Home Tin Tức Thời Sự Người Hồi giáo, khách hàng ưu tiên của ngành du lịch

Người Hồi giáo, khách hàng ưu tiên của ngành du lịch PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Tư, 01 Tháng 8 Năm 2012 14:35

Ai Cập, Malaysia, Indonesia, là những quốc gia có đông dân Hồi giáo nhất trên thế giới

 

Du khách Hồi giáo tại Đức
(DR)

 

Gần hai tỷ người theo đạo Hồi, với sức mua ngày càng cao, đang là đối tượng ưu tiên của ngành công nghiệp du lịch thế giới.

Từ Âu sang Á cho đến Úc châu, nhiều dịch vụ cho người Hồi giáo được phát triển, sân bay, khách sạn đều có phòng cầu nguyện, các cửa hàng bán thức ăn, nhà hàng có các món ăn halal, tức là được chuẩn bị theo nghi thức Hồi giáo.

Theo một nghiên cứu liên quan đến 47 quốc gia Hồi giáo, do công ty du lịch halal Crescentrating của Singapore và công ty Mỹ DinarStandard, thì từ nay đến năm 2020, mức chi tiêu trung bình của du khách nói chung chỉ tăng là 3,8% mỗi năm, trong khi đó, tỷ lệ này đối với du khách Hồi giáo là 4,8%.

Ai Cập, Malaysia, Indonesia, là những quốc gia có đông dân Hồi giáo nhất trên thế giới và vẫn là những địa điểm thu hút đông đảo người theo đạo Hồi. Thế nhưng, ngay cả những nước không hồi giáo như Thái Lan, Úc, cũng rất chú ý tới thị trường béo bở này, với nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu của du khách theo đạo Hồi.

Sân bay Munich của Đức, nơi có tới 900 000 lượt du khách Hồi giáo qua lại trong năm 2010, đã có những phòng cầu nguyện, kể từ năm ngoái. Gần đây, sân bay có thêm các bảng chỉ dẫn viết bằng tiếng Ả Rập và các nhà hàng có món ăn halal.

Thái Lan là nước có đông dân theo đạo Phật, thế nhưng ngành du lịch nước này vừa mới phát động một chiến dịch quảng bá, thúc đẩy việc lập các phòng tắm hơi tôn trọng nghi thức Hồi giáo, phân chia riêng rẽ khu tắm của nam và nữ.

Sân bay quốc tế Bangkok được công ty Crescentrating xếp đầu bảng trong số các sân bay, nhà ga quốc tế tôn trọng các nghi thức Hồi giáo.

Xu hướng này hầu như diễn ra khắp nơi trên thé giới. Một chuyên gia du lịch cho biết là ông vừa mới đi Nam Phi. Tại đây, những người phụ trách một cơ sở tắm hơi hạng sang ở tỉnh KwaZulu-Natal, phía đông nước này, đã học hỏi kinh nghiệm để có thể đáp ứng nhu cầu của du khách Hồi giáo.

Mùa hè của châu Âu là mùa đông của châu Úc. Do vậy, Gold Coast, một địa điểm nghỉ mát rất đông du khách, ở phía đông nước Úc, đã khai thác yếu tố thời tiết này để thu hút du khách Hồi giáo.

 Website của khu du lịch gợi ý : « Tại sao năm nay không thử đến Gold Coast để có được một mùa ăn chay – ramadan - mát mẻ hơn ? » và quảng cáo : « Gold Coast đón tiếp từ nhiều năm nay các du khách Trung Đông. Tại đây có một cộng đồng Hồi giáo lớn, với nhiều cơ sở phục vụ nghi thức của đạo Hồi ».

Đương nhiên, các chi phí của những du khách Hồi giáo giàu có đến từ các nước vùng Vịnh chiếm một tỷ lệ rất cao : Năm 2011, Bahrein, Koweit, Oman, Qatar, Ả Rập Xê Út và Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất chiếm tới 37% trong tổng chi phí du lịch của người Hồi giáo, trong lúc số du khách này chỉ tương đương 3% tổng số người theo đạo Hồi trên toàn thế giới.

Khả năng tài chính của những người Hồi giáo tại Pháp, Bỉ, Đức, Anh Quốc cũng ngày càng cao : Họ chiếm 13% trong tổng chi phí cho du lịch của người theo đạo Hồi.

Theo nhận định của tạp chí Anh The Economist, ngày càng có nhiều ngành công nghiệp chú ý tới nhu cầu của người theo đạo Hồi, ngoài thức ăn halal, giờ đây còn có dược phẩm, mốt, du lịch và rất nhiều lĩnh vực khác.