Home Tin Tức Thời Sự Ông Phùng Quang Thanh: ‘Nhu cầu mua vũ khí Mỹ không nhiều’

Ông Phùng Quang Thanh: ‘Nhu cầu mua vũ khí Mỹ không nhiều’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 25 Tháng 5 Năm 2012 13:39

 Ông McCain cho hay Việt Nam chỉ có thể mua được vũ khí của Mỹ nếu tình hình nhân quyền cải thiện

HÀ NỘI (NV) - Khả năng tài chính của Việt Nam hạn chế, nên “Chúng ta có nhu cầu mua sắm vũ khí trang bị từ phía Mỹ không nhiều.” Ông Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam nói như vậy về chuyến thăm sắp tới của Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta đến Hà Nội vào đầu tháng 6, 2012.

 

Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta điều trần ngày 23 tháng 5, 2012 ở Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện về vấn đề Hoa Kỳ phê chuẩn Công Ước Quốc Tế về Luật Biển. (Hình: AP Photo/Cliff Owen)

 

Lời ông Thanh được báo VietNamNet trích dẫn trong cuộc phỏng vấn bên lề khóa họp Quốc Hội CSVN mà ông là “đại biểu” như hầu hết các đảng viên cao cấp khác.

Khi được báo VietNamNet hỏi về khả năng tiến xa hơn trong mối quan hệ quốc phòng giữa hai nước, trong đó có chuyện Việt Nam nhắm mua sắm các loại võ khí tối tân nhất thế giới của Hoa Kỳ, ông Phùng Quang Thanh nêu ra những rào cản chưa vượt qua được bên cạnh khả năng tài chính của Việt Nam rất hạn chế.

“Hiện nay phía Mỹ chưa bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, quan hệ như thế chưa hoàn toàn bình thường. Nếu bình thường hóa thì những lệnh cấm vận như thế không còn. Chúng ta cũng kiến nghị bỏ lệnh cấm vận đó nhưng Quốc Hội Mỹ chưa thông qua.” Ông Thanh nói với báo VietNamNet hôm 24 tháng 5, 2012.

Thứ hai “khả năng tài chính hạn chế” của Việt Nam trong khi các loại võ khí tối tân của Mỹ đều đắt gấp nhiều lần so với các loại tương tự do Nga sản xuất mà CSVN là khách hàng truyền thống. Vẫn còn bị cấm vận mua võ khí sát thương và tiền không có bao nhiêu nên ông Phùng Quang Thanh mới nói “nhu cầu mua sắm vũ khí trang bị từ phía Mỹ không nhiều”.

Vì vậy, ông này hé lộ cho thấy Việt Nam “chỉ có nhu cầu mua sắm vật tư cho các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mà chúng ta thu được, gọi là chiến lợi phẩm, trong cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất đất nước, khối lượng còn khá lớn. Thực tế ta vẫn có cách bảo dưỡng, bảo quản đảm bảo hoạt động tốt số vũ khí này.”

Nói khác, CSVN muốn mua các bộ phận thay thế cho một số khá lớn trực thăng, chiến xa, đại bác, tàu của VNCH bỏ lại nhưng vẫn bị từ chối. Tuy chúng đã quá cũ và lỗi thời, nhưng với Hà Nội thì “có còn hơn không”.

Những gì ông Phùng Quang Thanh nói nhu cầu mua của Mỹ không nhiều có vẻ khác với những điều được Nghị Sĩ John McCain tiết lộ.

Ðầu tháng 1 năm 2012, khi cùng một phái đoàn nghị sĩ Mỹ thăm viếng một số nước Ðông Nam Á, Nghị Sĩ John McCain tiết lộ Hà Nội đưa ra một danh sách rất dài các loại trang bị võ khí muốn mua của Mỹ. Ông McCain cho hay Việt Nam chỉ có thể mua được nếu tình hình nhân quyền cải thiện.

Khi sang Mỹ năm 2010, Phùng Quang Thanh cũng yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ ngăn chặn thông qua dự luật Nhân Quyền Việt Nam từng nhiều lần được thông qua ở Hạ Viện rồi bị tắc ở Thượng Viện.

Người tiền nhiệm của Phùng Quang Thanh là Tướng Phạm Văn Trà từng sang Hàn Quốc đề nghị mua phụ tùng thay thế cho các thiết vận xa của VNCH để lại. Hàn Quốc được nhà sản xuất Mỹ cấp phép sản xuất thiết vận xa.

Vẫn trong cuộc phỏng vấn nói trên, ông Phùng Quang Thanh cho hay Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Leon Panetta sẽ đến Việt Nam vào các ngày 3-5 tháng 6, 2012 mà “trọng tâm chính là trao đổi các vấn đề quan hệ song phương nói chung và hợp tác quốc phòng cụ thể nói riêng”.

Dịp này, ông Thanh nhắc lại 5 lãnh vực hợp tác quốc phòng đã được ký kết giữa hai nước qua bản ghi nhớ khi Thứ Trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vịnh đến Mỹ hồi năm ngoái là “thiết lập các cơ chế đối thoại thường xuyên cấp cao giữa Bộ Quốc Phòng Mỹ và Bộ Quốc Phòng Việt Nam, an ninh biển, tìm kiếm cứu nạn, nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm về hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa”.

Chuyến thăm viếng của ông Panetta được chú ý hơn vì các cuộc thăm viếng của ông tới Việt Nam và Ấn Ðộ trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Ðông đang căng thẳng.

Hoa Kỳ từng tuyên bố nhiều lần là có “lợi ích quốc gia” trên biển Ðông. (T.N.)