Thao túng châu Phi, doanh nhân Trung Quốc lãnh hậu quả |
Tác Giả: Tú Anh |
Thứ Bảy, 18 Tháng 8 Năm 2012 18:57 |
Lá bài « tình hữu nghị « của Trung Quốc đã bị lật ngữa.
Công nhân mỏ than ở vùng Kitwe, tại Zambia (Getty Images)
Không được trả lương xứng đáng và đúng hạn, công nhân một mỏ than ở Zambia châu Phi nhưng do một tập đoàn Trung Quốc làm chủ, đã nổi loạn giết chết quản đốc Ngô Sinh Tài. Vụ việc xảy ra vào hôm 05/08/2012, minh họa cho mặt trái của bức tranh « hữu nghị » và những bất trắc trong chính sách đầu tư hay đúng hơn là khai thác tài nguyên châu Phi mà Bắc Kinh tiến hành trong 10 năm nay. Zambia là quốc gia châu Phi da đen đứng hàng thứ ba, sau Nam Phi và Nigeria nhận được đầu tư của Trung Quốc với khoảng 1 tỷ đôla. Qua số liệu do chính Bắc Kinh công bố nhân hội nghị Trung Quốc-Phi Châu lần thứ 4 tại Ai Cập hồi tháng 11 năm ngoái thì tiến độ hợp tác kinh tế và chính trị của Trung Quốc tại toàn châu lục giàu tài nguyên này đã vượt trội Hoa Kỳ, Pháp lẫn G7 cộng với Nga. Từ Bắc Phi cho đến Nam Phi , Trung Quốc đổ hàng chục tỷ đôla mặc dù bản thân Trung Quốc cũng đang gặp khó khăn do khủng hoảng toàn cầu : 15 tỷ tại Algérie, 4,1 tỷ tại Nam Phi… và sẽ « tiếp tục chính sách hợp tác , nâng cao trị giá gia tăng cho tài nguyên châu Phi…. » Vụ công nhân mỏ than Zambia nổi loạn giết quản đốc và gây thương tích cho một người thứ hai cách đây 10 ngày, xảy ra không đầy hai năm sau vụ lãnh đạo tập đoàn Trung Quốc khai thác mỏ đồng nổ súng đàn áp công nhân tranh đấu đòi tăng lương gây thương tích cho 12 người. Một năm sau vụ này, người dân đã bầu một nhà chính trị có chủ trương đòi Trung Quốc phải tôn trọng luật lệ và quyền lợi Zambia lên làm tổng thống. Tổng thống Michael Sata cảnh báo giới đầu tư Trung Quốc là phải biết thế nào là « quyền lợi hai chiều ». "Lá bài bị lật ngửa" Tháng 7 vừa qua khi đi thăm Trung Quốc, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã cảnh báo chính quyền Trung Quốc rằng mô hình trao đổi thương mại của Trung Quốc « không thể tồn tại lâu dài ». Vài hôm sau, khi đến thăm Sénégal, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gián tiếp lên án Trung Quốc thay vì «làm tăng giá trị cho tài nguyên châu Phi thì lại khai thác nó đem đi ». Một năm trước , tại Lusaka, thủ đô Zambia, ngoại trưởng Mỹ đã trực tiếp lên án « cách đầu tư của Trung Quốc luôn luôn đi ngược lại chuẩn mực quôc tế về minh bạch và hiệu quả » với mục tiêu sau cùng là thu tóm khoáng sản , dầu khí, gỗ mang về bản quốc. Trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia quốc tế cũng đã chỉ trích Trung Quốc hành xử như một « thực dân mới ». Tuy nhiên, lời lên án mạnh mẽ nhất xuất phát từ châu Phi. Giám đốc kinh tế của Liên Hiệp Châu Phi René N’Guetta Kouassi tuyên bố « không thể để cho châu Phi thoát khỏi một chính sách tân thực dân để rồi bị cột tay cột chân vào thực dân mới Trung Quốc ». Tuy châu Phi có nhiều nước nghèo nhưng báo chí được tự do. Họ chỉ trích ba thiệt hại khi hợp tác với Bắc Kinh : một là không có chuyển giao công nghệ, hai là chất lượng hàng Trung Quốc rất xấu và ba là cán cân thương mại với Trung Quốc bất lợi cho châu Phi. Còn theo chuyên gia Pháp Joël Ruet, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia, thì ngoài nhu cầu nhiên liệu và nguyên liệu,Trung Quốc còn sử dụng « đòn bẩy » này để khống chế thị trường khoáng sản thế giới. Lá bài « tình hữu nghị « của Trung Quốc đã bị lật ngữa. Để tìm hiểu thêm về chiến thuật của Trung Quốc xâm nhập và xây dựng thế lực tại châu Phi, RFI đặt câu hỏi với chuyên gia Ngân Hàng Thế Giới Đinh Xuân Quân. RFI : Có phải thật sự tại châu Phi người dân phẫn nộ chống và giết người Trung Quốc ? Tiến sĩ Đinh Xuân Quân : Tại Zambia – một xứ mà tôi mới qua làm việc vài tháng trước thì theo báo chí thì các công ty Trung Quốc đã đầu tư trên một tỷ đô la vào các lãnh vực hầm mỏ trong đó có mỏ đồng và than. Tại Zambia, mỏ Collum nằm cách thủ đô Lusaka trên 300 km, hai năm trước đã có xẩy ra vụ đụng độ giữa công nhân và ban lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc. Chủ nhân Hoa Lục đã nổ súng làm 13 người bị thương và nay ông chủ người Hoa bị toà xử án tù. Mới đây công nhân lại than phiền họ bị ngược đãi và bóc lột. Kỳ này các công nhân đã nổi loạn và giết một quản đốc người Trung Quốc vì tranh chấp tiền lương. Họ than phiền chủ Trung Quốc không trả lương tối thiểu theo quy định của chính phủ Zambia. Như vậy là không phải lần đầu có tranh chấp giữa chủ nhân Trung Quốc và công nhân châu Phi. RFI : Chính sách cúa Trung Quốc và cách đối xử của doanh nhân Hoa Lục tại các nước châu Phi mà ông đã từng có kinh nghiệm làm việc, như thế nào mà làm dân chúng nổi giận? Tiến sĩ Đinh Xuân Quân : Có nhiều lý do về tranh chấp giữa Trung Quốc và công nhân hay người địa phương. Tại Zambia không chỉ trong khu vực hầm mỏ nhưng nhà đầu tư Trung Quốc còn vào nông nghiệp và nghành buôn bán. Trung Quốc cũng trồng rau và nuôi gà – họ bán phá giá từ 40 đến 65% rẻ hơn. Đây có phải là vì họ làm tốt hơn hay đây là cách họ làm tại nhiều nước khác phá thị trường – giết các nhà sản xuất địa phương và giành thị trường ? Về hầm mỏ, vào năm 2006 chủ tịch tỉnh trách là các công nhân Zambia bị cư xử như heo – lợn – không được coi như là người nữa. Vào 2010 thì đã có vụ nổ súng và nay 2012 có vụ một quản đốc bị giết. Cũng như anh đã biết thì ngành hầm mỏ là khu vực có nhiều tai nạn nhất và theo các con số chính thức thì trên 5000 thợ mỏ Trung Quốc mất mạng và con số đó lên tới 20000 theo thẩm định của các tổ chức phi chính phủ NGO theo dõi. Các hầm mỏ của Trung Quốc tại Zambia thì cũng theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, do đó các vụ bảo vệ công nhân còn thấp so với tiêu chuẩn Anh, nước chiếm Zambia làm thuộc địa trước đây. Tại Zimbabwe, các xí nghiệp nước ngoài cần có vốn địa phương nhưng đối với Trung Quốc thì tại Zimbabwe các xí nghiệp Trung Quốc chỉ cần có 30-40% vốn địa phương mà thôi. Cũng như anh đã biết, tại Zimbabwe thì Trung Quốc còn bán súng ống cho quân đội của ông Tổng thống Mugabe và vì vậy ông ta cho Trung Quốc nhiều quyền lợi mà các công ty quốc tế khác không được. Hơn nữa khi các công ty Trung Quốc làm việc thì họ mang nhân công của họ, ở riêng biệt không trộn với dân địa phương và được chính phủ họ trợ cấp. Tóm lại, các tiêu chuẩn an toàn hầm mỏ của TrungQuốc còn thấp nhiều so với các nước tiên tiến. Thứ hai, cách thức Trung Quốc cạnh tranh buôn bán làm cho các xí nghiệp địa phương và làm cho dân bực tức vì doanh nghiệpTrung Quốc được các công ty quốc doanh gốc hỗ trợ. Các công ty quốc doanh Trung Quốc lại được chính phủ họ bao che. Nhân viên Trung Quốc ở riêng biệt không sống chung với dân địa phương, vv. RFI : Với tư cách là chuyên gia tại châu Phi, xin anh nhận định về thông tin báo chi quốc tế lên án Trung Quốc phá hoại môi trường? Tiến sĩ Đinh Xuân Quân : Mới đây tôi có đi một số nước (tôi đã làm trên 18 xứ phi châu) như Liberia, Zimbabwe, Zambia, Swaziland, vv. Sự hiện diện của Trung Quốc khá nhiều và ngày càng bành trướng. Trung Quốc cần phát triển kinh tế cho nên họ cần đến Phi châu về các vấn đề nguyên liệu.Thương mại hàng năm giữa Phi châu và Trung Quốc lên đến 120 tỷ đô la/năm (14% của thương mại Trung Quốc). Luôn luôn Trung Quốc cho vay nhẹ lãi và việc này được dùng vào trả tiền cho các công ty quốc doanh TQ [Tiền nằm tại Trung Quốc chứ không có tại Phi châu]. Nhiều nhà độc tài Phi muốn được Bắc Kinh giúp như ông Robert Mugabe của Zimbabwe hay Omar Al Bashir của Soudan, vv. Các công ty Trung Quốc lo về hạ tầng cơ sở (3/4) và nông nghiệp.Họ xây đường, cầu. Theo Standard Bank Group Ltd thì đầu tư của Bắc Kinh có thể lên đến $50 tỷ vào vài năm tới, thương mại có thể lên từ 120 tỷ đô la (2010) lên đến 300 tỷ đô la vào 2015. Các công ty Trung Quốc như Aluminum Corp. of China Ltd, CNOOV đầu tư và mua khoáng sản (sắt, dầu khí và đồng), chú ý đến tăng trưởng kinh tế, sinh lời và các đầu tư của họ nhằm “tối đa hoá lợi nhuận” do đó ít chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn công nhân, quyền lợi lao động hay bảo vệ thị trường [vì họ áp dụng các tiêu chuẩn TQ – do đó phá hoại môi trường thiên nhiên]. Cựu Tổng thống Thabo Mbeki của Nam Phi và cựu Tổng thống Olusegun Obasanjo của Nigeria đã lớn tiếng chỉ trích các công ty Trung Quốc và coi họ như “tân đế quốc - new Chinese colonialism.” Tại vườn Loango (Loango National Park), các công ty Trung Quốc đã tìm dầu khí và họ đã lén lút làm việc trong nhhiều khu vực cấm. Công ty SINOPEC đã phá khu rừng cấm, giết nhiều động vật và cây cối. Công ty Metal products Company Limited (WEMPCO) bị tố cáo làm ô nhiễm sông ngòi qua việc thải chất độc xuống sông gây khó khăn cho ngư dân địa phương. Khi xây các đập thì các công ty TQ cũng phá môi trường, vv. RFI : Trung Quốc có hành động tương tự như vậy khi đầu tư ở phương Tây ? Tiến sĩ Đinh Xuân Quân : Khi các công ty Trung Quốc làm việc với Âu châu, họ phải theo luật lệ của Âu châu về môi trường, bảo vệ an toàn công nhân, vv. Luật lệ rõ ràng và khả năng kiểm soát của các nước cao cho nên khó mà qua mặt áp dụng các tiêu chuẩn Trung Quốc tại Âu châu. Trung Quốc khó mua – hay khó hối lộ những quan chức Âu châu cho nên việc này không xẩy ra. Chính phủ Trung Quốc luôn luôn tập trung vào kinh tế và họ chịu tài trợ một cách dễ dàng các nước Phi Châu. Các chính quyền bảo vệ Trung Quốc vì họ là nước đầu tư mới về hạ tầng, hầm mỏ, khai thác tài nguyên dầu khí, buôn bán, vv. Tại Châu Phi, Trung Quốc biết chia rẽ các thế lực chính trị (tham nhũng hay quyền lợi khác). Họ biết cách làm việc với các nước Phi châu (tham những) và vì khả năng yếu kém thực thi luật bảo vệ an sinh, kiểm tra lao động… của các nước này. Các nước châu Phi mời mình qua để giúp họ trong vấn đề luật lệ hay làm cho cách quản lý đất nước tốt hơn. Đó là chuyện khó nhưng có được kinh nghiệm đó thì sẽ khiến cho Trung Quốc không thể muốn làm gì thì làm. Tuy nhiên phải mất nhiều thời gian. RFI xin thành thật cảm ơn tiến sĩ Đinh Xuân Quân |