Home Tin Tức Thời Sự Khủng hoảng tài chính quốc tế tròn 5 tuổi

Khủng hoảng tài chính quốc tế tròn 5 tuổi PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Năm, 09 Tháng 8 Năm 2012 14:23

Ngày 09-08-2007 nền tài chính quốc tế chính thức rơi vào một khủng hoảng hết sức nghiêm trọng chưa hồi kết.

 

Khủng hoảng tài chính quốc tế bắt nguồn từ tín dụng địa ốc subprime (AFP)

 

Đúng năm năm sau ngày mở đầu cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, nhật báo Les Echos dành một chùm hồ sơ cho đề tài này với tựa đề trên trang nhất:

 « 09/08/2007 – 09/08/2012 : Khủng hoảng tròn 5 tuổi ».

Điểm lại một loạt biến cố chính của cuộc khủng hoảng, tờ báo nhấn mạnh đến vai trò của các ngân hàng trung ương, của giới lãnh đạo chính trị và khoa kinh tế học.

Theo Les Echos, sự kiện khủng bố đánh vào tòa tháp đôi ở New York ngày 11/09/2001 hầu như ai cũng nhớ, trong khi đó ít người còn nhớ được, cách đây đúng năm năm, vào ngày 09/08/2007, nền tài chính quốc tế chính thức rơi vào một khủng hoảng hết sức nghiêm trọng chưa hồi kết.

Sáng ngày 09/08, ngân hàng Pháp BNP Paribas tạm đình lại ba quỹ đầu tư có liên quan đến các « subprime » - các tín dụng địa ốc đáng ngờ của Hoa Kỳ.

 Đối diện với nguy cơ thị trường liên ngân hàng thiếu tiền, thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu Jean-Claude Trichet lập tức tháo khoán gần 100 tỷ euro. Ngay sau đó, các ngân hàng trung ương Anh, Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng nối gót tung ra thị trường tổng cộng hơn 330 tỷ đô la.

Trong những tháng tiếp theo, thủ phạm đã được nhận diện, đó là thái độ vô trách nhiệm của nhiều ngân hàng Mỹ trong các hoạt động kinh doanh tín dụng. Đỉnh cao của khủng hoảng là sự sụp đổ, vào tháng 9/2008, của Lehman Brothers, một trong các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.

Các cường quốc đã phải nỗ lực hợp tác qua các thượng đỉnh của nhóm G20 để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930. Dù không khiến nền tài chính toàn cầu rơi vào sụp đổ hoàn toàn, cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ 2007 đã làm cho các cường quốc công nghiệp lớn nhất suy yếu…

Cho đến nay, người ta vẫn còn chưa có lời giải cho các câu hỏi : Liệu có phải thế giới đang chứng kiến sự kết thúc của kỷ nguyên Phương Tây, với siêu cường Hoa Kỳ ? và Liệu thế giới tư bản của giai đoạn « phi điều tiết » (dérégulation), trong thập niên 1980, nay đã hết thời ?

Les Echos điểm lại các hoạt động chính của nhóm G20, với hơn 90% tổng sản phẩm toàn cầu, trong nỗ lực tái lập lại nền kinh tế tư bản. Biến cố 2007 và nhất là việc ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ buộc nguyên thủ của 20 nước lần đầu tiên họp lại với nhau tìm giải pháp, vào tháng 11/2008, theo sáng kiến của Pháp và Anh.

 Tất cả những vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế toàn cầu đã lần lượt được đưa ra thảo luận : từ việc thúc đẩy một tăng trưởng cân bằng, bền vững, cho đến việc cải cách triệt để hệ thống tài chính - ngân hàng, chống « các thiên đường (trốn) thuế », cải cách các định chế tài chính quốc tế…

Tuy nhiên, theo dòng thời gian, các cuộc tranh luận tại G20 kéo dài mà ít mang lại kết quả, và cho đến nay, cuộc cải cách thực sự cho một nền quản trị toàn cầu vẫn chưa thực hiện được.

Các ngân hàng Trung ương :  thành lũy chống lại sự hỗn loạn

Trong bối cảnh khủng hoảng tiếp diễn mà chưa có các giải pháp triệt để, Les Echos ghi nhận vai trò của các ngân hàng trung ương, như « các thành lũy chống lại sự hỗn loạn ».

Mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng buộc các ngân hàng tạo ra các phương thức can thiệp mới. Trong thời gian khủng hoảng làm chao đảo toàn thế giới, theo Les Echos, các định chế tiền tệ chủ yếu này đã làm hết sức để trở thành « những mỏ neo duy trì sự ổn định ».

Riêng tại khu vực đồng euro, tín dụng cho các ngân hàng được cung cấp dễ dàng hơn.

 Gần đây, để hỗ trợ hơn nữa khu vực đồng euro, Ngân hàng Trung ương còn chấp nhận mua lại nợ của các quốc gia gặp khó khăn, vốn là điều trước đó không được phép, với một số điều kiện về chính trị. Biến cố chưa từng có là thủ tướng Ý Berlusconi bị mất chức vào năm 2011, dưới áp lực của Ngân hàng Châu Âu.

 Ngân hàng Châu Âu cũng gia tăng trừng phạt các quốc gia không tôn trọng kỷ luật ngân sách…

Vai trò của kinh tế học : một dấu hỏi lớn

Cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu kéo dài 5 năm nay, Les Echos đặt vấn đề về vai trò của khoa kinh tế học, với ghi nhận : tuyệt đại đa số các nhà kinh tế học đã không hay biết gì về các hiểm họa đe dọa nền kinh tế toàn cầu trong một thời gian dài. Và cuộc khủng hoảng này dường như đã không được ai dự đoán.

Thật ra, cũng đã có nhiều tiếng nói cảnh báo về các bong bóng địa ốc hay chỉ trích giới lãnh đạo ngân hàng Mỹ.

Đã từng có những người như nhà kinh tế Pháp Maurice Allais (giải Nobel 1988), ngay từ những năm 1950, đã chứng minh với các kinh tế gia xuất sắc của Hoa Kỳ, rằng, chính họ không phải là những người duy lý. Ngay từ năm 1978, nhà kinh tế Mỹ Herbert Simon (giải Nobel 1978) đã được vinh danh vì các công trình về « tư duy lý tính bị giới hạn » (la rationalité limitée).

Thế nhưng những tiếng nói phản biện vẫn chỉ là của những người nằm ở ngoài hệ thống. Cho đến khi khủng hoảng bùng nổ, người ta buộc phải nhìn nhận lại các quan điểm chính thống.

Giải Nobel cao quý, do Ngân hàng Thụy Điển đảm nhiệm, ngày càng được trao thường xuyên hơn cho các nghiên cứu cho thấy rằng, nhiều lý thuyết nổi tiếng trong khoa kinh tế học dựa trên « các giả thuyết phi hiện thực ».

Các nghiên cứu về lịch sử kinh tế, về tâm lý kinh tế… được chú trọng hơn. Theo nhận định của Les Echos, dù đã có những soi sáng trong nhiều vấn đề cụ thể, vẫn còn vắng bóng một cái nhìn toàn thể về các cơ chế vận hành chủ yếu của nền kinh tế thế giới.

Số phận của vợ chồng Bạc Hy Lai phụ thuộc vào đấu đá ở thượng đỉnh đảng CS Trung Quốc

Về Châu Á, chủ đề thu hút nhiều chú ý của báo Pháp là phiên tòa xử bà Cốc Khai Lai, vợ cựu lãnh đạo Bạc Hy Lai, nguyên ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, người từng được cho rằng sẽ có mặt trong nhóm lãnh đạo tương lai của Trung Quốc sau đại hội đảng này vào tháng 10 tới.

Báo Libération chạy tựa « Cốc Khai Lai, sự sụp đổ của một nữ hoàng đỏ », còn Le Figaro có bài « Bắc Kinh chỉ đạo một phiên tòa mở đường cho việc kết thúc vụ bê bối Bạc Hy Lai ».

Trong bài viết ngắn « Vụ xì căng đan Bạc Hy Lai trở lại với phiên tòa », nhật báo La Croix đưa ra một số nhận định tóm tắt giúp độc giả hiểu được những lô gíc chủ yếu quyết định số phận của bị cáo Cốc Khai Lai và ông Bạc Hy Lai trong vụ bê bối từng được gọi là « bộ phim dài tập ».

Là một luật sư nổi tiếng và một nhà văn có tên tuổi, bà Cốc Khai Lai cùng chồng đã từng có những quan hệ mật thiết với doanh nhân người Anh, trước khi người này đột ngột tử vong tại một khách sạn ở thành phố Trùng Khánh.

Bị cáo buộc tội sát hại thương nhân người Anh, bà Cốc Khai Lai có thể bị án tử hình, tuy nhiên theo các báo Pháp, vợ ông Bạc Hy Lai rất có khả năng không phải chịu án này.

Như chúng tôi đã đưa tin, phiên tòa xử bà Cốc Khai Lai kết thúc trong ngày hôm nay, sau 7 giờ đồng hồ. Bị cáo không phản đối cáo trạng, trong khi đó, tòa chưa tuyên án và cũng không cho biết thời gian nào án sẽ được tuyên. Số phận của bị cáo Cốc Khai Lai như vậy vẫn còn để ngỏ.

Theo La Croix, chính quyền Trung Quốc muốn chấm dứt thật nhanh chóng vụ án Cốc Khai Lai, để khép lại vụ bê bối liên quan đến phe cánh Bạc Hy Lai, đưa ra ánh sáng những mâu thuẫn trầm trọng nhất trong thượng tầng hệ thống chính trị của chế độ cộng sản tại Trung Quốc.

 Vụ bê bối Bạc Hy Lai đã đảo lộn các cân bằng trong nội bộ đảng CS Trung Quốc.

La Croix nhận định, dường như ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã đi đến một thỏa hiệp về cách xử lý vụ Bạc Hy Lai.

 Tất cả những ân huệ mà phe nhóm Bạc Hy Lai sẽ được hưởng (cụ thể là việc bà Cốc Khai Lai không bị tử hình) có thể là để bù lại việc những người thân cận với Bạc Hy Lai chấp nhận bị mất vị trí trong giàn lãnh đạo nhiệm kỳ tới.

Cuộc chiến thầm lặng giữa Bạc Hy Lai và Hồ Cẩm Đào

Cũng về vụ án Cốc Khai Lai, báo Libération đặc biệt chú ý đến cuộc chiến thầm lặng giữa Bạc Hy Lai và Hồ Cẩm Đào, như là một yếu tố quyết định dẫn đến sự sụp đổ của nhóm Bạc Hy Lai, mà chúng ta biết.

Cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, như chúng ta biết, là người nổi danh với các chiến dịch « chống tham nhũng » quyết liệt tại Trùng Khánh và từng phát động một phong trào phục hưng ý thức hệ Mao Trạch Đông. Để có cơ hội tiếp tục leo lên đến vị trí hàng đầu của đảng, Bạc Hy Lai đã thiết lập một đường dây nghe trộm đối với lãnh đạo số 1 của hệ thống chính trị Trung Quốc.

Về phần mình, để hạ gục kẻ hãnh tiến, Hồ Cẩm Đào đã mở cuộc tấn công chống tham nhũng nhắm vào vợ Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân, giám đốc công an Trùng Khánh, vốn là một thủ hạ trung thành của bí thư Bạc.

 Khi hiểu rằng không còn được ông chủ bảo trợ, Vương Lập Quân đã quay lại tấn công quan thầy. Rất có thể là cựu giám đốc Công an Trùng Khánh chính là người đã giữ lại và cung cấp các bằng chứng cho thấy doanh nhân Heywood bị vợ bí thư Trùng Khánh hạ sát.

Kết luận mà Libération muốn rút ra từ vụ bê bối bất ngờ này là còn rất nhiều bí ẩn bao phủ vụ việc. Theo Libération « đảng Cộng sản Trung Quốc giống với một băng đảng mafia, sẵn sàng làm mọi thứ để có thật nhiều tiền. »

 Vợ chồng Bạc Hy Lai thu vén được khoảng 100 triệu đô la, trong khi đó, theo thông tin mới được công bố gần đây, gia đình nhân vật số hai của đảng CS Trung Quốc Tập Cận Bình thì có tới 300 triệu.

Libération tóm lại là : « Tất cả các quan chức cao cấp trong đảng CS Trung Quốc đều có rất nhiều tài sản mà họ không thể chứng minh được nguồn gốc, toàn bộ hệ thống như vậy có thể bị nghi ngờ.

 Chính ở đây, Cốc Khai Lai đã trở thành một nhân vật thế mạng hoàn hảo cho đảng. Bà ta có thể là thủ phạm giết hại doanh nhân người Anh ; nhưng ông Neil Heywood cũng có thể, ai mà biết được, đã chết một cách tự nhiên giống như ghi nhận của giấy chứng tử đầu tiên ».