Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-08-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-08-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Hai, 13 Tháng 8 Năm 2012 13:00

 Xuất khẩu Trung Quốc trì trệ khiến thế giới lo âu


Hàng xuất khẩu Trung Quốc tại cảng Thượng Hải
REUTERS/Aly Song

 

Dưới hàng tựa "Đình trệ xuất khẩu của Trung Quốc gây lo ngại", les Echos cho biết, sau các con số đáng thất vọng về sản xuất công nghiệp và chỉ số bán lẻ tại Trung Quốc, giờ đến lượt ngành xuất khẩu cũng có cùng số phận.

Theo con số chính thức do hải quan Trung Quốc công bố vào hôm thứ Sáu vừa qua, trong tháng 7 năm nay, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng có 1% so với cùng kỳ năm rồi. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ mùa thu năm 2009.

Les Echos giải thích rằng nguyên nhân chính là do kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đều tụt giảm mạnh. Không những con số này gây thất vọng cho quốc gia xuất khẩu hàng đầu trên thế giới, mà nó còn đè nặng lên các đối tác khác của Trung Quốc, những quốc gia chuyên cung cấp cho Bắc Kinh các loại nguyên liệu thô và dầu hỏa như là Nga và Brazil chẳng hạn.

 Do đó, mức tăng nhập khẩu 4,7% cũng góp phần làm giảm đáng kể thặng dư mậu dịch của Trung Quốc. Nghĩa là trong tháng 7, thặng dư mậu dịch chỉ đạt có trên 25 tỷ đô la so với hơn 31 tỷ của tháng Sáu (tức giảm đi gần 6 tỷ đô la).

Theo nhận định của một chuyên gia kinh tế thuộc Công ty phân tích IHS Global Insight, « mức tăng chậm ở Trung Quốc đang lan ra khắp châu Á ».

 Hiện tượng được thể hiện rõ nét chủ yếu trên các thị trường tài chính láng giềng với Bắc Kinh như Singapore, Malaysia, Hồng Kông và Đài Loan. Các con số thống kế cuối cùng hầu như khẳng định có sự suy giảm.

 Chẳng hạn như xuất khẩu máy vi tính cầm tay và điện thoại di động của Đài Loan đã giảm đến 12% trong một năm, của Hàn Quốc tụt xuống 8,8%. Tương tự, Nhật Bản cũng không thoát được khỏi quy luật chung. Lượng trang thiết bị cung cấp cho thị trường xây dựng Trung Quốc đã giảm đi đến một nửa trong quý II này.

Tuy nhiên, hải quan Trung Quốc vẫn duy trì mục tiêu mức tăng trưởng xuất khẩu ở mức 10% cho năm 2012, với điều kiện là tình trạng khủng hoảng đồng euro không có trầm trọng thêm nữa.

Quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc lại trở nên căng thẳng

Báo Le Monde cho biêt : "Chuyến đi thăm đảo Dokko/ Takeshima của tổng thống Hàn Quốc làm cho Tokyo phẫn nộ". Phe đối lập Hàn Quốc cho rằng mục đích của chuyến đi chỉ nhằm đánh bóng hình ảnh của tổng thống đương nhiệm.

Phản ứng đầu tiên của Nhật Bản là gọi đại sứ của mình về nước. Đồng thời, Tokyo tuyên bố sẽ đưa vấn đề tranh chấp ra Tòa án quốc tế.

Hiện tại, Hàn Quốc đang kiểm soát đảo Dokko, kể từ sau khi giành được độc lập vào năm 1945. Trên đảo chỉ có một phân đội cảnh sát và một cặp vợ chồng ngư dân. Về phía Nhật Bản, hòn đảo này được sát nhập chung vào tỉnh Shimane kể từ năm 1905, thời điểm Nhật Bản thôn tính Triều Tiên.

Các nghị sĩ và quan chức Hàn Quốc thường xuyên đến đảo. Nhưng đây là lần đầu tiên, đảo Dokko/Takeshima đón tiếp một vị nguyên thủ quốc gia.

Theo Le Monde, chuyến đi của ông Lee Myung-bak diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ của ông sẽ kết thúc vào tháng 2 năm 2013. Đồng thời, ông sẽ có bài diễn văn quan trọng trước toàn thể quốc dân vào ngày 15/8 tới đây – kỷ niệm ngày Hàn Quốc thoát khỏi ách cai trị của đế quốc Nhật Bản.

Phe đối lập Hàn Quốc chỉ trích ông Lee đang tìm cách cải thiện điểm tín nhiệm của ông đang ở mức thấp nhất và tô bóng lại hình ảnh của mình bị lu mờ bởi các vụ tai tiếng và chính sách theo đuổi cho đến giờ. Bởi vì, khác với người tiền nhiệm Roh Moo-hyung, ông Lee Myung-bak lên nắm quyền vào năm 2008, nhưng ưu tiên giao hảo tốt với Nhật Bản. Động thái này cũng được phía Tokyo hoan nghênh.

Vào năm 2010, thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc về những nỗi đau khổ mà người dân Triều Tiên phải chịu đựng trong suốt thời kỳ thực dân từ 1910 đến 1945.

Về mặt kinh tế, cả hai quốc gia thù nghịch này từng nhắm đến một thỏa thuận tự do mậu dịch. Thậm chí, cả hai bên còn bàn đến chuyện hợp tác quân sự, một sự hợp tác đầu tiên mà lẽ ra phải được quyết định vào tháng 6 rồi. Thế nhưng, vào giờ chót, tổng thống Lee buộc phải từ bỏ ý định do có nhiều phản ứng kịch liệt trong nước. Le Monde nhận định, điều này minh chứng rằng chính sách đang theo đuổi không thể nào xóa nhòa được mối căm hờn xưa.

Ngoài vấn đề tranh chấp biển đảo, quan hệ Nhật - Hàn còn bị chia rẽ trên hai hồ sơ lịch sử : Người Hàn Quốc đi lao động khổ sai tại Nhật Bản trong giai đoạn thực dân và việc Seoul đòi bồi thường thiệt hại cho những phụ nữ Hàn bị cưỡng bức làm nô lệ tình dục cho các sĩ quan Nhật hoàng trong thời kỳ đệ nhị thế chiến.

Sự việc xảy ra lần này, khó có thể nào đoán được tình hình sẽ đi đến đâu, trong khi mà mối quan hệ kinh tế và du lịch chưa bao giờ chặt chẽ đến như thế.

Đứng trước tình thế này, Hoa Kỳ chỉ biết kêu gọi hai đồng minh của mình nên kềm chế. Thế nhưng, đã có hai bộ trưởng Nhật Bản đe dọa sẽ đến thăm đền Yasukuni vào ngày 15/8 này để vinh danh những người đã chết vì tổ quốc, trong đó có cả những kẻ tội phạm chiến tranh Nhật Bản. Nếu như thế thì chẳng khác gì lại làm dấy lên nỗi oán hờn của người Hàn Quốc.

Tại Ai Cập, cuộc chiến giữa tổng thống Morsi và quân đội đã đến hồi kết ?

Cuộc chiến giữa tổng thống dân sự Morsi và phe Huynh đệ Hồi giáo với quân đội đã ngã ngũ. Phe tổng thống và Huynh đệ Hồi giáo đã giành chiến thắng mà không mất một giọt máu hay một viên đạn nào.

Theo nhận định của Le Figaro, chính quân đội đã bật đèn xanh cho phép ông Morsi cách chức thống chế Hussein Tantaoui, người đầy quyền lực nhất trong quân đội và cũng là người đứng đầu Hội đồng Quân sự Tối cao.

Cuối cùng cuộc chiến cũng đi đến hồi kết. Chiến thắng thuộc về phe dân sự, tức tổng thống tân cử Mohammed Morsi và phe Hồi giáo.

 Thống chế Hussein Tantaoui, bộ trưởng Quốc phòng và là người đứng đầu Hội đồng Quân sự Tối cao cùng với Tổng tư lệnh quân đội, tướng Sami Annan bị buộc phải về hưu và được tổng thống Morsi bổ nhiệm làm cố vấn tổng thống, một chức vị mang tính danh dự.

 Đồng thời, nhân cơ hội này, tổng thống Morsi đã ra lệnh hủy bỏ sắc lệnh do quân đội ban hành ngày 17/6 rồi, hạn chế quyền lực của tổng thống và trao nhiều đặc quyền cho quân đội, nhất là trong lập pháp.

Le Figaro nhận xét, giai đoạn chuyển tiếp được mở đầu bằng sự sụp đổ chế độ Moubarak vừa chấm dứt. Lần đầu tiên, kể từ vụ đảo chánh do các sĩ quan tự do thực hiện vào năm 1952, một tổng thống dân sự được thực thi toàn quyền. Tổng thống Morsi, người chiến thắng trong kỳ bỏ phiếu, giờ đây là chủ nhân duy nhất của đất nước Ai Cập.

Theo phân tích của Le Figaro, thống chế Hussein Tantaoui đã ngã ngựa ngay chính trên sân nhà, mà nguyên nhân chính là vấn đề an ninh.

Nên nhớ rằng vai trò chính yếu của quân đội là đảm bảo tính toàn vẹn lãnh thổ. Quân đội Ai Cập được hưởng khoản trợ cấp ngân sách khổng lồ từ phía Mỹ. Thế nhưng, họ lại không dập tắt được sự suy thoái của tình hình tại vùng Sinai.

Vụ tấn công vào một đồn lính biên phòng vào hôm chủ nhật 05/8/2012, làm thiệt mạng 16 binh sĩ rõ ràng đã gây ra cơn chấn động trên toàn quốc.

Quân đội buộc phải hành động khi tiến hành một chiến dịch quy mô chống lại các nhóm lực lượng vũ trang. Lần đầu tiên, quân đội gửi máy bay chiến đấu đến Sinai kể từ khi cuộc chiến Yom Kippur xảy ra vào năm 1973 (hay còn gọi là chiến tranh Ả Rập – Israel, xảy ra giữa các quốc gia Ả Rập, đứng đầu là Ai Cập và Syria chống lại Israel). Và đây cũng là một cơ hội mà phe Huynh đệ Hồi giáo không để bỏ lỡ.

Sau vụ tấn công Sinai, người đứng đầu cơ quan tình báo và thủ hiến vùng bắc Sinai, cả hai đều bị cách chức. Vài ngày sau, đến phiên thống chế Hussein Tantaoui và tổng tư lệnh Sami Annan cùng chung số phận.

Nhiều nguồn tin quân sự tiết lộ, sự ra đi của thống chế Tantaoui là do quân đội quyết định.