Home Tin Tức Thời Sự Trung Quốc gây hấn để thực hiện mưu đồ lớn hơn

Trung Quốc gây hấn để thực hiện mưu đồ lớn hơn PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 02 Tháng 8 Năm 2012 16:48

Tạp chí Nga-Ấn viết về tranh chấp biển Ðông

NEW DELHI (NV) -Những hành động của Trung Quốc đang diễn ra trên biển Ðông thời gian gần đây nằm trong một mưu đồ lớn hơn của những kẻ chủ trương bá quyền nước lớn ở Bắc Kinh.

 

Bản đồ biển Ðông. (Hình: Internet)

 

Tạp chí Nga-Ấn RIR (Russia & India Report) hôm Thứ Tư có một bài phân tích nêu ra 5 mục tiêu trong chiến lược của Bắc Kinh khi tranh chấp biển đảo với các nước nhỏ phía Nam, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.

Ngày 20 tháng 7 năm 2012, Bắc Kinh cho thành lập bộ tư lệnh quân sự thành phố Tam Sa với hai đại tá để cầm đầu lực lượng phòng vệ một khu vực rộng lớn nhiều triệu km2 trên biển Ðông (họ gọi là Nam hải).

Trước đó, Bắc Kinh biểu diễn màn bầu bán ‘Hội Ðồng Nhân Dân’ ở đảo Phú Lâm (họ gọi là Vĩnh Hưng đảo) trong quần đảo Hoàng Sa và cử thị trưởng, các ban bệ ở một thành phố không thấy mặt dân hiểu đúng nghĩa của nó.

Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1974 sau trận hải chiến với hải quân VNCH.

 Bắc Kinh chỉ xua quân chiếm được 6 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988. Việt Nam vẫn duy trì kiểm soát và phòng thủ gần 30 đảo tại quần đảo này.

Quần đảo Trường Sa cũng còn trong sự tranh chấp với cả Malaysia, Philippines, Brunei và Ðài Loan.

Ðáy biển của các khu vực này được dự đoán là có tiềm năng dầu khí rất lớn ngoài nguồn thủy sản phong phú.

Khi thấy Việt Nam ra Luật Biển xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, Bắc Kinh liền cho công ty dầu khí Hải Dương (CNOOC) gọi thầu quốc tế 9 lô (với diện tích 160,000 km2) ngay trên thềm lục địa thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Ở khu vực này, công ty dầu khí của Ấn và một số công ty dầu khí quốc tế đã và đang tham dự các dự án dò tìm và khai thác với Việt Nam.

Về phía Philippines, dù loan báo gọi thầu quốc tế dò tìm dầu khí trong các khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của nước mình theo UNCLOS nhưng vẫn bị Bắc Kinh đe dọa.

Tuy không xác định chính thức nhưng Bắc Kinh vẫn vin vào 9 cái vạch đứt vẽ trên bản đồ giống như hình “Lưỡi Bò” để ngang nhiên coi gần hết biển Ðông là “ao sau nhà mình”.

Những hành động quân sự và chính trị của Bắc Kinh đối với biển Ðông không những là sự thách đố đối với Việt Nam và Philippines, các nước khác có quyền lợi hàng hải liên quan cũng cảm thấy bất an.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ từng tuyên bố ở Hà Nội là nước Mỹ có “quyền lợi quốc gia” trên biển Ðông. Biển Ðông là hải lộ quan trong hàng đầu trên thế giới với số lượng tàu bè vận chuyển hàng hóa và nhiên liệu quan trọng nhất so với các hải lộ khác trên thế giới.

Trước thái độ ngày càng hung hăng của Bắc Kinh, Hoa Kỳ quyết định chuyển 60% lực lượng hải quân từ các vùng khác về khu vực Á Châu Thái Bình Dương.

 Ðại Hàn, Nhật Bản, Ấn Ðộ đều quan ngại về sự an nguy của hải lộ biển Ðông. Hải lộ này trở ngại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế của họ, không riêng gì Hoa Kỳ và những nước khác trên thế giới.

Theo tạp chí RIR, trước hết, Bắc Kinh muốn dò phản ứng của các nước nhỏ phía Nam tranh chấp biển đảo. Việc làm găng ở bãi san hô Scarborough (Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham đảo) với Philippines, và gọi thầu dò tìm dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như thành lập thành phố Tam Sa, bầu bán hội đồng nhân dân, bộ chỉ huy quân sự Tam Sa, có mục đích xem Việt Nam và Philippines dám phản ứng gì không, ngoài những lời phản đối suông.

Thứ hai, Bắc Kinh dùng sức mạnh kinh tế như một đòn phép khác thay thế cho sức mạnh quân sự. Thí dụ, Bắc Kinh cắt bớt chuối nhập cảng từ Philippines, giảm tối đa du khách tới Philippines là các thí dụ.

Thứ Ba, Bắc Kinh tạo chia rẽ giữa các nước ASEAN bằng những đòn mua chuộc kinh tế. Nước nào chịu làm tay sai chính trị cho Bắc Kinh được thưởng bằng những viện trợ hay tín dụng ưu đãi lớn. Cách hành xử của Cam Bốt theo lệnh của Bắc Kinh trong kỳ hội nghị cấp ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh giữa tháng trước là một thí dụ điển hình.

Thứ tư, Bắc Kinh tăng cường đoàn tàu kiểm soát khu vực biển Ðông với các tàu hải giám và tuần tra biển thay cho lực lượng hải quân. Nhờ vậy, Bắc Kinh có thể chống chế được trước các sự đả kích của dư luận quốc tế.

Sau cùng, Bắc Kinh muốn thử phản ứng của Hoa Kỳ, một đồng minh có hiệp ước bảo vệ an ninh chung với Philippines nếu nước này bị nước khác tấn công.

Bắc Kinh biết Mỹ sa lầy ở Afghanistan, đang tìm cách rút chân ra và cũng đang bận tâm nhiều đến chương trình võ khí nguyên tử của Iran mà một cuộc chiến tranh cũng có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, đây là lúc tốt để Bắc Kinh dò phản ứng của Mỹ. Nó cũng giúp Bắc Kinh dò phản ứng Mỹ nếu như sự căng thẳng giữa Hoa Lục và Ðài Loan leo thang.

Về phía Ấn Ðộ, nước này có vẻ đang theo chính sách chờ xem diễn biến để tùy tình thế hành động.

Mới đây, hãng thông tấn Reuters thuật lời một viên chức của một công ty dầu khí quốc tế cho hay nếu công ty dầu khí Ấn tiến hành kế hoạch liên doanh sẽ gặp phản ứng mạnh từ Bắc Kinh, trước là ngoại giao, sau sẽ đến quân sự.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo ngày Thứ Tư cũng nói rằng Bắc Kinh sẽ “phản ứng mạnh” nếu nước nào đụng chạm tới cái “Lưỡi Bò”. (T.N.)