Tranh cãi ngoại giao giữa Cam Bốt - Philippines sau thất bại hội nghị ASEAN |
Tác Giả: Phạm Phan / Thanh Hà |
Thứ Hai, 06 Tháng 8 Năm 2012 10:57 |
Cam Bốt không có quyền lợi gì trên Biển Đông, nhưng Cam Bốt tận thu mối lợi qua những khoản viện trợ của Bắc Kinh
Các Ngoại trưởng ASEAN chụp hình lưu niệm nhân lễ khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN AMM-45 tại Phnom Penh ngày 09/07/2012.
Thất bại của hội nghị ASEAN và những tranh cãi ngoại giao hiện nay giữa Cam Bốt và Philippines nằm trong chiều hướng mà Bắc Kinh dự mưu nhằm chia rẽ khối ASEAN giữa lúc họ vẫn tiếp tục thực hiện lấn chiếm Biển Đông từng bước. Lá thư của đại sứ Cam Bốt tại Manila Hội nghị ASEAN tại Phnom Penh vào gần cuối tháng 7 vừa qua không những gây sửng sốt cho công luận về công tác điều hành hội nghị của nước chủ nhà Cam Bốt khi kết thúc hội nghị mà không đạt được đồng thuận để đưa ra một thông cáo chung, trái lại dư âm của sự không đoàn kết đó lại còn kéo dài cho đến mấy ngày hôm nay qua cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Cam Bốt và Philippines. Câu chuyện khởi đầu từ ngày 30/07/2012 tại thủ đô Manila của Philippines khi viên đại sứ Cam Bốt, ông Hos Sereythonh cho đăng trên báo Philippines Star một bức thư trong đó có nội dung chỉ trích thẳng thừng là chính Hà Nội và Philippines là tác nhân làm cho hội nghị ASEAN không thể đưa ra được một thông cáo chung, một biệt lệ chưa từng xảy ra trong suốt chiều dài hoạt động 45 năm qua của khối hợp tác kinh tế - chính trị ở vùng này. Lá thư của đại sứ Hos Sereythonh có nêu đích danh hai thành viên quan trọng trong cuộc tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông hiện nay. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, duy nhất chỉ có Philippines lên tiếng phản đối mạnh bức thư của viên đại sứ Cam Bốt, còn Hà Nội thì vẫn im tiếng, dường như đang thu mình lắng nghe động tịnh chung quanh. Thật ra, khi quan sát diễn biến sau hội nghị ASEAN, chúng ta được biết rằng, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã thực hiện chuyến công du ngoại giao chớp nhoáng chỉ sau một tuần đánh dấu lễ bế mạc hội nghị ASEAN. Sau khi bay qua Manila rồi ghé Hà Nội, ông Marty Natalegawa đã đến Phnom Penh để gặp Ngoại trưởng Hor Namhong nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trong toàn khối về vấn đề Biển Đông. Sau cuộc gặp, ông Hor Namhong đồng ý với những điểm mà Ngoại trưởng Indonesia nêu lên, trong đó có điểm chính là khối ASEAN tán đồng cách giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng phương tiện hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, ông Hor Namhong không quên nói thêm rằng, những điều này đã được nêu lên tại hội nghị nhưng Việt Nam và Philippines không đồng ý nhưng bây giờ lại đồng ý. Qua các sự kiện này, có thể nói là bức thư của viên đại sứ Cam Bốt tại Manila không thể là hành động cá nhân trái lại nó rất tương đồng với quan điểm của Ngoại trưởng Hor Namhong. Và viên Ngoại trưởng này không thể nói khác quan điểm của chính quyền Cam Bốt. Đại sứ Cam Bốt tại Nhật tiếp tục bản đồng ca với người đồng nhiệm Câu chuyện liên hệ tới bức thơ của viên đại sứ Cam Bốt tại Manila tiếp tục gây sự chú ý của công luận khi một nhân vật không kém quyền thế trong đẳng cấp chính trị nhiều bổng lộc tại Phnom Penh là ông Hor Monirath lên tiếng. Ông này hiện đang là đại sứ Cam Bốt tại Nhật Bản. Tại sao gọi ông Hor Monirath thuộc diện đẳng cấp quyền thế? Do ông chính là con trai của đương kim Ngoại trưởng Hor Namhong. Trong bài báo ngày 3/8 trên Phnom Penh Post online có trưng ra một số chi tiết trong bài viết của đại sứ Hor Monirath cho đăng trên The Japan Times Online như sau: Chính Việt Nam và Philippines làm hư đi nỗ lực đưa ra bản thông cáo chung tại hội nghị ASEAN khi Cam Bốt đóng vai trò nước chủ nhà năm nay. Sự khẳng định này minh định lập trường của Cam Bốt từ trong hội nghị ASEAN cho đến lúc này là kiên quyết ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Đại sứ Hor Monirath nói rằng, Cam Bốt không muốn đưa vấn đề tranh chấp song phương vào hội nghị ASEAN, cũng như không muốn đổ dầu vào lửa. Và ông Hor Monirath cũng phê bình giới truyền thông tiếp tục tô vẽ một bức tranh ảm đạm về nước chủ nhà Cam Bốt trong cương vị chủ tịch ASEAN năm nay. Sự viện trợ dồi dào vô điều kiện trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự mà Bắc Kinh đổ vào Cam Bốt từ hơn một thập niên qua đã dẫn đến sự thành công cho họ trong hội nghị ASEAN vào tháng 7 khi nước chủ nhà Cam Bốt không chút ngượng ngùng khóa chặt mồm bất cứ phát biểu nào liên quan đến Biển Đông, đặc biệt là tiếng nói từ phía phái đoàn ngoại giao Hà Nội và Philippines. Ai đứng đàng sau, kẻ nào được hưởng lợi? Tình đoàn kết mà Indonesia, một sáng lập viên khối ASEAN nỗ lực gìn giữ qua sứ mệnh ngoại giao gấp rút của Ngoại trưởng Marty Natalegawa ngay sau khi bế mạc hội nghị ASEAN, đang trong chiều hướng xấu đi. Cam Bốt không có quyền lợi gì trên Biển Đông, nhưng Cam Bốt tận thu mối lợi qua những khoản viện trợ của Bắc Kinh. Thất bại của hội nghị ASEAN và những tranh cãi ngoại giao hiện nay giữa Cam Bốt và Philippines nằm trong chiều hướng mà Bắc Kinh dự mưu nhằm chia rẽ khối ASEAN giữa lúc họ vẫn tiếp tục thực hiện lấn chiếm Biển Đông từng bước. Trong khi giựt dây cho Cam Bốt không đưa vấn đề Biển Đông vào các cuộc thảo luận tại hội nghị ASEAN để quấy rối tất cả thành viên của khối, thì cùng lúc đó, Bắc Kinh tự tiện, một cách thiếu trách nhiệm, khi công bố đặt hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang trong vòng tranh chấp với nhiều thành viên ASEAN, dưới sự quản lý của một đơn vị hành chánh Trung Quốc được gọi là thành phố Tam Sa. Rồi ngay sau đó cho thành lập đơn vị quân sự đồn trú trên quần đảo Hoàng Sa mà họ đã chiếm đóng trái phép sau cuộc chiến tháng 1/1974 với quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Đây là một chiến thuật vừa đàm vừa đánh, tuy cổ điển nhưng lại hiệu quả hiện nay vì Bắc Kinh biết được thế yếu của Hà Nội và Philippines là chỉ phản đối bằng miệng thông qua các bản tuyên bố chung chung không có giá trị hành động và thực lực hải quân nghèo nàn so với họ. Những hoạt động quân sự và chủ trương tiến chiếm Biển Đông từng bước, cụ thể là giành toàn bộ quần đảo Trường Sa về tay Bắc Kinh khiến cho một cuộc chiến trên Biển Đông là một điều rất khó tránh khỏi. Cam Bốt với vị thế thành viên ASEAN đã được Bắc Kinh triệt để khai thác trong cương vị nước lớn không quan tâm đến lợi ích của cộng đồng các nước trong vùng. Cam Bốt chỉ là một bàn đạp giai đoạn, mục tiêu chính và lâu dài hơn của họ là vùng biển giàu khí đốt và tiềm năng thủy sản phong phú. Tóm lại, hành động của Cam Bốt khi chọn đi với Bắc Kinh trong thời điểm xảy ra tranh chấp tại Biển Đông tất phải dẫn đến sự rạn nứt nghiêm trọng mối quan hệ với láng giềng Việt Nam. Và điều này chứa đựng mầm mống gây ra sự thay đổi trong giới lãnh đạo Cam Bốt một khi chiến tranh Biển Đông xảy ra. |