Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 02-08-2012 |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Năm, 02 Tháng 8 Năm 2012 14:14 |
Cuộc đọ sức giữa hai phe bảo thủ và cải tổ ngày càng gay cấn
Tổng thống Thein Sein (giữa) phát biểu trước Quốc hội Miến Điện (REUTERS /Myanmar News Agency)
Tại Miến Điện, quá trình cải cách chính trị và kinh tế đã đi đến giai đoạn nhạy cảm nhất, đó là giai đoạn làm phát sinh tranh chấp quyền lợi giữa các vây cánh, phe nhóm. Điều đó buộc phe canh tân của nước này phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Báo Libération đăng bài phân tích : "Tại Miến Điện, cuộc chiến trên chóp bu có lợi cho tiến trình mở cửa". Tờ báo nhắc lại, sau 16 tháng tập trung cải cách chính trị, tổng thống Miến Điện Thein Sein đã thông báo bắt đầu giai đoạn 2 với trọng tâm là phát triển đất nước và nâng cao mức sống người dân. Để tiến hành giai đoạn cải cách mới, chính phủ Thein Sein bắt đầu có thay đổi nhân sự đáng kể. Đã có 6 phó thủ tướng được thay thế. Tuy nhiên đáng chú ý nhất là sự ra đi của phó tổng thống Tin Aung Myint Oo hồi tháng Bảy rồi. Ông Myint Oo năm nay 62 tuổi, được cho là đã từ chức vì lí do sức khỏe. Ông là nhân vật thân cận với thống tướng Than Shwe (người đứng đầu tập đoàn quân phiệt đến năm 2011), và là người đứng đầu của phe bài ngoại cứng rắn nhất tại Miến Điện. Ông cũng là một trong những tướng tham nhũng tai tiếng nhất trong nước. Người thay thế ông Myint Oo là ông Myint Swe. Ông này năm nay 61 tuổi, nguyên là cựu giám đốc cơ quan tình báo Miến Điện, là thủ hiến vùng Rangoon, người có vai trò quan trọng trong cuộc đàn áp cuộc nổi dậy của các nhà sư năm 2007. Một nhà nghiên cứu tại Hồng Kông nhận định, ông Myint Oo là “một quân nhân khéo léo”, có kinh nghiệm thực địa, sẽ có thể giúp tổng thống Thein Sein kiểm soát được các phe phái khác nhau trong lòng phe bảo thủ. Liệu sự bổ nhiệm trên có phải là biểu hiện của cuộc chiến giữa hai phe bảo thủ và canh tân đã đến lúc cao trào tại Miến Điện hay không? Cách đây mấy tháng, một quan chức ngoại giao Pháp đã cho biết, trên chóp bu, có căng thẳng giữa một nhóm khoảng mười người có đường lối cứng rắn và một nhóm khác khoảng 20 người theo đường lối cải cách mà đứng đầu là tổng thống Thein Sein. Đặc biệt, nhà ngoại giao này nhận định, nhóm cải cách của ông Thein Sein đang ngày càng lớn mạnh. Bàn về mâu thuẫn giữa các nhóm đối lập, tờ báo cho rằng, một số tướng lãnh quân đội lo ngại đất nước sẽ biến đổi quá nhanh bởi phe canh tân. Thêm vào đó, quá trình cải cách từ hai năm nay ở Miến Điện, trong chính trị lẫn kinh tế, đã làm phát sinh mâu thuẩn lợi ích nhóm. Bởi vậy mà mối lo ngại kia ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, theo tờ báo, tại Miến Điện quân đội vẫn kiểm soát tình hình kinh tế chính trị với 25% số nghế trong nghị viện. Trong cuộc bầu cử tổng thống trong nhiệm kỳ tới, quân đội đã có sự chuẩn bị nhân sự tranh cử. Nhân vật mà tờ báo muốn đề cập đó là ông Shwe Mann, nguyên là tổng tham mưu trưởng quân đội và hiện là chủ tịch hạ viện Miến Điện. Đây là một nhân vật đối trọng với tổng thống Thein Sein trong lần tranh cử vào năm 2015. Ông này có nhiều tham vọng, hiện rất có uy tín trong quân đội. Ông và tổng thống Thein Sein đứng cùng trận tuyến của phái canh tân. Thế nhưng ông còn tỏ vẻ sốt sắng hơn cả tổng thống, vì đã nhiều lần chỉ trích sự chậm chạp của chính phủ Thein Sein trong quá trình cải cách đất nước. Trung Quốc: Tuổi trẻ quyết tâm bảo vệ môi trường Tuổi trẻ Trung Quốc không chỉ bức xúc về bất công, bất bình đẳng xã hội, về cuộc sống đắt đỏ, mà còn phẫn nộ về tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng do các nhà máy công nghiệp gây ra. Liên quan đến chủ đề này, nhật báo Le Monde có bài chạy tựa: « Ý thức xanh của tuổi trẻ Trung Quốc ». Tờ báo nhắc lại vụ biểu tình của người dân thành phố Khải Đông (Bắc Thượng Hải) vào ngày 28/7 vừa qua. Để phản đối dựa án xây dựng đường ống dẫn nước thải của một công ty giấy Nhật Bản, hàng ngàn người dân đã bao vây trụ sở chính quyền địa phương, đập phá đồ đạt và và lột cả áo của ông bí thư đảng bộ địa phương. Một sinh viên họ Lý tham gia biểu tình khẳng định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của thế hệ chúng tôi”. Tờ báo đăng hình ảnh cho thấy, trong hàng ngũ biểu tình, có khá nhiều gương mặt tuổi đôi mươi. Tờ báo cho biết, nhờ có Internet, tuổi trẻ Trung Quốc có thể tìm hiểu rõ tình trạng ô nhiêm môi trường để ngày càng nâng cao ý thức bảo vệ mảnh đất sống của mình. Họ bắt đầu hiểu được rằng, đấu tranh chống ô nhiễm là một “quyền cá nhân”, và rằng hiếm có nơi nào mà quá trình công nghiệp quá gây hậu quả môi trường nặng nề như ở Trung Quốc. Vụ biểu tình hôm 28/07 không phải là trường hợp đầu tiên, mà trước đó trên khắp lãnh thổ Trung Quốc đã diễn ra nhiều vụ biểu tình tương tự, với sự tham gia đông đảo của thanh niên. Tình hình nghiêm trọng đến mức mà, truyền hình quốc gia cũng đã phải bàn nhiều về nạn ô nhiểm môi trường tại Trung Quốc. Hôm 30/07 rồi, Nhân dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cầm quyền, đã phải thừa nhận: người dân đã nhanh chóng ý thức được tầm quan trọng của môi trường và quyền bảo vệ môi trường mà luật pháp dành cho họ. Trở lại vụ Khải Đông, một sinh viên tham gia biểu tình chỉ trích sự lãng phí công quỹ của chính quyền địa phương. Sinh viên này khẳng định: Tiền của chính phủ là tiền của nhân dân. Thế nhưng, người dân thì không được chính quyền tham vấn ý kiến trước khi tiến hành dự án, còn xin phép biểu tình chính thức thì khó được chấp nhận. Bởi vậy, tức nước vỡ bờ, họ phải vùng dậy mà thôi. Để giải quyết mâu thuẫn này, một chuyên gia cho rằng, nên thành lập một cơ chế cho phép tham vấn ý kiến tất cả các bên liên quan trước khi quyết định dự án công nghiệp mới. Philippines : Hồ sơ sức khỏe sinh sản gây chia rẻ Thứ bảy tuần này, giáo hội Công giáo Philipines kêu gọi tín đồ biểu tình trong bối cảnh ngày thứ ba tới, thượng viện nước này sẽ tiến hành xem xét luật về sức khỏe sinh sản của chính phủ nước này. Nhật báo Công Giáo La Croix phân tích : “Ở Philippines, Giáo Hội huy động phản đối luật sức khỏe sinh sản”. Philippines hiện là nước có tỷ lệ sinh sản cao nhất Châu Á, dân số gần 100 triệu người với tỷ lệ tăng dân số 2%/năm. Vì thế chính phủ đã xúc tiến một bộ luật qui định phát miễn phí bao cao su, đưa giáo dục giới tính vào trường học và cho phép phá thai. Hồi tháng 4/2011, Hạ viện đã thông qua. Thứ ba tới là đến lượt Thượng viện. Tổng thống Benigno Aquino hi vọng đạo luật được nhanh chóng thông qua. Trong khi đó, Giáo Hội Philippines phản đối việc luật pháp cho phép phá thai, phản đối việc phát miễn phí bao cao su. Cuộc dằng co giữa chính phủ và Giáo hội đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2010 khi Giáo Hội dọa rút phép thông công tổng thống. Trong xã hội Philippines, dù hiến pháp khẳng định tính thế tục của nhà nước, nhưng Giáo hội Công Giáo vẫn có ảnh hưởng sâu rộng đến mức mà đến hiện tại, chỉ có nhóm thiểu số Hồi Giáo ở miền nam là có thể li hôn. Trở lại vấn đề ngừa thai để hạn chế sinh sản nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế theo lí luận của chính phủ, có một thực tế tại Philippines cho thấy các cặp vợ chồng rất khó dùng đến những biện pháp tránh thai tự nhiên, đó là : có nhiều ông chồng đi công tác ở nước ngoài, thỉnh thoảng mới trở về nhà, nên việc phòng tránh thai theo phương pháp tự nhiên là hoàn toàn không thể. Theo La Croix, nhiều nhà quan sát cho rằng, các giáo sĩ Philippines đã không chú ý đúng mức thực tế này. Olympic Luân Đôn: Nước nghèo lại chơi sang Trong thời buổi kinh tế khó khăn, trong khi các nước giàu phải dè xẻn từng đồng, thì những nước nghèo lại vẫn thích gồng mình chơi sang, mà biểu hiện cụ thể nhất là tại Olympic Luân Đôn lần này. Nhật báo Le Figaro đi vào chi tiết với bài viết chạy tựa: “Nước nghèo lại sang hơn”. Sự “sang” ở đây thể hiện qua tiền thưởng mà chính phủ dành cho các vận động viên olympic của mình. Dẫn đầu danh sách chơi sang phải kể đến Cộng hòa Ouzbékistan. Nước này hứa thưởng cho mỗi vận động viên đoạt huy chương vàng tại Olympic Luân Đôn đến 810 000 euro. Thu nhập bình quân của người dân nước này hiện là 2 800 euro/người/năm. Như vậy, vận động viên nào may mắn giành được huy chương vàng Olympic Luân Đôn, sẽ kiếm được số tiền tương đương với 290 năm thu nhập bình quân của người dân nước này. Bên cạnh đó, một số nước nghèo khác cũng hào phóng không kém với vận động viên của mình: Trị giá tiền thưởng huy chương vàng Olympic Luân Đôn của Arménia là 700 000 euro, Azerbaidjan là 640 000 euro. Đến với nước Nga, đại gia ngành công nghiệp gan thép Vladimir Lissine đã hứa thưởng 1 triệu đô la cho vận động viên Nga nào giành được huy chương vàng. Còn đối với những nước giàu, tình hình hoàn toàn khác. Chính phủ Anh đã tuyên bố không ban thưởng gì cả. Còn đối với Pháp, trong bối cảnh chính phủ chi tiêu dè dặt, mỗi chiếc huy chương vàng tại Olympic Luân Đôn chỉ trị giá có 50 000 euro. Như vậy, một chiếc huy chương vàng của Ouzbékistan “quí hơn” 16 lần so với một chiến huy chương vàng của Pháp. Thế mới biết, làm vận động viên nước giàu chưa chắc gì đã sướng hơn vận động viên của nước nghèo. Sân bay nào của Mỹ có nhiều nguy cơ lây bệnh nhất ? Một nhóm nghiên cứu của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) vừa công bố kết quả nghiên cứu khả năng lây nhiễm bệnh dịch ở các sân bay của Mỹ. Nhật báo Le Figaro đăng lại thông tin đáng chú ý này. Kết quả cho thấy, sân bay John F.Kennedy ở New York có nhiều vi khuẩn nhất, tức có nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch nhất. Kế đó là sân bay Los Angeles, sân bay Honolulu ở Hawai, sân bay San Francisco, sân bay Newark ở New York, sân bay Chicago, sân bay Washington… Cái đặc biệt của nghiên cứu này là nó tập trung phân tích hành trình của mỗi cá nhân và thời gian chờ đợi của hành khách trong sân bay. Như vậy, vấn đề ở đây không phải là qui mô lớn nhỏ quyết định đến mức độ nguy cơ lây nhiễm của mỗi sân bay. Chẳng hạn như sân bay Honolulu ở Hawai, công suất của sân bay này chỉ bằng 30% của sân bay John F.Kennedy, nhưng lại xếp thứ ba về nguy cơ lây nhiễm. Nguyên nhân là do sân bay này tọa lạc giữa Thái Bình Dương, là điểm quá cảnh của rất nhiều chuyến bay đến từ các đầu mối giao thông lớn trên thế giới, và dĩ nhiên là nguy cơ xuất hiện nhiều loại vi khuẩn càng cao. Trong khi đó, sân bay Atlanta xếp thứ mười về nguy cơ lây nhiễm, nhưng đây lại là sân bay có nhiều máy bay chuyên chở nhất. Hướng nghiên cứu này rất có ý nghĩa trong công tác phòng chống dịch bệnh bởi nó có thể cảnh báo những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nhất để nhà chức trách có chiến lược hành động thích hợp. Thế giới vẫn còn chưa quên về đại dịch SARS từng hoành hành ở 37 quốc gia làm thiệt mạng 1 000 người vào năm 2003, rồi sáu năm sau vi rút H5N1 đã cướp đi sinh mạng của 20 000 người trên thế giới. |