Biển Đông : Indonesia lại cảnh báo về nguy cơ chia rẽ sâu sắc trong ASEAN |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Sáu, 24 Tháng 8 Năm 2012 09:38 |
Mục tiêu hiện nay của Indonesia là thúc đẩy việc soạn thảo một bộ luật ứng xử của các bên ở Biển Đông
Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa trả lời phỏng vấn tại Ottawa, ngày 23/08/2012.
Ngày hôm qua, 23/08/2012, khi trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters, nhân chuyến công Canada, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã nhắc lại lời cảnh báo về nguy cơ Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN lại có thể bị chia rẽ sâu sắc hơn, cũng như bất đồng ngày càng lớn giữa ASEAN và Trung Quốc, trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ông Natalegawa cho biết, Indonesia đang cố gắng tái lập sự hài hòa, đồng thuận bên trong ASEAN, sau sự cố khối này không ra được bản thông cáo chung khi kết thúc cuộc họp của các Ngoại trưởng hồi đầu tháng Bẩy tại Phnom Penh, Cam Bốt. Nguyên nhân chính là bất đồng giữa Cam Bốt, nước hiện là chủ tịch ASEAN và một số quốc gia như Philippines, Việt Nam, trong việc đưa vấn đề Biển Đông vào bản thông cáo chung. Ngoại trưởng Indonesia nói : « Điều này không tốt… và chúng tôi sẽ phải làm tốt hơn trong lần tới ». Theo giới quan sát, ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực ngày càng lớn, tác động đến một số thành viên ASEAN, gây ra chia rẽ trong nội bộ khối này. Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với một vài thành viên như Cam Bốt, Miến Điện, nhưng lại có căng thẳng trong quan hệ với một số quốc gia khác như Việt Nam, Philippines, do các tranh chấp về chủ quyền biển đảo. Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông trong đó có các vùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, những nơi mà Việt Nam và Philippines đều khẳng định có chủ quyền. Nhiều vụ đối đầu đã xẩy ra trong thời gian qua, giữa tàu Trung Quốc và tàu của Việt Nam, Philippines. Gần đây nhất là vụ đối mặt căng thẳng giữa tàu bè Trung Quốc và Philippines ở bãi đá Scarborough, tại Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây Philiipines. Là một nước lớn, mạnh trong khối ASEAN, Indonesia muốn đóng vai trò trung gian trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông giữa một số nước ASEAN và Trung Quốc. Theo Ngoại trưởng Natalegawa, không có một quốc gia nào ở Đông Nam Á cũng như Bắc Á, chủ ý có thái độ hung hăng, muốn làm tổn hại đến ổn định và quan hệ hòa dịu trong khu vực. Những nguy cơ có thể xẩy ra là do tính toán, nhận thức sai lầm, rồi phản ứng lại một hành động nào đó và dẫn đến phản ứng dây chuyền. Mục tiêu hiện nay của Indonesia là thúc đẩy việc soạn thảo một bộ luật ứng xử của các bên ở Biển Đông, mang tính ràng buộc, giúp các bên liên quan có những hành động kiềm chế. Cho đến nay, Trung Quốc không cam kết cụ thể gì trong việc hợp tác với ASEAN để xây dựng một bộ luật ứng xử mang tính ràng buộc. Trong tháng Tám này, Ngoại trưởng Indonesia đã hội đàm với đồng nhiệm Trung Quốc Dương Khiết Trì và Bắc Kinh đã không có « phản ứng tiêu cực » về các bước cần phải làm trong thời gian tới. Giới chuyên gia nhận định, các bất đồng trong nội bộ ASEAN về hồ sơ Biển Đông sẽ cản trở khối này thực hiện tham vọng xây dựng một cộng đồng kinh tế chung, theo mô hình Liên Hiệp Châu Âu, vào năm 2015. |