Từ sứ quán Ecuador, Julian Assange thách thức nước Anh |
Tác Giả: Anh Vũ / Lê Hải |
Thứ Hai, 20 Tháng 8 Năm 2012 12:14 |
Hãng tin Reuters đánh giá nội dung bài phát biểu của ông là "mắng mỏ" Hoa Kỳ
Ông Julian Assange phát biểu trên ban công tòa đại sứ Ecuador ở Luân Đôn, 19/08/2012
Sau hai tháng chạy vào sứ quán Ecuador trốn sự truy đuổi của tư pháp Anh, hôm qua 19/08/2012 Julian Assange, ông chủ của Wikileaks đã xuất hiện trên ban công của tòa nhà đại diện ngoại giao của nước Trung Mỹ tại Luân Đôn và có bài phát biểu yêu cầu Hoa Kỳ chấm dứt cuộc săn đuổi ông. Việc Ecuador chấp nhận cho Julian Assange tỵ nạn chính trị đã làm dấy lên những căng thẳng ngoại giao giữa nhiều nước Mỹ latinh với một số nước phương Tây. Là tâm điểm của vụ việc, Anh Quốc đang rơi vào tình huống khó xử. Sự xuất hiện của Asange cùng những lời lẽ hùng hồn chỉ trích các nước phương Tây về quyền tự do ngôn luận đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận và như là một thách thức với chính phủ Anh. Từ Luân Đôn, thông tín viên Lê Hải tường trình : Sự xuất hiện của Julian Assange trên ban công đại sứ quán Ecuador ở London trở thành tâm điểm quan tâm hàng đầu của thế giới. Từ vùng Vịnh xa xôi, tờ báo Khaleej Times đăng lại bài của hãng tin AFP với hàng tít mô tả sự kiện này giống như chào đón một ngôi sao nhạc rock. Có trên 200 hâm mộ viên tụ họp lại trước cửa tòa đại sứ nằm ngay cạnh cửa hàng Harrods nổi tiếng ở trung tâm London, đem theo loa cầm tay để nói vọng vào bên trong những lời ủng hộ và gởi gắm. Người ta mong chờ giờ xuất hiện của Assange đến nỗi đếm ngược từng phút như mừng năm mới. Tất cả các hoạt động đó đều được ghi nhận hết trong các ống kính truyền hình trực tiếp cũng như là máy ảnh và bài tường thuật của trên 150 nhà báo có mặt tại đây. Vòng ngoài còn có thêm cảnh sát giữ trật tự và phân luồng giao thông cho nên có lẽ quí vị phải có mặt tại đây thì mới cảm nhận hết được sự phấn khích của đám đông, đã được khởi động bằng những bài phát biểu của nhiều nhân vật cánh tả nổi tiếng, bây giờ được nhìn thấy ông chủ của trang mạng Wikileaks tươi cười trên ban công và mở đầu bài phát biểu bằng câu hỏi "quí vị nghe tôi nói có rõ không". Julian Assange ca ngợi binh sĩ Bradley Manning, người có nguy cơ bị ngồi tù chung thân vì tội tiết lộ các tài liệu bí mật, cũng như ca ngợi các cô gái trong ban nhạc punky rock của Nga Pussy Riot, mới vừa bị án tù vì tội hát các bài hát có nội dung chống Putin. Và trên hết, ông yêu cầu tổng thống Mỹ Barrack Obama phải ngưng ngay mọi hành động chống lại quyền tự do ngôn luận của trang mạng do ông sáng lập Wikileaks. Hãng tin Reuters đánh giá nội dung bài phát biểu của ông là "mắng mỏ" Hoa Kỳ, còn tờ Telegraph thì coi hành động của Assange là thách thức chính phủ Anh. Rõ ràng là anh đang bị truy nã vậy mà ngang nhiên đứng phát ngôn qua cửa sổ, chỉ cách tốp cảnh sát đứng ngay trên vỉa hè cách đó vài mét. Tờ Guardian thì mở riêng một chuyên mục dành cho Julian Assange liên tục cập nhật những diễn biến mới nhất và bình luận sắc bén từ nhiều phía và trong nhiều lãnh vực khác nhau cùng liên quan. Julian Assang gây khó xử cho ngoại giao Phương Tây Khúc mắc lớn nhất là câu chuyện ngoại giao. Chính phủ Anh rõ ràng là mất mặt trước dân chúng trong vụ này, đặc biệt là sau cáo buộc cho rằng cảnh sát từng thử đột nhập vào đại sứ quán Ecuador trong đêm bằng cửa thoát hiểm để bắt ông Assange, vi phạm nguyên tắc ngoại giao. Chính phủ Anh chắc chắn cũng mất mặt với chính phủ Thụy Điển là nước đang đòi dẫn độ và đặc biệt là mất mặt với đàn anh Hoa Kỳ là nước thiệt hại nhiều nhất vì các hoạt động của Wikileaks. Nhưng khúc mắc lớn hơn nữa là các nguyên tắc ngoại giao trên thế giới và những gì các nhà ngoại giao phương Tây đang làm để cổ xúy dân chủ trên thế giới. Quí vị chắc còn nhớ vụ một linh mục người Hungary chạy vào đại sứ quán Mỹ ở Budapest rồi sống ở đó, hay những người tị nạn Bắc Triều Tiên chạy vào các tòa đại sứ phương Tây ở Bắc Kinh để được chuyển tiếp sang Nam Hàn. Bây giờ một người Úc lại chạy vào sứ quán Ecuador ngay tại London, để trốn khỏi điều mà ông mô tả là áp bức quyền tự do ngôn luận ở các nước phương Tây do Hoa Kỳ đứng đằng sau giật dây. Trên diễn đàn người ta bàn cãi với nhau xem, Assange có thể an toàn bước ra xe ô tô đi đến sân bay, rồi từ đó bay thẳng về Ecuador hay không. Thế nhưng, chưa thấy ai dám nhắc đến khả năng sau khi được chấp thuận đơn tị nạn, Julian Assange có thể bỏ quốc tịch Úc và nhập quốc tịch Ecuador rồi lập tức trở thành lãnh sự danh dự cho nước này, mang quyền ngoại giao tự do đi vòng quanh thế giới, không còn là một người tị nạn trốn chạy như bây giờ. Đó mới sẽ là một cú đánh vào biểu tượng tự do dân chủ của thế giới phương Tây. Tuy nhiên, chỉ riêng chuyện người sáng lập trang mạng Wikileaks gặp rắc rối và phải xin tị nạn ở một nước thuộc thế giới thứ ba đã đủ để làm đảo lộn trật tự thế giới trong hệ qui chiếu truyền thông, khi mà Ecuador vốn từ trước đến nay vẫn thường bị chỉ trích là thiếu tự do báo chí. Nhìn rộng ra, câu chuyện của Julian Assange và Wikilieaks không đơn giản là câu chuyện về một con người nổi tiếng hay một kênh truyền thông lớn, mà còn là một xu hướng chính trị cánh tả kiểu mới ở tầm thế giới, tấn công vào chính những giá trị đã trở thành chuẩn mực và biểu tượng của các nước phương Tây. Nước Anh là trung tâm của định chế ngoại giao quốc tế, là trung tâm của nền báo chí thế giới, và cũng là một trong số những nút giao thông trọng yếu về tị nạn chính trị. Nếu điểm lại những câu chuyện khiến vụ Julian Assange luôn chiếm trang nhất các tờ báo lớn, thì chúng ta sẽ thán phục ông cùng các cố vấn đã chọn địa điểm rất chính xác và lần lượt chơi các ván cờ qui tắc rất chuẩn xác. Hết qui trình kiện tụng về luật trục xuất và dẫn độ, bây giờ là đến thông lệ ngoại giao và tiếp theo sẽ là qui trình di dân và tị nạn chính trị liên quan đến quyền tự do báo chí. Vụ tỵ nạn chính trị có tính toán chuẩn xác của Julian Assange Khi xin tị nạn thì đương sự không còn là người của một quốc gia cụ thể nào cả, kể cả nước Úc là nơi ông mang quốc tịch cũ, nước Ecuador là nơi ông xin đến, lẫn nước Anh là nơi ông nộp đơn. Theo công ước Geneva thì Julian Assange đã trở thành công dân của Liên hiệp quốc và được quốc tế bảo vệ, như chúng ta thường thấy hình ảnh binh sĩ mũ nồi xanh dương của Liên hiệp quốc đến các vùng có chiến sự để bảo vệ những người như vậy. Đòi hỏi của Julian Assange bây giờ chính là những điều cơ bản nhất mà các nước phương Tây hằng rao giảng về quyền cơ bản nhất của con người là được sống tự do. Cuộc chiến của Julian Assange và những người ủng hộ ông là phép thử không riêng cho một quốc gia mà cho chính hệ thống định chế quốc tế liên tục được xây dựng trong suốt hàng trăm năm qua. Lập luận của ông về chuyện phương Tây đặt bẫy cũng không khác gì lập luận của các nhà bất đồng chính kiến ở các nước độc tài toàn trị thường tố cáo chính phủ nước họ. Nhìn từ góc độ ngược lại của những người tin rằng Julian Assange thực sự có mắc tội hiếp dâm do không dùng bao cao su thì câu chuyện này cũng là một trường hợp cụ thể để họ đánh giá lại hệ thống luật lệ mà mình đang sống trong đó, từ những qui định có thể là vô lý cho đến quá trình tố tụng nhìn từ phía bị cáo. Có lẽ đó chính là những gì mà Julian Assange muốn trình bày từ cửa sổ tòa đại sứ Ecuador ở khu Knighbridge ở trung tâm London, chỉ cách công viên Hyde Park nổi tiếng với khu tự do phát biểu chỉ vài bước chân, sau câu hỏi xem thính giả nghe có rõ hay không.
|