Home Tin Tức Thời Sự Điêm Báo Pháp Quốc Ngày 12-08-2012

Điêm Báo Pháp Quốc Ngày 12-08-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Chúa Nhật, 12 Tháng 8 Năm 2012 21:50

 Trung Quốc : Sau Cốc Khai Lai, sẽ đến lượt Bạc Hy Lai bị xét xử ?


 

Bà Cốc Khai Lai (vợ ông Bạc Hy Lai) và Trương Hiểu Quân bị giải đến tòa án Hợp Phì, tỉnh An Huy ngày 08/09/2012.
REUTERS/CCTV via Reuters TV

 

Phiên tòa chớp nhoáng mở ra ngày 09/08/2012 vừa qua tại Trung Quốc để xét xử bà Cốc Khai Lai, vợ cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai là sự kiện châu Á rất được các tuần báo chú ý.

 Tạp chí Anh The Economist trong bài viết « Lặng lẽ mà đi » đã nêu bật ý đồ của đảng Cộng sản Trung Quốc là muốn « chôn vùi vụ án Bạc Hy Lai với phiên tòa xử vợ của ông ta ».

 Tờ báo do đó đã tự hỏi là bà Cốc Khai Lai là một con ác quỷ hay chỉ là một con dê tế thần ?

Dù phán quyết của Tòa án thành phố Hợp Phì ở tỉnh An Huy chưa được tuyên bố, nhưng đối với The Economist, tội trạng của bà Cốc Khai Lai đã được Tân Hoa Xã loan báo ngay từ trước khi phiên tòa được mở ra, khi hãng tin chính thức của Nhà nước Trung Quốc khẩng định rằng đã có đầy đủ các bằng chứng « không thể chối cãi » về tội sát nhân của vợ ông Bạc Hy Lai.

Cách tổ chức vụ xử cũng nhằm mục tiêu khóa miệng những tiếng nói ngược với kịch bản đã được vẽ ra. Hai bị cáo – Cốc Khai Lai và người giúp việc nhà Trương Hiểu Quân – không được quyền chọn luật sư riêng, trong lúc Tòa án xét xử họ lại đặt tại một thành phố rất xa Trùng Khánh, nơi mà nạn nhân người Anh bị cho là đã bị sát hại, nhưng cũng là nơi mà ông Bạc Hy Lai, là bí thư đầy quyền uy cho đến tháng Ba, trước khi bị hạ bệ do chính vụ án này.

Theo The Economist, kịch bản cho vụ xử bà Cốc Khai Lai đã được an bài ngay từ đầu, theo đó bà Cốc Khai Lai có thể sẽ tránh được một bản án tử hình ngay lập tức, mà sẽ bị một án tử hình "treo" và bị đưa đi biệt giam.

Xử trí sao với Bạc Hy Lai ?

Câu hỏi đặt ra sau đó, theo tuần báo Anh, là chế độ sẽ làm gì với ông Bạc Hy Lai. Một số người nghĩ rằng, sau khi tham vọng chính trị to lớn của ông bị tiêu tan, ông có thể sẽ chỉ bị những trừng phạt tương đối nhẹ, chủ yếu là về mặt chính trị.

Theo The Economist, vụ án này gợi lại phần nào phiên tòa hình thức vào năm 1980 để xét xử bà Giang Thanh, quả phụ của Mao Trạch Đông, được dàn dựng để bà gánh chịu phần lớn trách nhiệm cho cuộc Cách mạng Văn hóa tai hại của cố Chủ tịch Trung Quốc.

Giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện đang có rất nhiều lý do để hạn chế các cáo buộc nhắm vào ông Bạc Hy Lai : họ không muốn làm nổi bật sự giàu có mà gia đình Bạc Hy Lai đã tích lũy được. Nhiều người trong số họ có bạn bè và thân nhân giàu có.

 Điều này có thể giải thích vì sao bà Cốc Khai Lai bị truy tố về tội giết người chứ không phải, như từng được nêu ra, về các tội danh kinh tế.

Bản thân ông Bạc Hy Lai thì bị trục xuất khỏi Bộ Chính trị trong tháng Tư vì bị tình nghi « vi phạm kỷ luật nghiêm trọng ». Tuy nhiên, cho đến nay, không hề có chiến dịch nào nhằm bôi nhọ ông về mặt tội phạm hình sự.

Tuy nhiên, theo The Economist, Bạc Hy Lai dường như không phải là loại người chấp nhận ra đi một cách lặng lẽ.

Tập Cận Bình, cũng là con một anh hùng cách mạng như Bạc Hy Lai, sẽ lên nắm quyền vào cuối năm nay trong một tiến trình chuyển đổi lãnh đạo Trung Quốc một lần trong một thập kỷ. Có thể là nhân vật này cũng muốn rằng sự nghiệp chính trị của ông Bạc Hy Lai thực sự kết thúc.

Trong tình hình đó, The Economist tự hỏi thủ đoạn để thực hiện mong muốn đó phải chăng sẽ là một bản án hình sự, nối tiếp theo một quyết định khai trừ ông Bạc Hy Lai khỏi đảng ? Về tội bẻ lệch hướng đi của nền công lý ? Trong trường hợp đó, tuần báo Anh kết luận : « Sẽ lại có một vụ án chớp nhoáng khác ».

Chân dung nhà độc tài thời nay

Dưới tựa đề “Những kẻ độc tài cuối cùng”, tạp chí Pháp Le Nouvel Observateur đã xem xét trở lại các chế độ mà tạp chí cho là do những kẻ “bệnh hoạn cai trị”.

 Lợi dụng tình hình nhiễu nhương, dân tình cảm thấy bị hạ nhục, tuyệt vọng, để rồi chuyển sang giai đoạn thảm sát, những kẻ độc tài bị rơi vào sự điên rồ và nhất là rơi vào nỗi ám ảnh về sự sống còn của mình, trước khi đến ngày mà họ phải chịu hậu quả.

Le Nouvel Observateur trước tiên đăng lại ảnh những nhà độc tài khét tiếng của thế kỷ trước, từ Stalin, Mussolini, Hitler, Kemal Ataturk (Thổ Nhĩ Kỳ) cho đến Ceausescu (Rumani), Franco (Tây Ban Nha) và dĩ nhiên là không quên Mao Trạch Đông ở Trung Quốc.

Đấy là quá khứ thế kỷ trước. Gần đây hơn thì nào là Hafez Al Assad, cha của đương kim tổng thống Bachar Al Assad (Syria), Saddam Hussein (Irak), Kadhafi (Libya), Hosni Moubarak (Ai Cập), Kim Jong Il (Bắc Triều Tiên)... Đây là ảnh những người quá cố, ngoại trừ Hosni Moubarak đang bị giam, trước khi tạp chí điểm lại tình hình hiện tại.

Nói về tính chất của kẻ độc tài, Le Nouvel Observateur đánh giá trước tiên là người ta không sinh ra “độc tài” mà là trở nên độc tài.

Nhìn mẫu số chung của những người đã trở nên độc tài này, tạp chí nhận thấy lúc ban đầu họ quyến rũ quần chúng trước khi sát hại dân mình.

Những người này đã dành giai đoạn đầu trong cuộc sống của họ để thực hiện những điều lớn lao, để rồi trong giai đoạn kế tiếp làm cho những thành tựu của họ tiêu tan thành mây khói.

Tạp chí nêu lên ví dụ của Mussolini, nhắc lại công trình xây dựng của ông ở vùng Sabaudia, phía Nam Roma, vào những năm 1930, dẹp bỏ các đầm lầy đã khiến dân Ý chết do bệnh sốt rét. Từ khi ấy, các khu vực đó không còn một con muỗi, không khí trong lành, trẻ em sức khỏe tràn đầy. Thế nhưng, những thành tựu như thế đã chìm trong hình ảnh đẫm máu cuối đời.

Ví dụ thứ hai : Saddam Hussein. Đâu phải lúc nào kẻ độc tài cũng chỉ biết tra tấn và giết hại người ở quy mô lớn.

 Phương Tây đã một thời gian ca ngợi thành tích của ông : ngay từ đầu thập niên, ông đã tiến hành các cuộc cải cách từ công nghiệp, nông nghiệp cho đến văn hóa. Xây dựng nhà máy, đường sá, xây một chiếc hồ dài 60 cây số ngay trong sa mạc, đưa thu nhập bình quân đầu người lên 2.000 đô la, đó cũng là công trình của Saddam Hussein.

Văn hóa, giáo dục, hội họa, âm nhạc... phồn thịnh, công cuộc xây dựng một viện bảo tàng quốc gia để gìn giữ di sản lịch sử của đất nước cũng là công lao của ông, được dân chúng nhiệt tình ủng hộ. Nhưng rồi kết cục lại bi thảm.

Những yếu tố nào khiến những con người như thế trở nên độc tài ?

Bài báo đưa ra giải thich thường thấy : sự hoang tưởng, điên rồ, nỗi ám ảnh bị truy hại, vấn đề hệ thần kinh ...

Mao Trạch Đông : Nhà độc tài man rợ nhất

Và nếu nhìn những người như Hitler, ánh mắt điên dại, Kadhafi ngông cuồng lạ lùng, hay Kim Jong Il, thì thấy có cái gì đấy không bình thường.

Hoặc là Mao Trạch Đông, không để lộ gì ra ngoài, nhưng theo bà Sophie Chautard tác giả "Các nhà độc tài thê kỷ XX", nhân vật này lại chính là kẻ man rợ nhất mà bà trước đó chưa bao giờ nghiên cứu.

Le Nouvel Observateur nêu ra một lý do nữa khiến các lãnh đạo nói trên có những hành vi điên rồ độc tài, đó là do lúc nhỏ họ đã chứng kiến những sự cố thảm thương, phải chiụ đựng những cảnh khổ ải. Như bạo chúa Ivan của Nga (1533-1584), cha mẹ đều chết trong một tai nạn, tuổi thơ sống trong nỗi lo sợ bị các vú nuôi giết chết, và để thư giãn thần kinh thì lại đi giết chim chóc...

Hoặc nhân vật là trước mắt là Kim Jong Un, theo tạp chí Pháp, tuổi thơ cũng không phải như trẻ khác.

Người con trai út của Jong Il đã từng chứng kiến cảnh ám sát trong "hoàng cung", không có bạn bè, không ra ngoài, không được đến nhà trẻ gì cả và như bị nhốt trong dinh thự không khác nhà tù, và khi buồn chán giải trí bằng cách đã bắn loạn vào trần nhà.

Nhưng tạp chí đánh giá là nếu chỉ giải thích bằng sự điên loạn, thần kinh không ổn, thì quả thật có cái gì đấy làm cho chúng ta yên tâm.

 Có điều là trong thực tế, rất nhiều kẻ độc tài ngày nay, thuở nhỏ lại là những đứa trẻ rất sung sướng, những thanh niên ưu tú tài giỏi, đầy nhiệt huyết, những nhà chính trị với những lý tưởng cao cả và đã trở nên những kẻ độc tài được lòng dân. Trong số này Le Nouvel Observateur kể đến Fidel Castro, và cũng đặt Thủ tướng Nga Putin trong số những kẻ độc đoán được "tín nhiệm" hiện nay.

Cuối cùng tạp chí Pháp trở lại với những nguyên nhân đã khiến các kẻ độc tài chuyển sang những hành vi hung bạo xem như không còn kềm chế được nữa. Đó là vì họ run sợ, nhìn chung quanh toàn thấy những kẻ sẵn sàng ám hại mình, phải bằng mọi giá bảo vệ sự sống còn của mình.

 Trong đầu óc họ, nếu phải tiến hành thảm sát, đó là để tự vệ. Và khi đã đi quá xa, họ không thể lùi bước. Như Fidel Castro đã có lần nói “Lịch sử sẽ xóa tội cho tôi”.

Le Nouvel Observateur cũng đi một vòng cái gọi là “quần đảo độc tài”, điểm lại những nơi đáng quan ngại hiện nay do chế độ tàn bạo. Đó là Syria, Bắc Triều Tiên, kế đến là những chế độ độc tài từ các nước Trung Á đến Trung Cận Đông : Iran, Ả Rập Xê Út, Sudan. Trung Quốc cũng nằm trong diện chế độ độc tài. Tuy là không có gương mặt độc tài nổi trội từ thời Mao Trạch Đông đến nay, nhưng chủ yếu độc tài ở Trung Quốc chính là đảng Cộng sản.

Đứng sau các chế độ là các chế độ độc đoán. Việt Nam bị xếp vào diện này cùng với Miến Điện, Sri Lanka, Nga và một số quốc gia Châu Phi như Algeri, Congo. Nhẹ hơn nữa là những chế độ cần theo dõi, trong số này có Brunei, Malaysia hoặc ở châu Mỹ La Tinh như Venezuela, Peru...

Obama gây thất vọng

Tạp chí L’Express tuần này thì nhìn sang Hoa Kỳ, dành ảnh và tựa trang bìa cho Barack Obama, “Người đã muốn thay đổi thế giới”, nêu lên những thành công, cũng như thất bại của Obama trong nhiệm kỳ tổng thống sắp kết thúc, và giải thích vì sao ông đã gây thất vọng.

Ở trang trong, L’Express tóm lược tình hình : bốn năm sau khi đã bầu ông Obama một cách vẻ vang, thì nước Mỹ - đầy lo âu trước sự suy yếu của mình - đang do dự trong việc bầu lại một tổng thống không còn khả năng làm cho họ mơ tưởng nữa. Vả lại khủng hoảng, thất nghiệp, các trận đọ sức không nguôi với Quốc hội đã biến nhà hùng biện thành một nhà quản lý thận trọng rụt rè.

Theo L’Express nếu cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra hôm nay, thì có lẽ ông Obama, người hùng của năm 2008, sẽ thoát được một cách khít khao, số phận của Gerald Ford, Jimmy Carter và George Bush cha, ba vị tổng thống đã không được thêm một nhiệm kỳ hai trong vòng 40 năm nay.

Đứng trước cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ năm 1930, người đã muốn thay đổi thế giới chỉ có thể nêu thành tích như vị phó tổng thống Joe Biden đã nói một cách nôm na như sau : “Ben Laden đã chết nhưng (tập đoàn xe hơi) General Motors thì vẫn còn sống”.

Thành tích yếu kém đã ảnh hưởng đến phong cách của ông. Nhà hùng biện tài ba trong thế hệ của ông đã thay đổi nhiều.

 Trong mắt L’Express, do không đáp ứng được những kỳ vọng đặt vào ông, Obama lần này đã trở thành ứng viên tổng thống của sự lo sợ, vì không còn khả năng hứa hẹn những ngày mai tươi đẹp.

Khó khăn lớn nhất đối với ông Obama là kinh tế. Khủng hoảng - không chỉ ở Mỹ mà khắp nơi – đã khiến 15 triệu người Mỹ thất nghiệp tức 8,3% thành phần lao động.

L’Express nhìn thấy là những buổi mít tinh của ông Obama vẫn đông đảo người đến dự, họ trông chờ dấu hiệu lạc quan nơi người có tài hùng biện nhất hiện nay, nhưng hoài công, họ nhiều khi chỉ thấy phảng phất sự hoài nghi và lo âu của tổng thống.

Tầng lớp trẻ rất đông đảo hồi năm 2008, nay đã vắng đi rất nhiều trong các cuộc mít-tinh tranh cử của ông Obama.

Trên phương diện hứa hẹn tạo công việc làm này, thì ông Obama đã gây nhiều thất vọng, cho dù ông cũng đạt được thành tích trên vấn đề bảo hiểm y tế.

 Còn trên mặt an ninh, chống khủng bố thì ông Obama không có thành tích gì đáng kể, vẫn tiếp tục một số biện pháp thời Bush, kể cả việc kiểm soát, nghe lén điện thoại người Mỹ.

Theo L’Express, tuy vậy có một yếu tố có thể khiến ông phấn chấn trở lại trong cuộc tranh cử : đó là vấn đề di trú, mà ông đã có quyết định hợp thức hóa giấy tờ có điều kiện những ai cư trú trái phép trên nước, đa số là người đến từ Nam Mỹ.

 L’Express nhắc lại là trọng lượng lá phiếu cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha ở Hoa Kỳ không phải là nhỏ, và cả phe Cộng Hoà lẫn Dân Chủ đều ve vãn.

L’Express còn nhìn xa đến thời điểm sau cuộc bầu cử tháng 11, với câu hỏi : một nhiệm kỳ thứ hai để làm gì ?

Tạp chí nhận thấy khó khăn đối với ông Obama nếu ông đắc cử còn nhiều hơn là hiện nay.

Theo thông lệ, nhiệm kỳ hai ít thành công hơn là nhiệm kỳ một, và nhất là trong hai năm cuối, khi mà vị tổng thống hay bị rơi vào tình trạng “con vịt què” (lame duck) như người Mỹ thường gọi.

 Trong trường hợp ông Obama tình hình có thể phức tạp hơn vì cả hai viện Quốc hội có thể nằm trọn trong tay đảng Cộng hoà.

Vào cuộc bỏ phiếu tháng 11 tới đây, đảng này có khả năng giành được đa số ở Thượng Viện đang trong tay đảng Dân Chủ.