Home Tin Tức Thời Sự Sau Mỹ, Ấn Độ, đến lượt Nhật Bản cho chiến hạm ghé cảng Philippines

Sau Mỹ, Ấn Độ, đến lượt Nhật Bản cho chiến hạm ghé cảng Philippines PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa   
Chúa Nhật, 27 Tháng 5 Năm 2012 19:55

 Từ năm 1966 đến nay, hải quân Nhật đã thăm Philippines hơn 50 lần

Hải quân Philippines chào đón soái hạm USS Blue Ridge ghé cảng Manila ngày 23/03/2012.
Reuters

Kể từ ngày mai, 28/05/2012, ba khu trục hạm của hải quân Nhật Bản sẽ ghé cảng Manila của Philippines trong một chuyến thăm hữu nghị kéo dài 4 ngày.

 Đây không phải là lần đầu tiên Philippines tiếp đón tàu chiến Nhật, nhưng chuyến ghé cảng lần này đã được giới quan sát đặc biệt lưu ý vì diễn ra ít ngày sau các cuộc viếng thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ và Ấn Độ, đúng vào lúc Manila đang bị Bắc Kinh chèn ép vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Theo thông báo của Hải quân Philippines hôm qua, ba chiến hạm Nhật Bản gồm các chiếc JS Kashima (TV-3508), JS Shimayuki (TV-3513) và JS Matsuyuki (DD-130), với gần 800 thủy thủ và sĩ quan, sẽ neo đậu trong vịnh Manila cho đến ngày 01/06.

Phía Nhật Bản sẽ tham gia các « hoạt động thiện chí với Hải quân Philippines và các sinh hoạt xã hội với các cơ quan chính phủ Philippines. ».

 Đội tàu này do Phó Đô Đốc Hidetoshi Fuchinoue chỉ huy.

Sự kiện chiến hạm Nhật Bản ghé cảng Philippines không phải là điều mới lạ. Gần đây nhất là vào năm 2010, ba chiến hạm khác của Nhật (JS Shirayuki, JS Mineyki và JS Setoyuki) cũng đã ghé thăm Philippines trong 4 ngày, trong khuôn khổ một chuyến ghé cảng gần như là thường niên.

 Từ năm 1966 đến nay, hải quân Nhật đã thăm Philippines hơn 50 lần.

Tuy nhiên, lần ghé cảng này được cho là có ý nghĩa đặc biệt vào lúc tình hình Biển Đông đang có dấu hiệu căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc trên bãi đá ngầm Scarborough Shoal ngoài Biển Đông.

Giới phân tích cho rằng không phải là ngẫu nhiên mà mới đây Hoa Kỳ đã cho tàu ngầm tấn công hạt nhân USS North Carolina ghé vịnh Subic của Philippines, nhìn thẳng ra khu vực tranh chấp, nối tiếp theo bằng hai tàu chiến Ấn Độ INS Rana và INS Shakti trong đợt công tác trong vùng Biển Đông.

Mặt khác, trong thời gian gần đây, Nhật Bản – vốn cũng bị Trung Quốc gây sức ép về vấn đề chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở vùng biển Hoa Đông hiện do Tokyo kiểm soát, nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền – đã không che giấu thái độ tích cực quan tâm đến quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, dù đó không phải là vùng biển tiếp giáp với mình.

Theo các thông tin được báo giới Nhật Bản và Philippines nhắc lại, Chính phủ Nhật Bản đang xem xét việc dùng ngân sách viện trợ vì phát triển ODA để cung cấp cho Philippines một chục chiếc tàu tuần tra mới, hầu giúp Manila tăng cường năng lực bảo đảm an ninh hàng hải và bảo vệ lãnh thổ. Số tàu này có thể sẽ được cung cấp trước cuối năm nay.

Trong một bài xã luận đăng ngày 24/05 vừa qua, tờ báo có uy tín tại Nhật Bản là Yomiuri Shimbun đã cho rằng Nhật Bản không nên dửng dưng trước các hành vi quá đáng của Trung Quốc đối với Philippines tại Biển Đông. Lý do là vì điều mà Bắc Kinh đã và đang làm để cưỡng chiếm bãi Scarborough cũng hoàn toàn có thể xảy ra đối với Nhật Bản trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku.

Tờ báo ghi nhận : « Tàu ngư chính Trung Quốc thường xuyên đi lại xung quanh quần đảo Senkaku để chứng tỏ sự hiện diện của họ. Chiến lược của Trung Quốc sử dụng tàu đánh cá và tàu tuần tra để tạo ra cảm giác là khu vực thuộc chủ quyền của họ, giống hệt với những gì đang xảy ra trong vùng Biển Đông. »

Tờ báo kết luận : « Hòa bình và ổn định ở Biển Đông không chỉ quan trọng đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Lợi ích quốc gia của Nhật Bản cũng là phải đảm bảo sao cho các tuyến đường biển xuyên qua Biển Đông luôn luôn an toàn ».