Home Tin Tức Thời Sự Nga: Một lãnh đạo đối lập bị truy tố vì tội « lạm dụng lòng tin »

Nga: Một lãnh đạo đối lập bị truy tố vì tội « lạm dụng lòng tin » PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Ba, 31 Tháng 7 Năm 2012 20:37

Luật sư Alexei Navalny đặc biệt nổi tiếng nhờ trang blog và một trang mạng rất đông người truy cập.

 

Lãnh đạo đối lập, luật sư Alexei Navalny phát biểu trước các nhà báo sau khi rời cơ quan điều tra Nga, Matxcơva, 31/07/2012
REUTERS

 

Hôm nay, 31/07/2012, theo AFP, ông Alexei Navalny – một trong các lãnh đạo cương quyết nhất của phong trào chống tổng thống Putin – đã bị truy tố vì tội lạm dụng lòng tin, tội biển thủ và bị quản thúc tại gia.

 Ngay sau khi quyết định truy tố được công bố, lãnh đạo đối lập khẳng định sẽ tiếp tục con đường đã chọn.

Theo người phát ngôn của bộ phận phụ trách điều tra, được hãng thông tấn Interfax trích lại, cơ quan điều tra đã nhận được kết luận thẩm định kinh tế, cho thấy bị cáo tham gia vào một số hoạt động biển thủ. Với các tội danh kể trên ông Alexei Navalny có thể bị phạt tới 10 năm tù.

Rời khỏi trụ sở của cơ quan điều tra, ông Alexei Navalny cho biết, các cáo buộc kể trên dựa trên những điều « bịa đặt ».

Ông Alexei Navalny bị truy tố trong một vụ việc xảy ra vào năm 2009, liên quan đến một doanh nghiệp sản xuất gỗ. Năm ngoái 2011, cơ quan công tố khu vực đã đình chỉ vụ này, tuy nhiên, sau đó, dưới áp lực của lãnh đạo cơ quan điều tra Nga, vụ án được mở lại.

Luật sư Alexei Navalny đặc biệt nổi tiếng nhờ trang blog và một trang mạng rất đông người truy cập. Ông được biết đến như là một người đấu tranh chống tham nhũng quyết liệt. Ông từng tố cáo nhiều vụ gian lận lớn tại một số doanh nghiệp chủ chốt của Nhà nước, như ngân hàng VTB hay tập đoàn đường ống dầu Transneft.

Ông Alexei Navalny đã trở thành một trong các lãnh đạo của phong trào phản kháng rầm rộ chống Putin vào tháng 12 năm ngoái 2011, sau các cuộc bầu cử Nghị viện, bị đối lập lên án là có nhiều gian lận.

Theo ghi nhận của giới quan sát, kể từ khi trở lại giữ chức tổng thống, 07/05/2012, ông Putin đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm gia tăng kiểm soát xã hội dân sự. Các bộ luật nhắm vào đối lập, đã và sẽ được thông qua, bị coi là mang tính đàn áp, gồm có luật siết chặt kiểm soát đối với các tổ chức phi chính phủ, luật gia tăng kiểm duyệt internet, luật khống chế biểu tình và luật trừng phạt tội báng bổ…

Theo bà Lilia Chevtsova, thuộc trung tâm Carnegie (Matxcơva), đây chính là một « cú đảo chính lật đổ Hiến pháp của tổng thống » Putin. Nhà bình luận chính trị Ioulia Latynina thì nhấn mạnh, « đây là một phản ứng chống lại cách mạng và các nỗ lực thay đổi vào một thời điểm mà chế độ không hề muốn có ».

Phiên tòa xử ba nữ nghệ sĩ hát phản đối ông Putin tại một thánh đường

Ngày hôm qua 30/07, tòa án Nga bắt đầu xét xử vụ ba nữ nghệ sĩ trẻ thuộc ban nhạc Pussy Riot, vì đã trình diễn một bài cầu nguyện chống ông Putin, mang tựa đề « Đức Mẹ Maria, xin hãy đuổi cổ Putin ! », ngay tại một thánh đường ở thủ đô Matxcơva, với nhiều lời lẽ mang tính tôn giáo.

 Ba người bị cáo buộc tội danh có hành động côn đồ (holliganisme), và có thể bị đến 7 năm tù. Hiện tại, tòa án đã gia hạn lệnh giam giữ ba bị cáo cho đến tháng 1/2013. Bản thân ba phụ nữ khẳng định mình vô tội, tuy nhiên cũng bày tỏ sự hối tiếc, vì đã đụng chạm đến tình cảm tôn giáo của các tín đồ.

Lời cầu nguyện chống ông Putin của ban nhạc Pussy Riot bị nhiều chỉ trích tại Nga, nơi đạo Chính thống có nhiều ảnh hưởng trở lại, từ sau khi Liên Xô sụp đổ 1991. Tuy nhiên, nhiều nhân vật nổi tiếng ở Nga và nước ngoài thì ủng hộ các bị cáo, vì cho rằng việc bắt giam và truy tố như vậy là quá nặng so với những gì họ làm. Amnesty International tố cáo đây là phiên tòa có « các động cơ chính trị » và yêu cầu chính quyền « trả tự do ngay lập tức » cho ba phụ nữ này.