Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-06-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 04-06-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Hai, 04 Tháng 6 Năm 2012 08:58

Nhật Bản : Thanh niên ngại lấy vợ do kinh tế khó khăn

 

Kinh tế ngày càng khó khăn khiến nhiều người Nhật không có điều kiện lập gia đình  / AFP

 

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, thanh niên xứ Mặt trời mọc, cường quốc kinh tế thứ ba thế giới, cũng có cuộc sống quá đỗi khó khăn, đến mức mà nhiều người không dám cưới vợ.

 Hậu quả là ngày càng có nhiều người Nhật độc thân, tỷ lệ sinh sản ngày càng thấp, dân số ngày càng già nua. Đi sâu phân tích hiện tượng này, nhật báo La Croix có bài báo động : « Ngày càng có nhiều thanh niên Nhật không thể lập gia đình ».

Tờ báo dùng từ « không thể », bởi lẽ không phải là thanh niên Nhật Bản « không muốn » lấy vợ, mà là họ không thể do thiếu những đảm bảo chắc chắn về kinh tế.

Theo số liệu vừa công bố của chính phủ nước này, có đến 20% thanh niên và 10% phụ nữ hiện đã 50 tuổi mà vẫn chưa một lần kết hôn. Trong khi đó, vào năm 1990, con số này chỉ có 6% ở nam và 5% cho nữ.

Giải thích nguyên nhân, tờ báo cho rằng, đó là hậu quả của hiện tượng bong bóng đầu cơ ở Nhật vào những năm 1990 và cuộc khủng hoảng kinh tế triền miên tiếp sau đó. La Croix dẫn lời một chuyên gia cho biết : « Nhiều thanh niên bị cắt hợp đồng làm việc dài hạn, số lượng hợp đồng ngắn hạn vì thế mà tăng lên. Do đó, nhiều thanh niên thấy rằng, nếu không có việc làm ổn định, thì việc lập gia đình là quá mạo hiểm ».

Phụ nữ không chồng, xã hội thiếu em bé

Đàn ông không tiền nên không dám cưới vợ. Trong khi đó, xã hội Nhật vẫn còn bị ám ảnh bởi mô thức gia đình theo kiểu : đàn ông kiếm tiền, đàn bà nội trợ.

 Bởi thế, nhiều chị em phụ nữ luôn mong muốn có một đấng trượng phu có việc làm ổn định và thu nhập kha khá để đảm bảo đời sống vật chất cho gia đình, thế nhưng trong thời buổi việc làm bấp bênh, kinh tế èo ọt thì chị em ngày càng khó kiếm được người hội đủ điều kiện để trao thân gửi phận.

 Hậu quả là ngày càng có nhiều phụ nữ không chồng, kéo theo việc xã hội Nhật Bản ngày càng thiếu bóng trẻ con.

Ở đây, có một điểm đáng chú ý là trong xã hội Nhật Bổn, có con ngoài hôn nhân là một cấm kị, tỷ lệ trẻ em ra đời ngoài hôn nhân chỉ chiếm có 2%.

Hiện tại, tỷ lệ sinh ở Nhật chỉ ở mức 1,4 trẻ em/phụ nữ, trong khi con số cần thiết để đảm bảo sự tiếp nối thế hệ ở nước này phải là 2,1 trẻ em.

Sống thọ chưa chắc đã hay !?

Tỷ lệ sinh sản thấp, trong khi tuổi thọ trung bình người Nhật lại cao đến gần 83 năm. Bởi thế, Nhật hiện là nước có dân số lão hóa nhất thế giới.

Theo chính phủ Nhật Bản, từ đây đến năm 2060, dân số nước này sẽ giảm đi 1/3, tức chỉ còn 87 triệu người so với hiện tại là 128 triệu. Đây là một vấn đề làm đau đầu nhà chức trách xứ sở Mặt trời mọc do chính phủ vẫn chưa tìm ra giải pháp hiệu quả.

Nhật báo Le Monde : Mỹ thân với Việt Nam để kiềm chế Trung Quốc

Đến với thế trận biển Đông, nhật báo Le Figaro chú ý đến chuyến thăm cảng Cảm Ranh hôm qua của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta.

 Bài viết chạy dòng tựa đáng chú ý : « Lầu Năm Góc trông cậy vào Việt Nam để chống Bắc Kinh ».

Tờ báo cho rằng, chuyến viếng thăm này của ông chủ Ngũ Giác Đài có tính chất biểu tượng cao bởi trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Cam Ranh là một trong ba căn cứ quân sự trọng điểm của Mỹ. Theo tờ báo, chuyến thăm này không phải để ôn lại quá khứ, mà là để hướng đến tương lai.

Tương lai nào đây ?

Đó chính là cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng trên Biển Đông. Mấy năm gần đây, « hai cựu thù » Mỹ-Việt đã xích lại gần nhau, và dĩ nhiên một trong những nguyên nhân chính đó là sự lớn mạnh không ngừng của Trung Quốc.

Hơn nữa, theo tờ báo, lần đến Cam Ranh này của bộ trưởng quốc phòng Mỹ còn có sức nặng hơn so với bình thường, bởi nó diễn ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh không ngừng lớn tiếng chỉ trích nhau trên hồ sơ tranh chấp chủ quyền và ảnh hưởng tại Biển Đông.

Từ Singapore, ông Panetta đã khẳng định vào hôm thứ bảy rằng, từ đây đến năm 2020, Mỹ sẽ đặt trọng tâm hải quân của mình trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

 Lập tức, Tân Hoa Xã đã tố cáo rằng Mỹ cố tình thổi phòng sự đe dọa của Trung Quốc đến tự do lưu thông hàng hải trong khu vực.

 Từ Singapore, tướng Trương Thiệu Trung, thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, tuyên bố : Quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường cảnh giác.

Về phần mình, tướng Panetta cũng không ngại ngần lên tiếng : « Quân đội Trung Quốc đang lớn mạnh và hiện đại hóa. Chúng ta phải tiếp tục cảnh giác. Chúng ta phải sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách ».

Tờ báo nhắc lại, việc Hoa Kỳ tăng cường hải quân tại Châu Á Thái Bình Dương xuất phát từ chiến lược mới với trọng tâm là tăng cường tập trung vào vùng Châu Á của tổng thống Obama, mà biểu hiện cụ thể là tăng cường hợp tác với các nước trong khu vực.

 Trong chiến lược đó, Việt Nam có một sức nặng đáng kể. Một nghiên cứu gần đây của Trung tâm An ninh Mới của Hoa Kỳ (Center for a New American Security/CNAS) khẳng định: “Việt Nam có vị thế then chốt trong việc căn bằng lực lượng tại Biển Đông. Nếu Việt Nam không chống nổi sự lớn mạnh của Trung Quốc, thì các nước khác yếu hơn và thiếu cương quyết hơn, như Philippines chẳng hạn, sẽ ít có cơ may ngăn chặn được sự bá quyền của Bắc Kinh".

Cũng liên quan đến chủ đề này, Le Monde có bài « Hải quân Mỹ ở Châu Á được củng cố », nhận định, Hoa Kỳ đang tái cân bằng lực lượng để đối phó với sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc.

Tờ báo cũng nhấn mạnh đến thông điệp từ Singapore của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Panetta, theo đó chiến lược chuyển trọng tâm của Hoa Kỳ về vùng Châu Á - Thái Bình Dương sẽ nhanh chóng được cụ thể hóa bằng việc củng cố quân lực trong khu vực.

Tờ báo nhắc lại chiến lược Châu Á mới của Hoa Kỳ được tổng thống Obama công bố hồi đầu năm, trong đó đặt biệt chú ý đến mục tiêu khi dẫn lại một đoạn trong chiến lược đó : « Về lâu về dài, việc Trung Quốc trở thành một cường quốc khu vực có thể làm phương hại đến kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ ».

Kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm

Các nước mới trỗi dậy vốn từng được xem là chiếc phao cứu hộ cho kinh tế thế giới.

 Thế nhưng giờ đây đến cả chiếc phao cứu hộ cũng sắp chìm, khi mà nhịp độ tăng trưởng tại các nước đầu tàu trong nhóm mới trỗi dậy đang ngày càng chậm lại. Phản ánh hiện tượng này, nhật báo kinh tế Les Echos có bài báo động : « Lo ngại về tốc độ tăng trưởng đã lan đến các nước mới phát triển ».

Trước tiên đến với Trung Quốc, theo số liệu công bố hôm thứ sáu rồi, đã bảy tháng liên tiếp ngành chế biến của nước này giảm tốc độ tăng trưởng. Nguyên nhân chính, theo tờ báo, là do lượng cầu nội địa cũng như ở nước ngoài đã giảm nhiều hơn so với dự kiến. Tin xấu này đến làm u ám thêm bầu trời kinh tế thế giới, bởi mới ngày 23/5 rồi, Ngân hàng thế giới đã cảnh báo rằng, việc giảm lượng cầu ở các nước có thu nhập cao sẽ làm chậm lại sự phát triển của lĩnh vực sản xuất và thương mại ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Hồi quí 1 năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng của nước này chỉ có 8,1%, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Còn đối với Braxin, tăng trưởng của nước này ngày càng èo ọt. GDP của quí 1 năm 2012 chỉ tăng có 0,2% so với quí 4 năm 2011, trong khi nhà cầm quyền nước này từng dự kiến con số 0,5%.

 Ngày 22/05, bộ trưởng tài chính Brazil còn cảnh báo : « Nếu khủng hoảng tiếp tục, nếu vấn đề Hy Lạp không được giải quyết, thì Brazil khó lòng đạt mức tăng trưởng 4,5% như dự kiến cho năm 2012 ».

Tình hình thêm ảm đạm hơn khi mà hôm thứ năm rồi, Ấn Độ cũng thông báo tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong 9 năm qua, tức ở mức 5,3%, nguyên nhân đến từ sự tuột đà của ngành công nghiệp chế biến.

 Với con số này, Ấn Độ đã ngày càng xa mục tiêu 9% mà nước này đặt ra trước thời khủng hoảng, với mong muốn vượt Trung Quốc để trở thành nền kinh tế số một trong nhóm các nước mới trỗi dậy. Hôm thứ sáu rồi, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ còn cảnh báo, tăng trưởng kinh tế nước này có thể tiếp tục giảm tốc độ.

Pháp-Nga tiếp tục bất đồng về hồ sơ Syria

Quan hệ Nga-Pháp đang chuyển sang một chương mới, bởi cả hai quốc gia đều vừa bầu xong tổng thống mới của mình.

Trong bối cảnh đó, tân tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Paris vào hôm thứ sáu rồi, để hội đàm với tân tổng thống Pháp Francois Hollande.

Nhật báo La Croix quan tâm đến sự kiện này với bài viết : « Vladimir Putin và Francois Hollande trong thế bất đồng đầy tế nhị về Syria ».

Chuyến thăm này đặc biệt, trước tiên bởi vì đây là lần đầu tiên hai tân tổng thống gặp nhau, bởi vậy đó không phải là thời điểm để làm tăng căng thẳng, mà là lúc để thăm dò và gây thiện cảm cho nhau.

Chủ đề trọng tâm của buổi hội đàm hơn một tiếng đồng hồ giữa hai ông, đó là hồ sơ Syria.

Ông Putin vẫn theo đuổi lập trường của Nga từ khi ông Medvedev còn cai quản điện Kremlin là : ủng hộ giải pháp chính trị, phản đối can thiệp quân sự từ bên ngoài. Ông Putin cho rằng, hậu quả của các biện pháp trừng phạt quân sự đã được thấy rõ ở Lybia và Irak.

 Ông Putin không ngần ngại đặt câu hỏi với người đồng nhiệm Pháp: « Ngài có tin rằng việc lật đổ một tổng thống đương nhiệm ở một nước có chắc chắn mang lại hạnh phúc toàn vẹn đến cho nước này không ? ».

Về phần mình, tân chủ nhân điện L’Élysée cũng tỏ ra quan ngại về nguy cơ nội chiến tại Syria, nhưng ông cho rằng, biện pháp trừng phạt kiên quyết từ Liên Hiệp Quốc sẽ rất cần thiết để gây sức ép lên chính quyền Damas.

 Ông Hollande kêu gọi tổng thống đương nhiệm Syria, ông Bachar Al Assad, ra đi để tạo điều kiện cho tiến trình chuyển giao chính trị.

Tóm lại, Matxcơva và Paris còn khác quan điểm về việc qui trách nhiệm cho chính quyền Damas và phe nổi dậy tại Syria, cũng như bất đồng về phương thức tiến hành một giải pháp chính trị.

Tuy nhiên, trong lần gặp mặt đầu tiên này, cả hai cũng cố gắn tế nhị tối thiểu. Ông Putin đã nhanh nhảu mời ông Hollande đến thăm Nga.

 Về phía Pháp, ông Hollande cũng tránh không nhắc lại trực tiếp giải pháp can thiệp quân sự vào Syria.

Trong buổi họp báo sau hội đàm, phía Pháp còn dùng từ khá nhẹ nhàng để đánh giá về thái độ của phía Nga : « Ngài tổng thống Nga không chắc về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt ».

Bên cạnh chủ đề Syria, một số chủ đề nóng khác về Trung Đông và Iran cũng được đề cập. Còn trong quan hệ song phương, cả hai điều mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế khi cho rằng, quan hệ kinh tế song phương trong hiện tại chưa tương xứng với tầm vóc chính trị của hai nước.

Tờ báo kết luận : Như vậy, ở Paris cũng như ở Berlin, ông Putin đã đến và đi mà không hề có chút nhượng bộ nào cả.

Tờ báo cho biết, Nga và các nước Châu Âu sẽ lại tiếp tục so kè quan điểm tại Thượng đỉnh Châu Âu-Nga bắt đầu từ hôm qua đến hết hôm nay.