Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-05-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-05-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Chúa Nhật, 27 Tháng 5 Năm 2012 21:14

Người giàu mới Trung Quốc tuyển quản gia châu Âu

 

 

Khu trung tâm thương mại Bắc Kinh
REUTERS/Bobby Yip

Tại Bắc Kinh hay Matx-cơ-va, thuê được một quản gia châu Âu được đào tạo theo kiểu Anh quốc đang là một mốt mới rất thịnh hành tại nhiều thành phố lớn của Trung Quốc và Nga. Xu thế này mở ra một thị trường mới hấp dẫn cho nhiều cơ sở đào tạo nghề quản gia chuyên nghiệp tại Anh.

Đây cũng chính là chủ đề của một bài viết đăng trên tờ South China Morning Post của Hồng Kông, được tuần san Courrier International trích dịch lại qua tựa đề « Người giàu mới Trung Quốc tuyển quản gia châu Âu».

Bài báo viết, một quản gia biết cung kính kể từ giờ là điều không thể nào thiếu vắng cho người giàu mới tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô, cũng như là tại Matx-cơ-va, Saint-Petersbourg và Novossibirks. Đối với họ, việc có thêm một người quản gia chuyên nghiệp châu Âu, trong một sảnh lớn lát đá cẩm thạch còn cho thấy sự tinh tế của gia chủ và tạo thêm nhiều ấn tượng với những người xung quanh.

Các cơ sở đào tạo nghề quản gia tại châu Âu ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng từ nhiều người giàu có Trung Quốc và Nga. Họ hối hả tìm kiếm một người quản gia theo phong cách Anh quốc để tổ chức cuộc sống thường nhật của họ, để gây ấn tượng với khách mời và thỏa mãn những đòi hỏi quá đáng của họ ở mọi lúc, mọi nơi, bất kể là ngày hay là đêm.

Nhu cầu này cao đến mức đã vượt qua cả khả năng cung cấp. Theo ước tính, số người giàu châu Á sẽ tăng lên gấp đôi từ đây đến năm 2015 để đạt con số 2,8 triệu người.

Về phần mình, một vị quản gia khi đạt đến đỉnh có thể có một mức lương hàng năm ít nhất là 125 ngàn euro. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ có những khoản lợi ích khác như có được một chỗ ở miễn phí trong các dinh thự sang trọng mà ai cũng thèm muốn, có thể được đi đây đi đó thoải mái và cũng có thể là nhân chứng của nhiều vấn đề trong các gia đình năm sao này.

Hiện nay, tại nước Anh có nhiều cơ sở đào tạo nghề quản gia được mở ra nhưng vẫn chưa thể nào đáp ứng nỗi nhu cầu càng cao các khách hàng Trung Quốc.

Theo quan sát của các cơ sở này, phần đông khách hàng Trung Quốc là các nhân vật nổi tiếng, các nhà lãnh đạo và chủ doanh nghiệp.

Ông Robert Watson, phụ trách cơ sở đào quản gia chuyên nghiệp tại Anh quốc cho biết một nhà quản gia tốt «phải biết cách giữ bình thản, trầm tĩnh, và tư thế phải ung dung. Nhất là, phải biết học cách đảm bảo sự kín đáo và tính bí mật tuyệt đối ».

Tuy nhiên, ông Robert Watson cũng nhìn nhận rằng, đào tạo nghề quản gia cho thị trường Trung Quốc không phải là chuyện dễ làm.

 Theo ông, nguyên nhân chính là vẫn chưa tìm ra được cách thức đào tạo phù hợp. Song song đó, vấn đề thay đổi quan niệm của người Trung Quốc cũng là một cản trở lớn.

Các chủ nhân giàu có người Hoa đến giờ vẫn quan niệm rằng « một vị quản gia cũng là một người giúp việc nhà ». Ông Watson nghĩ rằng « cũng cần phải có thêm thời gian để có thể đạt được sự tôn trọng lẫn nhau, vốn là chuẩn mực tại các nước phương Tây ».

Lao động tình dục theo kiểu « khoán »

Đàng sau hình ảnh cường quốc thứ hai trên thế giới về kinh tế - quân sự, Trung Quốc ngày càng lộ rõ nét sự phân hóa xã hội sâu sắc.

Nhiều phụ nữ nông thôn, dù tuổi đã tứ tuần nhưng phải chấp nhận làm công việc « bán thân » trên các đô thị lớn để kiếm tiền cho con ăn học hay lập gia thất.

Liên quan đến chủ đề này, Courrier International có trích dịch lại một bài phóng sự đề tựa « Lao động tình dục theo kiểu khoán » do tờ Nam Phương tuần báo thực hiện.

 Bà « Vô », tên do tác giả bài viết tạm đặt vì lý do an ninh, tuổi gần 50, đang ngồi đợi khách, trong một căn phòng ẩm thấp, tối tăm, nằm dưới tầng hầm của một khách sạn nhỏ. Bà cho biết, trong khách sạn này, có tổng cộng khoảng 40 « cô » tuổi cũng trạc tứ tuần, trong đó có một người tuổi đã trên sáu mươi. Tất cả bọn họ đều đã làm mẹ và đến từ các vùng nông thôn.

Người dân trong khu vực gọi các khu nhà chứa này là « cửa hiệu 10 tệ [1,2 euro]». Bởi vì, giá một lượt tiếp khách chỉ dao động trong khoảng giữa 10 và 30 tệ.

Khu thị trấn bà Vô làm việc có khoảng hơn một triệu dân, nhưng lại có đến 3 hay 4 cơ sở nhà tắm, 40 đến 50 cơ sở mát-xa và hơn 15 khách sạn nhỏ, nơi diễn ra các hoạt động mại dâm chính.

Theo bài phóng sự, giá các phòng trọ chỉ độ khoảng 15 tệ (tương đương với 1,80 euro). Nhưng chỉ cần có chút ngoại hình và chút may mắn, một « cô » có thể dễ dàng kiếm được 2000 nhân dân tệ / tháng (khoảng 250 euro), bằng cách tiếp một lèo khoảng một chục khách mỗi ngày.

Theo nhận định của các « cô » ở đây, phần đông khách hàng thường là những người quen cũ hay nông dân di cư. Tất cả bọn họ đều có chung đặc điểm là những người đàn ông phải đi làm xa gia đình, phải di chuyển thường xuyên, người góa vợ hay độc thân.

Vấn đề đặt ra để đáp ứng đòi hỏi của khách hàng và muốn tránh rắc rối với pháp luật, hầu hết các « cô » ở đây đều không dùng các biện pháp phòng ngừa.

 Bà Vô cho biết, chưa bao giờ bà đi khám phụ khoa. Bởi lẽ, chi phí cho một lần đi khám là 30 tệ (3,6 euro). Đó cũng là số tiền bà có thể kiếm được trong ngày khi tiếp 3 lượt khách. Bà cho phóng viên tờ báo biết, giờ làm việc của bà từ 8g30 cho đến 21g30. Bà cũng không bao giờ nghỉ phép trừ phi khi có việc gia đình.

Theo thổ lộ của các « cô » ở đây, việc họ có mặt ở đây là vì họ không còn một giải pháp nào khác.

Xuất thân từ các vùng nông thôn, không được học hành, bị ảnh hưởng nặng nề của nghèo khổ cùng cực và sức nặng truyền thống, số phụ nữ này bị đẩy lên các khu đô thị do một áp lực nặng nề của gia đình. Họ cần tiền để trang trải các chi phí trường học cho con cái, để có thể dựng một mái nhà hay chi trả các khoản chi phí bệnh viện cho người thân bệnh nặng …

Bà Vô cho biết, một khi trừ hết các chi phí thuê phòng và thường nhật, số tiền còn lại chẳng đáng là bao. Chưa tính đến giá phòng trọ đang có xu hướng tăng lên. Đó là chưa nói đến việc, nguy cơ bỗng chốc chẳng còn gì hết luôn thường trực nếu chẳng may gặp phải công an.

Trên thực tế, luật pháp Trung Quốc cấm hành nghề « mại dâm ». Do đó, nếu bị phát hiện, người hành nghề hoặc sẽ bị giam giữ trong vòng 15 ngày nếu vi phạm lần đầu. Trong trường hợp tái diễn, trừ phi họ có thể nộp phạt số tiền 3000 tệ [360 euro], nếu không, họ sẽ bị gởi đi cải tạo một năm và chính quyền sẽ thông báo về cho gia đình và địa phương.

 Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro : đó là một thảm họa ?

Về thời sự châu Âu, hồ sơ Hy Lạp vẫn tiếp tục làm tốn hao giấy mực các tờ tuần báo Pháp. « Người Hy Lạp : một dân tộc cay đắng » là tít lớn trên trang nhất tờ Courrier International.

Tờ báo cho rằng : « nghèo khổ, đồng euro, bài ngoại : tương lai của đất nước đều phụ thuộc vào các thùng phiếu ngày 17/6 tới này ».

 Với bài viết đề tựa « Hy Lạp : Nếu không còn euro, đây là một thảm kịch ? », tờ L’Express cho rằng giả thuyết đưa ra rằng Athènes sẽ không còn nằm trong khối đồng euro nữa không chỉ có các nhà lãnh đạo châu Âu nữa mà ngay chính cả người Hy Lạp cũng đề xuất. Bởi vì, sự chống chọi của người dân Hy Lạp với chính sách khắc khổ cũng đã chạm đến mức giới hạn.

 Giả thuyết Hy Lạp không thể tiếp tục ở lại trong khu vực đồng euro giờ đây sẽ không còn là điều cấm kỵ nữa đối với các nhà lãnh đạo châu Âu và tại Athènes.

Một số chuyên gia kinh tế, trí thức, dù là thiểu số, nghĩ rằng nếu chuyện này thành sự thật, thì đối với người dân Hy Lạp có lẽ sẽ ít đau đớn hơn.

 Ít nhất, quốc gia này có thể tự làm chủ được nền kinh tế của mình. Vì nếu ra khỏi khối, mức sống của người dân có thể sẽ bị giảm xuống đến 50%. Như vậy, nó có thể giúp tăng sức cạnh tranh để đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút khách du lịch đến nhiều nước sử dụng đồng tiền có mệnh giá cao.

 Về quan điểm này, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau. Một số chuyên gia kinh tế lưu ý rằng rằng việc giảm giá đồng tiền đrắcmơ đến 50% sẽ có nguy cơ làm tăng gấp đôi khoản nợ.

 Ông cũng cho rằng trường hợp của Hy Lạp hoàn toàn không giống với Achentina vào năm 2001. Bởi vì, theo ông, giảm giá đông tiền không gây ra sức hấp dẫn cho đất nước vì Hy Lạp chỉ “sở hữu các ngành công nghiệp nhẹ mà thôi”.

Ngược lại, một số chuyên gia khác lại cho rằng Hy Lạp quay lại với đồng tiền quốc gia cũ chưa hẳn là điều tồi tệ hoàn toàn. Trên thực tế, Hy Lạp chẳng có nhiều của cải để xuất khẩu, nhưng đổi lại đất nước có thể khai thác ngành dịch vụ như vận tải hàng hải, du lịch …

Đối với họ, với việc “Đức áp đặt chính sách khắc khổ từ vai tháng nay – chính sách mà Đức phải mất đến mười năm mới có kết quả - thì dù sao đi nữa Hy Lạp cũng chẳng còn gì để mà mất”.

Như vậy, đi ra khỏi khu vực euro là lối thoát duy nhất cho đất nước. Các chuyên gia này cho rằng “Một khi đã đi ra, tính cạnh tranh và tăng trưởng cũng sẽ nhanh chóng được hồi phục lại cùng với việc giảm giá đồng tiền quốc gia cũ”.

Do you want to talk with me?- Cà phê ngoại ngữ

« Do you want to talk with me ? » là tựa đề một bài viết trên tuần san Le Nouvel Observateur.

 Theo tờ báo, hình thức quán cà phê “ngoại ngữ” hiện nay đang rất thịnh hành tại Pháp. Một điểm hẹn lý tưởng cho những ai muốn trao dồi khả năng ngoại ngữ: khách hàng có thể được thực hành tất cả các ngôn ngữ trên thế giới Anh, Pháp, Hoa, Đức và nhiều ngôn ngữ khác nữa.

Nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi ngôn ngữ, anh Vincent Scheidecker đã thành lập trang web “Câu lạc bộ ngôn ngữ” (Polyglot Club – http://polyglotclub.com).

Theo Le Nouvel Observateur, mục tiêu ban đầu của trang mạng chỉ là tìm kiếm một người nước ngoài tương thích. Sau dần dần, câu lạc bộ này trở thành một “quán cà phê ngoại ngữ” với gần 330 ngàn người đăng ký tham gia.

Tại thủ đô Paris, câu lạc bộ hoạt động vào tất cả các buổi chiều tại các quán cà phê nằm xung quanh khu phố des Halles, khu phố Odéon hay phố Saint Martin. Quy định duy nhất: tự trả tiền nước uống, thực hành và đeo một bảng hiệu nhỏ ghi rõ ngôn ngữ cần thực tập.

Tại đây, các sinh nước ngoài nếu muốn hoàn thiện tiếng Pháp, họ có thể gặp gỡ và trao đổi với những người Pháp. Đổi lại, các sinh viên này giúp đối tác Pháp cải thiện ngôn ngữ mà họ đang theo học.

Ngoài ra, câu lạc bộ cũng là điểm hẹn lý tưởng cho những ai có đam mê muốn học hỏi nhiều thứ tiếng. Tại đây, bạn có thể gặp được những người biết nói đến 6,7 thậm chí 10 ngoại ngữ khác nhau, chỉ nhờ vào các buổi gặp gỡ tại quán cà phê “ngôn ngữ”.