Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-08-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-08-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Tư, 22 Tháng 8 Năm 2012 12:25

 Sản xuất công nghiệp : Trung Quốc mất dần ưu thế


 

Nhân viên làm việc cho công ty Foxconn, tại Quảng Đông (Reuters)

 

Lương công nhân tại Trung Quốc cao hơn so với một số nước châu Á, thậm chí cao hơn cả một số nước Bắc Phi hay Đông Âu.

Một số nhà sản xuất công nghiệp lớn đang có xu hướng chuyển dời các cơ sở gia công về phía các quốc gia có giá thành rẻ hơn như Indonesia hay Bangladesh.

 Báo Le Monde đăng bài phân tích : « Trung Quốc mất dần thế ưu việt trên bản đồ công nghiệp mới ».

Theo thông báo của Bộ trưởng Thương Mại Indonesia vào hôm 14/08 vừa qua, tập đoàn Foxconn – Đài Loan sẽ mở một dự án đầu tư tại đây, trị giá từ 5 đến 10 tỷ đô-la và được dàn đều trong nhiều năm. Đây sẽ là một trong những dự án xây dựng nhà máy lớn nhất trên thế giới.

Jakarta tuyên bố sẵn sàng trải thảm đỏ đón tiếp tập đoàn Foxconn. Theo dự tính, Foxconne sẽ xây dựng một khu nhà xưởng có công suất lắp ráp 3 triệu chiếc iPad, iPhone và nhiều nhãn hiệu điện tử khác trong một năm. Ước tính, khu xưởng lớn nhất này, trong tương lai, có thể tạo việc làm cho khoảng một triệu người.

Nếu như dự án này vẫn được Foxconn giữ kín thông tin, nó cũng cho thấy diện mạo mới của tấm bản đồ công nghiệp.

 Hiện tại, Trung Quốc vẫn đứng đầu bảng xếp hạng với mức thu hút đầu tư nước ngoài trong năm rồi là 108 tỷ đô-la, bỏ xa các nước Brazil, Ấn Độ và Hoa Kỳ chỉ nhận được khoảng 60 tỷ đô-la.

Thế nhưng, với thời gian, Trung Quốc đang mất dần thế ưu việt. Việc chọn các điểm xây dựng khu công nghiệp đang nghiêng dần theo hướng có lợi cho các nước mới trỗi dậy khác tại châu Á, Bắc Phi và thậm chí là một số nước nằm rìa của khối Liên hiệp châu Âu.


Từ đầu năm 2012, mức đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm xuống 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng trong thời gian này, nhiều nhà sản xuất nước ngoài (như Toyota, Jeanci – công nghiệp dệt Thổ Nhĩ Kỳ, Emani – hãng mỹ phẩm Ấn Độ) tuyên bố mở rộng sản xuất sang các quốc gia khác như Brazil, Serbia, Ai Cập hay Bangladesh…

Điều đáng nói là trường hợp Foxconn. Cho đến giờ, tập đoàn này vẫn duy trì sản xuất tại Trung Quốc trong các điều kiện vẫn còn chấp nhận được : lương tối thiểu, giờ làm việc có thể co giãn vô biên, nhà máy mọc lên như nấm… Tại Hoa Kỳ, thì bị cảnh báo, còn tại Trung Quốc thì cũng bị phản đối, buộc tập đoàn phải nâng mức lương lên thêm 20% và phải xem xét lại phương pháp điều hành.

 Trước mắt, Foxconn không thể rời bỏ Trung Quốc, nhưng cũng đang nghiên cứu đến khả năng thiết lập một cơ sở mới tại Indonesia, hay Miến Điện, hai quốc gia có mức nhân công thấp hơn rất nhiều.

Không chỉ có các tập đoàn nước ngoài mới chuyển hướng đầu tư, ngay cả một số tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng đang nhắm đến việc chuyển dời hoạt động sản xuất các loại sản phẩm cấp thấp sang các nước khác có chi phí lương thấp hơn.

Le Monde cho rằng đây mới chỉ là bước đầu. Theo một nghiên cứu do Natixis công bố hồi tháng sáu, giá nhân công tại Trung quốc cao hơn các nước khác trong khu vực, thậm chí cao hơn cả một số quốc gia Bắc Phi hay Đông Âu.

 Bản nghiên cứu còn đưa ra một dự đoán gây sốc : giữa việc tăng lương bổng và tăng giá đồng nhân dân tệ, giá nhân công tại Trung Quốc nếu tính theo đồng tiền chung sẽ con cao hơn mức giá nhân công tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản theo trình tự 4, 5 và 7 năm.

Như vậy, trong tương lai « Trung Quốc sẽ không còn là điểm cạnh tranh nhất để sản xuất ». Thậm chí, các chuyên gia còn tiên đoán rằng dù năng suất lao động của công nhân Trung Quốc có tăng lên, « sự mất tính cạnh tranh về chi phí đáng kinh ngạc sẽ gây ra làn sóng dịch chuyển hoạt động sản xuất mạnh ».

Dù vậy, một số nhà đầu tư Pháp vẫn cho rằng giá thành sản xuất tại Trung Quốc vẫn rẻ hơn gấp 10 lần so với tại Pháp, nhất là nếu sản xuất với quy mô lớn.

Mặt khác, việc cung cấp nguyên vật liệu sẽ dễ dàng hơn. Đồng thời, châu Á vẫn là thị trường đầy tiềm năng.

Cuối cùng, Le Monde kết luận : mở một nhà máy tại Trung Quốc để bán cho người dân bản xứ thì được. Nhưng mà mở để xuất khẩu với một mức thấp cho thế giới thì càng ngày càng ít dần. Hơn nữa, đó cũng chính là điều mong ước của chính quyền Bắc Kinh, vốn đang muốn phát triển mạnh ngành công nghiệp. Dù rằng phải nhường chỗ sản xuất dòng sản phẩm giá rẻ cho các nước khác.

Hàn Quốc thử nghiệm « lớp học điện tử »

Không còn chuyện sẽ đến trường với chiếc cặp nặng ì ạch với nào là sách, vở, bút viết… Học sinh sẽ đến trường với những chiếc máy tính bảng : sách, giáo trình hay từ điển sẽ được kỹ thuật số hóa hoàn toàn và có thể truy cập Wi-fi được cài đặt trong mỗi lớp học. Đây chính là viễn ảnh lớp học điện tử tương lai tại Hàn Quốc.

Với bài viết đề tựa, « Hàn Quốc thử nghiệm ‘lớp học công nghệ số’ », La Croix cho biết Bộ giáo dục xứ sở Buổi sáng bình yên vừa đưa ra một dựa án giáo dục đầy tham vọng - dự án « giáo dục thông minh ».

 Hiện tại đã có 40 cơ sở thí điểm « lớp học điện tử » đầu tiên đang được thử nghiệm.

Tại trường tiểu học Sukjung, ở vùng ngoại ô lớn của Seoul, giờ học tiếng Anh và khoa học được giảng dạy thông qua các máy tính bảng.

 Trong lớp học, tấm bảng đen được thay thế bằng một màn hình cảm ứng rất lớn. Không những cô giáo tiếng Anh có thể trình bày bài giảng của mình mà cô còn có thể cùng lúc giám sát 30 chiếc máy vi tính cầm tay của các học trò ngồi trước mặt mình. Dĩ nhiên, trò chơi điện tử hay … trên Internet là bị cấm đoán.

Theo quan sát của La Croix, giờ học rất là sôi động. Em nào cũng muốn được lên trình bày bài làm của mình trên chiếc màn hình to lớn. Cuối giờ học, máy tính bảng sẽ được cất vào các ngăn tủ ở cuối lớp học. Và học sinh sẽ gởi trả bài làm mà giáo viên cho qua mạng Internet.

Hầu hết, các học sinh được La Croix hỏi đều nhìn nhận rằng các bài giảng kỹ thuật số rất sống động và dễ sử dụng nhờ vào âm thanh và hình ảnh kèm theo. Nhưng theo các em, viết trên vở vẫn tiện hơn là đánh trên máy tính. Bởi lẽ, không phải ai cũng có thể đánh máy nhanh được.

Một giáo viên cho La Croix biết, chính phủ sẽ tài trợ máy tính miễn phí cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, dự án « lớp học điện tử » cũng không nhận được sự ủng hộc tuyệt đối của giới sư phạm.

Một số nhà giáo có tuổi không mấy tán đồng về dự án. Theo họ, dự án trên chỉ làm giàu cho các nhà sản xuất như Samsung hay LG. Mặt khác, « trẻ tiếp xúc máy vi tính càng trễ, thì càng tốt. Bởi vì, nếu trẻ ngồi trước các hình ảnh động đầy màu sắc càng sớm, thì phản ứng các tác nhân kích thích sẽ càng chậm lại. Bọn trẻ sẽ không còn lắng nghe lời thầy giảng nữa », theo như lời nhận định của bà giám đốc trung tâm hỗ trợ chống ghiền Internet.

Nỗi ngờ vực của người Miến Điện lưu vong tại Thái

Chỉ trong vòng có hơn một năm, chính phủ Miến Điện đã đưa ra một loạt các chính sách cải cách và kêu gọi hòa giải dân tộc. Và gần đây nhất, chính quyền Naypyidaw đã tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh kiểm duyệt báo chí. Thế nhưng, các chính sách mở cửa do tổng thống Thein Sein đề ra chỉ được các cộng đồng Miến Điện lưu vong đón nhận với một thái độ ngờ vực.

Đề tài này được báo Le Monde phản ảnh qua bài phóng sự đề « Mối ngờ vực của người Miến Điện sống lưu vong tại Thái Lan ».

Từ Chiang Mai, Thái Lan, nơi phần đông những người Miến Điện lưu vong sinh sống, họ quan sát một cách tỉ mỉ và với một cái nhìn dò xét quá trình « dân chủ hóa » của tổng thống Thein Sein. Nhiều người trong số họ cũng đã thực hiện nhiều chuyến trở về trong năm nay. Thế nhưng, theo từng trường hợp, mà các cảm nhận và phân tích của họ khác hay ăn khớp với ý kiến của các bạn bè của họ ở lại trong nước.

Các báo đài lưu vong đều nhìn tiến trình « mở cửa » chính trị và kinh tế của tổng thống Thein Sein dưới ánh mắt ngờ vực.

 Kể từ mùa xuân năm 2011, chính quyền Naypyidaw đã đưa ra một loạt các lời hứa ít nhiều được thực hiện : trả tự do cho một số đông tù nhân chính trị, tự do báo chí một phần, đảm bảo mang tính chất lý thuyết về quyền biểu tình, thành lập nghiệp đoàn tự do, chính sách mở rộng vòng tay với các nhóm vũ trang của các bộ tộc thiểu số, tự do hóa nền kinh tế, và tư nhân hóa các tập đoàn nhà nước…

Nhiều báo đài lưu vong tại Chiang Mai như « Tiếng nói dân chủ Myanmar » hay như tờ bán nguyệt Irrawady đều cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể mở văn phòng đại diện tại Rangun. Theo họ, « tiến trình dân chủ hóa chỉ mới ở giai đoạn đầu. Người dân Miến Điện vẫn chưa đủ chín để tham gia hoàn toàn vào những sự thay đổi này ».

Tuy Miến Điện tuyên bố dỡ bỏ lệnh kiểm duyệt báo chí, nhưng các báo đài lưu vong vẫn tỏ ra ngờ vực, cho rằng « việc hủy bỏ thật sự lệnh kiểm duyệt vẫn còn lâu mới thành hiện thực. Chính quyền vẫn cố trì hoãn, các lời hứa lại quá mơ hồ… ».

Một mặt, họ thừa nhận rằng tổng thống Miến Điện rất « thành thật » và là một « nhà cải cách thật thụ ». Mặt khác, họ vẫn tỏ ra nghi ngờ về khả năng quân đội rút lui thật sự khỏi chính trường.

Theo nhận định của ông tổng biên tập tờ Irrawady tại Chiêng Mai, tổng thống « Thein Sein đang mạo hiểm trước những người theo phe cứng rắn có mặt trong chính phủ. Tiến trình mà ông đã thực hiện, đầu tiên là nhằm giữ khoảng cách với Trung Quốc, tiếp đến là cải thiện mối quan hệ ngoại giao giữa Myanmar với phương Tây vẫn còn quá mong manh… ».

Về phần các đại diện của các sắc tộc thiểu số lưu vong, họ vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn vào chính sách mở rộng vòng tay của chính phủ với các nhóm lực lượng vũ trang sắc tộc thiểu số. Theo họ, chưa thể nào bàn đến chuyện « ngừng chiến » trong khi các thỏa thuận về đình chiến vẫn luôn bị thường xuyên bị các bên vi phạm.

Đối với số người sắc tộc sống lưu vong, Mỹ và Châu Âu đã quá ngây thơ và đang bị lừa khi tin rằng Miến Điện đang trên đà dân chủ hóa.

 Và điều sai lầm, là các cường quốc phương Tây lại quá tin tưởng vào bà Aung San Suu Kyi, trong khi bản thân bà cũng đã thất bại, cuộc chiến của bà đã chẳng làm thay đổi được gì tại Miến Điện.