Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-06-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-06-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Hà   
Thứ Hai, 11 Tháng 6 Năm 2012 08:14

Bầu cử Quốc hội Pháp : không có làn sóng màu hồng

 

Tổng thư ký đảng Xã hội Martine Aubry họp báo ngay sau vòng một cuộc bầu cử Quốc hội Pháp (REUTERS)

 

Bầu cử Quốc hội Pháp, phe tả dẫn đầu ở vòng một.

Kế hoạch cứu nguy ngân hàng Tây Ban Nha 100 tỷ euro và trận ra quân đầu tiên của đội tuyển Pháp trong giải bóng đá châu Âu Euro 2012. Đó là ba đề tài gần như chiếm toàn bộ các trang báo Paris trong ngày.

« Cánh tả về đầu », « Lợi thế nghiêng về phe tả », « Cánh tả mạnh hơn » hay « Đảng Xã hội đang hướng tới mục tiêu chiếm đa số tuyệt đối ở Quốc hội » Đó là những hàng tựa nổi bật được dành để nói về cuộc bầu cử lập pháp vòng 1 hôm qua (10/06/2012).

Các báo bình luận rất nhiều về toàn cảnh chính trị mới đang mở ra : đảng Xã hội-cánh tả và UMP- cánh hữu ngang ngửa nhau với khoảng 35 % cử tri ủng hộ.

 Đảng cựu hữu Mặt trận Quốc gia do bà Marine Le Pen lãnh đạo bất ngờ trở thành lực lượng chính trị thứ ba ở Pháp.

Tuy là liên minh cánh tả về đầu trong cuộc bỏ phiếu vừa qua, nhưng chênh lệch tả - hữu được coi là rất xít xao. Đảng Xã hội đã không huy động được nhiều cử tri như mong đợi cho nên các báo cùng nhấn mạnh « làn sóng màu hồng » đã không phủ lên nước Pháp.

 Tờ Libération thiên tả bên cạnh hình ảnh ông François Hollande, chạy tựa « Đa số bình thường » như ông Hollande luôn coi mình mà một vị tổng thống « bình dị ».

Tờ báo ngụ ý đảng Xã hội ở vòng đầu đã không chiếm được đa số rộng rãi. Dù vậy theo tờ báo, mục tiêu chiếm đa số tuyệt đối ở Quốc hội đang « trong tầm tay » của đảng Xã hội. Ngược lại, tờ Le Figaro thiên hữu trong bài xã luận xem đó không phải là điều « chắc chắn » và tờ báo không quên hù dọa về nguy cơ đảng Xã hội liên kết với Mặt trận cánh Tả và đảng Xanh

100 tỷ euro cho ngân hàng Tây Ban Nha

Trong lĩnh vực kinh tế các báo Pháp phân tích cặn kẽ về kế hoạch 100 tỷ euro cứu nguy ngành ngân hàng Tây Ban Nha.

 Les Echos nêu lên 6 câu hỏi về kế hoạch nói trên như là tại sao châu Âu lại « gấp rút » đề nghị Madrid nhận gói hỗ trợ có thể lên tới 100 tỷ ?

Vì sao sự trợ giúp của châu Âu chỉ khoanh vùng trong ngành ngân hàng Tây Ban Nha ?

 Đâu là những tác động và rủi ro đối với ngành ngân hàng của bản thân nước Pháp ?

 Châu Âu hỗ trợ các ngân hàng Tây Ban Nha dưới hình thức nào ?

Để trả lời câu hỏi cuối cùng này, báo Les Echos cho biết thứ nhất Quỹ Bình ổn Tài chính hoặc Cơ chế Ổn định Châu Âu sẽ đứng ra cấp vốn cho Tây Ban Nha để cho các ngân hàng Tây Ban Nha qua trung gian của một cơ quan tài chính trực thuộc quyền quản lý của Madrid.

 Nói cách khác đây sẽ không phải là một sự trợ giúp trực tiếp như yêu cầu của Tây Ban Nha. Có nhiều khả năng các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ được tăng vốn vỡi lãi suất khoảng trên dưới 3 %. Đổi lại hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha sẽ phải « cải tổ cơ cấu ».

Về câu hỏi vì sao chỉ có ngành ngân hàng Tây Ban Nha được chú ý tới ?

 Les Echos trả lời : Tây Ban Nha là một nền kinh tế quá lớn so với khả năng can thiệp của Quỹ Bình Ổn Tài Chính Châu Âu. Theo một công trình nghiên cứu, quỹ này chỉ còn có khoảng 240 tỷ euro để can thiệp.

Trong lúc đó, để có thể mở rộng kế hoạch hỗ trợ cho toàn bộ nền kinh tế Tây Ban Nha thì châu Âu sẽ phải bơm vào đến 600 tỷ euro.

Thêm vào đó hiện tại, tất cả mọi chú ý đang dồn vào ngành ngân hàng Tây Ban Nha với lo ngại khủng hoảng địa ốc cuốn trôi một phần vốn của các ngân hàng nước này. Báo kinh tế La Tribune tự hỏi liệu kế hoạch 100 tỷ euro của châu Âu có đủ để cứu ngành ngân hàng Tây Ban Nha hay không ?

Trong cái nhìn của tờ báo công giáo La Croix : với 100 tỷ, châu Âu ngăn ngừa khủng hoảng Tây Ban Nha lan rộng. « Châu Âu tiếp sức cho Tây Ban Nha để tự cứu mình », tựa của tờ báo.

Phụ trang kinh tế của tờ Le Figaro đăng trên trang nhất hình ảnh thủ tướng Tây Ban Nha cúi mặt nhìn xuống, bên cạnh hàng tựa : « Rajoy cuối cùng phải chấp nhận hỗ trợ của châu Âu ».

Đây là một đòn đau đối với người từng tự coi mình là « cứu tinh » của Tây Ban Nha.

 Khi lên cầm quyền ông Mariano Rajoy đã cam kết « đem lại cân bằng cho ngân sách nhà nước, giảm nợ công và đem lại tăng trưởng cho Tây Ban Nha » nay cũng chính ông phải chấp nhận kế để ngành ngân hàng Tây Ban Nha được châu Âu « vào nước biển ».

Libération nhắc lại : trong cuộc họp báo hôm qua 10/06/2012 trước khi lên đường đến Ukraina để dự trận bong đá Tây Ban Nha –Ý trong mùa bóng Euro 2012, những lời chỉ trích đổ xuống đầu thủ tướng Rajoy như mưa !

Thủ tướng Tây Ban Nha tỏ ra lo lắng hơn về trận ra quân của đội tuyển quốc gia trước các cầu thủ Ý trên sân cỏ Ukraina hơn là về vận mệnh kinh tế của đất nước.

L'Humanité châm biếm cho rằng « ông Rajoy nói chuyện bóng đá trong lúc người dân Tây Ban Nha phẫn nộ vì Madrid phải ngửa tay nhận tiền của châu Âu »

Tờ báo cũng không khoan nhượng khi cho rằng ông thủ tướng mải đi xem đá bóng, phó mặc cho vị bộ trưởng Tài chính giải thích với dự luận Tây Ban Nha về thái độ của Madrid.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải : Nga thận trọng trước sự hào phóng của Trung Quốc

Trở lại với phần thời sự châu Á, các báo đương nhiên chú trọng vào vụ bốn quân nhân Pháp thiệt mạng tại Afghanistan cuối tuần qua.

 Nhưng xin được điểm qua bài báo trên tờ Le Monde nói về Thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải lần thứ 12 vừa được tổ chức tại Bắc Kinh vào tuần trước.

Le Monde đưa ra nhận định : sự hào phóng của Trung Quốc đã được Nga đón nhận một cách thận trọng.

 Trong hai ngày 6 và 07/06/2012 lãnh đạo 4 nước Trung Á (Kazakhstan, Kirghizistan, Tadjikistan, và Ouzbekistan) đã cùng với tổng thống Nga, chủ tịch Trung Quốc tham dự thượng đỉnh lần thứ 12. Bắc Kinh cấp 10 tỷ đô la tín dụng cho các thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Trung Quốc, biến tổ chức này thành một công cụ phát triển kinh tế trong tay, để đổi lấy dầu hỏa và nguyên liệu.

Thế nhưng tổng thống Nga, Vladimir Putin nghĩ gì về những tính toán của Trung Quốc ?

Theo phân tích của tờ báo, về phương diện chính trị thì cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh đều muốn củng cố ảnh hưởng khu vực của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Nga và Trung Quốc cũng đồng ý là Tổ chức này phải đóng một vai trò quan trọng hơn ở phạm vi ngoài biên giới của các nước thành viên và đã đến lúc có thể kết nạp thêm một vài thành viên mới như là Afghanistan.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh đến « mối quan tâm thành thật và bất vụ lợi của Trung Quốc đối với Afghanistan » vào lúc mà đất nước của ông Hamid Karzai đang bước vào « một giai đoạn chuyển tiếp đầy thách thức ».

Tại thuợng đỉnh Bắc Kinh vừa qua, Trung Quốc đã ký với Afghanistan một thỏa thuận đối tác chiến lược và cam kết trợ cấp cho Kaboul 18 triệu euro trong năm 2012 qua những chương trình xây dựng hạ tầng cơ sở.

Về phương diện chiến lược thì theo lời một nhà quan sát châu Âu được Le Monde trích dẫn : « trước đây Trung Quốc từng lo ngại khi thấy Hoa Kỳ đưa quân đến Afghanistan. Nhưng giờ đây thì cũng chính Trung Quốc lại cảm thấy lo lắng khi quân Mỹ sắp sửa rút lui khỏi mật trận này ». Đó là lý do vì sao Trung Quốc muốn lôi kéo Afghanistan vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Về phần nước Nga, Matxcơva đang lo ngại về sự chênh lệch về phát triển kinh tế với Trung Quốc.

 Nhưng quan trọng hơn cả là Nga tham gia vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải chẳng qua là để « canh chừng Trung Quốc »

 Theo lời một nhà ngoại giao châu Âu được Le Monde trích dẫn, Matxcơva và Bắc Kinh chẳng những đang thăm dò ý đồ của nhau đối với bốn nước Trung Á, mà Nga và Trung Quốc còn phải « theo dõi lẫn nhau » trong chiến lược của họ đối với Ấn Độ.

Một mặt do Nga cũng là một nguồn cung cấp vũ khí không nhỏ của New Delhi. Mặt khác thì cả Matxcơva lẫn Bắc Kinh đều rất quan tâm đến những mỗi giao hảo của New Delhi với bất kỳ một ai.

Beatles vs Beach Boys

Để kết thúc mục điểm báo hôm nay, xin điểm qua bai báo mang tựa đề dưới dạng một câu hỏi « bạn thuộc trường phái Beatles hay Beach Boys ? »

 Le Figaro trong phần tin văn hóa lưu ý độc giả : 2012 là năm mà cả hai ban nhạc pop lừng danh này kỷ niệm 50 năm sự nghiệp.

Trong một quãng thời gian dài, người ta cứ tưởng nhầm là đối thủ trực tiếp của bộ tứ Beatles là ban nhạc Rolling Stones, cho đến khi ông vua Paul McCartney tâm sự là đối với ông, « cho đến tận hôm nay Brian Wilson vẫn là người có sức cạnh tranh lợi hại nhất »

Brian Wilson chẳng ai khác là một trong 3 sáng lập viên ban đầu của ban nhạc gồm 5 người mang tên Beach Boys đến từ miền đất nóng California. Chẳng thế mà chính McCartney đã từng thốt lên rằng « God Only Knows của Brian Wilson là bài hát hay nhất, tuyệt nhất mọi thời đại ».