Home Tin Tức Thời Sự Miến Điện: Xung đột sắc tộc – tôn giáo lan tràn trên mạng internet

Miến Điện: Xung đột sắc tộc – tôn giáo lan tràn trên mạng internet PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Năm, 14 Tháng 6 Năm 2012 09:34

 Các nhận định bình luận đầy thù hận về xung đột đẫm máu đang tràn lan trên các mạng Twitter và Facebook

 

Xung đột sắc tộc-tôn giáo bủng nổ dữ dội chưa từng thấy ở miền Tây Miến Điện
REUTERS

 

Hãng tin Pháp AFP hôm nay 14/06/2012 đưa tin, xung đột giữa hai cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo miền Tây Miến Điện tràn lên cả mạng Internet.

 Những lời bình luận đầy thù hận trên các trang mạng cho thấy đối kháng giữa hai cộng đồng này có gốc rễ sâu xa.

Như chúng ta biết, bạo động bùng phát tại bang Rakhine, miền Tây Miến Điện, giữa cộng đồng thiểu số người Rohingya theo đạo Hồi và người Miến Điện đa số, sau vụ một thiếu nữ bị cưỡng hiếp và giết chết.

Tại một đất nước vốn rất xa lạ với internet, nơi thông tin bị kiểm soát nghiêm ngặt dưới chế độ quân sự, chỉ vừa mới giải thể cách đây 1 năm, các nhận định bình luận đầy thù hận về xung đột đẫm máu kể trên đang tràn lan trên các mạng Twitter và Facebook.

Ông Nicholas Farrelly, một giảng viên Đại học quốc gia Úc, nhận định các biến cố mới đây tại miền Tây Miến Điện đã tạo nên “một cơn bão hận thù trên mạng” và “các mô tả lệch lạc về các hành vi bạo lực có thể bị những kẻ cực đoan của cả hai phía lợi dụng”.

Trang mạng Facebook mang tên “Băng nhóm tiêu diệt bọn Kalar” đã nhận được đến 500 bình luận ủng hộ. “Kalar” là một từ mang tính miệt thị dùng để chỉ các cư dân Rohingya, bị coi là người ngoại quốc, nhập cư bất hợp pháp từ Bangladesh.

Trên trang web này, phía dưới hình ảnh Lưỡi hái của Thần Chết, với chiếc áo vấy máu và mang hình ảnh trăng lưỡi liềm bên cạnh một ngôi sao (biểu tượng của đạo Hồi), là hình ảnh những người chết thê thảm.

Thứ ba 12/06, Tiếng nói Dân chủ Miến Điện (Democratic voice of Burma), một cơ sở thông tin của giới ly khai lưu vong có trụ sở tại Oslo, thông báo trang mạng của tổ chức này bị tin tặc chiếm quyền điều khiển, truyền đi các thông điệp kêu gọi tiêu diệt kẻ ngoại đạo. Ngược lại, cũng có nhiều thông tin tố cáo sự độc ác từ phía “các phật tử cuồng tín”.

Theo nhận định của International Crisis Group, một tổ chức phji chính phủ chuyên theo dõi các xung đột trên thế giới, những lời lẽ đầy thù hận trên mạng không có ảnh hưởng trực tiếp đến các hành vi bạo lực tại chỗ, vì ở Miến Điện internet không phổ biến, mà điều này chỉ “phản ánh quan điểm của những người trong cuộc”.

Tổ chức này cũng khuyến cáo truyền thông địa phương nên đưa tin về các xung đột, để giúp cho dân chúng có được các thông tin chính xác.

Tuy nhiên, theo một nhà phân tích của HIS Global Insight, để cho sự hận thù lan tràn trên mạng thì vẫn rất nguy hiểm, vì sau nhiều thập kỷ sống khép kín, người dân Miến Điện có xu hướng dễ tin tưởng theo các thông tin tuyên truyền một chiều.

Theo ông Phil Robertson, thuộc tổ chức HRW, người Miến Điện thường cho rằng : “dân Rohingya không phải là công dân Miến Điện, mà chỉ là người Bangladesh đến chiếm đất của người Miến Điện”.

Xin nhắc lại là, ngày 03/06, 10 người Hồi giáo đã thiệt mạng trong cơn giận dữ của một đám đông người thiểu số Rakhine, đa số theo đạo Phật.

 Bên cạnh đó, cho đến nay, theo chính quyền Miến Điện có ít nhất 28 người chết và 53 người bị thương trong các đụng độ khác.

 Ngày chủ nhật 10/06, chính quyền đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Rakhine.

 Hôm nay, theo các phóng viên AFP có mặt tại chỗ, tình hình đã tạm thời yên tĩnh.