Home Tin Tức Thời Sự Pháp – Ý phối hợp tìm cách thúc đẩy tăng trưởng tại châu Âu

Pháp – Ý phối hợp tìm cách thúc đẩy tăng trưởng tại châu Âu PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Năm, 14 Tháng 6 Năm 2012 11:07

Tổng thống Pháp và thủ tướng Ý có cùng quan điểm về sự cần thiết phát hành công trái châu Âu

 

 

Tổgn thống Pháp Francois Hollande (phải) và Thủ tướng Ý Mario Monti trong cuộc gặp lãnh đạo LHCÂ ngày 23/5/2012.
REUTERS/Michel Euler/

 

Hôm nay, 14/06/2012, tổng thống Pháp François Hollande sang Roma nhằm phối hợp với thủ tướng Mario Monti tìm kiếm các phương tiện thúc đẩy tăng trưởng tại châu Âu, ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực đồng euro, vừa tái bùng phát và lại một lần nữa đe dọa nước Ý.

Chuyến công du của tổng thống Pháp diễn ra trong bối cảnh các thị trường tài chính quốc tế lo lắng chờ đợi kết quả cuộc bầu cử lập pháp Hy Lạp, được tổ chức vào ngày 17/06 tới đây.

 Tối hôm qua, cơ quan thẩm định tài chính Moody’s đã hạ ba nấc trên bậc thang điểm tín nhiệm về khả năng trả nợ dài hạn của Tây Ban Nha.

Mối lo ngại của thị trường lại tăng thêm vào lúc các nhà đầu tư quốc tế đều quan tâm đến tương lai của khu vực đồng euro, chủ đề chính của Hội nghị G20 được tổ chức tại Los Cabos, Mêhicô.

Tổng thống Hollande và thủ tướng Monti đã gặp nhau hai lần, nhân Thượng đỉnh G8 tại Camp David và thượng đỉnh NATO ở Chicago Hoa Kỳ, trong tháng Năm. Cả hai đều muốn « cùng làm việc » với nhau và đưa ra «những đề nghị chung», đồng thời, cả Paris và Roma cùng nhấn mạnh là những phối hợp này tuyệt nhiên không có mục đích « chống » lại thủ tướng Đức Angela Merkel.

Theo giới quan sát, trên thực tế, có khá nhiều điểm tương đồng giữa tổng thống cánh tả Pháp và thủ tướng Ý, được coi là người có tư tưởng trung hữu.

Cả hai đều kiên quyết ủng hộ tái thúc đẩy tăng trưởng ở châu Âu. Ông Hollande chủ trương có « những biện pháp ngay lập tức » theo hướng này, còn ông Monti thì giải thích : Người ta không thể nói rằng tăng trưởng là một việc quan trọng nhưng chỉ bàn đến sau khi giải quyết xong các vấn đề ngân sách.

Paris và Roma cùng ủng hộ việc thành lập một liên minh ngân hàng, đi kèm với cơ chế theo dõi, tiến hành « chỉnh sửa quy đinh vàng » - tức quy định bắt buộc cân bằng ngân sách – cho phép gạt bỏ những đầu tư chiến lược ra khỏi tính toán về thâm hụt ngân sách quốc gia.

Tổng thống Pháp và thủ tướng Ý có cùng quan điểm về sự cần thiết phát hành công trái châu Âu, qua đó chia sẻ các rủi ro và bảo vệ những quốc gia dễ bị tổn thương trước các tấn công, đầu cơ của thị trường. Thế nhưng, thủ tướng Đức chống lại ý kiến này.

Theo giới chuyên gia, chuyến đi Roma còn là một dấu hiệu cho thấy tổng thống Hollande muốn thoát ra khỏi cuộc đối đầu giữa Paris và Berlin nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng, bởi vì thủ tướng Ý Mario Monti được đánh giá là người làm trung gian, cầu nối giữa Pháp và Đức.

Vào lúc tân chính quyền cánh tả ở Pháp gây lo ngại cho Berlin : bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble công khai phê phán Paris giảm nhẹ các cải cách liên quan đến chế độ nghỉ hưu, thì thủ tướng Ý lại được Berlin hết lời ca ngợi.

 Vẫn theo lời của bộ trưởng Schauble thì ông Monti là một « nhà lãnh đạo giỏi, ở đúng vị trí, vào đúng thời điểm ».

Tuy nhiên, trên một số khía cạnh, thủ tướng Ý ngày càng nhích lại gần hơn quan điểm của Đức. Nguyên là ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh, nhấn mạnh đến vai trò của thị trường nội địa châu Âu, ông Monti cho rằng cần phải đẩy mạnh tự do hóa.

Mặt khác, gần đây, lãnh đạo Ý đã nhắc lại rằng ông vẫn có ý định bán các bất động sản của Nhà nước, chuyển nhượng các cổ phần của Nhà nước trong các doanh nghiệp.

Liên quan đến việc đánh thuế các giao dịch tài chính mà Pháp đưa ra, Ý ủng hộ nhưng lại có lập trường giống như Đức, theo đó, các nước không nên áp dụng một cách đơn phương.

Đối với chính phủ của thủ tướng Monti, hợp lý nhất là nên áp dụng trong khuôn khổ G20, nếu không được, thì tiến hành bên trong Liên Hiệp Châu Âu 27 thành viên hoặc tại 17 nước tham gia trong khu vực đồng tiền chung.

Cuộc hội đàm giữa tổng thống Hollande và thủ tướng Monti còn có mục đích chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh bốn bên – Pháp – Ý – Đức – Tây Ban Nha, sẽ được tổ chức vào ngày 22/06 tại Roma, truớc khi có Thượng đỉnh châu Âu ở Bruxelles, ngày 28 và 29/06.