Home Tin Tức Thời Sự Đặc phái viên LHQ đến Miến Điện tìm hiểu tình hình nhân quyền

Đặc phái viên LHQ đến Miến Điện tìm hiểu tình hình nhân quyền PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Hai, 30 Tháng 7 Năm 2012 11:58

Cộng đồng người Rohingya tại Miến Điện có khoảng 80 nghìn người.

 

Người Rohingya sống ở Thái Lan biểu tình bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Bangkok, 11/06/2012
REUTERS/Chaiwat Subprasom

 

Theo AFP, vài ngày sau khi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tỏ ý quan ngại Naypyidaw trấn áp những người thiểu số Hồi giáo, hôm qua 29/07/2012 đặc phái viên về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đã tới Miến Điện để tìm hiểu về những vụ bạo lực tại bang Rakhin.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc ông Tomas Ojea Quintana đã tới Rangoon và sau đó sẽ tới vùng phụ cận của bang miền tây có xung đột sắc tộc tôn giáo này, trước khi có các cuộc gặp với Tổng thống Miến Điện và đại diện của các tổ chức xã hội dân sự.

Chuyến đi này diễn ra ngay sau khi cách đây ít hôm lãnh đạo Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Navi Pillay lên tiếng cảnh báo tình trạng cộng đồng người sắc tộc Rohingya theo Hồi giáo bị chính quyền trấn áp.

Trước khi tới Miến Điện, hôm 27/07, phái viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc cho biết đã nhận được rất nhiều báo cáo từ các nguồn tin độc lập cho thấy lực lượng an ninh của chính quyền đã có những hành động phân biệt đối xử đối với người Hồi giáo thuộc sắc tộc Rohingya, khi tiến hành điều tra và giải quyết các cuộc xung đột sắc tộc tôn giáo vừa diễn ra tại bang Rakhin.

Ông Quintana khẳng định chính phủ của tổng thống Thein Sein đã có tiến bộ « đáng kể » trong công cuộc cải cách hiện nay, tuy nhiên vấn đề nhân quyền vẫn cần được xem xét lại, đặc biệt liên quan đến vụ xung đột sắc tộc tôn giáo mới đây tại tiểu bang Rakhin.

Theo con số chính thức, các vụ bạo lực giữa người theo đạo Phật và người Hồi giáo thuộc sắc tộc thiểu số Rohingya nổ ra tại tiểu bang Rakhin hồi đầu tháng Sáu vừa qua đã làm 78 người chết và hơn 70 nghìn người rơi vào cảnh không nhà cửa. Tuy nhiên các nguồn tin không chính thức nói con số này còn cao hơn nhiều.

Cộng đồng người Rohingya tại Miến Điện có khoảng 80 nghìn người. Chính phủ Miến Điện vẫn coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp từ nước láng giềng Bangladesh và phần đông người dân Miến Điện vẫn có thái độ thù địch với cộng đồng thiểu số này.

Hồi đầu tháng này, tổng thống Thein Sein có ngỏ ý đề nghị Liên Hiệp Quốc thành lập các trại tỵ nạn cho người Rohingya.

Đặc phái viên Quintana dự kiến sẽ gặp tổng thống Miến Điện tại thủ đô Naypyidaw vào thứ Sáu tới sau khi đã tới thăm tiểu bang Rakhin.

Tình hình tại tiểu bang có xung đột này là mối quan tâm chính của cuộc gặp này.