Thủ tướng Nhật tái khẳng định quyết tâm từ bỏ lệ thuộc điện hạt nhân |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Năm, 23 Tháng 8 Năm 2012 13:10 |
Nhật Bản có trên 50 lò phản ứng hạt nhân
Nhân viên Tepco : việc tháo gỡ lò phản ứng và trừ khử phóng xạ đòi hỏi nhiều thời gian (Reuters)
Hôm qua, 22/08/2012, khi tiếp các đại diện phong trào chống hạt nhân, thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda nhắc lại quyết tâm đưa đất nước thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân « trong trung và dài hạn ». Theo ông Yoshihiko Noda, chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị một kế hoạch mới về năng lượng cho giai đoạn từ nay đến 2030, với ba kịch bản : Giảm tỷ lệ điện hạt nhân xuống còn từ 20% đến 25% trong tổng mức tiêu thụ điện hoặc chỉ giữ tỷ lệ này ở mức 15% và giải pháp cuối cùng là xóa bỏ hoàn toàn điện hạt nhân. Trước khi xẩy ra thảm họa Fukushima, ngày 11/03/2011, sản xuất điện hạt nhân chiếm gần 30% tổng mức tiêu thụ điện của xứ hoa anh đào. Thậm chí, có lúc Tokyo còn dự tính đưa tỷ lệ này lên tới 53% vào năm 2030. Trong cuộc gặp ngày hôm qua, đại diện phong trào chống hạt nhân nói thẳng với thủ tướng Nhật Bản : « Sự tức giận gia tăng kể từ khi Ngài đã cho khởi động các lò hạt nhân trong lúc thảm họa Fukushima chưa được giải quyết xong ». AFP cho biết, các lò phản ứng hạt nhân bị hư hại trong trận động đất và sóng thần năm ngoái tại Fukushima hiện ở trong tình trạng ngừng hoạt động và nguội lanh kể từ tháng 12/2011, tức là nhiệt độ được duy trì ở mức dưới 100°C. Đây là một tín hiệu tích cực trong việc khắc phục sự cố hạt nhân. Mức độ phóng xạ trên hiện trường rất thấp so với thời điểm tháng Ba năm 2011. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm để phòng ngừa nguy cơ làm cho tình hình thêm tồi tệ. Việc tháo gỡ lò phản ứng và trừ khử phóng xạ sẽ còn kéo dài trong nhiều thập niên. Nhật Bản có trên 50 lò phản ứng hạt nhân. Trước khi xẩy ra thảm họa Fukushima, nhiều lò đã ngừng hoạt động để bảo trì. Ngoài số lò bị hư hại nặng tại Fukushima, tất cả các lò phản ứng ở những nơi khác đều ngừng hoạt động hoặc để bảo trì định kỳ hoặc để tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn. Giữa tháng Sáu vừa qua, thủ tướng Noda mới chỉ cho phép hai lò ở nhà máy Oi, miền trung Nhật Bản, khởi động trở lại, nhằm đối phó với nạn thiếu điện trầm trọng, đặc biệt trong dịp hè. Quyết định này đã làm dấy lên phong trào biểu tình chống hạt nhân, được tổ chức hàng tuần, ngay trước văn phòng và dinh thự thủ tướng Nhật Bản. |