Home Tin Tức Thời Sự Nhật Bản có thể từ bỏ năng lượng hạt nhân từ năm 2030

Nhật Bản có thể từ bỏ năng lượng hạt nhân từ năm 2030 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Phương   
Thứ Ba, 07 Tháng 8 Năm 2012 14:45

Chính phủ Tokyo đang đề ra một kế hoạch phát triển năng lượng mới.

 

Nhà máy điện hạt nhân Ohi chụp từ trên không ngày 16/7/2012 (Hiện tại Nhật chỉ có 2 trên tổng số 50 lò phản ứng hạt nhân còn hoạt động)
REUTERS/Kyodo

 

Trong một cuộc họp báo hôm nay 07/08/2012 tại Tokyo, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yukio Edano vừa tuyên bố là nước này có thể từ bỏ hoàn toàn năng lượng hạt nhân kể từ năm 2030, mà không gây tổn hại đến nền kinh tế.

Ông Edano đã tuyên bố như trên khi trả lởi một câu hỏi về những tác động tiêu cực của việc ngưng hoàn toàn các lò phản ứng hạt nhân từ đây cho đến năm 2030.

Hơn một năm rưỡi sau tai nạn hạt nhân Fukushima tháng 3/2011, chính phủ Tokyo đang đề ra một kế hoạch phát triển năng lượng mới.

Trước đây, Tokyo đã dự trù nâng tỷ lệ điện hạt nhân từ 30% lên thành 53% tổng sản lượng điện từ đây đến năm 2030. Nhưng tai nạn Fukushima đã làm đảo lộn kế hoạch này.

Chính phủ Nhật hiện đang nghiên cứu ba kịch bản cho giai đoạn từ đây đến năm 2030 : Hoàn toàn không cần đến điện hạt nhân, giảm tỷ lệ điện hạt nhân xuống còn 15% hoặc chỉ giảm xuống còn từ 20 đến 25% tổng sản lượng điện.

Đối với Bộ trưởng Công nghiệp Nhật, kịch bản 0% điện hạt nhân sẽ không có tác động tiêu cực nào đến nền kinh tế, mà trái lại nó sẽ thúc đẩy tăng trưởng, bởi vì nước này sẽ phải phát triển các năng lượng tái tạo và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, qua đó sẽ hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Trước đó, các chuyên gia do chính phủ chỉ định đã dự báo rằng kịch bản 0% điện hạt nhân sẽ khiến tổng sản phẩm nội địa GDP của nước này giảm từ 1,2% đến 7,6%.

Dầu sao, chính phủ Tokyo không có sự chọn lựa nào khác là phải giảm tối đa tỷ lệ điện hạt nhân bởi vì phong trào chống năng lượng nguyên tử đã phát triển mạnh ở Nhật kể từ sau tai nạn Fukushima, đã khiến hàng trăm ngàn người dân trong vùng phải tản cư để tránh ô nhiễm phóng xạ.

Cứ vào mỗi thứ sáu, trước văn phòng của thủ tướng Yoshihiko Noda lại diễn ra các cuộc biểu tình chống năng lượng hạt nhân, quy tụ mỗi lần hàng ngàn người, một con số đáng kể đối với Nhật Bản.

 Những người biểu tình yêu cầu chính phủ không khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân đang ngừng hoạt động và đưa Nhật Bản ra khỏi năng lượng nguyên tử.

Đặc biệt, ngày chủ nhật 29/07 vừa qua, khoảng từ 10 đến 20 ngàn người biểu tình theo cảnh sát và 200 ngàn người theo ban tổ chức biểu tình đã tạo thành một chuỗi người bao quanh tòa nhà Quốc hội một cách biểu tượng trong 1 tiếng đồng hồ.

Theo lời ban tổ chức, những người tham gia biểu tình không chỉ là dân Tokyo, mà còn đến từ khắp Nhật Bản.

Hiện giờ chỉ có 2 trên tổng số 50 lò phản ứng hạt nhân còn hoạt động, những lò khác đã ngưng vận hành, hoặc là do động đất, hoặc là do những quy định an toàn mới mà chính phủ ban hành sau tai nạn Fukushima.

Thậm chí trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Nhật Bản hoàn toàn không có điện hạt nhân, trước khi thủ tướng Noda cho khởi động lại hai lò nguyên tử vào tháng 7, gây phẫn nộ trong giới chống hạt nhân và làm gia tăng thêm phong trào phản đối điện nguyên tử ở nước này.