Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-05-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-05-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Mai Vân   
Thứ Tư, 23 Tháng 5 Năm 2012 11:05

Cách mạng dân chủ Ai Cập gặp thử thách

Cử tri Ai Cập xếp hàng đi bỏ phiếu tại Cairo (REUTERS)

Bên cạnh hồ sơ kinh tế Châu Âu, sự kiện cử tri Ai Cập đi bầu tổng thống đầu tiên thời hậu Mùa Xuân Ả Rập đã được báo giới Pháp hôm nay rất chú trọng và nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhận định chung không mấy lạc quan cho tương lại Ai Cập.

Libération nhìn lại đất nước đã "truất phế" được vị tổng thống trì vì từ hơn 30 năm : 15 tháng sau khi ông Hosni Mubarak ra đi, tờ báo nhận thấy đất nước đến phòng phiếu hôm nay là một quốc gia bị khủng hoảng, chán chường, chia rẽ.

Libération phản ánh tình trạng này trong hàng tựa ở trang nhất : « Ai Cập : Mùa Xuân bị đánh mất ».

Đối với tờ báo La Croix tuy nhiên không hẳn là đã mất mát hết. Trong hàng tít lớn trang quốc tế, tờ báo nhắc lại ‘‘Ai Cập lần đầu tiên bầu tổng thống một cách dân chủ’’.

Le Figaro cũng nói đến bầu cử tự do đầu tiên thời hậu Mubarak, nhưng cũng tỏ ra không mấy lạc quan khi nhấn mạnh trong hàng tựa ở trang quốc tế : « Ai Cập bỏ phiếu trong tình hình bấp bênh ».

Tờ báo tập trung trên diễn tiến bầu cử, cho là nếu trên giấy tờ mọi điều có vẻ rõ ràng, bầu vòng 1, nếu không ai đạt hơn 50% thì bầu vòng hai vào hai ngày 16-17/06. Sau đó thì quân đội rút lui. Nhưng trong thực tế tình hình rối rắm hơn nhiều, điều đáng ngại nhất là vấn đề gian lận và các quyết định của quân đội.

Libération cũng thấy tình hình rối rắm, phân tích là cuộc bầu cử tự do đầu tiên này chưa đủ để đưa Ai Cập ra khỏi khủng hoảng hầu như toàn diện hiện nay, từ kinh tế đến chính trị. Libération dành 3 trang đầu lược qua tình hình, và tỏ ra khá bi quan : trong hàng tít đậm trang sự kiện : « Từ Cách mạng đến bầu cử, Ai Cập đã mất đi ảo tưởng của mình ».

Libération phân tích quốc gia này bầu tổng thống với những ứng viên nổi bật một bên là phe Hồi giáo, còn bên kia là những người có liên hệ mật thiết với chế độ cũ, như tướng Ahmed Chafiq, vị thủ tướng cuối cùng trước khi Mubarak ra đi. Nhân vật này rất được cộng đồng Thiên chúa giáo Ai Cập và thành phần luyến tiếc chế độ cũ nhiệt tình ủng hộ. Kết quả có thể dự báo nhiều bất ngờ.

Trong mắt Libération, cuộc bầu cử tổng thống hôm nay, đánh dấu một giai đoạn nhưng chưa thể đưa được Ai Cập ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và định chế mà đất nước này đã lún sâu vào từ sau cuộc cách mạng.

Điều phi lý minh hoạ cho tình hình này theo Libération, là tổng thống tân cử sắp tới đây không biết quyền hạn mình là gì, vì các đảng phái hiện vẫn chưa đồng ý với nhau trên bản Hiến Pháp.

Đối với mọi người hiển nhiên là giới quân đội đìều hành Ai Cập trong giai đoạn quá độ này không muốn một chính quyền dân sự mạnh. Họ vẫn sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi kinh tế, bảo vệ ngân sách quốc phòng của họ và thậm chí có ý kiến về chính sách kinh tế nói chung. Thành quả cách mạng chắc chắn sẽ bị đặt lại

Trong phần kết bài xã luận, Libération nhìn thấy nếu các bên không tìm được thỏa hiệp - mà đến giờ chưa ai thấy đươc bằng cách nào - thì Ai Cập có nguy cơ « xuất khẩu bạo động » của mình ra một vùng đang sôi sục.

Trên bình diện kinh tế, tình hình Châu Âu, nhân cuộc họp thượng đỉnh hôm nay ở Bruxelles, đã nhất loạt chiếm các trang nhất : « Châu Âu đi tìm tăng trưởng của mình », tít của La Croix ; Le Figaro nói đến « đầu tàu Pháp Đức bị trục trặc », L’Humanité trích thành tựa lời của chủ tịch đảng cực tả Hy Lạp cho là : « Khắc khổ : vấn đề không phải là Hy Lạp mà là Châu Âu ».

OCDE cảnh báo về nguy cơ Châu Âu rơi vào khủng hoảng

Các báo hôm nay trích đăng dông dài báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE.

Tờ Les Echos đưa lời cảnh báo trong hàng tít : « Đối với OCDE, Châu Âu đứng trước nguy cơ ngày càng lớn rơi trở lại vào khủng hoảng và kéo theo cả thế giới ». Les Echos nêu bật đánh giá của OCDE, trong báo cáo công bố hôm qua : Châu Âu là mắtxích yếu của tăng trưởng thế giới.

Đánh giá này, theo Les Echos, không có gì là mới mẻ. Nhưng điều mới mẻ, mà Les Echos nêu lên một cách bực dọc là mặc dù có các nỗ lực của lục địa này, từ khi nổ ra khủng hoảng nợ công vào mùa xuân 2010, không có gì thực sự được giải quyết và không những thế tình hình còn có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

Tờ báo trích dẫn viễn ảnh mà OCDE vẽ ra, nào là nguy cơ nợ công tiếp tục ở mức cao, cộng vào một hệ thống ngân hàng suy yếu đi, việc cắt giảm ngân sách quá đáng và tăng trưởng giảm sụt. Tờ báo cũng nêu lời khuyên của OCDE, và giải thích rõ như sau : phải uyển chuyển trong kỷ luật ngân sách, khi chính sách khắc khổ tác hại đến tăng trưởng.

Tờ báo cũng nhắc lại một trong những lời khuyên quan trọng khác của tổ chức OCDE đó là phải chú tâm đến vấn đề thất nghiệp và trợ giúp tầng lớp khó khăn nhất, giảm cho họ sức ép các chính sách thắt lưng buộc bụng gây ra.

Tờ La Croix cũng trich đăng báo cáo của OCDE, nhưng đặt vấn đề dưới góc độ khác trong hàng tựa : « Nhìn từ OCDE, thế giới cần vùng đồng euro làm đầu tàu ».

La Croix trích lời của trưởng nhóm chuyên gia kinh tế OCDE, Pier Carlo Padoan :

 « Khủng hoảng vùng đồng euro vẫn là nguy cơ duy nhất làm kinh tế thế giới suy giảm ».

Tóm lại theo La Croix, tăng trưởng đặc biệt kém cỏi của vùng giàu có này của hành tinh gây hại cho các nền kinh tế khác trên thế giới. Những nơi khác cho dù có tăng trưởng cao, cũng cần đến thị trường Châu Âu để thúc đẩy thương mại của họ.

Bài báo nêu bật trường hợp của Trung Quốc, mà thị trường nội địa không đủ sức kéo kinh tế : năm 2008, Châu Âu ‘‘chao đảo’’, thì Trung Quốc bị lôi kéo theo, và tăng trưởng bị ảnh hưởng. Tình hình này cũng tái diễn từ hai năm qua.

 La Croix trích số liệu của OCDE : Tăng trưởng của Châu Âu từ 1,9% năm 2010 rơi xuống - 0,1% dự kiến năm nay, thì tại Trung Quốc, tăng trưởng 10,4% năm 2010, dự kiến tuột xuống 8,2% năm 2012 này.

Những người bị vụ xét xử Khmer Đỏ "hy sinh"

Về Châu Á và trên bình diện xã hội, báo L’Humanité hôm nay nhìn sang Cam Bốt, chú ý đến ‘những người bị bỏ quên’ trong vụ xét xử Khờ Me Đỏ. Đó là những nạn nhân chế độ Khmer Đỏ, hơn 4000 người tập hợp trong bên nguyên cáo.

Theo bài phóng sự, họ hầu như không được đoái hoài, và họ e ngại thủ phạm tội ác không bị trừng phạt, vụ xét xử có thể bị ngưng lại, lãnh đạo Khmer Đỏ, tuổi cao, có thể chết trước khi bị tuyên án.

Theo bài phóng sự trích lời luật sư người Pháp bà Rabesandratana, Tổ chức Luật sư không Biên giới Pháp ASF, những nạn nhân đưa đơn kiện này tuy là nguyên cáo, nhưng các thẩm phán Toà án Quốc tế, nhất là Anh Đức thì vẫn khó chấp nhận cho họ phát biểu.

Lúc đầu, không ai nghĩ đến việc dành một đồng xu nào cho họ, và tổ chức ASF đã phải cực lực đấu tranh để có được phòng ốc ở trong Toà án để làm việc.

 Luật sư bên nguyên cáo là luật sư thiện nguyện của tổ chức ASF, và chỉ có địa hạt là hoạt động như thế trong lúc đó thì bên bào chữa rất được ưu đãi. Đó là một nghịch lý khó thể hiểu nổi.

Hơn nữa, ngược lại với Toà án Hình sự Quốc tế, không có quỹ đền bù nào được dự kiến cho nạn nhân. Đến nay hình thức đền bù đối với họ chỉ là việc công bố lời thú tội của trưởng trại tù S -21, Duch.

Theo tác giả bài phóng sự, hiện cũng có những tiếng nói công kích việc xét xử lãnh đạo Khmer Đỏ. Trong đó có một tiếng nói nặng ký đó là của linh mục người Pháp, cha François Ponchaud 73 tuổi. Năm 1977, ông đã gây ngạc nhiên. Nhiều người không tin khi ông tố cáo tội ác của Khmer Đỏ trong quyển sách của ông, Cambodge année zéro. Ông là người đầu tiên lên tiếng tố cáo. Hơn 30 năm sau, bài báo cho là ông ‘vẫn lội ngược dòng’.

Bây giờ thì ông François Ponchaud cho là ông phủ nhận quyền của Liên Hiệp Quốc xét xử Khmer Đỏ mà Liên Hiệp Quốc đã ủng hộ cho đến năm 1991. Vụ xét xử này đến quá muộn. Vả lại theo cha Ponchaud, cách xử lý hiện nay không phù hợp với giá trị Phật giáo của người Cam Bốt cũng như cung cách giải quyết của họ.

Tuy nhiên phóng viên của L’Humanité nhận thấy nạn nhân của Khmer Đỏ không nghĩ hẳn như vậy, họ muốn tìm hiểu sự thật, muốn biết người thân sống chết ra sao và chỉ có trưởng trại tù S-21 là có thể nói lên sự thật.

Cuộc sống mới của các cựu Tổng thống

Cũng về nước Pháp, Le Figaro hôm nay quan tâm đến sinh hoạt, hay nói đúng hơn là « Cuộc sống về sau của các cựu Tổng thống », tức là họ làm gì sau khi không còn đứng đầu đất nước họ nữa. Tựa chung là như thế, nhưng tác giả bài báo chủ yếu tìm hiểu về dự định của Nicolas Sarkozy, người mới lên ‘chức’ nguyên Tổng thống Pháp.

Theo Le Figaro, Nicolas Sarkozy đang suy nghĩ về những hoạt động tương lại của mình. Valéry Giscard d'Estaing (người tiền nhiệm của ông đang còn sống) thì chưa bao giờ "rời bỏ hẳn" sân khấu chính trị, trái với một số lãnh đạo quốc tế khác như hai Bill Clinton, cựu tổng thống Mỹ, Mikhail Gorbachev, cựu tổng thống Nga, Tony Blair, cựu thủ tướng Anh hay Gerhard Schroeder, cựu thủ tướng Đức.

Về Nicolas Sarkozy, Le Figaro trích lời một người bạn thân của cựu tổng thống cho biết : « Vấn đề thực thụ là làm sao biết được những gì Nicolas Sarkozy muốn làm và những gì ông ấy có thể làm. Nếu ông muốn nhân lên mức tối đa cơ may quay trở lại nắm quyền một ngày nào đó, thì ông phải giới hạn hoạt động của mình trong những hoạt động vì lợi ích chung."

Theo nhân vật này, Nicolas Sarkozy dư hiểu là tại Pháp, dư luận luôn luôn nghi ngờ những ai kiếm được nhiều tiền. Vì thế, nếu lao vào công việc kinh doanh, ông sẽ phải hết sức thận trọng, và chọn lấy những lãnh vực mà tư lợi trùng hợp với công ích, với đạo đức.

Phải nói là hai tuần lễ sau khi rời khỏi cương vị Tổng thống Pháp, ông Sarkozy vẫn chưa dứt khoát ý định. Điều này, theo Le Figaro cũng dễ hiểu vì hầu như không một chính khách nào chuẩn bị trước cho giai đoạn sau lúc họ nắm quyền, nhất là khi họ còn sung sức, vì làm như vậy, tức là thừa nhận trước là mình có nguy cơ thất bại.

Valery Giscard D’Estaing là trường hợp tổng thống Pháp đầu tiên đặt ra vấn đề làm gì sau khi phải rời bỏ quyền lực tối cao.

 Được bầu lên lúc 48 tuổi, ông đã bị buộc phải « về vườn » năm 55 tuổi. Ông không bao giờ quên được nỗi đau thất bại vào năm 1981. Liệu Sarkozy có sẽ như người tiền nhiệm của mình hay không, nhất là khi bản thân ông cảm thấy thất bại của mình là một sự bất công ?

Theo một số quan sát viên được Le Figaro trích dẫn, ông Sarkozy sẽ có thể tranh thủ vai trò thành viên suốt đời của Hội đồng Bảo hiến để chống lại chính quyền của đối thủ François Hollande, chắng hạn như xóa bỏ quyết định mà cảnh tả từng dự trù là đánh thuể 75% trên lợi tức của những ai vượt mức 1 triệu euro mỗi năm.

Một khả năng khác như ông từng nêu lên là trở lại hành nghề luật sư, đi thuyết trình trên thế giới, hay tham gia Hội đồng Quản trị một tập đoàn tư nhân lớn mà các chủ nhân đều là bạn của ông…

Theo Le Figaro, ông Sarkozy cũng có thể viết hồi ký, lập hiệp hội hoạt động vô vi lợi… như bao cựu nguyên thủ khác đã làm.

 Tập hồi ký « Đời tôi » của Bill Clinton chắng hạn, là một trong những quyển sách bán chạy nhất, tương tự như các hồi ký của Tony Blair, Valéry Giscard D’Estaing hay Jacques Chirac…

Còn cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter – người được tạp chí Time tôn vinh là cựu tổng thống Mỹ xuất sắc nhât – thì đã thành lập ra một hiệp hội hoạt động thiện nguyện, và chính nhờ đó mà ông đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2002.

Chính Hiệp hội của ông Carter đã trở thành khuôn mẫu cho hiệp hội của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, hay cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac.