Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-08-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-08-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Bảy, 04 Tháng 8 Năm 2012 20:26

 Bắc Kinh - Đài Bắc : Khác biệt bản sắc ngày càng sâu rộng

 

Đài Loan thành lập bộ Văn hóa tháng 5/2012, khẳng định khác biệt bản sắc của mình với Hoa Lục (RFI)

 

Cuộc chiến giữa đảng Cộng sản Trung Quốc và Quốc Dân đảng đã ngã ngũ vào năm 1949, nhưng đến nay vẫn còn phủ bóng đen lên quan hệ song phương :

Bắc Kinh luôn tuyên bố Đài Loan là « một bộ phận không thể tách rời », trong khi người Đài Loan muốn khẳng định độc lập chủ quyền và bản sắc riêng đối với Trung Quốc. Báo Le Monde chạy tựa : "Đài Loan và vấn đề bản sắc Trung Hoa".

Năm 1912, Trung Hoa Dân Quốc đã được thành lập thay thế cho chính quyền nhà Thanh, chấm dứt chế độ phong kiến tại Trung Quốc.

 Sau đó nước này đã xảy ra « nội chiến », Đảng Cộng Sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo đã giành chiến thắng hồi năm 1949 để thành lập một nhà nước mang tên : « Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc », gọi tắc là Trung Quốc. Trong khi đó, Quốc Dân đảng của Tưởng Giới Thạch thua chạy sang Đài Loan thành lập nhà nước « Trung Hoa Dân Quốc », thường gọi là Đài Loan.

Trên diễn đàn quốc tế, với sức nặng về kinh tế lẫn chính trị ngày càng lớn, Trung Quốc Đại Lục luôn gây sức ép buộc các nước thừa nhận nguyên tắc « một Trung Quốc » của chính quyềnBắc Kinh, nhiều nước vì thế thường xem Đài Loan là « Trung Hoa Đài Bắc ».

 Tại Olympic Luân Đôn lần này cũng vậy, ban tổ chức để tên Đài Loan là « Trung Hoa Đài Bắc », và lá cờ chính thức của Đài Loan lại không phải là quốc kỳ của nước này, mà là một lá cờ tượng trưng khác.

Trước khi khai mạc Olympic, tờ báo cho biết, trên những đường phố Luân Đôn, quốc kỳ chính thức của nhà nước Đài Loan đã được treo bên cạnh quốc kỳ của các nước tham gia Olympic khác.

 Người Đài Loan có mặt tại Luân Đôn còn xuống đường cầm cờ chính thức của Đài Loan để khẳng định chủ quyền quốc gia đối với Trung Quốc Đại Lục. Thế mà 4 ngày sau đó, quốc kỳ Đài Loan bổng dưng biến mất để được thay bằng lá cờ đại diện hiện tại.

Tờ báo cho biết, việc đó được cho là ban tổ chức đã quyết định vì « nể mặt » Bắc Kinh. Người Đài Loan phẫn nộ phản ứng dữ dội trên Facebook. Đảng đối lập tại Đài Loan nhân cơ hội đó lên tiếng chỉ trích gay gắt đảng cầm quyền đã không biết giữ màu cờ sắc áo.

Câu chuyện không chỉ dừng lại ở phạm vi chính trị, bởi bên cạnh việc tuyên bố sự độc lập đối với Bắc Kinh, người Đài Loan còn muốn khẳng định bản sắc văn hóa riêng của mình.

Một giáo sư chính trị học tại Đài Bắc nhận định, mỗi lần cầm lá phiếu đi bầu tổng thống trên tay, người Đài Loan cảm thấy cái « bản sắc Đài Loan » của mình được củng cố. Hiện tại, thế hệ trẻ nước này càng cảm thấy mình là « người Đài Loan » hơn, và Trung Quốc Đại Lục chỉ là « nước láng giềng ».

Sự khẳng định bản sắc riêng của Đài Loan bắt đầu trở nên mạnh mẽ dưới thời tổng thống Lý Đăng Huy (1996-2000) và tổng thống Trần Thủy Biển (2000-2008) bởi hai ông này vốn là người « Đài Loan gốc ».

Cái ý tưởng xây dựng bản sắc Đài Loan ngày càng được thế hệ trẻ ủng hộ. Theo thống kê, hiện tại có đến 54% người Đài Loan khẳng định « bản sắc Đài Loan », trong khi đó 39% cho rằng mình « vừa là người Đài Loan vừa là người Trung Quốc ».

Đặc biệt, theo thống kê năm 1992 có đến 25% người Đài Loan xem mình đơn thuần là « Người Trung Quốc », thế mà năm 2011, cón số này giảm xuống chỉ còn có 4%.

Hiện tại, phương Tây đang quằn mình với khủng hoảng tài chính, vì thế thế hệ trẻ Đài Loan bắt đầu hướng con đường sự nghiệp của mình sang phía Trung Quốc Đại Lục. Thế nhưng, đó chỉ là kinh tế, còn về chính trị và văn hóa, thì họ vẫn khẳng định bản sắc Đài Loan của mình. Họ khẳng định : « Trung Quốc là cơ hội, Đài Loan là bản sắc ».

Thế mới biết, xung đột chính trị đã khó giải quyết, mà bất đồng bản sắc lại càng khó giải quyết hơn. Chính phủ Bắc Kinh liệu có thể sáp nhập Đài Loan vào Trung Quốc Đại Lục được hay không còn chưa biết, nhưng chắc chắn rằng, để hòa hợp được bản sắc giữa người dân hai bờ eo biển Đài Loan quả thật là chuyện vô cùng khó khăn.

Tân Cương : Quyết tâm giành độc lập ngày càng cao

Ngoài vấn đề Đài Loan, Bắc Kinh lại phải đau đầu với hồ sơ Tân Cương. Nhật báo Libération nhìn nhận sự việc qua bài viết : « Người Duy Ngô Nhĩ quằn mình dưới chiến dịch "Thiết quyền" của chính quyền Trung Quốc ». Bắc Kinh dùng bàn tày sắt để siết chặt kiểm soát.

Chính phủ Bắc Kinh hiện vẫn chưa thể dập tắt được khát vọng độc lập của người bản địa. Vấn đề ở đây không chỉ đơn thuần là chính trị, mà còn là văn hóa, sắc tộc và tôn giáo. Dù chính quyền trung ương đã thi hành chính sách đưa thật nhiều người Hán đến định cư tại khu tự trị này, nhưng hiện tại còn đến 45% dân cư là người Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo nói tiếng Thổ.

Xung đột sắc tộc vẫn thường xuyên nổ ra, đến mức mà tháng rồi, chính quyền đã phải phát động chiến dịch mang tên « Thiết quyền» để kiểm soát tình hình.

Kết quả là hôm qua, có 20 thanh niên Duy Ngô Nhĩ đã bị kêu án tù từ 18 tháng đến 15 năm.

Điểm đáng chú ý theo Libération đó là : Họ là những người theo đuổi lí tưởng giành độc lập cho Tân Cương. Người Hán và Duy Ngô Nhĩ ngày càng nghi kị lẫn nhau, một bầu không khí lạnh rợn người bao trùm khu vực Tân Cương.

Như vậy, chính phủ Bắc Kinh đang ngộp thở dưới những hồ sơ sắc tộc, tôn giáo, văn hóa lẫn chính trị đến từ nhiều phía, nói cách khác, Bắc Kinh đang rơi vào thế « lưỡng đầu thọ địch ».

Syria : Hồi Giáo cực đoan dần lộ diện

Tiếp tục thông tin về tình hình chiến sự tại Syria, nhật báo Libération có bài chạy tựa : « Syria có trở thành khu vực thánh chiến mới hay không ? ».

 Tờ báo nêu câu hỏi như thế, bởi tại Syria, trong hàng ngũ phe nổi dậy, có các phần tử Hồi Giáo cực đoan. Họ chiến đấu không phải vì tự do dân chủ mà là vì mâu thuẫn tôn giáo. Những phần tử này thường thì thuộc phe Hồi Giáo dòng Sunni đối lập với dòng Chiai của tổng thống Assad.

Trong vùng Alep, nơi đang là chiến trường quyết tử của quân đội chính phủ và phe nổi dậy, các phần tử Hồi Giáo cực đoan đã không còn ngần ngại công khai lộ diện. Họ đang nắm quyền kiểm soát cửa khẩu Bab el-Hawa vùng tây bắc đất nước, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ.

 Hôm 20/7, một nhóm Hồi Giáo cực đoan khoảng hơn trăm người đã chiếm cửa khẩu này. Chiến binh của họ mang băng đen có hàng chữ trắng : «Chỉ có Thượng đế và đấng tiên tri Mohamet mà thôi ».

Một người tự xưng là chỉ huy của một tổ chức Hồi Giáo cực đoan ở miền Bắc Syria cho phóng viên của Libération biết, ông ta là người Hồi Giáo Sunni.

Ông khẳng định mạnh mẽ rằng : « Lính của ông Assad còn xấu xa hơn những kẻ phản đạo ». Ông tuyên bố sẽ trả thù thẳng tay, và sẽ không tha thứ cho bất cứ kẻ thù nào.

Một người đàn ông khác tự xưng là lãnh đạo của một tổ chức vũ trang bao gồm hàng trăm nhóm khác nhau thì có lời lẻ mập mờ, không có một kế hoạch rõ ràng về tương lai đất nước nếu lật đổ được chính phủ Assad. Theo Libération, nhân vật này đã từng là một lãnh đạo của phong trào thánh chiến hồi những năm 1990.

Tờ báo cho biết, ngoài các phần tử Hồi Giáo cực đoan đang kiểm soát cửa khẩu nói trên, thì từ giữa tháng rồi, có từ 400 đến 500 chiến binh cực đoan khác đã đến đóng quân tại một căn cứ gần ngôi làng Harem, miền đông bắc Syria.

Theo tin tức mà Libération thu được, hoạt động của nhóm này rất bí mật, họ được huấn luyện rất kỉ lưỡng, đặc biệt trong hàng ngũ của họ có cả người đến từ nước khác trong đó có Libya và Tunisia.

Những lời kêu gọi chống chính phủ Assad của các tổ chức Hồi Giáo cực đoan ngày càng nhiều ở Syria.

Đã có ít nhất 2 tổ chức có liên quan đến Al-Qaida đến tham chiến ở nước này. Trong khi đó, quan điểm của phe nổi dậy có vẻ không thống nhất.

 Lãnh đạo quân sự của phe nổi dậy ở Alep khẳng định: « Không hề có phần tử thánh chiến hay người nước ngoài nào tham gia chiến đấu ở Syria ».

 Trong khi đó, một lãnh đạo khác lại cho biết « đã có nghe nói » về sự hiện diện này.

Libération kết luận : Sau hơn một năm đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị, Syria đang có nguy cơ trở thành một vùng thánh chiến.

Hoa Kỳ : Các vụ tấn công của tin tặc tăng 17 lần trong 2 năm

Chủ đề phương Tây bị tin tặc tấn công đã được báo giới Pháp đề cập nhiều lần. Thế nhưng, hôm nay nhật báo Le Figaro đi vào cụ thể trường hợp của Hoa Kỳ với bài viết chạy tựa báo động : « Cơn đại hồng thủy tin tặc ập đến nước Mỹ ».

Theo số liệu chính thức của Hoa Kỳ, chỉ trong hai năm từ 2009 đến 2011, số lần tin tặc tấn công nước này đã tăng đến 17 lần, trong đó nạn nhân chính là : các hệ thống điện, nước, điện thoại di động và tin học.

 Thủ phạm bị tình nghi là Trung Quốc và Nga. Một quan chức an ninh mạng của Hoa Kỳ cảnh báo : Chỉ trong vài phần ngàn giây, một vụ tấn công tin học qui mô có thể được thực hiện, thế nhưng sự phòng bị của Hoa Kỳ còn khá lỏng lẻo.

Theo ông này, nếu tính trên thang điểm 10, thì sự phòng bị tin học của Mỹ chỉ đạt điểm 3. Quan chức này vì thế đã kêu gọi các nhà lập pháp nhanh chóng thông qua một bộ luật đặc biệt dành cho hồ sơ an ninh mạng.

Tin tặc đang hoành hành đến thế, trong khi chính khách Mỹ vẫn còn chưa thống nhất được giải pháp. Hôm qua, Thượng viện Mỹ đã không thể đạt được đồng thuận về dự thảo luật an ninh mạng. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain cho rằng, bộ luật quá tốn kém và can thiệp quá sâu vào lĩnh vực tư nhân.

Kinh tế Nhật phục hồi không đồng đều

Đến với Nhật Bản, Le Monde có bài cho biết : « Các nhà công nghiệp Nhật cho biết đã phục hồi nhưng còn chậm ».

 Ngành công nghiệp ô tô đã bắt đầu phát triển trở lại. Hãng Toyota đã lấy lại vị trí số một thế giới với 4,97 triệu chiếc được bán ra trong sáu tháng đầu năm 2012, tức tăng 34% so với cùng kì năm ngoái. Từ tháng 4 đến tháng 6, doanh số đã tăng 60%.

Tình hình của Honda cũng sáng sủa không kém, các chỉ số không ngừng tăng lên.

Trong khi đó, tình hình ngành điện tử thì u ám hơn. Đối với hãng Sharp, lượng tivi màn hình phẳng bán ra đã giảm đi 50% với thiệt hại tương đương 1,4 tỷ euro. Hiện hãng này đang dự định cắt giảm 5 000 lao động. Ngay cả đại gia Sony cũng kết thúc quí hai trong thất vọng với thiệt hại lên đến 260 triệu euro.

Nguyên nhân phần lớn là do thị trường Châu Âu đang lâm khủng hoảng gây ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu Nhật Bản.

 Thêm vào đó, đồng yên tăng giá so với đồng đô la và euro cũng gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu nước này.

 Trong tình hình đó, tờ báo cho rằng, các nhà công nghiệp Nhật phải tiếp tục tái cấu trúc hệ thống và có thể sẽ phải tăng cường chuyển sản xuất đến những nước có chi phí nhân công rẻ hơn.