Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-06-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 05-06-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Ba, 05 Tháng 6 Năm 2012 12:39

Việt – Mỹ : Từ cựu thù trở thành bạn


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta chia tay các sĩ quan quân đội Việt Nam trước khi rời Hà Nội ngày 5/06/2012
REUTERS/Jim Watson/Pool

« Cựu thù Việt Nam có thể lại trở thành bạn của Hoa Kỳ » là tựa đề một bài nhận định đăng trên nhật báo Công giáo La Croix số ra hôm nay.

Ngoài hồ sơ « tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích » trong chiến tranh với Việt Nam, chuyến viếng thăm cảng quân sự Cam Ranh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Leon Panetta cho thấy quan hệ giữa hai quốc gia thù nghịch đang ấm lên, trước sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.

Theo bài viết, hồ sơ « lính Mỹ mất tích » trong chiến tranh Việt Nam (Missing in action, MIA) vẫn là một trong những vấn đề nhức nhối nhất đối Washington trong quan hệ với Hà Nội.

 Nhân chuyến đến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, chính quyền Việt Nam đã đồng ý cho mở rộng thêm 3 khu vực tìm kiếm mới.

Các khu vực này bao gồm một địa điểm nơi có một chiếc máy bay Mỹ bị bắn hạ tại miền Trung Việt Nam và một địa điểm khác gần với biên giới Lào và Campuchia, nơi được cho là có một lính Mỹ bị mất tích.

 Hơn 35 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, hồ sơ MIA đối với phía Mỹ ngày càng trở nên cấp bách. Vì với thời gian, hài cốt các lính Mỹ có nguy cơ sẽ tan rã trong đất.

Bài viết nhắc lại các cuộc thương thảo về hồ sơ MIA đã được bắt đầu vào những năm 1982-1983 và những cuộc tìm kiếm chung đã bắt đầu vào cuối những năm 1980.

 Theo thống kê, hơn 400 hài cốt lính Mỹ đã được mang về nước kể từ sau khi chấm dứt xung đột.

Chiến tranh Việt Nam đã để lại nhiều đau thương cho cả hai phía : gần 58 ngàn lính Mỹ thiệt mạng, 400 ngàn về phía Nam Việt Nam và 900 ngàn phía Bắc Việt Nam.

Nhận xét về bản chất của mối quan hệ này, La Croix cho rằng chuyến viếng thăm Việt Nam trùng với ngày  « chiến sĩ trận vong » tại Washington.

Cách đây ba ngày, 50 năm về trước là ngày Mỹ bắt đầu tham chiến vào Việt Nam. Tổng thống Mỹ Obama nhấn mạnh rằng cuộc chiến này là « một trong những chương đau xót nhất trong lịch sử đất nước ».

 Đồng thời, tổng thống Mỹ đã lên kế hoạch rút « quân chiến đấu » ra khỏi Afghanistan từ đây đến năm 2014.

Ký ức chiến tranh Việt Nam xảy ra vào lúc mà Hoa Kỳ liên tục có các động thái hòa giải với cựu kẻ thù. Mặt khác, Hà Nội cũng rất cần đến sự ủng hộ của Mỹ trong khu vực và rất muốn tăng cường hợp tác quân sự với Washington.

Tuy nhiên, ông Leon Panetta, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rõ rằng mối quan hệ hợp tác này, qua việc ký kết một thỏa thuận vào năm 2011, sẽ còn phụ thuộc một phần vào vấn đề nhân quyền.

Chính quyền Mỹ không có ý định bán vũ khí cho Việt Nam trong khi việc vi phạm nhân quyền vẫn còn đang tiếp diễn. Thế nhưng, vào ngày hôm qua, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam đã bày tỏ hy vọng rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí.

Giải thích vì sao có sự xích lại gần nhau hơn của hai cựu thù này, La Croix cho rằng mọi chính sách địa chính trị của Mỹ tại châu Á đang có sự thay đổi do sự bành trướng ngày càng mạnh của Trung Quốc, trên lãnh vực kinh tế cũng như quân sự.

Gia tăng sự hiện diện của Mỹ trong khu vực là nhằm để cản đà bước tiến của Trung Quốc. Bởi vì, sự ổn định tại vùng Đông Nam Á hiện đang bị đe dọa do nhiều vụ tranh chấp lãnh thổ.

Cảng Cam Ranh của Việt Nam, trong một tương lai không xa, có thể sẽ giữ một vai trò cốt yếu trong kế hoạch tái triển khai quân từ đây đến năm 2020 của các hạm đội Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương.

Một bộ phận sẽ được đặt tại Úc và bộ phận khác sẽ có mặt tại Singapore. Và như vậy, Việt Nam có thể giữ vai trò cân bằng trong kế hoạch tái triển khai rộng lớn này của Mỹ.

Thiên An Môn : nỗi ám ảnh của chính quyền Bắc Kinh

Cũng tại khu vực châu Á, Le Monde đưa độc giả đến với Trung Quốc nhân tưởng niệm 23 năm sau vụ thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989.

 Nếu như chính quyền Bắc Kinh vẫn đang ra sức kiểm soát mọi ý định tổ chức lễ tưởng niệm, thì tại Hồng Kông, một quyển sách ghi lại các cuộc phỏng vấn cựu thị trưởng Bắc Kinh vào thời điểm đó đang làm xôn xao dư luận.

Brice Petroletti, tác giả bài viết « Sự hồi phục phong trào Thiên An Môn không thành vẫn ám ảnh chính quyền Trung Quốc », cho rằng « một lễ tưởng niệm diễn ra trong thầm lặng, trong sự trống vắng ».

 Chính quyền Bắc Kinh vẫn kiểm soát chặt chẽ giới truyền thông, mọi ý định hành động tụ tập đáng ngờ dù là rất nhỏ và nhất là mọi cá nhân có ý định tổ chức lễ tưởng nhớ các nạn nhân.

Hai mươi ba năm đã trôi qua, kể từ vụ quân đội đàn áp phong trào đòi dân chủ của sinh viên học sinh, làm thiệt mạng hàng trăm hay hàng nghìn người, nhưng năm nay, lễ tưởng niệm diễn ra trong bầu không khí kỳ lạ.

 Hiếm khi nào cảm giác chênh vênh lại được cảm nhận rõ nét như thế, từ khi cơ quan quyền lực chóp bu của Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp phải phiền toái vì các vụ Bạc Hy Lai và vụ nhà ly khai luật sư mù Trần Quang Thành đào thoát thành công khỏi nơi quản thúc để lánh nạn tại Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.

Hơn nữa, vào thời điểm chuyển giao quyền lực quan trọng – Đảng hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 sẽ đánh dấu kết thúc kỷ nguyên Hồ Cẩm Đào và mở ra kỷ nguyên mới cho ông Tập Cận Bình – lại xảy ra một vụ tai tiếng khác : viên trợ lý của Thứ trưởng phụ trách An ninh chính phủ bị bắt giam do bị nghi ngờ làm gián điệp cho Mỹ. Nhiều thông tin nhạy cảm có lẽ đã được cung cấp cho phía Hoa Kỳ theo như lời xác nhận của một nguồn tin dấu tên trong nội các chính quyền ông Obama.

Bên cạnh đó, tranh luận úp mở về tính cần thiết cải cách chính trị còn góp phần nuôi thêm hy vọng về một sự đổi thay.

 Brice Petroletti cho biết một cuộc biểu tình được tổ chức hôm 29/5 vừa qua đã thoát tầm kiểm soát của công an. Nhưng người biểu tình đã đến trước tòa án huyện Nam Bình, tỉnh Phúc Kiến để đòi xem xét lại bản án ngày 04/6, mà vào thời điểm đó được cho là « chống cách mạng ».

 Đồng thời, những người biểu tình này còn đọc bản kiến nghị « ủng hộ cải cách dân chủ của ông Ôn Gia Bảo », thủ tướng Trung Quốc được xem là thủ lĩnh của phe ủng hộ cải cách trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nhận xét của ông Trương Mẫn, nhà chính trị học thuộc trường Đại học Nhân Dân tại Bắc Kinh, việc thực hiện cải cách chính trị hay cho hồi phục lại sự kiện Thiên An Môn không phải điều dễ làm. Bởi lẽ, « không dễ dàng gì tìm được một thời điểm thích hợp để thực hiện. Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, chẳng khác gì với việc xát thêm muối vào vết thương. Vì vậy, cứ tiếp tục chẳng nên làm gì cả ! ».

Trong khi đó, tại Hồng Kông, vào đầu tháng sáu này, một quyển sách ghi lại các cuộc đối thoại giữa ông Trần Hy Đồng – cựu thị trưởng Bắc Kinh năm 1989 (bị bắt năm 1995 về tội tham nhũng và được trả tự do vào năm 2006 vì lý do sức khỏe) và Bảo Phác - nhà phát hành đang gây xôn xao dư luận.

Le Monde cho biết quyển sách này bị cấm phát hành tại Trung Quốc.

Theo nội dung quyển sách, ông Trần, được xem là người theo phe « cứng rắn », bày tỏ sự hối tiếc vì đã có quá nhiều nạn nhân.

 Nhưng theo nhận xét của nhà xuất bản, « Cần phải nhìn thấy rõ là ông Trần vẫn duy trì quan điểm phản đối sự xáo trộn và rằng ông ta vẫn khăng khăng xem quyết định đã cử quân đội đến là đúng đắn ».

Cũng theo tác giả quyển sách, ông Trần đã tỏ ra rất giận dữ về việc ông ta bị đem ra làm vật tế thần.

 Thế nhưng, ông Bào Phác phản bác lại rằng : « Trong bất cứ trường hợp nào, điều đó cũng xác nhận rằng việc điều động đã được thực hiện không tuân thủ theo pháp luật và điều lệ của Đảng ».

Cũng xin nói rõ là Bảo Phác chính là con trai của ông Bảo Đồng – thư ký của cựu tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương, bị buộc thôi chức sau sự kiện Thiên An Môn 4/6/1989.

Tuy nhiên, theo nữ nhà báo Cao Vũ – người từng bị ông Trần Hy Đồng xem là kẻ thù số một – thì cựu thị trưởng Bắc Kinh có vai trò tích cực trong vụ đàn áp phong trào. Cô cho rằng chính bản báo cáo của ông này gửi lên Quốc hội đã « tạo cớ cho mọi hành động thanh trừng tiếp theo vụ Thiên An Môn và cái mác chống cách mạng được gán cho những ai bị nghi ngờ đã tham gia phong trào ».

Dù sao đi chăng nữa, việc ông Trần Hy Đồng – một người theo phe « cứng rắn » lại giữ khoảng cách với vụ thảm sát biểu lộ rằng « đó là một sự công nhận hiển nhiên rằng năm 1989 là một vết đen trong lịch sử Đảng ». Đây chính là lời nhận xét của nhà nghiên cứu Trung Quốc học người Pháp Jean-Philippe Beja.

Một quan chức cao cấp Trung Quốc bị bắt vì làm gián điệp cho Mỹ

Cũng liên quan đến Trung Quốc, báo Le Figaro có bài viết về vụ « một quan chức cao cấp Trung Quốc bị nghi ngờ làm gián điệp». Một nguồn tin từ Bộ An ninh nhận định, viên chức này có lẽ đã tuồn nhiều nguồn thông tin tối mật cho Hoa Kỳ.

Đây có thể là vụ án gián điệp lớn nhất tại Trung Quốc từ nhiều năm nay. Bài báo trích dẫn nguồn tin từ tờ New York Times và Reuters cho biết, thì người vừa bị bắt giữ một vị trí rất quan trọng ngay trong lòng Bộ An ninh chính phủ - cơ quan tình báo chính của quốc gia. Người này có lẽ chính là viên trợ lý cho Thứ trưởng An ninh.

Hiện tại, cả Bắc Kinh lẫn Washington đều không đưa ra một chút lời bình luận chính thức nào về vụ việc. Theo nhận định của Le Figaro, vụ này lại có thể sẽ tạo thêm một căng thẳng mới trong quan hệ của hai nước.

Le Figaro cho rằng việc bắt giữ viên quan chức này có lẽ có liên quan đến một loạt điều tra về vụ ông Bạc Hy Lai, nhất là ngay trong lòng Bộ An ninh.

Theo xác nhận của một nguồn tin với Reuteurs, thì « tổn thất rất lớn ». Viên chức bị bắt rất thông thạo tiếng Anh, có lẽ đã được CIA tuyển dụng khi còn là sinh viên tại Hoa Kỳ. Người này có lẽ đã được trả tiền rất hậu hĩnh (hàng trăm nghìn đô-la) cho các thông tin cung cấp. Ngay sau khi viên trợ lý bị bắt, Thứ trưởng bộ Công an cũng bị đình chỉ công tác trong khuôn khổ cuộc điều tra.

Le Figaro cho biết, hồi đầu năm nay, chính quyền Bắc Kinh đã cấm các nhà nghiên cứu của một Học viện Quan hệ Quốc tế đương đại Trung Quốc (China Institute of Contemporary International Relations) – một viện nghiên cứu khoa học quan trọng của Bắc Kinh - xuất ngoại, lý do có liên quan đến vấn đề gián điệp.

Theo nhận định của Le Figaro, bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung hiện nay đang trong giai đoạn tế nhị. Trước đó, đã xảy vụ « siêu công an » Trùng Khánh chạy trốn vào lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô và cung cấp nhiều thông tin về nhà lãnh đạo thất sủng Bạc Hy Lai.

Cơn sốt chưa kịp hạ, lại xảy ra vụ luật sư mù Trần Quang Thành đào thoát thành công sau nhiều năm bị quản thúc tại gia và đến lánh nạn trong Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh.

Le Figaro cho rằng các vụ việc liên tiếp xảy ra cho thấy rõ kẻ hở trong bộ máy an ninh Trung Quốc. Mà người giám sát bộ máy đó – cũng là một trong chín thành viên trong Ban Thường vụ Bộ chính trị - không ai khác chính là Chu Vĩnh Khang, người bảo trợ của nhân vật số một thất sủng tỉnh Trùng Khánh.

Một số nhà quan sát đánh giá rằng ông Chu Vĩnh Khang – một thân cận của cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, có lẽ đang gặp nhiều khó khăn.

 Thậm chí, họ còn cho rằng ông Chu đang bị gạt ra ngoài cho dù về mặt chính thức, ông này vẫn còn tại chức.

Thứ tư, 06/06/2012, Mặt trời hẹn gặp sao Kim

Cũng trên báo Le Figaro, nhưng trong lãnh vực thiên văn học, tờ báo cho biết « Mặt trời hẹn với sao Mai (hay còn gọi là sao Kim Tinh, Sao Kim) » vào ngày mai 06/06 này. Sự kiện sẽ chỉ được quan sát toàn phần trên vùng Thái Bình Dương. Và nó chỉ lại diễn ra vào năm 2117.

Đây sẽ là cơ hội cuối cùng. Vì phải đợi đến hơn 100 năm nữa, tức vào năm 2117, Trái Đất mới được quan sát lại hiện tượng này.

 Ngày mai, 06/06 châu Âu sẽ được chứng kiến một hiện tượng thiên văn học hiếm có trăm năm mới xuất hiện hai lần (khoảng cách giữa hai lần xuất hiện là 8 năm). Theo đó, sao Kim sẽ đi ngang qua trước Mặt trời.

Gọi là lần cuối cùng vì lần xảy ra trước đó là vào năm 2004. Như vậy, nếu nhân loại muốn chiêm ngưỡng hiện tượng « mặt trời bị sao Mai che khuất » lẫn nữa phải đợi đến hơn 100 năm sau.

Đại bộ phận đông các quan sát được thực hiện cho mục đích giáo dục và giảng dạy.

Theo Le Figaro, vào thế kỷ 18 và thế kỷ 19, hiện tượng Mặt trời, sao Mai và Trái Đất cùng nằm trên một đường thẳng đã đem lại lợi ích rất to lớn. Hiện tượng này đã tạo cho các nhà thiên văn học một cơ hội duy nhất để đo độ lớn của hệ Mặt trời.

Ông Thomas Widemann - nhà nghiên cứu Đài Thiên văn Paris, giải thích « sự quá cảnh của Sao Mai trước Mặt trời từng là phương tiện duy nhất để xác định một cách chính xác khoảng cách Trái Đất-Mặt trời, mà chúng tôi gọi là đơn vị thiên văn. Đấy cũng là điểm xuất phát không thể thiếu được để có một ý tưởng về khoảng cách trong toàn bộ hệ Mặt trời ».

Cũng theo nhà khoa học này, với các thiết bị công nghệ cao ngày nay, « các hình ảnh có được vào năm 2004 chứng tỏ rằng hiện tượng này có thể sẽ làm nên một ngành khoa học rất thú vị ».

Theo mô tả của nhà khoa học, vào thời điểm sao Kim Tinh bắt đầu đi ngang qua trước Mặt trời, trong khoảnh khắc nào đó, hành tinh được bao quanh bằng một ánh hào quang, một quầng ánh sáng được tạo ra khi các tia nắng mặt trời đi xuyên qua bầu khí quyển của hành tinh.

Cuối cùng, Le Figaro cho biết, nếu như người châu Âu chỉ được nhìn thấy hiện tượng này một cách khó khăn khi chúng đang ở vào giai đoạn cuối trong khi quá cảnh thì tại người dân tại vùng Thái Bình Dương sẽ được quan sát toàn phần hiện tượng này.