Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-08-2012 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Tư, 15 Tháng 8 Năm 2012 13:41 |
Hàng sao chép lan sang cả những vật dụng hàng ngày
Dầu gội đầu sản xuất tại Trung Quốc nhái theo một thương hiệu nổi tiếng (Reuters)
Bốn mươi lăm ngàn chai nước hoa giả mạo mang đủ các thương hiệu lớn như Chanel, Hugo Boss, Givenchy, Kenzo và Jean-Paul Gautier chứa trong một container đến từ Trung Quốc đã bị hải quan cảng Marseille, Pháp tịch thu hôm 05/07/2012. Không những các xa xỉ phẩm bị sao chép, mà ngay cả đến các loại vật dụng hàng ngày cũng bị nhái. Từ dầu gội đầu, kem đánh răng, mỹ phẩm, đồ chơi, kính mát cho đến vỏ xe ô-tô. Libération số ra thứ ba và thứ tư, 14-15/08/2012 cho biết riêng trong năm 2011, hải quan Pháp đã tịch thu gần 9 triệu món hàng giả mạo. Trong bài viết đề tựa « Buôn lậu xem lại bản nhái », Libération cho biết hôm chủ nhật vừa qua, tại thành phố Cannes, hải quan Pháp cho trưng bày mớ chiến lợi phẩm hàng nhái đủ loại sẽ bị đem đi tiêu hủy : từ chiếc ghế bành hiệu Le Corbusier, túi để giấy quấn thuốc, quẹt lửa, súng máy M16, cho đến kem trang điểm. Lượng hàng nhái tịch thu được trong năm rồi đã đạt đến con số kỷ lục : gần 9 triệu sản phẩm. Trước mớ chiến lợi phẩm đó, người xem không khỏi ngạc nhiên về sự táo tợn và tính sáng tạo của những kẻ làm hàng nhái. Độc đáo hơn là tại hải cảng Havre, hải quan Pháp tịch thu khoảng 25 ngàn quả bóng đá được dán nhãn hiệu Euro 2012 của Liên đoàn bóng đá châu Âu hồi trung tuần tháng 6 vừa qua. Nguy hiểm hơn nữa là hàng sao chép bắt đầu lan sang cả vật dụng hàng ngày như dầu gội đầu, kem đánh răng, mỹ phẩm, đồ chơi, kính mát hay lốp xe ô-tô. Do các vật dụng này liên quan trực tiếp đến người tiêu dùng, nên số sản phẩm hàng nhái ẩn chứa một mối nguy hiểm thật sự. Thêm vào đó, nạn buôn lậu dược phẩm giả mạo vốn đang hoành hành tại châu Phi, nay cũng bắt đầu đặt chân đến Pháp. Nếu như phân phối thuốc tại các hiệu thuốc tây bị giám sát chặt chẽ tại Pháp, thì những kẻ bất lương lại rao bán chúng được thông qua mạng Internet. Chủ yếu là các loại thuốc như Viagra, các sản phẩm giảm béo kể cả các loại thuốc chữa bệnh thần kinh. Bên cạnh đó, mặt trận chống thuốc lá giả của Pháp cũng đã đạt đến con số kỷ lục mới : 462 tấn thuốc lá sao chép hay nhập lậu đã bị tịch thu trong năm rồi (+33%), trị giá gần 109 triệu euro. Theo ước tính của Bộ Tài chính Pháp, thuốc lá giả chiếm đến 5% thị trường chính thống, nhà nước Pháp thất thu đến 800 triệu euro. Cuối cùng, gần đây nhất là vào trung tuần tháng 6, cảnh sát Pháp đã lột trần một băng nhóm in các tờ tiền 20 và 50 euro giả tại làng Courtry, thuộc vùng Seine-et-Marne. Đây là vụ in tiền giả đầu tiên bị lật tẩy tại Pháp và cũng là vụ thứ hai tại châu Âu. Libération cho biết, dù nhận được nhiều tin chỉ điểm, nhưng cảnh sát Pháp cũng phải mất đến 5 năm mới sờ gáy được kẻ chóp bu. Theo mô tả của tờ báo, xưởng in của tên này được dấu kín đến mức cảnh sát phải dùng đến máy trắc địa để dò tìm thiết bị, được cất giấu đằng sau vách ngăn đôi và dưới một tấm bê-tông. Vùng duyên hải Ấn Độ đang bị đe dọa Mỗi năm, Ấn Độ mất gần 75000 mẫu đất trồng trọt và gần 35000 khu nhà do bị nước biển ăn mòn. Một phần tư vùng duyên hải bị nước biển xâm lấn, kèm theo hiện tượng nhiễm mặn làm cho đất nông nghiệp không thể nào trồng trọt được. Liên quan đến chủ đề này, báo Le Monde có bài phóng sự đề tựa « Xói mòn, các hải cảng và các ngành công nghiệp đang gậm nhấm các vùng biển Ấn Độ ». Le Monde báo động duyên hải Ấn Độ đang lâm nguy. Không phải là do các trận bão kinh hoàng hay các đợt sóng thần tàn khốc đe dọa mà chính sự xói mòn đang gậm nhấm từng ngày, từng centimetre các vùng ven biển. Mỗi năm, 75 ngàn hecta đất và 35 ngàn tòa nhà bị nước biển xâm lấn hay nuốt chửng. Tại Pondicherry, cách đây vài năm, con đường đi dạo dọc theo bờ biển, bức tượng Gandhi còn nhô cao trên bãi biển, thì giờ đây dưới chân tượng đài chỉ là những bãi đá đen xì. Theo giải thích của giám đốc Pondycan, một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ môi trường tại Pondicherry với Le Monde, cách đây 30 năm, một hải cảng nhỏ được xây dựng tại đây. Để bảo vệ hải cảng, một con đê chắn sóng dài hàng trăm mét đã được dựng lên. Bị chặn đứng bởi con đập bảo vệ, cát đã tích tụ lại ngay cửa ra của cảng. Vì vậy, phải có một chiếc tàu túc trực thường xuyên ở đây để khử cát khỏi đất bằng các đường ống lớn. Một chiến dịch tiêu tốn một triệu euro mỗi năm. Mất các bãi biển, cũng đồng nghĩa mất luôn cả sự bảo vệ của thiên nhiên. Không có cát, nước mặn xâm thực trong các mạch nước ngầm trên đất liền. Một làng ven biển tại Pondicherry, nông dân buộc phải đổi nghề. Nhiều người phải rao bán ruộng vườn cho các nhà đầu tư bất động sản, số khác phải đi làm công nhật. Số rất ít còn trụ lại, cố sức duy trì việc canh tác nhưng phải chi ra 2700 euro để khoan giếng và tìm nước ngọt sâu dưới lòng đất. Hàng ngàn hộ gia đình trong làng phải trả tương đương với 80 xu euro hàng tháng để mua nước ngọt được chở đến bằng các xe bồn đến từ địa phương lân cận. Một chính khách địa phương nhìn nhận rằng họ đã không chú trọng đến các hậu quả của việc xây cảng biển vào thời điểm đó. Le Monde cho biết chính quyền vùng Pondicherry từng muốn mở rộng hải cảng thêm nữa, nhưng đã gặp phải sự phản đối kịch liệt của dân làng. Công trường xây dựng đã bị người dân làng tấn công. Dự án ngay lập tức đã bị đình lại. Le Monde nhận định, không phải tất cả những ai sống ven biển đều làm được như dân làng nêu trên. Trên suốt chiều dài 7525 km bờ biển, các đặc khu kinh tế, nhà máy nhiệt điện hay hạt nhân, và hải cảng mọc lên như nấm. Theo Bộ trưởng phụ trách cảng biển Ấn Độ, cứ mỗi 40 km lại có một hải cảng nhằm đáp ứng sự gia tăng lưu thông hàng hóa đường biển (chiếm khoảng 40% từ năm 2007). Và gần 20 hải cảng khác đang được xây dựng. Mặt khác, dù rằng Ấn Độ có ban hành một đạo luật từ năm 1991 để bảo vệ vùng duyên hải, nhưng các biện pháp trừng phạt lại không rõ ràng và gần như không được thực thi tại nhiều nơi. Bên cạnh đó, các bãi biển cũng là nạn nhân cho lãnh vực xây dựng. Theo thống kê chính thức, mỗi năm Ấn Độ sử dụng hơn 400 triệu tấn cát cho xây dựng địa ốc. Chính quyền đã không thể nào kiểm soát các hoạt động khai thác cát bất hợp pháp tại các bãi biển trên diện rộng. Năm 2011, Ngân hàng châu Á đã cho Ấn Độ vay 51 triệu đô-la cho các dự án bảo vệ vùng ven biển Maharashtra và Karnataka. Số tiền này cũng được dùng để giúp đỡ ngư dân chuyển đổi nghề. Ngân hàng châu Á kêu gọi Ấn Độ nên có nghiên cứu sâu và hoàn chỉnh cho từng trường hợp với sự tham gia của nhiều lãnh vực và việc thiết kế cơ sở hạ tầng phải tôn trọng môi trường. Trung Quốc - Đài Loan ký thỏa thuận hợp tác Một thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Đài Loan vừa được ký kết vào hôm thứ năm 09/8/2012 vừa qua. Thỏa thuận mới này thiết lập những cơ chế bảo vệ doanh nhân Đài Loan tại Trung Quốc và cung cấp một bộ khung pháp lý để hòa giải trong trường hợp xảy ra tranh chấp thương mại. Nếu như bộ thỏa thuận này chỉ có lợi cho Trung Quốc, thì đối với Đài Loan, cũng không kém phần quan trọng, vốn được xem như là một « công cụ hội nhập kinh tế khu vực ». Với bài viết đề tựa « Trung Quốc và Đài Loan đào sâu mối quan hệ hợp tác », Le Monde cho rằng lại thêm một bước nữa tiến đến sự hội nhập kinh tế của hai quốc gia. Các bước tiến mới này tiếp nối bộ Thỏa thuận khung về Hợp tác Kinh tế (ECFA – Economic Cooperation Framework Agreement), được ký kết vào năm 2010, trong mục đích thể chế hóa quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai bờ eo biển Đài Loan. Trên thực tế, hai nền kinh tế này bị ràng buộc rất chặt chẽ với nhau. Trung Quốc vừa là khách hàng hàng đầu mà cũng vừa là nhà cung cấp thứ hai của Đài Loan. Chính vì vậy, đôi bên cần có một bộ khung pháp lý hoàn chỉnh. Tuy nhiên, theo Le Monde, bản thỏa thuận này cũng không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của người dân Đài Bắc. Một bộ phận dân chúng và phe đối lập tại Đài Loan e ngại sự lệ thuộc hoàn toàn một chiều vào Trung Quốc, vốn không bao giờ từ bỏ ý định khống chế Đài Loan và tìm cách sát nhập êm thắm đảo quốc với Trung Hoa lục địa. Giới chủ trương độc lập luôn nghi ngờ tổng thống Mã Anh Cửu, tái đắc cử cho nhiệm kỳ hai, đang bán đứng Đài Loan cho Trung Quốc. Mối ngờ vực này cũng được chĩa sang giới doanh nhân, nhất là giới « Đài thương », những ông chủ lớn ngành công nghiệp có đầu tư tại Trung Quốc. Le Monde cho biết, toàn bộ số doanh nghiệp Đài Loan (khoảng 75 000 cơ sở) tuyển dụng gần 23 triệu nhân công tại Trung Quốc, tương đương với số dân của đảo. Việc Trung Quốc đi lên thành cường quốc kinh tế khiến cho nền kinh tế Đài Loan gần như ràng buộc chặt chẽ vào người hàng xóm khổng lồ của mình. Theo một nghiên cứu do hai kinh tế gia trưởng người Pháp, ông Pierre Moussy và Stéphane Cienniewski tại Đài Loan và Hồng Kông, công bố vào cuối năm rồi, Đài Loan đã đầu tư vào lục địa khoảng từ 100 đến 200 tỷ đô-la, kể từ khi chính quyền Đài Bắc cho phép các doanh nghiệp Đài Loan được đầu tư vào Trung Quốc năm 1987. Với mức đầu tư này, Đài Loan trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Trung Hoa lục địa. Trong phần kết luận của bản nghiên cứu, hai chuyên gia kinh tế cho rằng Bản thỏa thuận khung Hợp tác kinh tế ECFA đã mang lại nhiều lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với Đài Loan, bản thỏa thuận này cũng là một phần không thể thiếu. Họ xem đấy như là một « công cụ hội nhập kinh tế khu vực ». Nhất là, nếu như đảo quốc muốn có một vai trong khu vực tự do mậu dịch mà Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bính Dương. |