Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Phap Quốc Ngày 23-07-2012

Điểm Báo Phap Quốc Ngày 23-07-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Hai, 23 Tháng 7 Năm 2012 16:26

 Hội nghị quốc tế về SIDA mang lại hy vọng loại trừ căn bệnh thế kỷ


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton phát biểu tại hội nghị quốc tế về SIDA 2012 tại Washington, ngày 23/07/2012.
REUTERS/Kevin Lamarque

 

Ngày hôm qua 22/07/2012, tại Washington đã khai mạc hội nghị quốc tế về Sida, kéo dài cho đến ngày 27/07, với sự tham gia của khoảng 25.000 người đến từ hơn 190 quốc gia. Hội nghị này tiếp tục được nhiều báo Pháp quan tâm. Tờ Le Figaro có hồ sơ với hàng tựa lớn : « Hướng tới loại trừ virus HIV ».

Như chúng ta biết, dịch bệnh Sida kinh hoàng là nguyên nhân gây tử vong của 30 triệu người trong vòng ba thập kỷ qua.

Hiện nay trên thế giới, có khoảng 35 triệu người sống với virus HIV, trong đó 97% sống tại các nước nghèo. Mỗi năm có thêm hàng triệu người bị nhiễm virus, cụ thể là trong năm 2011, có 2,5 triệu trường hợp mới mắc.

Loại trừ Sida trên toàn thế giới là mục tiêu chính thức được đưa ra tại hội nghị quốc tế lần thứ 19 về Sida.

Cách đây 30 năm, vào thập kỷ đầu tiên sau khi Sida được nhận dạng, biện pháp chủ yếu để đối phó với bệnh dịch chỉ là các biện pháp phòng ngừa. Các thuốc kháng virus HIV bắt đầu được phát triển trong thập niên thứ hai. Theo Le Figaro, trong mười năm vừa qua thế giới chứng kiến nhiều nỗ lực để đưa các thuốc kháng HIV đến bệnh nhân khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển.

Theo con số của Onusida, công bố ngày thứ Tư, hơn 8 triệu người nhiễm HIV tại các nước nghèo đã được điều trị bằng thuốc kháng HIV vào cuối năm 2011.

 Số người được dùng thuốc chiếm hơn 50% những người mắc bệnh có nhu cầu. Việc thuốc kháng HIV được sử dụng nhiều hơn 20% so với năm 2010, giúp cho tỷ lệ tử vong trong năm 2011 giảm xuống 24%. Mức độ giảm đặc biệt đáng kể tại vùng Châu Phi phía nam sa mạc Sahara, nơi bệnh dịch hoành hành.

Le Figaro dẫn lời bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện nghiên cứu về các bệnh dị ứng và các bệnh viêm nhiễm của Hoa Kỳ (NIAID), theo ông « hiện nay chúng tôi có thể nói một cách tự tin là chúng ta có đủ các cơ sở khoa học cho phép chấm dứt bệnh dịch này ».

Trả lời phỏng vấn Le Figaro, giáo sư Jean-François Delfraissy – giám đốc cơ quan quốc gia về Sida và các bệnh viêm gan của Pháp (ANRS) - cho biết vừa ký kết hợp đồng hợp tác với Hoa Kỳ để diệt trừ căn bệnh thế kỷ.

Theo giám đốc ANRS, nhiều chiến lược trị liệu mới đang tiếp tục được nghiên cứu. Một trong số các biện pháp hứa hẹn là đẩy virus HIV ra khỏi các tế bào, nơi chúng cố thủ an toàn, để sau đó tấn công chúng bằng các thuốc kháng virus. Một biện pháp khác cũng đang được nghiên cứu là tìm hiểu những phương thức mà cơ thể tự « khống chế » được các virus.

Trên thực tế, đối với 0,1% người bị nhiễm virus, bệnh không tiến triển, dù những người này không hề điều trị bằng bất cứ biện pháp nào. Việc học được cách cơ thể tự khống chế virus cho phép thiết lập một lộ trình trị liệu được gọi là mang tính « chức năng ».

Giám đốc ANRS của Pháp cho biết, tại Pháp, đã có một nghiên cứu kéo dài trong ba năm, đối với 18 người bị nhiễm virus mà phát hiện sớm. Đối với 10% trong số họ, trong quá trình điều trị, virus đã được « kiểm soát » và những người này không còn phải dùng thuốc nữa.

Hồ sơ về Sida trên Le Figaro ghi nhận « thất bại của việc ngăn chặn Sida ở cộng đồng những người đồng tính », đặc biệt là đối với những người đồng tính da đen. Cũng về cuộc chiến chống Sida, tờ La Croix chạy hàng tựa trên trang nhất : « Ở Châu Phi, Sida là đối thủ của phụ nữ ». La Croix ghi nhận, tại một số quốc gia Châu Phi, các thiếu nữ có nguy cơ bị nhiễm virus HIV gấp 8 lần so với nam thanh niên.

 Một trong các động cơ chính khiến phụ nữ Châu Phi tích cực sử dụng thuốc kháng HIV là để bảo vệ con cái mình, đặc biệt đối với những người nhiễm HIV đang mang thai. Bên cạnh đó, phụ nữ chiếm đa số trong nhiều hiệp hội chống Sida, mà phần nhiều cũng do chính phụ nữ sáng lập và lãnh đạo.

 Tại Châu Phi, cũng chính phụ nữ là những người thường xuyên đứng ra làm nhân chứng về Sida, về cuộc chiến chống Sida, tham gia các cuộc biểu tình cũng như viết thư gửi các nhà lãnh đạo.

La Croix có bài phỏng vấn giáo sư y khoa Hakima Himmich, chủ tịch và là người sáng lập Hiệp hội chống Sida tại Maroc, một trong các gương mặt tiêu biểu của nữ giới trong cuộc chiến chống Sida. Đối với nữ giáo sư Hakima Himmich, hội nghị quốc tế tại Washington là một cơ hội để đưa sự thực về bệnh dịch đến với công luận. Nữ bác sĩ Maroc cũng là người bị các công ty dược lớn tẩy chay, vì ủng hộ các dược phẩm giá rẻ cho các bệnh nhân nghèo.

Những ưu thế của quân nổi dậy Syria

Cuộc nội chiến đang diễn ra tại Syria tiếp tục là chủ đề được hầu hết các nhật báo Pháp quan tâm. Những đợt tấn công lớn mới đây của Quân đội Syria Tự do (ASL - lực lượng quân sự của phe nổi dậy) cho thấy lực lượng này có những ưu thế không thể phủ nhận.

 Báo Le Monde có bài « Quân nổi dậy Syria đã tự khẳng định mình như thế nào » để lý giải về các ưu thế này.

Quan niệm thông thường vẫn cho rằng lực lượng nổi dậy Syria yếu về trang bị, về tổ chức và thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng chiến dịch tấn công bắt đầu từ ngày 16/7, tiếp theo đó là vụ đánh bom gây thiệt mạng nhiều quan chức cao cấp nhất trong giới quân sự và an ninh Syria đã gây bất ngờ. Điều này cho thấy chiến thắng của phe nổi dậy cũng không còn là một điều nằm ngoài tầm tay của họ.

Kể từ ngày 17/7, lực lượng nổi dậy đã đồng loạt tấn công nhiều điểm kiểm soát, trụ sở an ninh, trạm biên phòng trên toàn quốc, trong một chiến dịch mang tên « Núi lửa Damas và động đất Syria », và hiện vẫn đang đọ sức với quân đội của chính phủ Syria tại nhiều khu vực.

Điểm nổi bật được Le Monde lưu ý là, lãnh đạo các cuộc tấn công kể trên là các cấp chỉ huy địa phương.

Ngay từ đầu tháng 5, các nhóm quân sự tại chỗ đã quyết định không còn phụ thuộc vào bộ chỉ huy chính thức của Quân đội Syria Tự do (ASL), được đặt ở nước ngoài. Tư lệnh Quân đội Syria Tự do trong nước cũng đồng thời tuyên bố không tuân thủ cam kết ngưng bắn giữa ASL với Damas. Kể từ đây, lực lượng vũ trang trong nước vốn phân tán đã được quy tụ thành các lữ đoàn, đặt dưới sự chỉ huy của 10 hội đồng quân sự cấp vùng.

Chiến dịch tổng tấn công vừa qua chính là kết quả phối hợp của hệ thống tổ chức quân sự mới. Bên cạnh đó, vũ khí tiếp viện từ Qatar và Ả Rập Xê Út được tăng cường đến đường biên Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Từ thứ Năm đến nay, lại có thêm ba viên tướng đào ngũ, cùng với 20 tướng bỏ trốn trước đó, họ tham gia vào nhóm cố vấn cho lực lượng vũ trang nổi dậy. Đó là chưa kể, nhiều sĩ quan muốn bỏ ngũ, nhưng vẫn tiếp tục ở lại trong quân đội chính phủ để làm nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo.

Trong hiện tại, quân đội chính quy Syria vẫn chiếm ưu thế về quân sự. Tình hình trong những ngày tới sẽ cho thấy, đợt phản công dữ dội của quân chính phủ có thành công hay không.

Cũng về cuộc nội chiến Syria, báo Libération có bài phóng sự « Quân nổi dậy Syria : ‘‘Những ai đã giết người sẽ bị tiêu diệt’’ », mô tả thế thượng phong của ASL tại các vùng mà họ kiểm soát.

 Theo Libération, tại những nơi mà lực lượng chính phủ rút chạy, ASL đã thay thế chính quyền, kiểm soát an ninh và bảo đảm cả vai trò của tư pháp. Nhiều binh sĩ phe nổi dậy tỏ ra nghi ngờ thiện chí của phương Tây, không can thiệp quân sự như trường hợp đối với Libya, để giải phóng họ khỏi chế độ độc tài, và có nhiều tin đồn cho rằng có những mưu đồ quốc tế để Tổng thống Bachar Al Assad tiếp tục nắm quyền.

Tuy nhiên, nói chuyện với phóng viên Libération, một thủ lĩnh quân nổi dậy tin tưởng chắc chắn rằng chế độ Damas sẽ sụp đổ từ đây đến 20/08, lúc kết thúc tháng chay Ramadan.

Thảm sát Aurora : Vấn đề mang vũ khí lại được đặt ra

Sau vụ thảm sát tại một rạp chiếu bóng ở Aurora (tiểu bang Colorado) ngày 19/07, khiến 12 người thiệt mạng và khoảng 60 người bị thương, mà thủ phạm là một sinh viên 24 tuổi, nhiều tiếng nói trong công luận Mỹ đòi hỏi giới chính trị có quan điểm siết chặt việc mua vũ khí.

 Theo Le Monde, ngày 20/07, hiệp hội các Thị trưởng Mỹ gồm người đứng đầu 600 thành phố Mỹ đã kêu gọi tổng thống Obama và đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney, có quan điểm chính thức về vấn đề này.

Cú sốc mà vụ thảm sát để lại tại Mỹ là rất lớn, các phương tiện truyền thông dành hầu hết thời lượng cho sự kiện này. Tuy nhiên, có rất ít người như thị trưởng New York Michael Bloomberg, có lời kêu gọi gửi đến các nhà chính trị hàng đầu của nước Mỹ, nhấn mạnh đến việc phải có quy định chặt chẽ hơn đối với việc mang vũ khí.

Le Monde ghi nhận, những lời kêu gọi hay bày tỏ quan điểm là không đủ, chắc chắn cần phải có những động tác mạnh hơn mới có thể buộc hai ứng cử viên tổng thống dấn thân vào một lĩnh vực mà cả hai đều không mong muốn đề cập đến.

Hai ứng viên tổng thống Mỹ đều có một phản ứng tương tự, nhấn mạnh đến phương diện tình cảm và kêu gọi người Mỹ đoàn kết. Một thái độ như vậy là để không làm mất lòng cả hai phía, phe ủng hộ việc mua vũ khí tự do và đối thủ của họ.

Vụ thảm sát tại Codorado là vụ thứ 11 trong vòng 13 năm gần đây tại Hoa Kỳ, trong đó đặc biệt thảm khốc là vụ thảm sát ở Virginia Tech năm 2007, khiến 32 người chết. Tuy nhiên, theo Le Figaro, cuộc tranh luận về việc có nên giới hạn việc mua vũ khí hay không tại Mỹ khó có thể sôi động trở lại, vì thiếu sự ủng hộ rộng rãi của cử tri. Đối với nhiều người Mỹ, các thảm sát kể trên chỉ là những sự cố đơn lẻ, không liên quan gì đến điều 2 « thiêng liêng » trong Hiến pháp Mỹ, dành cho mọi công dân quyền mang vũ khí tự vệ.

Kể từ khi điều luật quy định chặt chẽ hơn về việc sử dụng vũ khí « Brady Act » được thông qua vào năm 1994, số người ủng hộ một luật như vậy giảm mạnh.

Chỉ còn 45% người Mỹ ủng hộ so với 78% vào năm 1990. Hiện có hơn 250 triệu vũ khí cá nhân lưu hành tại Mỹ. 49/50 tiểu bang cho phép công dân mang súng một cách kín đáo. Riêng tiểu bang Codorado, nơi vừa xảy ra vụ thảm sát, còn cho phép sinh viên được mang súng vào trường đại học.

Đảng Dân chủ rất thận trọng trong việc giới hạn quyền mang vũ khí, bởi họ đã từng có kinh nghiệm với thất bại của ứng cử viên Al Gore năm 2000. Đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Al Gore đã bị thua tại nhiều tiểu bang, có đa số cử tri phản đối việc giới hạn quyền mang vũ khí.

« Khủng hoảng kinh tế : Ấn Độ và nghiệp chướng »

Vào lúc Ấn Độ vừa có Tổng thống mới, Libération có bài tổng thuật thực trạng kinh tế Ấn Độ, với hàng tít « Khủng hoảng : Ấn Độ và nghiệp chướng », với nhận định : ngoại thương thâm hụt, giá cả tăng vọt, tăng trưởng giảm sút… Ấn Độ hiện đang chịu các hệ quả của những chấn động trên thế giới.

Kể từ đầu năm đến nay, rupi - đồng tiền Ấn Độ - đã mất giá gần 15% so với đô la, ngân sách công thâm hụt 10% PIB. Tỉ lệ tăng trưởng không vượt quá 6%. Bầu không khí u ám ngự trị trong xã hội

Bình luận về xu thế suy thoái tại Ấn Độ, một chuyên gia cho biết, Ấn Độ đã từng tin rằng quốc gia này không bị cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế ảnh hưởng.

 Còn ngày hôm nay, Ấn Độ phải chịu các hệ quả của nó. Cho dù Ấn Độ có được tiếng là có một nền công nghệ tin học phát triển mạnh, hướng về xuất khẩu, nhưng cuộc khủng hoảng toàn cầu đã làm lộ rõ các điểm yếu của quốc gia này.

Nhà kinh tế học kể trên cũng chỉ ra một số nhược điểm mang tính cấu trúc của nền kinh tế Ấn Độ, cụ thể là trong nông nghiệp, nơi tập trung tới 50% dân số ở độ tuổi lao động.

 Nền nông nghiệp Ấn Độ bị bỏ lỡ cơ hội hiện đại hóa, bên cạnh đó là việc nhu cầu thực phẩm vượt quá mức cung, với sự phát triển mạnh của tầng lớp trung lưu, dẫn đến tình trạng các nhà sản xuất đẩy giá lên cao, do vậy mà nông nghiệp Ấn Độ rơi vào tình trạng lạm phát.

Mới đây với việc giá đồng rupi sụt giảm và quỹ dự trữ ngoại tệ teo lại, nhiều áp lực buộc chính quyền New Delhi bỏ trợ giá xăng dầu, gây khó khăn thêm cho tình hình kinh tế chung tại Ấn Độ.

Ngày càng ít người Châu Âu muốn đi nghỉ hè

Năm nay, Le Monde dẫn kết quả nghiên cứu của cuộc điều tra do Ipsos tiến hành tại 7 nước Châu Âu, có ít người muốn đi nghỉ hè hơn so với năm ngoái.

 Tỉ lệ năm ngoái là 66%, còn năm nay là 58%. Tỉ lệ người muốn đi nghỉ giảm mạnh nhất là ở Ý và Tây Ban Nha (14 và 15%). Đây là các quốc gia bị khủng hoảng nặng nề nhất. Pháp là nước duy nhất có tỉ lệ người muốn đi nghỉ tăng (2%), đồng thời cũng là quốc gia có tỉ lệ người đi nghỉ thực tế cao nhất.