Home Tin Tức Thời Sự Mỹ có kế hoạch lập lá chắn tên lửa tại châu Á

Mỹ có kế hoạch lập lá chắn tên lửa tại châu Á PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Sáu, 24 Tháng 8 Năm 2012 10:20

Kế hoạch phòng thủ mới có mục tiêu trước mắt là Bắc Triều Tiên nhưng về lâu dài là Trung Quốc.

 

Mỹ muốn lập radar để phát hiện tên lửa đạn đạo bắn vào các hàng không mẫu hạm như chiếc USS George Washington (US Navy)

 

Báo Mỹ The Wall Street Journal, số ra ngày hôm nay, 23/08/2012, cho biết Hoa Kỳ đang có kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở châu Á, nhằm ngăn chặn mối đe dọa đến từ Bắc Triều Tiên, nhưng đồng thời, cũng nhằm chống lại sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Đây là một phần trong hệ thống phòng thủ, bao phủ một vùng rộng lớn ở châu Á, với việc đặt thêm trạm radar ở phía nam Nhật Bản và có thể ở Đông Nam Á, giúp phát hiện và bắn chặn kịp thời tên lửa của đối phương được phóng đi từ đất liền hoặc từ tàu chiến.

Kế hoạch này nằm trong chiến lược phòng thủ mới của chính quyền Obama, tập trung chú ý tới châu Á-Thái Bình Dương, khu vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế Mỹ.

Việc mở rộng hệ thống phòng thủ diễn ra trong bối cảnh Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực lo ngại về nguy cơ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân, cũng như thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp về chủ quyền biển đảo, như tại Biển Đông.

Giới hoạch định chiến lược quân sự Mỹ đặc biệt quan ngại về việc Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo chống tàu chiến. Loại vũ khí này đe dọa các hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, phương tiện chủ chốt cho phép mở rộng tầm hoạt động và sức mạnh quân sự.

Ông Steven Heldreth, cố vấn về vũ khí cho Quốc hội Mỹ, nói rõ, kế hoạch phòng thủ mới có mục tiêu trước mắt là Bắc Triều Tiên nhưng về lâu dài là Trung Quốc.

Phương tiện chủ chốt trong kế hoạch phòng thủ này là radar cảnh báo sớm, có tên gọi là X-Band. Một khi radar X-Band phát hiện và xác định được đường đi của tên lửa đối phương, hải quân Mỹ, từ các dàn phóng tên lửa đặt trên tàu hoặc trên đất liền, có thể bắn chặn phá hủy.

Năm 2006, Mỹ đã đặt một trạm X-Band ở Aomori, phía bắc Nhật Bản. Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ nói với The Wall Street Journal là Lầu Năm Góc đang thương lượng với Tokyo và có thể đạt được thỏa thuận trong vài tháng tới, về việc đặt thêm một trạm X-Band trên một hòn đảo ở phía nam Nhật Bản.

Vẫn theo nguồn tin này, Bộ Chỉ huy quân sự Thái Bình Dương và Cơ quan Phòng thủ chống tên lửa của Mỹ đang xem xét các địa điểm, để có thể đặt thêm một trạm radar thứ ba, ở khu vực Đông Nam Á, rất có thể là tại Philippines. Các cuộc thương lượng đang ở giai đoạn khởi đầu.

Ba vị trí đặt radar X-Band, ở phía bắc, phía nam Nhật Bản và tại Philippines, sẽ tạo thành một vòng cung, hướng về phía đông bắc châu Á, cho phép Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, phát hiện sớm, chính xác, các tên lửa đạn đạo được phóng đi từ Bắc Triều Tiên, cũng như từ một phần lãnh thổ Trung Quốc.

Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định là tương quan sức mạnh quân sự ở eo biển Đài Loan ngày càng mất cân đối, nghiêng về phía Trung Quốc.

 Hiện nay, Trung Quốc đặt từ 1000 đến 1200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn chĩa sang phía Đài Loan. Mặt khác, Bắc Kinh cũng phát triển các loại tên lửa đạn đạo, kể cả hỏa tiễn có thể bắn vào các tàu chiến đang di động, ở tầm xa 930 dặm.

Theo các quan chức cấp cao Mỹ thì hệ thống phòng thủ mới có thể giúp theo dõi và ít nhất là đẩy lùi được một cuộc tấn công có giới hạn, hoặc răn đe được mọi ý đồ tấn công của Trung Quốc.

Hải quân Mỹ có kế hoạch mở rộng hạm đội tàu chiến có trang bị hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo, từ 26 lên thành 36 chiếc, từ nay đến năm 2018 và 60% số tàu chiến này sẽ được triển khai ở vùng châu Á- Thái Bình Dương.