Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-08-2012 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Bảy, 25 Tháng 8 Năm 2012 21:10 |
Phương Tây dồn sức hỗ trợ phe nổi dậy Syria
Một chiến binh phe nổi dậy tại phố Seif El Dawla, Alep 24/08/2012 (REUTERS)
“Điều khiển từ sau hậu trường” là chính sách mà phương Tây đang âm thầm thực hiện trên hồ sơ Syria. Một mặt, Mỹ, Anh và Pháp đang tìm kiếm một giải pháp hỗ trợ phe nổi dậy Syria, để đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ Damas. Mặt khác, phương Tây không muốn quyền lực rơi vào tay phe Hồi giáo cực đoan. Báo Le Monde đang bài phân tích « Phương Tây dồn sức hỗ trợ phe nổi dậy Syria ». Thời gian thúc bách. Chiến sự tại Syria đe dọa sự ổn định trong toàn khu vực. Liban sắp lung lay. Jordani nằm kề bất ổn. Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tình trạng báo động do các phiến quân nổi dậy người Kurde. Trong khi đó, lần thứ ba liên tiếp, Mỹ và các đồng minh không nhận được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc. Thêm vào đó, kế hoạch hòa bình do ông Kofi Annan đề ra đã gặp thất bại hoàn toàn. Giờ đây, Mỹ, Pháp và Anh phải thực hiện chính sách quyết đoán hơn để ủng hộ các phe nhóm chống Al-Assad trong nước. Tất cả đều chung một mục tiêu là chế độ Bachar al-Assad phải sụp đổ nhanh chóng, theo như nhận định của một nhà ngoại giao. Thế nhưng, phương tiện để thực hiện mục tiêu đó quá ư mù mờ. Trên danh chính ngôn luận, phương Tây không muốn cung cấp trực tiếp các loại vũ khí “sát thương” cho các phe nổi dậy. Chủ trương của Mỹ, Anh và Pháp là giúp đỡ phối hợp các phe nổi dậy và cung cấp tin tình báo. Còn vũ khí sẽ do các quốc gia Qatar và Ả rập Xê út hỗ trợ thông qua thị trường trôi nổi ở biên giới Syria. Mỹ cùng với Thổ Nhĩ Kỳ phụ trách công tác “tuyển chọn” phe nhóm chống Assad. Anh và Pháp sẽ tìm kiếm các điểm liên lạc giữa mớ quân nổi dậy hỗn độn không có đến một dàn chỉ huy trung ương thật sự. Tuy nhiên, Le Monde cho rằng phạm vi hoạt động của Mỹ và châu Âu không có mấy chắc chắn. Người ta có cảm giác là từ mấy tháng nay, phương Tây đang chạy theo đuôi cuộc khủng hoảng để tìm kiếm một đồng minh đáng “có thể tin cậy được”. Nỗi ám ảnh của họ là làm sao tránh được chuyện quyền điều hành đất nước rơi vào tay của phe Hồi giáo cực đoan Djihad, một khi chế độ Assad sụp đổ hoàn toàn. Sự thất vọng của quân nổi dậy do thiếu các loại vũ khí hiện đại để chống chọi với các chiến xa hay máy bay của quân đội chính quyền Damas, có nguy cơ trở thành miếng mồi ngon cám dỗ các phe hồi giáo cực đoan dòng Sunni, vốn hoạt động rất tích cực ngay tại vùng Vịnh. Trước mắt, phương Tây và các quốc gia trong khu vực gia tăng hợp tác nhằm gây áp lực tâm lý lên phe Assad. Một dấu hiệu khác cho thấy là Paris xích lại gần với Qatar, quốc gia từng tham chiến tại Lybia. Ngoài ra còn có dự án lập vùng cấm bay đối với không quân Syria. Mục tiêu là để cô lập chính quyền Damas. Bên cạnh đó, Anh – Mỹ còn đe dọa sẽ can thiệp quân sự nếu như Damas sử dụng vũ khí hóa học. Dù không chính thức thành lập một “liên minh” quốc tế, nhưng mỗi bên gánh vác một phần trách nhiệm sao cho sự ủng hộ phe nổi dậy có hiệu quả. Đồng thời, công tác chuẩn bị “chuyển tiếp chính trị” cũng đang được tiến hành. Theo Le Monde, như vậy, Mỹ và đồng minh châu Âu đang nhắm đến việc thay đổi chế độ Damas, bằng cách dùng phe nổi dậy để đánh el Assad, theo kiểu phương Tây “đứng giựt dây ở đàng sau”. Phương Tây một mặt còn đề cao vai trò của các nước Ả rập và Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác tìm cách cô lập Syria trong khối cộng đồng Hồi giáo. Chỉ có Iran cho tới giờ vẫn ủng hộ Damas. Đức dồn Hy Lạp vào chân tường Tại châu Âu, tình hình kinh tế Hy Lạp ngày càng trở nên đen tối. Người dân Đức không muốn tiếp tục hỗ trợ Hy Lạp, trong khi đó thủ tướng Đức, bà Angela Merkel muốn Athènes vẫn ở lại trong khối euro. Về đề tài này, phụ trang kinh tế tờ Le Figaro có bài nhận định đề tựa “Đức dồn Hy Lạp vào chân tường”. Bài báo viết, trong chuyến công du Đức đầu tiên lần này, chuyện ông Antonis Samaras, thủ tướng Hy Lạp, phải di chuyển bằng máy bay hạng thường hay ngụ trong một khách sạn kém sang trọng hơn cũng không thể nào xoa dịu được công chúng Đức. Trước các vị nguyên thủ Pháp và Hy Lạp, bà Merkel vẫn cương quyết giữ vững lập trường cứng rắn. Hôm qua, trong một buổi họp báo, thủ tướng Đức đã 4 lần lặp lại thông điệp rằng Đức vẫn muốn Hy Lạp ở lại trong khối, nhưng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tình hình cải cách để thanh toán nợ công. Theo Le Figaro, trên thực tế, phạm vi hoạt động của bà Merkel rất là hạn chế. Ngay trong nội bộ đảng của bà, nhiều tiếng nói phản đối ý tưởng gia hạn thời gian trả nợ cho Hy Lạp. Liên minh cầm quyền muốn bảo vệ lõi chính của châu Âu: đó là Tây Ban Nha và Ý. Nói như vậy, có nghĩa là Athènes có thể sẽ trở thành vật hy sinh để cứu hộ Rome và Madrid. Về mặt chính thức, kịch bản Hy Lạp rút ra khỏi khối đồng euro đã được nghiên cứu từ một năm nay. Như cảm nhận được điều này, thủ tướng Antonis Samaras đã phát biểu trong buổi họp báo rằng “người Hy Lạp cũng có lòng tự trọng, chúng tôi cũng không muốn lệ thuộc vào đồng tiền của người khác”. Le Figaro kết luận rằng dĩ nhiên người Đức cũng không mong muốn đi đến giải pháp tệ hại đó, nhưng họ cũng muốn Athènes phải giữ lời hứa. Na Uy thở phào nhẹ nhõm sau phiên xử Breivik Cũng tại châu Âu, nhưng trên lãnh vực pháp lý, Libération hôm nay có bài chạy tựa “Na Uy được giải thoát khỏi kẻ thảm sát Breivik”. Bài báo cho biết, cuối cùng kẻ thảm sát 77 người trên đảo Utoya đã bị tòa kết án 21 năm tù. Hầu hết, những ai sống sót và gia đình của các nạn nhân đều tỏ ra hài lòng về bản án này. Cuối cùng Na Uy cũng được thở phào nhẹ nhõm. Tên giết người hàng loạt Breivik bị tuyên án 21 năm tù. Phần đông những người sống sót và gia đình các nạn nhân đều cảm thấy rất hài lòng về bản án. Nhưng đàng sau sự thỏa mãn đó, Libération cũng không quên trích dẫn một nguồn tin từ một tờ báo trong nước cho biết, vụ xử nầy đã gây rất nhiều tốn kém cho dân chúng: sau 10 tuần xử án đã tiêu tốn đến 165 triệu cua-rôn, tức gần 22 triệu euro. Đa số những người tham gia phiên xử đều cho rằng bản án đưa ra rất thỏa đáng, rằng mọi chuyện sẽ khép lại từ đây và có thể hướng đến tương lai. Họ đều tỏ ra tin tưởng vào nền công lý và dân chủ của đất nước. Và họ cũng mong muốn là tên giết người Breivik sẽ bị gạt ra bên lề xã hội càng lâu càng tốt. Libération giải thích cho biết, 21 năm tù không có nghĩa là một ngày nào đó, Breivik lại có thể tìm thấy tự do. Bởi lẽ, anh ta bị liệt vào dạng “giam giữ phòng ngừa”. Do tại Na Uy không tồn tại mức án tù chung thân, “21 năm” là mức án cao nhất tại quốc gia này. Một viên phó giám đốc trại giam giải thích với Libération rằng, “giam giữ phòng ngừa cho phép tòa án đánh giá lại thời hạn bản án tùy theo nhu cầu. Chúng tôi tin rằng con người có thể thay đổi. Mục tiêu chính là chuẩn bị cho việc tái hòa nhập xã hội. Nhưng chúng tôi cũng không quá ngây thơ. Chúng tôi cũng biết rằng có những kẻ sẽ không bao giờ được ra khỏi tù”. Như vậy, đối với Breivik, sự hồi phục dường như là khó có thể. Đối với một số chuyên gia tâm thần học, Breivik bị rối loạn về cá tính. “Một kẻ giết chết một lúc 77 người vì một tư tưởng nào đó thì có cơ may một ngày nào đó anh ta hối hận về những hành vi của mình”, theo như lời nhận xét của một chuyên gia trên mạng Internet. Khủng hoảng kinh tế đè nặng lên bầu cử tổng thống Mỹ Kinh tế trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao đã khiến cho nhiều người Mỹ lo lắng cho tương lai mù mịt cho đất nước. Hơn 60% số người được hỏi cho rằng con cái của họ sẽ sống cực khổ hơn. Người dân Mỹ bắt đầu tỏ ra thất vọng, cho rằng tổng thống Obama phải gánh lấy trách nhiệm này. Trên đây là các nhận định của Le Figaro trong bài viết đề tựa “Khủng hoảng đè nặng lên bầu cử Mỹ”. Từng được xem là dân tộc lạc quan nhất, thì giờ đây người dân Mỹ lại bi quan hơn bao giờ hết. Trong một thăm dò điều tra, hơn 60% số người được hỏi đánh giá là đất nước đang đi theo hướng xấu: kinh tế đình trệ , tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức cao (8%). Giờ đây họ đã hiểu ra rằng mô hình kinh tế tăng trưởng nhờ vào nợ công và tiêu thụ từ hơn 20 năm nay không thể nào trụ được nữa. Đối với nhiều người Mỹ, đây rõ ràng là một “thảm họa” và ông Obama phải gánh lấy trách nhiệm. 18 ngàn tỷ đô-la tiền nợ là số tiền người dân phải gánh chịu. Họ tự hỏi liệu Hoa Kỳ có sẽ là một Hy Lạp sắp tới hay không. Nếu như vào năm 2008, đa phần giới trung lưu đều ủng hộ ông Barack Obama vì họ tin tưởng nhiều vào lời hứa “đổi thay” thì nay họ lại tỏ ra thất vọng, cho rằng chính ông đã làm cho tình hình ngày càng thêm tồi tệ. Một số dân chúng Mỹ bắt đầu quan tâm đến những đề nghị do ông Paul Ryan, phó tướng của Mitt Romney. Theo họ, Paul Ryan đã có một kế hoạch giảm chi tiêu can đảm. Người dân Mỹ tỏ ra nghi ngờ về chính sách bảo hộ và đòi hỏi “tinh thần trách nhiệm”. Đối với họ, chính phủ không phải là người “giữ trẻ” (baby-sitter). Ai cũng phải đóng góp một phần trách nhiệm ngay cả chuyện học hành của con cái. Nghĩa là cha mẹ đóng góp một phần, phần còn lại, con của họ phải tự đóng lấy bằng cách đi vay và đi làm để trả nợ, theo như nhận định của vị nữ giáo sư vừa về hưu. |