Home Tin Tức Thời Sự Dân miền Trung đối diện đói khát

Dân miền Trung đối diện đói khát PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Bảy, 26 Tháng 5 Năm 2012 22:43

Hàng loạt đập thủy điện chận hết nước

 

  ÐÀ NẴNG (NV) - Hệ quả của cái “dịch” xây dựng hàng loạt các đập thủy điện chi chít trên những con sông ngắn, người dân nhiều tỉnh miền Trung Việt Nam đang đối diện với nguy cơ đói cơm và khát nước.

 

Hạ lưu thủy điện Sông Tranh 2 cạn khô đáy nhưng thủy điện Sông Tranh 2 vẫn không xả nước. (Hình : Người Lao Ðộng)

 

Mùa mưa đua nhau xả lũ làm nhà cửa đồng ruộng ngập sâu trong nước qua đi, bây giờ đang trong mùa khô thì hạn hán trên đầu và các dòng sông, rạch nhỏ cạn trơ đáy chỉ vì các đập thủy điện không chịu xả nước.

Một số báo ở Việt Nam trong tháng này nhiều lần nêu ra tình trạng các đập thủy điện đang làm cho hàng triệu người ở miền Trung sống trong sự bất an thường trực.

Theo một bài viết trên tờ SGGP ngày Thứ Sáu, “Mức độ thiếu nước giải hạn trên các sông suối đã đến lúc báo động.”

Tờ báo nêu ra cho thấy, thí dụ, “Vùng hạ du sông Vu Gia thuộc Quảng Nam và Ðà Nẵng, hơn nửa tháng trước đây đã thiếu nước không chỉ cho các trạm bơm tưới, mà thiếu cả nguồn nước không nhiễm mặn cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt. Ðây là điều chưa từng thấy khoảng 4-5 năm về trước.”

Việc xây hàng loạt đập thủy điện trên hệ thống 2 con sông Vu Gia-Thu Bồn ở Quảng Nam, và những nơi khác, làm khốn đốn cho người dân ở cả vùng thượng nguồn cũng như hạ lưu từng bị đả kích nhiều nhưng vẫn không thấy chế độ Hà Nội có một chương trình hay kế hoạch nào để giải quyết.

“Nước sử dụng cho sinh hoạt vùng đô thị đều dựa vào các con sông lớn, tuy nhiên ở Quảng Nam, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi, Nghệ An, khi thủy điện tích nước vào mùa khô thì các con sông gần như thành những con lạch nhỏ. Thiếu nước cho sinh hoạt là điều tất yếu.” Tờ SGGP nói.

Không phải chỉ có dân hạ du trong các thành phố là chịu hậu quả khốn nạn của thủy điện. Những người dân ở các khu vực “bán sơn địa” và thượng nguồn cũng điêu đứng hơn nữa. Hàng ngày, SGGP nói, nhiều dân làng phải đi bộ xa nhà 5 hay 6 cây số xách nước về uống hay nấu ăn.

Khi sông suối cạn trơ đáy, những kẻ đào đãi vàng kéo tới tìm vận may cày xới, thải chất độc cyanua làm những giọt nước còn sót lại “đục ngầu, đặc quánh.”

“Bà con lên thượng lưu dòng suối vất vả bắc ống tìm nguồn nước sinh hoạt. Ðây quả là thảm cảnh cho đồng bào các dân tộc miền núi, điều trong quá khứ chưa xảy ra bao giờ, dù trong mùa hạn hán nặng. Mất rừng, mất sông, mất mạch nước ngầm, sa mạc hóa cục bộ... là những hệ lụy khủng khiếp nhất trong thập niên qua ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ðất bị sa mạc hóa tăng dần trên khắp cả nước, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, những vùng đất trống, đất cát ven biển và đất nghèo bị suy thoái.” Tờ SGGP kể.

Vì thiếu nước làm đồng, hầu hết các tỉnh miền Trung thu hẹp diện tích sản xuất.

Nhà cầm quyền các tỉnh đã thúc hối các nhà máy thủy điện xả nước đủ để cho dân chúng có nước làm nghề nông và các nhà máy nước ở các thành phố có nước để lọc nhưng không mấy kết quả.

Hồi giữa tháng 5, báo Người Lao Ðộng đã viết một bài với tựa đề “Khô hạn đe dọa miền Trung” chỉ vì các đập thủy điện không chịu xả nước.

Khoảng 10,000 ha lúa và hoa màu của tỉnh Quảng Nam và Ðà Nẵng thiếu nước nghiêm trọng. Một số làng dân phải bán gia súc vì không có nước cho chúng uống. Người dân thành phố Ðà nẵng “khổ sở vì nước máy rất yếu và lại không trong như nước, có vị lờ lợ khiến người dùng bất an.”

 

Dòng sông phía dưới thủy điện Ðắk Mi 4 cạn trơ đáy. (Hình: Người Lao Ðộng)

 

Theo báo Người Lao Ðộng, nhiều nhà máy thủy điện như: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Côn 2,... không chịu xả nước, lấy cớ lượng nước từ thượng nguồn về ít.

“Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, nếu các nhà máy thủy điện không tăng lượng nước xả so với hiện tại, nhiều diện tích vụ Hè Thu ở đây chắc chắn sẽ thất bại,” báo Người Lao Ðộng nói. Mùa màng thất bại thì hệ quả tất nhiên là đói.

Ðấy là đã có lệnh từ nhà cầm quyền trung ương ở Hà Nội mà các đập thủy điện vẫn “phớt lờ.”

Mới đây Ủy Ban Kinh Tế-Xã Hội Châu Á-Thái Bình Dương của Liên Hiệp Quốc (gọi tắt là ESCAP) công bố bản điều tra kinh tế xã hội khu vực năm 2012 nói rằng có một số bằng chứng cho thấy Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ nghèo đói sau lần lạm phát đỉnh điểm năm 2008. (TN)