Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-08-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-08-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Năm, 16 Tháng 8 Năm 2012 15:18

 Bất hòa Hàn - Nhật vì những hòn đảo tí hon


 

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak trong chuyến đi thăm đảo Dokdo, người Nhật gọi là Takeshima (REUTERS /Yonhap)

 

Về thời sự Châu Á, vùng biển Hoàng Hải rất được chú ý với cuộc tranh chấp Nhật Bản- Hàn Quốc được báo giới Pháp theo dõi.

Tờ Libération chạy tựa ở trang thế giới : « Trận chiến các đảo nhỏ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc ».

 Libération nhắc lại bối cảnh cũng như nêu bật hậu quả của các sự kiện đã gây thêm căng thẳng trong mấy ngày qua.

Mở đầu bài báo, tác giả Arnaud Vaulerin ghi nhận : Thế là cuộc tranh chấp trên các đảo Dokdo/ Takeshima lại bùng lên. Tokyo vừa kêu gọi đến Toà án Quốc tế (CIJ) La Haye.

 Nhật Bản cho là chuyến viếng thăm thứ Sáu vừa qua của tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đến vùng hai bên đang tranh chấp là một sự hiện « không thể chấp nhận và rất đáng tiếc ».

Bài báo đã mô tả quần đảo gay bất hòa : Khoảng 40 mỏm đá, chung quanh hai đảo chính. Diện tích chung không đầy 200.000 mét vuông, Dokdo tên Hàn Quốc, có nghĩa là Độc đảo, Takeshima, tức là Trúc đảo. Hiện nay trên đảo chỉ có một cặp vợ chồng già, trông coi ngọn hải đăng ở trên đảo, và những người thuộc lực lượng tuần duyên Hàn Quốc.

Yếu tố tranh chấp : Hàn Quốc xem quần đảo là của mình, khẳng định mối liên hệ với Dokdo là từ thế kỷ thứ VI, trong khi mà Nhật chỉ công nhận Dokdo là lãnh thổ của mình vào năm 1696 mà thôi.

Tokyo hoàn toàn phản bác lập luận của Hàn Quốc. Ngoại trưởng Nhật cho là « Nhật đã sử dụng Takeshima như một nơi quá cảnh tàu bè, và một ngư trường. Tokyo đã đặt chủ quyền của mình trên đảo chậm lắm vào giữa thế kỷ XVII ».

Theo bài báo, năm 1905, Nhật đã sát nhập đảo này khi xua quân qua chiếm đóng và đô hộ bán đảo Triều Tiên cho đến năm 1945. Và 7 năm sau đó, Hàn Quốc tuyên bố chủ quyền trên đảo, và gởi lực lượng tuần duyên đến đây vào năm 1954. Khi ấy, Tokyo đã đề nghị đưa vấn đề tranh chấp ra toà án quốc tế.

Trong cuộc tranh chấp dai dẳng này, Libération nhìn thấy một mặt là vấn đề chủ quyền rất nhạy cảm, gai góc ở châu Á, và một mặt khác là vấn đề kinh tế chiến lược. Quần đảo thuộc về nước nào thì vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở khu vực giàu tài nguyên và thủy sản của nước đó sẽ được mở rộng thêm.

Theo Libération những sự cố gây căng thẳng vừa qua cũng sẽ có những hậu quả khôn lường.

Đối với Tổng thống Hàn Quốc sắp mãn nhiệm, bị mất lòng dân, gia đình bị vướng vào một số vụ xì căn đan, chuyến đi thăm Dokdo, tạm thời làm cho người ta quên đi các vấn đề gây bức xúc. Có điều nó cũng làm cho quan hệ Nhật - Hàn thêm gai góc.

Mặt khác, chuyến đi của tổng thống Hàn Quốc cũng gây phiền toái cho chính phủ Nhật đang có tranh chấp chủ quyền với Nga và Trung Quốc.

 Bài báo nhắc lại việc ngày hôm qua, tuần duyên Nhật đã bắt 14 người từ Hồng Kông đến giương cờ ở Senkaku/ Điếu Ngư.

Chủ nghĩa dân tộc tại Đông Á

Tờ Les Echos cũng có một bài nhận định ngắn về tình hinh căng thẳng ở vùng Đông Bắc Á, trong mục « Người ta nói đến » ở trang áp chót.

 Hôm nay là « Người ta nói đến ở Tokyo, Seoul và Bắc Kinh », với tựa đề : « Hành vi khiêu khích đột ngột mang tính dân tộc chủ nghĩa ở Đông Á ».

Tác giả bài báo Yan Rousseau tại Tokyo, ghi nhận là ngày kỷ niệm chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc đã làm dấy lên những hành vi khiêu khích có tính chất dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, Hàn Quốc đối với Nhật Bản, mà họ tố cáo là từ chối đối mặt với quá khứ quân phiệt và thực dân của mình. Hôm qua, ba chính quyền đã có những trao đổi lời qua tiếng lại rất gay gắt.

Theo bài báo, nếu căng thẳng vẫn tồn đọng giữa các nhà ngoại giao, cũng như trong dư luận của ba cường quốc kinh tế chủ yếu trong vùng, bất chấp các mối quan hệ chặt chẽ về kinh tế thương mại, thì hiện nay, nó được đặc biệt khơi dậy, mà tác giả là các chính khách, thường chạy theo mục tiêu nội bộ.

Les Echos giải thích là cả 3 nước sẽ có ê kíp lãnh đạo mới trong những tháng sắp tới đây. Nếu thời điểm bầu cử Quốc hội trước thời hạn ở Nhật chưa được ấn định, thì vào tháng 12 này, Hàn Quốc sẽ bầu lại tổng thống, trong khi Trung Quốc chuẩn bị thay đổi lãnh đạo.

Les Echos cũng phân tích như đồng nghiệp Libération là chính tổng thống Hàn Quốc đã khơi dậy trước tiên tình thần dân tộc chủ nghĩa đó trong lúc ông bị vướng vào những vụ tai tiếng mất lòng dân.

Bài báo không quên nhắc lại loạt động thái, từ chuyến đi đến đảo Dokdo của ông Lee Myung Bak, những lời chỉ trích Tokyo của Bắc Kinh và Seoul về quá khứ quân phiệt Nhật, cho đến việc bộ trưởng Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni, lần đầu tiên từ 3 năm nay.

Tan băng giữa Tokyo và Bình Nhưỡng ?

Trong bối cảnh căng thắng giữa Tokyo với Seoul và Bắc Kinh gia tăng, báo Le Monde ghi ngày hôm nay, chú ý đến một sự kiện đáng khích lệ hơn. Đó là cuộc gặp gỡ chính thức giữa Bắc Triều Tiên và Nhật Bản, dự trù vào cuối tháng này tại Bắc Kinh.

Trong hàng tít trang quốc tế, tờ báo nói đến một hành động « nối lại ngoại giao rụt rè giữa Tokyo và Bình Nhưỡng ».

 Le Monde nhắc lại sự kiện được thông báo hôm 14/08, nhận xét rằng đây là cuộc gặp đầu tiên từ 4 năm qua, và sở dĩ có được, đó là do cuộc thương thảo tốt đẹp giữa phái đoàn Hồng Thập tự hai bên tại Bắc Kinh trong các ngày 9 và 10/08 trên vấn đề hồi hương hài cốt người Nhật chết trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên trước khi cuộc đô hộ kết thúc năm 1945.

Cả hai bên đều có vẻ hài lòng về cuộc thương lượng của hai phái đoàn Hồng Thập Tự, phiá Bắc Triều Tiên đánh giá là thảo luận « thành thật », trong lúc phiá Nhật thẩm định rằng cuộc gặp đã giúp hai bên hiểu nhau thêm, để « làm việc trong tinh thần giải quyết tồn đọng của quá khứ và tái lập quan hệ bình thường’’

Le Monde nhìn thấy trong quyết định gặp gỡ sắp tới một sự chuyển biến nhỏ của đường lối ngoại giao của Tokyo, bắt đầu từ năm 2009, khi đảng Dân chủ lên nắm quyền.

Tokyo đặt nhiều hy vọng trong cuộc gặp gỡ này để đặt ra vấn đề người Nhật bị Bình Nhưỡng bắt cóc trong thập niên 1970-1980. Thế nhưng Tokyo cũng tỏ ra rất thận trọng vì thảo luận với Bình Nhưỡng là một công việc rất phức tạp, tế nhị, và cần phải đề phòng những yêu sách của Bắc Triều Tiên như đòi giảm nhẹ trừng phạt hay trợ giúp kinh tế.

Le Monde nhìn thấy Tokyo đang cố găng giảm căng thẳng : Trong khi chờ đợi cuộc gặp gỡ, Nhật đã đồng ý cấp chiếu khán cho đội bóng đá nữ của Bắc Triều Tiên, dưới 20 tuổi, đội bóng có thể tham gia Cúp bóng đá nữ Thế giới U20, bắt đầu vào chủ nhật này tại Nhật Bản.

Tựa lớn trang nhất : Amiens, Syria

Nổi bật trên trang nhất các báo Pháp hôm nay 16/08/2012 là tình hình bạo động ở thành phố Amiens, Pháp, ngày 13/08 vừa qua, mà báo giới cố tìm hiểu nguyên nhân sâu xa. L’Humanité dưới tựa đề lớn : « Những gì xẩy ra ở Amiens », nhìn thấy thất nghiệp nhiều, đời sống khó khăn ở các khu phố bình dân, chỉ cần một tia lửa nhỏ là tất cả nổ bùng.

Le Monde nhìn về hậu quả, nói đến : « Amiens, làn sóng chấn động chính trị », trong lúc Le Figaro tìm hiểu xem « cảnh sát truy bắt những kẻ gây bạo động như thế nào ».

Bên cạnh thời sự Pháp, Syria cũng chiếm một số tựa trang đầu : Libération trong hàng tít lớn nêu câu hỏi : « Làm gì cho Syria bây giờ ? », dưới bức ảnh một phụ nữ, tay đưa lên trời, than khóc trong cảnh nhà cửa đổ nát.

Le Figaro đăng cảnh một người lính phe nổi dậy dìu một phụ nữ lớn tuổi chạy tìm chỗ ẩn náu, và trong hàng tựa bên trên, thông báo : « Liên Hiệp Quốc tố cáo chế độ Syria phạm tội ác chiến tranh ».

Bảng xếp hạng Thượng Hải đầy thất vọng cho Pháp

Sự kiện được hầu hết các báo nêu bật hôm nay là bảng xếp hạng Thượng Hải 2012, về các đại học thế giới.

Tựa trên các báo hôm nay đều trùng lập với nhau : « Bảng xếp hạng Thượng Hải, Đại học Pháp trên con đường khổ nhọc », một tít đập mắt của tờ Les Echos ở trang nhất, Le Monde nói thẳng thừng trong một hàng tựa trang nhất : « Bảng xếp hạng đáng thất vọng của Đại học Pháp ».

Theo tờ báo trong lúc mà Hoa Kỳ có 53 đại học trong số Top 100 thì Pháp chỉ có 3 trường mà thôi, trong đó có Paris -Sud đứng hạng 37, Pierre Marie Curie, hạng 42. Trong tổng số 500 trường được xếp hạng Pháp chỉ có 20 trường.

Le Figaro chạy tựa như đồng nghiệp Les Echos, cho là Đại học Pháp vẫn khổ sở (để vươn lên), tựa ở trang xã hội.

 Tờ báo cho là kể từ năm 2003, cứ vào mỗi mùa hè là Pháp lại thêm thất vọng, và các lời bình luận cũng không thay đổi. Nước Pháp năm nay được xếp hạng tám thế giới, nhưng thành tích kém xa Hoa Kỳ, Anh Quốc, Nhật Bản hay Đức.

Le Figaro đánh giá là dù bảng xếp hạng Thượng Hải bị chỉ trích về tiêu chí, phương pháp đánh giá, phân loại quá chú ý đến nghiên cứu, các ngành khoa học chính xác, ít quan tâm đến việc giảng dạy hay ngành khoa học xã hội, nhưng cho dù vậy, bảng xếp hạng đã làm cho người ý thức về « sự nghèo đi » của Đại học Pháp.

Tờ báo cũng nêu một yếu tố xem như là thất bại của Đại học Pháp : Chỉ có 38% sinh viên có được bằng cử nhân sau 3 năm học tập. Đây là một kết quả rất đáng lo ngại .

Tăng trưởng số không tại Pháp

Các báo cũng tỏ ra lo ngại trên một vấn đề khác : kinh tế Pháp với tăng trưỏng ở mức không.

Le Figaro thông báo : « Tăng trưởng Pháp hết xăng », tựa lớn phụ trang kinh tế. Hoạt động kinh tế không tiến thêm từ 9 tháng nay.

Les Echos chạy hàng tít lớn trang nhất như muốn cố tìm hiểu : « Tăng trưởng : Tại sao Pháp và Châu Âu bị tắt máy ? ».

 Tờ báo cũng nhắc lại hoạt động đình đốn từ 9 tháng qua, nhưng Pháp đã tránh được suy thoái kỹ thuật, và tăng trưởng vẫn còn hơn vùng đồng euro.

Les Echos nhìn thấy là Châu Âu đang bên bờ suy thoái, và qua hàng tựa lớn trang trong, tờ báo quy trách nhiệm cho các nước phiá Nam của Châu Âu : Suy thoái tại các nước phiá Nam đã làm cho (hoạt động ) cả lục điạ chậm lại.

Tờ La Croix ở trang kinh tế phân tích cụ thể lý do khiến tăng trưởng Pháp dậm chân ở mức không trong bài phỏng vấn kinh tế gia Pháp Nicolas Bouzou : Tiêu thụ các hộ gia đình giảm trong bối cảnh thất nghiệp cao, lương thì không tăng lên, đông thời trợ cấp giảm, thuế thì lại tăng.

Yếu tố thứ hai là do kết quả tồi của ngành ngoại thương Pháp : nhập khẩu cao hơn, tăng 1,8% trong lúc xuất khầu chi tăng 0,2%.

 Theo La Croix, ngoài vấn đề xí nghiệp Pháp yếu sức cạnh tranh, còn có tình hình chung, hoạt động các nước là thị trường của Pháp cũng lâm vào tình trạng dậm chân.

La Croix trích dẫn ông Bouzou, cho là Pháp nắm chắc tăng trưởng 0,2% năm 2012, so với 2011, cho dù GDP vẫn không tăng cho đến tháng 12.

Tờ báo cũng nhắc lại đánh giá của Bộ trưởng Kinh tế Pháp, theo đó tăng trưởng năm 2012 dự kiến là 0,3% và 1,3% cho năm 2013.