Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-05-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 22-05-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Ba, 22 Tháng 5 Năm 2012 12:40

Miến Điện : Mở cửa kinh tế và những hệ lụy xã hội

 

 
Lao động tại một khu tái định cư gần khu công nghiệp Dawei, Miến Điện. Ảnh chụp ngày 10/05/2012.
REUTERS/Khettiya Jittapong

Báo La Croix đến với Miến Điện, đất nước đang dần dần tiếp cận với thế giới bên ngoài sau nhiều năm khép kín trong chế độ độc tài quân sự.

 Công cuộc mở cửa kinh tế của Miến Điện mới chỉ bắt đầu nhưng đã nảy sinh những dấu hiệu của những vấn đề kinh tế xã hội.

 La Croix đề cập đến chủ đề này với bài viết « Miến Điện mở cửa kinh tế không phải không có rủi ro ».

Sau những chuyển biến chính trị sẽ là mở cửa kinh tế. Đất nước Miến Điện đang chuẩn bị trở thành một công trường xây dựng lớn. Quá trình mở cửa kinh tế tất yếu sẽ phải dẫn đến những hệ lụy về mặt xã hội.

Tác giả bài báo đưa người đọc đến miền nam Miến Điện, nơi có khu công nghiệp Dawei đang bắt đầu được xây dựng với sự đầu tư của tập đoàn ITD của Thái Lan. Chính quyền có tham vọng đây sẽ là khu công nghiệp lớn nhất Đông Nam Á. Tổ hợp công nghiệp này sẽ nằm trên một diện tích rộng 250 km2 dọc bờ biển tỉnh Andaman và cách thành phố Dawei vài kilômét. Tại đây sẽ mọc lên các nhà máy lọc dầu, nhà máy sản xuất phân bón, bột giấy, cán thép …

La Croix nhận thấy ngay từ những ngày khởi công này, nhiều vấn đề đã nảy sinh.

Chính quyền bị lên án chạy theo mục đích kinh tế, không tôn trọng quyền lợi của người dân sống trong vùng. Người dân sống trong vùng vốn từ xua đến nay chỉ làm nông nghiệp nay đất đai bị lấy làm khu công nghiệp, họ không còn biết làm gì để sinh sống. Mặc dù chính quyền nói sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân, cũng không nhiều người được tuyển vào làm việc trong các công trường xây dựng.

Theo La Croix, Thái Lan là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ khu công nghiệp Dawei. Vương quốc láng giềng này sẽ có thể nhập cảng hàng hóa, khí đốt từ châu Phi hay Trung Đông về qua cảng nước sâu Dawei mà không phải đi vòng qua eo biển Malacca.

Anh thanh niên Thant Zin, hoạt động trong một hiệp hội phản đối dự án khu công nghiệp Dawei nói : « Người Thái không thể phát triển được các khu công nghiệp kiểu như thế này trên đất nước họ vì vấn đề môi trường cho nên họ mới mang những công việc bẩn thỉu này sang nước chúng tôi ». Đúng là đến giờ Miến Điện vẫn chưa có bộ luật bảo vệ môi trường nào.

Tác giả bài phóng sự cho biết, tại Mayingyi, nơi có công trường xây dựng cảng nước sâu, người dân sống trong vùng không muốn trở thành nạn nhân của sự cất cánh kinh tế, và họ từ chối không chịu nhượng lại đất đai của mình cho nhà thầu Thái Lan ITD.

 Người dân bao năm nay vẫn sống bình yên với các công việc nhà nông như thu hoạch mủ cao su, hạt điều hay dừa… giờ đây đang phải chuẩn bị khăn gói gia tài để ra đi. Một số thì đã bắt đầu thương lượng để được đền bù thỏa đáng.

Không ít người dân đã bắt đầu phẫn nộ với thái độ thô bạo của nhà thầu Thái lan ITD và chính quyền địa phương.

 Ông Khun Than, 48 tuổi, một nhà nông ở Mayingyi cho biết : « Người ta nói với chúng tôi hãy bán đất với giá như bây giờ đi, nếu không các vị sẽ chẳng được gì hết khi chính quyền tiến hành trưng thu ».

 Theo La Croix, người dân trong khu công nghiệp vẫn còn một hy vọng vọng mong manh giữ được đất, đó là nhà thầu ITD dường như không có đủ khả năng tài chính cho một dự án quy mô lớn như vậy.

 Mặt khác, dưới chế độ hiện nay người dân địa phương ở Dawei có quyền bày tỏ sự phản đối của mình với dự án bằng nhiều cách khác nhau.

Pháp : Chiến dịch vận động tranh cử Quốc hội bắt đầu

Vừa qua bầu cử tổng thống, nước Pháp lại nhộn nhịp bước vào cuộc bầu cử lập pháp.

 Ngày hôm qua (21/5) chiến dịch tranh cử Quốc hội đã chính thức bắt đầu. Vì thế phần lớn các báo Pháp ra hôm nay đều đề cập đến chủ đề này.

 Tựa lớn của báo La Croix: « Một cuộc bỏ phiếu, ba kịch bản ». Theo tờ báo thì ba kịch bản có thể xảy ra đối với chính quyền mới sau cuộc bầu cử này : Đảng cầm quyền có giành được đa số tuyệt đối, đa số tương đối hay chung sống (với các đảng khác)… kể cũng hồi hộp.

Nhật báo Công giáo bình luận : Cuộc bầu cử lập pháp là một giai đoạn mấu chốt giúp củng cố một đa số cầm quyền hoặc ngược lại, cánh tả sẽ bị yếu đi vì mất đa số và sẽ phải « chung sống » với các đảng khác. Đó là điều quan trọng của cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 10 và 17 tháng 6 tới đây, đối với các đảng phái khác nhau. Cuộc bầu cử này không chỉ là tương lai chính trị của từng ứng cử viên ở từng đơn vị bầu cử, mà rộng hơn là còn để cân bằng quyền lực ở nước Pháp.

Facebook mất điểm khi vừa bước chân lên sàn chứng khóan

Không còn rầm rộ như ngày xuất hiện trên thị trường tài chính Wall Street khiến cả thế giới chu ý với khối tài sản được định giá trên 100 tỉ đô la.

 Ngày thứ hai lên sàn chứng khoán, cổ phiếu của Facebook đã bị mất hơn 11%, từ 38 đô la xuống còn 33 đô la.

 Les Echos chú ý đến thất bại đầu tiên của nhà khổng lồ về mạng xã hội với câu hỏi « Tại sao Facebook thất bại khi bước vào thị trường chứng khóan ?».

Theo nhật báo kinh tế, sau khi Facebook bị rớt điểm mạnh như vậy, những ngờ vực bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều, về cả mức độ định giá tài sản của Facebook, cũng như là những vấn đề của thị trường Nasdaq, hay chiến thuật của ngân hàng Morgan Satanley đã bỏ ra nhiều tỉ đô la để đầu tư cho cổ phiếu của Facebook nhưng không thành.

Câu hỏi đặt ra của Les Echos không thể có câu trả lời, vì dù sao thì đây cũng mới chỉ là những bước đi đầu tiên của người khổng lồ trên sàn chứng khoán, chưa nói lên được gì nhiều. Ông chủ của Facebook, nhà tỉ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg vẫn đang say sưa hưởng tuần trăng mật với cô vợ mới cưới đúng ngày Facebook niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Nga : Muôn hình muôn vẻ phản kháng chế độ

Báo Le Monde chú ý đến nước Nga với bài viết « Chính quyền Nga ngày càng không kiểm soát được một đối lập không chính thức ». Mặc dù thời gian gần đây chính quyền đã tiến hành rất nhiều vụ bắt bớ nhưng vẫn không làm suy yếu được phong trào phản kháng chế độ.

Theo Le Monde, từ khi ông Vladimir Putin quay trở lại điện Kremlin hôm 7/5, đối lập Nga đã thay đổi phương thức phản kháng chế độ họ gọi là « Nhà nước cảnh sát ». Giờ đây phong trào phản kháng sử dụng các phương thức biểu tình không cần xin phép chính quyền, như đi bộ im lặng hay cắm trại ôn hòa.

Thông tín viên của Le Monde ghi nhận tại Matxcơva, sau khi đã cắm trại hơn một tuần trong một khu phố, những người biểu tình bị cảnh sát giải tán, nhưng họ lại dời đến một nơi khác. Cảnh sát cứ đến thì họ lại chuyển đi. Người biểu tình như đang chơi trò chơi mèo đuổi chuột với lực lượng an ninh.

Những tuần qua các cuộc « tuần hành trong im lặng » cũng đã được tổ chức ở Matxcơva và Saint-Petersbourg.

Hôm thứ Bảy 19/5, ba nghìn người đã theo lời kêu gọi của các họa sĩ, nhạc sĩ tiến hành một cuộc « đi dạo ». Những hình thức phản kháng này giờ có xu hướng ngày càng phổ biến khiến chính quyền khó xử hơn.

Một nhà chính trị học của Nga nhận xét thấy chính quyền ngày càng khó kiểm soát nổi phong trào phản kháng chế độ. Cảnh sát bắt người này thì đã có người khác thay thế. Sức mạnh của họ chính là ở chỗ không có người lãnh đạo. Bên cạnh những nỗi lo về đối lập, chính quyền mới của ông Putin còn đang phải đứng trước một thách thức khác, đó là nền kinh tế Nga đang trong tình trạng rất bấp bênh, chủ yếu dựa trên thu nhập từ dầu mỏ.

Vận động cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp

Trang khoa học báo Le Figaro dành một bài viết dài về một nghiên cứu mới liên quan đến bệnh cao huyết áp.

Cao huyết áp là một căn bệnh liên quan đến huyết thống gia đình. Khi một trong hai bố mẹ bị cao huyết áp thì nguy cơ con cái họ bị mắc bệnh này tăng gấp hai lần. Tuy nhiên theo kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ mới công bố, thì có thể giảm bớt nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp bằng việc vận động cơ thể đều đặn.

Theo Le Figaro, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Robin Shook thuộc đại học Nam Carolina, Hoa Kỳ, trong vòng 5 năm đã theo dõi 6.000 người, trong đó có một phần ba có cha mẹ mắc bệnh cao huyết áp.

Khi bắt đầu nghiên cứu, tất cả những người bệnh đều khỏe mạnh và không hề có dấu hiệu, triệu chứng của bệnh cao huyết áp. Các nhà khoa học đánh giá mức độ vận động thể lực và theo dõi chuyển biến tình trạng sức khỏe của họ.

Sau 5 năm, một phần tư số người được theo dõi bị mắc bệnh cao huyết áp. Tuy nhiên ở những người có tiền sử gia đình mắc căn bệnh này, thì bệnh lý cao huyết áp lại giảm 34% khi họ thực hiện đều đặn các bài tập thể dục. Với toàn bộ những người được theo dõi thì các hoạt động thể lực cường độ cao có thể làm giảm 42% nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp.

Còn vận động nhẹ nhàng có thể làm giảm 26% nguy cơ. Nghiên cứu này còn chỉ cho thấy, không nhất thiết phải theo các bài tập thể lực nặng nhọc. Hoạt động thể lực có thể là những vận động rất đơn giản như mỗi tuần đi bộ 2 giờ.

Trong trường hợp có khả năng di truyền về bệnh cao huyết áp thì chơi các môn thể thao đòi hỏi sức bền sẽ có tác dụng ngăn chặn bệnh đến chậm hơn.

Thực chất thì cao huyết áp là một căn bệnh của người già.

Thể thao giúp giữ cho chức năng các động mạch được trẻ lâu hơn và như vậy động mạch sẽ giảm bớt việc tiết ra các chất làm xơ cứng động mạch cũng như tích tụ cholesterol.

 Giáo sư tim mạch bệnh viện Lille, Pháp, ông Claire Mounier Vehier giải thích như trên. Tất nhiên các bài tập vận động thể lực chỉ có tác dụng phòng bệnh chứ không phải là chữa bệnh.