Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-07-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 06-07-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Sáu, 06 Tháng 7 Năm 2012 11:35

Libya trước cuộc bầu cử lịch sử

 

 

Dựng pa-nô dán các bích chương tranh cử tại Benghazi ngày 04/07/2012.
REUTERS/Esam Al-Fetori

 

Ngày mai 07/07/2012 lần đầu tiên từ hơn 40 năm nay, người dân Libya được tự do đi bầu.

 Hơn 3 triệu cử tri sẽ chọn 200 dân biểu trên tổng số 3.700 ứng cử viên vào Quốc hội lập hiến đầu tiên của Libya thời kỳ hậu Kadhafi.

« Những hy vọng của một cuộc bỏ phiếu lịch sử » tựa trên phần trang quốc tế của tờ La Croix.

 Le Figaro thì chú trọng đến vai trò và ảnh hưởng của đảng Công lý và Tái thiết thuộc hàng ngũ tổ chức Huynh đệ Hồi giáo.

 Libération dành gần hai trang để nói về « Hòa bình mong manh » tại thủ đô Tripoli.

Đặc phái viên của Libération nhận thấy bầu không khí tại thủ đô Libya trước ngày bầu cử có vẻ yên ắng lạ thường. Mới chỉ cách nay ba tháng, sự yên lặng đó là điều không tưởng khi mà một số thành phần nổi dậy vẫn ôm súng trên người và họ trực ở những bùng binh hay ngã tư lớn của thành phố. Số đó cũng chẳng ngần ngại bắn chỉ thiên vì một lý do vu vơ. Đôi khi họ quên rằng những viên đạn đó rồi cũng sẽ rơi xuống đất.

Cho đến gần đây, những người từng vùng lên chống nhà độc tài Kadhafi từng coi họ là « những ông chủ mới » của Tripoli. Nhưng nay thì cục diện của thành phố đã thay đổi. Cảnh sát Libya trong bộ đồng phục màu trắng đã xuất hiện đông hơn trên đường phố thủ đô để giữ gìn trật tự, an ninh.

Các đồn canh gác được đẩy lùi ra ngoài phạm vi thành phố.

Tháng 6/2012 Bộ Quốc phòng đã tuyển dụng 13.000 người, bên Bộ Nội vụ thì ký hợp đồng với 70.000 nhưng hãy còn khoảng 200.000 dân quân vẫn ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

Theo Libération, đây là một bằng chứng giải thích vì sao các thành phần dân quân thường xuyên mở chiến dịch tấn công ở các vùng xa thủ đô. Cụ thể là ngày 04/06/2012 khoảng 200 người đã tấn công phi trường quốc tế Tarhouna, cách Tripoli khoảng 80 km về phía đông nam, làm khoảng một chục người bị thương và phải hơn hai giờ sau cảnh sát mới can thiệp.

Nghiêm trọng hơn cả là hiện tại có nhiều bộ tộc Libya đến nay vẫn chưa thừa nhận chính phủ mới và cũng không có gì bảo đảm là những người lính mới vừa được tuyển sẽ trung thành và ngoan ngoãn nghe lời chính phủ. Trong thế bấp bênh này, cử tri Libya sẽ đi bầu ngày mai.

Le Figaro trong bài báo mang hàng tựa « Dân chủ, giờ đã điểm » phân tích về lợi thế của đảng Công lý và Tái thiết thuộc phe Hồi giáo. Đảng này được coi là đối trọng với Liên minh các Lực lượng Quốc gia, một đảng phái chính trị do cựu Thủ tướng Mahmoud Jibril thành lập.

Theo tác giả bài báo thật khó có thể đoán trước đảng nào sẽ chiếm lấy phần thắng nhưng chắc chắc một điều là tại Libya, « Tôn giáo và các hoạt động kinh doanh luôn đi cùng với nhau ». Ngay cả tổ chức Huynh đệ Hồi giáo đã từng khẳng định : họ không làm bất cứ điều gì trái ngược với tinh thần của kinh thánh Coran, nhưng họ yêu chuộng « tự do kinh tế », nhà nước không nên can thiệp vào lĩnh vực này. Đây chắc chắn là một tuyên bố khiến Hoa Kỳ và Qatar hài lòng

Fukushima, tai họa do con người tạo nên

Thời sự châu Á ít được các tờ báo Pháp trong ngày quan tâm. Dù vậy báo La Croix trở lại với báo cáo vừa được ủy ban điều tra của Hạ viện Nhật Bản công bố hôm qua (05/07/2012) về tai họa Fukushima ngày 11/03/2011.

 Báo cáo đó không khoan nhượng với các nhà lãnh đạo Nhật Bản. Ủy ban điều tra gồm 10 thành viên trong xã hội dân sự đã đưa ra kết luận như sau : tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima là « thảm họa do con người gây ra ». Đó là lỗi của các nhà chức trách, của tập đoàn khai thác điện lực Tepco và của cơ quan giám sát an toàn hạt nhân Nhật Bản.

La Croix cho biết đây là báo cáo thứ ba về thảm họa hạt nhân Nhật Bản. Báo cáo thứ nhất do chính tập đoàn Tepco yêu cầu hoàn toàn quy trách nhiệm cho « mức độ nghiêm trọng của sóng thần ».

Lần này, ủy ban điều tra của Hạ viện quy rõ trách nhiệm của các bên. Theo đó cơ quan giám sát an toàn và ban điều hành Tepco đã cố ý không lấy quyết định để nâng cao mức độ an toàn cho nhà máy và đã luôn hoãn lại các khoản đầu tư cần thiết.

 Ngoài ra tập đoàn điện lực Nhật Bản bị chỉ trích là đã chậm trễ trong việc đối phó với tai nạn nhà máy điện Fukushima.

Đầu tư quốc tế

Do một bộ phận nhân viên nhà in của Le Monde đình công cho nên tờ báo này không đến tay độc giả. Nhưng bài vở vẫn được đăng trên mạng. Một trong những bài báo đáng chú ý liên quan đến báo cáo về đầu tư trên thế giới năm 2012, được công bố ngày 05/06/2012.

Năm ngoái đã có tất cả 1.500 tỷ đô la được đầu tư trên địa cầu, tăng 16 % so với 2010. Kỷ lục 2.000 tỷ đô la của năm 2007 còn rất xa, nhưng tổ chức Phát triển và Thương mại Liên Hiệp Quốc dự báo tổng đầu tư trên thế giới năm nay sẽ lên tới 1 600 tỷ đô la và sang năm sẽ là 1 800 tỷ.

Theo thứ tự, Trung Quốc, Hoa Kỳ Ấn Độ, Indonesia và Brazil là 5 địa điểm được hấp dẫn nhất.

 Nước Pháp chỉ đứng hạng thứ 19. Về phía các quốc gia năng động nhất trong việc đem vốn ra ngoại quốc thì Mỹ được coi là vô địch.

 Các nền kinh tế đang phát triển cũng đóng một vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Cụ thể là năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư 65 tỷ đô la ở ngoại quốc, dù vậy thành tích này còn thua xa Hồng Kông. Các nhà đầu tư Hồng Kông đã đầu tư 81 tỷ ở nước ngoài.

Liên hoan kịch nghệ Avignon, sân khấu nghệ thuật lớn nhất thế giới

Ngày mai liên hoan kịch nghệ nổi tiếng nhất thế giới Festival d’Avignon lần thứ 66 khai mạc.

 Báo L'Humanité dành tám trang để nói về vị sáng lập viên Jean Vilar nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của một nghệ sĩ đa tài, một ông vua trong những vì vua của giới yêu kịch nghệ.

Libération lướt qua chương trình phong phú của mùa liên hoan 2012 được mở ra từ ngày 7 đến 28/07/2012.

Riêng phụ trang văn hóa của Le Figaro nhận xét : chương trình năm nay tương đối « dễ đến gần với khán giả hơn những mùa liên hoan trước ».

Được mệnh danh là « Sân khấu nghệ thuật lớn thế giới », festival d’Avignon, hàng năm thu hút khoảng 130.000 khán giả trong các chương trình chính thức.

 Bên cạnh đó chương trình « off » tức không chính thức thì thường được gần 1,3 triệu người yêu nghệ thuật hưởng ứng.

Về câu hỏi chương trình festival năm nay có gì đặc sắc, Le Figaro đề nghị : về kịch nghệ thì ta nên đi xem vở Le Maitre et Margueritte của nhà soạn kịch người Anh, Simon McBurney.

McBurney là khách mời danh dự của chương trình liên hoan năm nay. Nếu say mê với bộ môn múa thì có ít nhất là 5 vở múa đương đại đáng xem, như là « Puz/le » của nhà biên đạo múa Cherkaoui, « Tragédie » của Olivier Dubois hay « Le vif du sujet » của một nghệ sĩ người Nam Phi rất được chú ý gần đây.

 Về phía chương trình « off » của liên hoan thì khán giả sẽ không khó tìm ra một vở múa, một vở hài hay một vở kịch trong số 1.163 chương trình biểu diễn khác nhau