Home Tin Tức Thời Sự Công nghiệp xe hơi Pháp khủng hoảng

Công nghiệp xe hơi Pháp khủng hoảng PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Ba, 24 Tháng 7 Năm 2012 13:52

Thị trường lao động Pháp sẽ không có dấu hiệu hồi phục trước năm 2013

 

Biểu tình trước trụ sở tập đoàn xe hơi Pháp PSA Peugeot Citroën, Paris, 28/062012
REUTERS/Benoit Tessier

 

Gần hai tuần lễ sau khi hãng xe PSA Peugeot Citroen thông báo sa thải 8000 nhân viên, đóng cửa nhà máy ở Aulnay sous Bois, ngoại ô Paris, ngày mai 25/07/2012, chính phủ Pháp công bố kế hoạch cứu nguy ngành công nghiệp xe hơi.

Theo tiết lộ của báo chí, một trong những hướng chính của kế hoạch cứu nguy ngành xe hơi do bộ trưởng bộ Phục hồi Sản xuất, Arnaud Montebourg đề xướng, là đẩy mạnh việc sản xuất xe hơi « sạch và hiện đại ». Paris đánh cuộc là một thế hệ xe hơi chạy bằng điện hoặc sử dụng cả điện lẫn xăng sẽ vực dậy cả ngành công nghiệp xe hơi khổng lồ của nước Pháp đang lâm vào bế tắc.

Ngày 12/07/2012, tập đoàn sản xuất xe hơi Pháp bao gồm hai nhãn hiệu nổi tiếng là Peugeot và Citroen đã gây chấn động trong dư luận khi thông báo kế hoạch cắt giảm 8 000 chỗ làm tại Pháp và đóng cửa nhà máy ở vùng Aulnay sous Bois, ngoại ô phía bắc Paris vào năm 2014.

Trên tổng số 8000 nhân viên bị đe dọa mất việc, PSA dự kiến cho giải thế 3000 nhân viên hiện đang làm việc tại nhà máy Aulnay sous Bois và 1400 người tại xưởng lắp ráp ở Rennes. Phóng viên đài RFI Daniel Vallot đến gặp nhân viên PSA tại nhà máy La Janais, phía nam thành phố Rennes. Tại đây, nhân viên PSA ngao ngán sau thông báo cắt giảm 1/4 nhân sự của nhà máy.

Một đại diện công đoàn cho biết, từ 5 năm nay, ban giám đốc yêu cầu nhân viên nỗ lực làm việc hơn để duy trì việc làm. Nhưng cuối cùng thì cũng quyết định sa thải một phần nhân viên. Từ gần 9000 người làm việc năm 1990, nay nhà máy Rennes chỉ còn 5600, sau khi giảm thêm 1400 thì sẽ chỉ còn 4200 người ở lại.

Một người làm việc ở đây, không muốn tiết lộ danh tánh vì sợ bị kỷ luật, than thở với thông tín viên đài RFI :

« Chúng tôi đoán là thế nào cũng có thay đổi, nhưng không ngờ là ban điều hành lại mạnh tay như vậy. 1400 người sẽ mất việc. Rồi trong những lần tới, ban giám đốc sẽ còn giảm thêm bao nhiêu chỗ làm ở Rennes nữa chứ ?

 Cá nhân tôi, tôi 55 tuổi, tức chưa đến tuổi về hưu, nhưng lại quá cao tuổi để bỏ cửa bỏ nhà đi làm ở một nơi khác. Từ hồi nào tới bây giờ, tôi chỉ làm việc tại nhà máy ở Rennes. Nếu bị sa thải, tôi chỉ còn cách ngửa tay xin trợ cấp xã hội. Đó là kịch bản tôi không muốn phải nghĩ tới ».

Trong khi chờ đợi, tại nhà máy ở Rennes, không khí rất ngột ngạt. Nhân viên PSA chưa biết ai ở lại, ai sẽ phải ra đi và mọi người bắt đầu nghi kỵ lẫn nhau.

Trên toàn quốc, PSA sử dụng 100 000 nhân viên - trong đó 80 000 làm việc trực tiếp trong ngành sản xuất xe hơi. Trước đợt thông báo vào tuần trước, PSA đã sa thải 1900 người vào năm 2011.

Phải ngược dòng thời gian, trở lại 20 năm về trước, lịch sử ngành công nghiệp xe hơi Pháp mới có một vụ đóng cửa nhà máy : Khi đó, tập đoàn Renault đã đóng cửa cơ sở sản xuất truyền thống ở Billancourt, ngoại ô phía tây Paris.

Thực tế cho thấy, tin xấu đã dồn dập đến với ngành sản xuất xe hơi vốn được xem là « cột sống » của công nghiệp Pháp. Lĩnh vực kinh tế này bảo đảm đến 10 % công việc cho người lao động Pháp. Với 2,3 triệu nhân viên, 14 cơ sở lắp ráp, hai tập đoàn xe hơi Pháp nổi tiếng thế giới là Renault và PSA Peugeot Citroen cộng tác với 255 nhà cung cấp phụ tùng và sử dụng đến 10 % nguồn lao động của Pháp. Thế nhưng, theo thống kê của phòng Thương mại Pháp, năm 2010, ngành công nghiệp xe hơi lại thua lỗ đến 3,4 tỷ euro, bất chấp các biện pháp hỗ trợ của Nhà nước.

Tuy PSA thông báo hủy bỏ 8 000 chỗ làm, nhưng giới trong ngành công nghiệp này dự báo là số người bị ảnh hưởng dây chuyền sẽ cao hơn ít nhất là ba lần, bởi vì cuộc khủng hoảng còn liên quan đến hàng loạt doanh nghiệp gia công và các nhà cung cấp phụ tùng cho PSA. Nói cách khác, quyết định đóng cửa nhà máy Aulnay sous Bois của PSA sẽ đẩy tối thiểu là 24 000 người ra khỏi thị trường lao động.

Theo thẩm định của Hội đồng vùng Ile de France, ít nhất là 7000 chỗ làm tại vùng Saint Denis sẽ bị tác động, chủ yếu là đối với các khâu dịch vụ, từ ga-ra sửa xe đến các đại lý cung cấp xe của Peugeot Citroen.

Nghiên cứu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi của Pháp CCFA cho thấy, trên toàn quốc, hiện có gần 2 triệu rưỡi người lao động phục vụ trực tiếp hoặc gián tiếp cho ngành công nghệ xe hơi, tức tương đương với gần 10 % lực lượng lao động của cả nước Pháp.

Cụ thể hơn nữa, tại Pháp, cho tới nay, có gần 600 000 người làm việc trực tiếp trong ngành sản xuất xe hơi, gồm các khâu từ lắp ráp, đến cung cấp phụ tùng, mua bán nguyên liệu cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó còn có cả một đội ngũ 650 000 người lo về các khâu như đại lý cung cấp xe, sửa chữa, các trạm mua bán xăng dầu, hay ngành bảo hiểm.

 Cuối cùng là hơn 1 triệu nguời được bảo đảm công việc làm nhờ vào các hoạt động của ngành giao thông. Hiểu theo nghĩa rộng, công nghiệp xe hơi còn liên quan đến các lĩnh vực khác như xây dựng đường xá, hạ tầng cơ sở, nhân viên lái xe công cộng, chuyên chở hàng hóa …

Chính tác động dây chuyền đối với những ngành nghề phụ thuộc vào công nghệ xe hơi mới là mối đau đầu của chính phủ cách tả.

Sai lầm chiến lược của PSA

Để giải thích kế hoạch đóng cửa nhà máy ở Aulnay sous Bois và giải thể 8000 chỗ làm, PSA nêu ra lý do làm ăn thua lỗ và tình trạng đi xuống của thị trường xe hơi của Pháp nói riêng, của châu Âu nói chung.

 Nhưng theo giới phân tích, khó khăn của PSA có lẽ bắt nguồn từ chỗ Peugeot và Citroen đã phạm một số sai lầm trong chiến lược phát triển. Bằng chứng cụ thể nhất là đối thủ số một của PSA là Renault trước mắt vẫn « bình an vô sự ».

Tập đoàn Renault với logo hình quả trám đã sớm di dời cơ sở sản xuất ra nước ngoài, nhanh chóng chen chân vào thị trường xe « low cost » hay mở rộng mạng lưới với các đối tác quốc tế.

Trong lúc đó, Peugeot lại chọn mô hình phát triển theo hướng « nâng cấp sản phẩm », tức là cho ra đời những kiểu xe hạng sang hơn trước để nhắm vào một tầng lớp khách hàng, một số thị hiếu nhất định và vẫn lấy thị trường nội địa, thị trường châu Âu là chủ đạo.

Về chính sách « quốc tế hóa » chẳng hạn, ngày nay, chỉ còn có một phần tư số xe hơi Renault được sản xuất tại Pháp. Reunault đã không ngừng tìm kiếm những thị trường mới để giảm giá thành. Tập đoàn này không quản ngại mở chi nhánh, kể cả tại những nơi được coi là nhiều rủi ro, như là kế hoạch đang thương lượng với Iran.

Cùng lúc, Renault đã giao trọn thị trường xe thuộc loại rẻ tiền, « low cost » cho các nhà máy ở Roumani hay Maroc. Ngược lại, PSA hãy còn duy trì 40 % xe mang nhãn hiệu Peugeot và Citroen tại Pháp và như vậy khối lượng xe sản xuất ra tại đây cao gấp đôi số lượng xe tiêu thụ trên thị trường nội địa.

Cuối cùng, 60 % sản xuất của PSA là để phục vụ thị trường Pháp, trong khi đó thì Renault chủ yếu hướng tới các thị trường ngoài khu vực Tây Âu. Đó chính là lý do vì sao Renault đã mua lại hãng xe Nissan của Nhật từ năm 1999, để qua đó bắt rễ vào các thị trường lớn của châu Á như Ấn Độ hay Trung Quốc.

Khó khăn riêng của ngành xe hơi Pháp

Việc tập đoàn xe hơi PSA Peugeot Citroen thông báo đóng cửa nhà máy ở ngoại ô Paris Aulnay sous Bois là hậu quả của hiện tượng thị trường tiêu thụ Pháp bước vào giai đoạn bão hòa.

 Năm 2001, trên toàn quốc, các tập đoàn xe hơi của Pháp sản xuất ra 3,6 triệu chiếc xe, và ngoại trừ trường hợp của năm 2004, từ đó tới nay, mức sản xuất đã liên tục giảm vì nhu cầu tiêu thụ xe Pháp không còn như trước. Tới năm ngoái, một năm ngành xe hơi Pháp chỉ « ra lò » 2,3 triệu chiếc. Đương nhiên, trong hoàn cảnh đó, các hãng xe phải cắt giảm nhân sự và thu hẹp hoạt động của các cơ sở sản xuất.

Để giúp ngành công nghiệp xe hơi Pháp đứng vững trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009, chính phủ trợ cấp cho người tiêu dùng đổi xe mới. Cụ thể là từ 2008 đến đầu năm 2010, nếu có xe đã hơn 10 năm tuổi, thì khi sắm xe mới, bạn được giảm từ 500 cho tới 1000 euro,. Nhờ vậy mà doanh thu của các tập đoàn như PSA hay Renault không bị ảnh hưởng.

Theo Ủy ban các doanh nghiệp sản xuất xe hơi Pháp - CCFA - nhờ trợ cấp để mua xe mới này mà thị trường Pháp đã tiêu thụ thêm được từ 150 000 đến 300 000 xe. Nhưng kể từ khì chính phủ chấm dứt biện pháp hỗ trợ vào tháng 01/2010, khối lượng xe bán ra trên thị trường Pháp đã giảm đi rõ rệt.

 Giới trong ngành dự báo, phải đợi đến khoảng năm 2020 thì may ra, ngành xe hơi Pháp mới quay lại được mức sản xuất của năm 2007.

Một trong những giải thích về khó khăn của ngành sản xuất xe hơi Pháp là do nước này có khuynh hướng phát triển các loại xe nhỏ và gọn. Trong cỡ xe này thì Pháp bị Nhật và Hàn Quốc cạnh tranh. Pháp không phải thị trường duy nhất gặp khó khăn. Tại Tây Âu, Anh Quốc, Tây Ban Nha và Ý cũng cùng chung cảnh ngộ.

Riêng trường hợp của Đức là một ngoại lệ. Năm ngoái các hãng xe của Đức đã cho ra đời 6,3 triệu chiếc.

Thông tín viên của đài RFI Pascal Thibault từ Berlin giải thích về thành công của các hãng xe Đức :

« Bão tố đang ập đến ngành công nghiệp xe hơi của Đức. Ít ra đó là nhận định của lãnh đạo hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Đức.

Thực tế không hẳn là như vậy. 2011, là năm mà nhiều hãng xe Đức đã phá kỷ lục : Thị trường xe hơi của Đức được coi là ổn định nhất tại châu Âu. Trong quý một năm nay, khối lượng xe bán ra tại Đức tăng 1 %. Con số 1 % ấy đã là một thành tích so với những nơi khác ở châu Âu. Bên cạnh đó, thì 3/4 số xe Đức là để xuất khẩu. Trong lúc sức tiệu thụ ở các nước Tây Âu bắt đầu đi xuống, những nhãn hiệu nổi tiếng như BMW hay Volkswagen, Mercedes đã nắm bắt thời cơ trên các thị trường đang phát triển mạnh như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Mêhicô, Ấn Độ hay Nhật Bản. Thành công đó, chủ yếu có được nhờ hai yếu tố : Uy tín của các hãng xe Đức và cái thú được làm chủ những chiếc xe lớn.

Chỉ riêng tập đoàn Opel, đã được hãng xe Mỹ General Motors mua lại : Lãnh đạo Opel vừa từ chức vì những sai lầm trong đường lối quản trị, trong chiến lược phát triển có thể dẫn tới việc Opel phải đóng cửa một số các cơ sở sản xuất ».

Vậy đâu là bí quyết thành công của các hãng xe Đức ?

 Năm 2010, Volkswagen đầu tư vào nghiên cứu 6,2 tỷ euros tương đuơng với tổng đầu tư của bốn tập đoàn lớn của Pháp là Peugeot, Renault Valéo và Michelin cộng lại.

Bí quyết thứ nhì là các hãng xe Đức đã « đa dạng hóa » các thị trường, trong khi các đối thủ Pháp vẫn chỉ tập trung vào thị trường xe hơi Tây Âu.

Trong trường hợp cụ thể của Volkswagen, 2/3 doanh thu của hãng xe có logo hình chữ W này được thực hiện ở ngoài khu vực châu Âu. Volkswagen đã đầu tư 14 tỷ euros tại Trung Quốc, có tới 14 nhà máy tại đây mới kể từ năm 2010. Một năm sau, Volkwagen bán ra trên thị trường Trung Quốc 1,7 triệu chiếc xe.

Trong khi đó, PSA đã chen chân vào thị trường Trung Quốc từ năm 1985, nhưng trong cả năm 2011, chỉ có 380 000 người Trung Quốc chịu mua xe của Pháp với nhãn hiệu Peugeot hay Citroen. Đơn giản là vì những chiếc xe nhỏ của Pháp không hấp dẫn bằng những kiểu xe sang trọng và bề thế của những BMW hay Mercedes và cũng không có uy tín như những chiếc xe của hãng Volkswagen trong mắt người tiêu dùng Trung Quốc.

Tỷ trọng của ngành công nghiệp xe hơi trong cỗ xe kinh tế Pháp ngày càng giảm sụt. Vào năm 1999, trên toàn quốc có tất cả 205 000 nhân viên làm việc trong ngành sản xuất xe hơi, một thập niên sau, lực lượng nhân công trong ngành đã bị giảm đi đến 1/4. Trong cùng thời kỳ, vào năm 1999, trên 100 euros GDP của Pháp thì ngành công nghiệp xe hơi của Pháp đem về 1 euro, tức là 1 %. Nhưng vào năm 2010 thì tỷ lệ đó chỉ còn là 0,5 % mà thôi.

Tương lai đen tối

Theo đánh giá của cơ quan tư vấn về ngành công nghiệp xe hơi Alix Partner, 40 % các nhà máy tại châu Âu có khả năng sản xuất quá lớn so với nhu cầu.

 Cụ thể là một nhà máy của Đức chỉ sử dụng đến 89 % khả năng sản xuất, tỷ lệ đó đối với các nhà máy của Pháp là 60 % và đối với các cơ sở lắp ráp tại Ý là 54 %.

Nói cách khác, theo Alix Partner, trong tương lai, các tập đoàn xe hơi châu Âu có khuynh hướng còn giảm thêm nhân sự và đóng cửa một số các nhà máy. Kịch bản các tập đoàn như Renault, Peugeot hay Citroen của Pháp, Fiat hay Lancia của Ý và kể cả Opel của Đức thu gọn tầm hoạt động lại càng được củng cố thêm, khi nhìn vào các dự báo về tỷ lệ mua sắm xe hơi trên các thị trường châu Âu.

 Vẫn theo cơ quan tư vấn tài chính và kinh tế Alix Partner, thị trường xe hơi châu Âu tiếp tục xuống dốc vào năm tới.

Dù sao kế hoạch đóng cửa nhà máy và giảm nhân sự của nhãn hiệu con sư tử Peugeot và hai mũi tên của Citroen cũng được coi là « cuộc trắc nghiệm » đầu tiên của chính phủ cánh tả tại Pháp, kể từ khi ông François Hollande lên cầm quyền chưa đầy 100 ngày.

 Giới quan sát coi đây là « cuộc thử lửa » về chính sách xã hội để bảo vệ việc làm cho người dân của nội các Jean Marc Ayrault.

 Kế hoạch của PSA được đưa ra đúng vào tuần lễ mà hàng loạt các tập đoàn Pháp thông báo về những khó khăn kinh tế và chương trình cắt giảm nhân sự.

 Viện thống kê quốc gia Pháp, INSEE, cảnh báo thất nghiệp gia tăng từ nay đến cuối năm và thị trường lao động Pháp sẽ không có dấu hiệu hồi phục trước năm 2013. Đình đốn kinh tế có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến 100 000 người lao động trên toàn quốc.