Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-05-2012 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Sáu, 25 Tháng 5 Năm 2012 13:23 |
Hệ thống vũ khí Mỹ bị nhồi đầy các linh kiện điện tử giả mạo Tên lửa đánh chặn trên không THAAD hiện đại. / DR « Hàng triệu linh kiện điện tử giả mạo đã thâm nhập vào hệ thống vũ khí của Hoa Kỳ » là kết luận của bản báo cáo do Thượng viện Mỹ công bố vào hôm thứ Hai 21/05/2012 vừa qua. Theo nội dung bản báo cáo, có nhiều bằng chứng « xác thực » chỉ đích danh Trung Quốc là nguồn gốc chính của số linh kiện giả mạo nêu trên. Chủ đề này được báo Le Monde số ra hôm nay đề cập đến qua bài viết đề tựa « Hệ thống quân dụng Hoa Kỳ bị nhồi toàn các thiết bị điện tử giả mạo ». Điều tra do Ủy ban phụ trách về Quốc phòng của Thượng viện thực hiện đã xác định được 1.800 thiết bị không đúng quy cách, do 650 doanh nghiệp khác nhau cung cấp. Các nhà điều tra phát hiện ra nhiều linh kiện sao chép hay cũ được bán lại sau khi đã được đánh bóng làm mới. Số linh kiện này đã hiện diện ở tất cả các kiểu khí cụ, ngay cả đến loại tên lửa đánh chặn đời mới ở trên không có tên gọi là THAAD. Thượng viện lo ngại rằng : « Các binh lính và hải quân của chúng ta phụ thuộc vào các trạm thu phát tín hiệu, hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS), và vi mạch điện tử. Các thiết bị này giúp các binh sĩ chúng ta duy trì liên lạc với các đơn vị của mình. Nó cũng giúp báo động cho họ biết về các mối hiểm họa đang rình rập. Thất bại của một linh kiện điện tử duy nhất có thể làm cho một binh sĩ, một thủy thủ hay một phi công trở nên dễ dàng bị tấn công vào đúng thời điểm tồi tệ ». Điển hình nhất là vụ trực thăng chiến đấu SH-60B Seahawk, được triển khai trên các chiến hạm. Các linh kiện « dỏm » đã được cài vào hệ thống « FLIR », vốn cung cấp tầm nhìn xuyên màn đêm và tia laser xác định các mục tiêu cho tên lửa. Lần mò trong chuỗi cung ứng phức tạp đến từ ba bang và ba nước khác nhau, các nhà điều tra trong Ủy ban quốc phòng của Thượng viện Mỹ cuối cùng đã truy ra được nguồn gốc. Các linh kiện không hợp lệ này là do Doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn điện tử Hoa Nhài cung cấp. Công ty này có trụ sở tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Một ví dụ khác, như các màn hình trên máy bay vận tải Hercules C130J và Spartan C27J của không quân. Nhà sản xuất các loại máy bay trên đã nghi ngờ rằng các thẻ nhớ có khả năng là hàng giả mạo. Mà nguy cơ có thể là tầm nhìn bị nhiễu, mất dữ liệu và tệ hơn nữa là không có hình ảnh gì hết. Nguồn gốc xuất xứ : Hong Dark Electronics Trade, trụ sở chính cũng tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Vào năm nay, các nghị sĩ Carl Levin và John McCain đã đề nghị một dự thảo luật nhằm tăng cường công tác kiểm soát. Vấn đề là, một mặt, do các loại thiết bị quân sự ngày càng phụ thuộc nhiều vào linh kiện điện tử. Cứ mỗi 18 tháng chúng phải được đổi mới. Mặt khác, hàng giả mạo đã đạt đến trình độ công nghiệp và tinh vi đến mức phải xuống đến bậc micron để phát hiện một phụ tùng tái chế. Báo cáo của Thượng viện đưa ra cảnh báo về « hiểm họa có thể cho an ninh quốc gia, vì linh kiện điện tử giả mạo làm tăng chi phí của hệ thống phòng thủ ». Cuối cùng, Le Monde nhận xét rằng, vụ việc còn vượt qua cả vấn đề đối đầu Mỹ - Trung. Tất cả mọi ngành công nghiệp quốc phòng trên thế giới đều bị liên đới. Tại Paris, Tổng cục vũ khí chỉ định rõ rằng « nguy cơ thấy quá rõ, chúng cần được giám sát chặt chẽ ». Hồ sơ Hy Lạp : tin thời sự châu Âu nóng bỏng Về kinh tế, hồ sơ Hy Lạp vẫn chiếm nhiều bài vở trên các trang báo Pháp. Tờ báo kinh tế Les Echos chạy tựa « Các nước thành viên khối euro hậu thuẫn Hy Lạp, nhưng đã bắt đầu nghĩ tới một kịch bản khác trong tình huống xấu nhất ». Còn Le Monde thì đăng tít lớn : « Châu Âu muốn trắc nghiệm một khu vực euro không có Hy Lạp ». Trong khi đó, Le Figaro lại nhận định rằng « Bất đồng Pháp-Đức làm tê liệt châu Âu ». Một mặt, lãnh đạo 17 nước thành viên trong khối đồng tiền chung euro vẫn ra sức trấn an thị trường tài chính và cử tri Hy Lạp khi cùng đồng thanh tuyên bố hậu thuẫn Hy Lạp. Mặt khác, các nhà tài chính và kinh tế đang cố gắng đánh giá cái giá phải trả trong trường hợp Hy Lạp phải rút ra khỏi khối. Theo ước tính của các chuyên gia phân tích, nếu cộng gộp tất cả các khoản nợ của Hy Lạp từ nợ ngân hàng, nợ các doanh nghiệp, nợ vay từ các chính phủ và Ngân hàng Trung ương châu Âu, thì số nợ tổng cộng cũng tương đối khá lớn : 300 tỉ euro. Trong trường hợp Hy Lạp phải quay lại với đồng tiền cũ đrắc-mơ của mình, liệu có nên xóa bớt nợ 50%, 70% hay nhiều hơn nữa ? Theo Les Echos, ngoài việc xóa nợ ra, còn có một loavấn đề khác cần phải nghĩ đến. Ngoài món nợ này ra, làm thế nào đánh giá được hậu quả thật sự cho nền kinh tế châu Âu trước sự sụp đổ của một thành viên trong khối, một phương trình hoàn toàn chưa có lời giải ? Làm thế nào đo lường được tác động của sự lây lan ? Liệu sẽ có một cuộc khủng hoảng ngân hàng với việc rút tiền tiết kiệm ồ ạt hay không ? Tuy nhiên, Les Echos cho rằng, hiểm họa « sụp đổ hệ thống ngân hàng » lại làm trỗi dậy một phương cách mới. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý, ông Mario Monti và tổng thống Pháp Francois Hollande đề nghị thành lập một « liên minh ngân hàng ». Theo đó, mối liên minh này cho phép « cắt đứt mối liên hệ giữa khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng quốc gia, do chúng lệ thuộc vào nhau ». Tuy nhiên, để có thể có được mối liên minh này, cần phải chấp nhận rằng sự điều tiết ngân hàng phải được thực hiện ở cấp độ châu Âu, chứ không phải ở cấp độ quốc gia. Điều mà Berlin và Luân Đôn không hề muốn chút nào. Còn theo nhận định của báo Le Monde, thì về mặt chính thức, các nước thành viên trong khối vẫn bày tỏ ủng hộ Hy Lạp ở lại trong khối. Thế nhưng, đàng sau hậu trường, các nhà lãnh đạo cho rằng « nhất thiết phải chuẩn bị cho mọi tình huống, kể cả việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro ». Tuy vậy, một số chuyên gia lại cho rằng « giả thuyết Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro được xem như là một cú lừa bịp được phát ra nhằm gây ấn tượng các cử tri Hy Lạp. Và điều đó cũng không nên gây cản trở việc kéo dài thêm thời hạn cho Athens để đáp ứng các chương trình điều chỉnh được đàm phán với các nhà tài trợ ». Trong trường hợp này, theo ước tính của một chuyên gia, sẽ làm tăng thêm chi phí từ 20 đến 30 tỷ euro. Đối với một số khác, tình huống « Grexit » (tên rút gọn của cụm từ Greece – Hy Lạp và Exit – lối thoát) cũng là một triển vọng, nhất là trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ngân hàng trên diện rộng hay đình chỉ kế hoạch trợ giúp vào mùa hè này nếu như các cam kết không được tuân thủ. Do đó, mỗi quốc gia được kêu gọi nên chuẩn bị trong trường hợp xấu xảy ra và đánh giá tác động của chúng. Theo một nguồn tin của hãng Reuters cho Le Monde biết, một sự « ra đi trong ôn hòa » có thể sẽ tốn của Liên hiệp châu Âu và IMF khoảng 50 tỉ euro. Cuối cùng Le Monde cho rằng, sự bất bình của người dân Athens cũng khiến cho các nhà lãnh đạo châu Âu phải gia tăng việc định hướng lại khủng hoảng nợ. Theo ông Hollande, Tổng thống Pháp, công trái châu Âu, vai trò của Ngân hàng Trung ương Châu Âu trong việc hậu thuẫn các quỹ cứu trợ, tái đầu tư vốn ngân hàng là những biện pháp cấp bách cần được xem xét đến trong trường hợp phải có một cấu hình mới. Tầng lớp tinh hoa Pakistan làm bại hoại đất nước Tham nhũng, lậu thuế và thiếu điện đang dẫn đất nước Pakistan đến bờ vực thảm họa và người dân của quốc gia rơi vào tình trạng khốn khổ. Đề tài được báo Libération phản ảnh lại qua bài viết đề tựa « Pakistan bị hủy hoại bởi chính tầng lớp ưu tú của đất nước ». Bài viết mở đầu với mẩu chuyện đầy cảm động. Cậu bé Kamran Khan, 13 tuổi, là một học sinh xuất sắc, luôn đứng đầu lớp. Cậu là niềm hy vọng hiếm hoi về một sự thăng tiến của cả gia đình nghèo khổ của cậu. Thế nhưng, tất cả đã sụp đổ vào một ngày cuối tháng Ba, khi mà cậu học sinh phát hiện ra rằng mẹ cậu không có khả năng mua ngay cả bộ đồng phục mới để giữ đúng cương vị của mình trong lớp học cao hơn. Thất vọng và bị tổn thương, cậu đã tẩm xăng vào người và tự thiêu. Bị bỏng một nửa cơ thể, Kamran đã qua đời một tuần sau đó, do cha mẹ cậu không thể nào trang trải các chi phí điều trị. Định mệnh của Kamran phản ảnh rõ số phận bi thảm của hàng triệu người dân Pakistan, đang sống trong cảnh cực kỳ đói khổ. Tuy vậy, cảnh tượng đó vẫn không thể nào làm động lòng một nhóm nhỏ đang cầm quyền giàu có, vốn ngày càng bị người dân chán ghét vì sự bất tài và tham nhũng. Theo Libération, từ đầu tháng năm đến nay, nhiều vụ biểu tình dữ dội liên tục diễn ra tại nhiều thành phố phản đối việc cúp điện, hiện đang làm xáo trộn cuộc sống của nhiều hộ gia đình và làm tê liệt ngành công nghiệp đất nước từ nhiều tháng nay. Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết, tham nhũng, trốn thuế và cách điều hành tồi tệ có lẽ đã làm ngân khố đất nước bị thất thoát đến 94 tỉ đô-la chỉ trong vòng có 4 năm. Khoản nợ công khổng lồ hầu như tăng gấp đôi trong cùng giai đoạn. Cách đó ít lâu, Pakistan vẫn sở hữu trong tay nhiều con chủ bài quan trọng của một cường quốc đang trỗi dậy. Giờ đây, tương lai đất nước trở nên đen tối do thiếu điện và khí đốt, lạm phát mạnh ở mức khoảng 14%, tăng trưởng ì ạch ở mức 2,6%/ năm, giao thông đình trệ do khan hiếm năng lượng, thất nghiệp tăng mạnh và bất công xã hội ngày càng đào sâu. Điển hình là ngành công nghiệp dệt, một trong những ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia, đã bị ảnh hưởng nặng nề do nạn khan hiếm khí đốt và điện. Sản xuất đình trệ trong sáu tháng liên tục vào năm 2011. Hàng trăm ngàn công nhân mất việc làm và đặc biệt, xuất khẩu tụt giảm thê thảm. Tuyên bố chấm dứt tình trạng cúp điện do Bộ trưởng Năng lượng Pakistan đưa ra vào cuối tháng Hai vừa qua đã không thuyết phục được người dân và các nhà sản xuất. Họ cho rằng « thật là viển vông khi nghĩ rằng khủng hoảng năng lượng sẽ được giải quyết ». Tuy nhiên, Libération cho biết, chính việc thất thu thuế mới là căn bệnh trầm kha, đang gậm nhấm nền kinh tế đất nước. Chỉ có khoảng 1,7 triệu người trong tổng số 179 triệu người là có đóng góp thuế (tức chưa đến 1%). Người dân tự hỏi tại sao họ phải đóng thuế trong khi mà quân đội, các chính khách của đảng Dân tộc Pakistan (PPP) – đảng cầm quyền hay phe đối lập không một ai trả một xu thuế nào. Bài phóng sự cho biết, hầu hết các nghị sĩ ở Nghị viện đều là các chủ đất đai giàu có, nhưng không một người nào trả thuế thu nhập về đất nông nghiệp theo như quy định của một đạo luật được ban hành từ 10 năm nay. Hơn nữa, vào cuối năm 2011, Islamabad tuyên bố không muốn vay thêm tiền của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vì cho rằng điều kiện vay quá « ngặt nghèo ». Nhưng nếu trong vòng vài tháng nữa, ngân khố trống rỗng, lúc đó bắt buộc Pakistan lại phải tìm đến các chủ nợ. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Kaiser Bengali, « phương Tây không thể tự cho phép mình để cho nền kinh tế Pakistan sụp đổ, trước mối đe dọa khủng bố ». Đó là vì chưa kể đến, Pakisntan là một đồng minh không thể nào phủ nhận được cho việc rút quân ra khỏi vũng bùn Afghanistan. Tuy bị suy yếu, nhưng chính phủ của Tổng thống Zardari hiện nay, cũng không có ý định thực hiện cải cách chính sách thuế và năng lượng, theo như đòi hỏi của IMF. Bởi vì, « mối bận tâm hàng đầu của họ chính là kiếm tiền ; kế đến là mua phiếu bầu của cử tri », theo như lời cáo buộc của ông Jahangir Tareen, cựu Bộ trưởng Công nghiệp Pakistan. |