 2004 và là một trong các tác phẩm đầy đủ nhất về các Trí Thanh cho đến nay), nhận xét, có nhiều người đã vượt qua được thời kỳ này và đã lợi dụng được nó, trong đó có ông Tập Cận Bình. Ông ta không che dấu thực tế giai đoạn này, khi ông phải về nông thôn vào lúc 15 tuổi, và đã rất khó nhọc mới có thể thích nghi được, nhưng giai đoạn này hiện nay lại được ca ngợi như « một trường đời rất tốt đẹp ». Điều đáng mừng là, việc tô hồng thực tế thời Mao đã bị phản đối dữ dội. Vẫn theo nhà nghiên cứu Pháp, ngày càng có nhiều người muốn sự thật về thời Mao được nói đến, nhiều điều tra được tiến hành… Bản thân cuốn sách của Michel Bonin, « Một thế hệ bị đánh mất » đã được phát hành tại Trung Quốc vào năm 2010, với số lượng 20.000 bản. Đây là một điều mà nhà Hán học không bao giờ có thể ngờ tới, khi có nhiều cảnh báo cuốn sách có thể bị cấm. Thủ tướng Đức chủ trương một hiệp ước Châu Âu mới Về Châu Âu hôm nay, tuyên bố của thủ tướng Đức về một hiệp ước mới cho Châu Âu được nhiều báo Pháp chú ý. Báo Le Figaro chạy tựa « Merkel đấu tranh cho một hiệp ước Châu Âu mới ». Phong trào hoạt động « Tôi muốn Châu Âu » (Ich will Europa) được khởi động tại Đức đúng vào ngày tổng thống Pháp François Hollande tới Berlin. Phong trào hoạt động này, đặt dưới sự bảo trợ của tổng thống Đức, tập hợp nhiều người bình thường cũng như các nhân vật có tên tuổi, như đội trưởng đội tuyển Đức Philipp Lahm hay chủ tịch tập đoàn hàng không không gian Châu Âu Thomas Enders. Le Figaro nhận xét, vào thời điểm mà sự nghi ngờ đối với đồng euro đang lên cao, thì « đây là một lời tỏ tình với Châu Âu ». Hiện tại ở Đức, chỉ còn một nửa cử tri là ủng hộ việc Đức ở lại trong khu vực đồng euro. Thường xuyên bị đánh giá là « ích kỷ » và bị châm biếm là « người dân tộc chủ nghĩa », thủ tướng Đức đã muốn thay đổi hình ảnh này, với việc tham gia khởi động phong trào « Tôi muốn Châu Âu » với lời phát biểu chào mừng khẳng định niềm tin vào sự củng cố mạnh mẽ của Liên hiệp Châu Âu và khu vực euro sau các cải cách. Mà để có được một Châu Âu mạnh, theo thủ tướng Đức Châu Âu cần một hiệp ước mới. Đây là điều mà thủ tướng Angela Merkel nhắc lại ngày hôm qua, từ Berlin trên kênh truyền hình ARD, và thủ tướng Đức muốn thực hiện điều này trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức tháng 9 năm tới 2013. Les Echos, trong bài « Merkel muốn đi xa hơn trong liên minh chính trị Châu Âu », ghi nhận phản ứng không mặn mà của nhiều đối tác Châu Âu, trước hết là Pháp, đối với sáng kiến của thủ tướng Đức. Theo một nguồn tin từ giới chức cao cấp Pháp, nếu Đức muốn một hiệp ước như vậy, thì điều này sẽ chỉ có thể diễn ra trong 3 đến 5 năm tới. Còn theo tổng thống Pháp François Hollande, Châu Âu sẽ phải điều chỉnh các hiệp ước, tuy nhiên trước hết phải xác định được các chính sách và mục tiêu chung. Và trước tiên phải tái tạo được tăng trưởng kinh tế, niềm tin và sự lạc quan của công luận đối với (triển vọng của) Châu Âu. Cũng về sự hội nhập chính trị của Châu Âu, Le Monde trong mục « Tranh luận », đăng tải bài viết đáng chú ý của các trí thức Đức nổi tiếng, nhà kinh tế Peter Bofinger, nhà triết học Jurgen Habermas và nhà triết học Julian Nida-Rumelin, cựu bộ trưởng Văn hóa, chỉ trích chính sách sai lầm của chính phủ Đức đối với tiến trình hội nhập này, trong bối cảnh khủng hoảng. Mitt Romney chính thức được cử làm cử viên tổng thống Mỹ của phe Cộng hòa Ngày hôm nay 27/08/2012, tại vịnh Tamba - tiểu bang Florida, đảng Cộng hòa có kế hoạch chính thức chỉ định ông Mitt Romney làm ứng cử viên tranh cử tổng thống Hoa Kỳ tại hội nghị toàn thể của đảng từ ngày 27-30/08/2012. 50.000 người được chờ đợi tham gia vào nghi thức này. Việc Mitt Romney chính thức nhập cuộc được nhiều báo Pháp quan tâm. Le Monde chạy tựa « Romney, hoàn toàn thuộc cánh hữu » trên trang nhất, với nhiều bài viết cho hồ sơ này. Bên cạnh cơn bão Issac đang ập vào ngăn cản buổi ra mắt của ứng cử viên Cộng hòa, đặc phái viên Le Monde từ Florida cho biết còn có một cản trở khác. Đó là việc hàng nghìn người biểu tình phản đối cuộc tập hợp của đảng Cộng hòa. 4.000 cảnh sát được triển khai để bảo vệ hoạt động này, nhiều phi cơ không người lái hoạt động để thu thập các thông tin về những hành động đe dọa đến cuộc tập hợp, một nhà tù của khu vực được sơ tán nhường chỗ để tạm giam khoảng 1.000 người mới bị bắt. Phụ trương Địa chính trị của Le Monde mang tựa đề « Mitt Romney, người không thể nắm bắt được », mô tả rõ hơn chân dung của ứng cử viên tổng thống Mỹ. Theo nhận định của Le Monde, để tranh thủ sự ủng hộ của các cử tri bình thường của đảng, ông Mitt Romney đã có nhiều nhân nhượng về phía hữu. Những thay đổi trong chính sách của ông khiến công chúng khó nhận biết lập trường chính thức của nhân vật này. Bài « Mitt Romney, sự báo thù của một người thừa kế » vạch lại hành trình sự nghiệp của ứng cử viên đảng Cộng hòa, với cha đẻ nguyên là thống đốc tiểu bang Michigan George Romney, đã từng có tham vọng trở thành tổng thống vào năm 1968. Việc ông George Romney có lập trường chống chiến tranh Việt Nam khiến tham vọng chính trị của ông bị chấm dứt. Bản thân Mitt Romney có nhiều điểm giống cha, là tín đồ trung thành của giáo phái Tin Lành Mormon, một người tận tụy vì gia đình và có một tài sản lớn. Le Monde ghi nhận chủ trương chính của ứng cử viên đảng Cộng hòa là Nhà nước ít can thiệp vào xã hội, ủng hộ đường lối « bảo thủ » trong một loạt lĩnh vực : kinh tế, chi phí công, thuế khóa, y tế, quốc phòng, ngoại giao, giáo dục, nhập cư và hôn nhân đồng tính. Một bài viết đáng chú ý khác trong phụ trương của Le Monde về đề tài này là : « Vì sao người Mỹ lại ít yêu mến Romney ». Theo điều tra mới đây của CNN, chỉ có 47% cử tri Mỹ thiện cảm với ứng cử viên Romney, trong khi đó 54% thiện cảm với tổng thống Obama, dù rằng đa số đánh giá thấp chính sách kinh tế của người đứng đầu nhà trắng. Những điều khiến Mitt Romney mất điểm là, giáo phái Mormon mà ông là tín đồ không được những người Thiên chúa giáo khác ưa thích, bên cạnh đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa là người có nhược điểm trong các giao tiếp với công chúng. Một nhược điểm khác của Mitt Romney là tư cách của một doanh nhân đầu tư tài chính thành đạt không giúp gì cho ông nhiều trong một quốc gia mà giới ngân hàng bị mất nhiều uy tín. Những thay đổi thái độ mới đây của ông về bảo hiểm y tế hay vấn đề nạo thai, khiến ứng cử viên Cộng hòa bị nhiều cử tri nhìn nhận là một chiếc chong chóng, một kẻ xu thời, kể cả trong phe Cộng hòa. |