Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 20-05-2012 |
Tác Giả: Mai Vân |
Chúa Nhật, 20 Tháng 5 Năm 2012 14:27 |
Xu thế dân tộc cực đoan không còn tự do tung hoành trên mạng Trung Quốc
Diễn biến chính trị tại Trung Quốc đã được tuần báo Anh The Economist tuần này rất chú ý trong bài phân tích «Chủ nghĩa dân tộc trực tuyến bị phản ứng ngược». Theo The Economist, hiện nay có nhiều người Trung Quốc đã dám hoài nghi về đường lối của đảng liên quan đến lòng yêu nước và giới bất đồng chính kiến. Bài báo của tạp chí Anh mở đầu bằng nhận định là vào lúc này, tinh thần dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc đang bị kích động do cuộc tranh chấp với Philippines về chủ quyền trên bãi đá Scarborough ngoài Biển Đông. Theo The Economist, rất ít người ở Trung Quốc nghi ngờ tính xác thực của các đòi hỏi của chính phủ nước họ về chủ quyền trên bãi Scarborough (hoặc Hoàng Nham đảo theo cách gọi của Trung Quốc) cũng như trên toàn bộ các hòn đảo nằm trong tấm bản đồ "chín đường gián đoạn". Thái độ hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông trong những năm gần đây đã phản tác dụng vì đã đẩy các nước láng giềng xích lại gần hơn với nước Mỹ, thế nhưng vấn đề đó không thấy tạo ra nhiều biểu hiện sô-vanh hiếu chiến trong nước. Mới đây chỉ có một số ít người Trung Quốc tụ tập bên ngoài Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh, trong khi khoảng 300 người Philippines phản đối tại Manila. Đối với The Economist, các láng giềng của Trung Quốc, trong thời gian qua đã hết sức lo ngại là chủ nghĩa dân tộc rộng khắp trong dân chúng có thể thúc đẩy giới lãnh đạo giương oai với nước ngoài. Gần đây họ đã có lý do cụ thể để lo lắng. Nội tình chính trị căng thẳng vì vụ Bạc Hy Lai trong lúc Đảng Cộng sản đang chuẩn bị cho những thay đổi lớn trong lãnh đạo cuối năm nay, kèm theo là các dấu hiệu cho thấy kinh tế bị trì lại, đó là những yếu tố có thể cám dỗ các nhà lãnh đạo Trung Quốc đi theo chiều hướng ve vuốt lòng tự hào dân tộc cực đoan và đả phá ngoại bang để công chúng bớt lưu tâm đến các vấn đề trong nước. Lập luận bài ngoại không còn ‘ăn khách’ trong vụ Trần Quang Thành Tuy nhiên, theo The Economist, một số dấu hiệu bất thường gần đây chống lại các toan tính theo chiều hướng đó đã xuất hiện. Những rắc rối mà Đảng muốn che giấu dường như đã trở thành nguồn cảm hứng cho những người Trung Quốc phê phán chế độ. Điều này đã được thể hiện rõ ràng qua các phản ứng của công chúng về vụ Trần Quang Thành, nhà bất đồng chính kiến đầu tiên kể từ năm 1989 đã vào lánh nạn trong cơ sở ngoại giao Mỹ ở Trung Quốc. Ngay cả các thành phần dân tộc chủ nghĩa sử dụng mạng internet, vốn luôn sẵn sàng tố cáo phương Tây can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, như cũng đã bị chinh phục. The Economist ghi nhận : Ngày 04/05/2012, một số tờ báo tại Bắc Kinh đã công bố xã luận tấn công Trần Quang Thành và các nhà ngoại giao Mỹ, gọi ông Thành là con "chốt" được các chính trị gia Mỹ sử dụng để hạ uy tín Trung Quốc. Nhiều blogger ở Trung Quốc đã phản ứng bằng cách đả kích các tờ báo, chứ không phải là ông Thành. Đêm hôm đó, một trong các tờ báo là tờ Tin tức Bắc Kinh, đã cho công bố một hình thức gần như là một lời xin lỗi trên trang tiểu blog của họ. Đó là hình một chú hề nằm hút thuốc trên giường, với dòng chữ: "ở những vùng tĩnh lặng sâu thẳm của đêm tối, chúng tôi cởi bỏ mặt nạ giả dối và nói với bản thân thực sự của chúng tôi là chúng tôi rất hối lỗi". Giới kiểm duyệt đã gỡ bỏ bức hình, sau khi hàng ngàn thông điệp gởi đến ủng hộ cho sự thay đổi rõ ràng của tờ báo. Một trang web tin tức của Trung Quốc, Tài Tân, đã phê phán một trong các bài xã luận là "không thích hợp" và là một "trò cười". Những nỗ lực của báo chí nhà nước nhằm hạ uy tín đại sứ Mỹ tại Trung Quốc, ông Gary Locke, người đã giúp ông Trần Quang Thành, cũng ít được đồng tình. Ngày 14/05/2012, tờ Tin tức Bắc Kinh (Beijing News) đã thách thức ông Gary Locke, kêu gọi ông tiết lộ tài sản của ông. Thế nhưng ông Lưu Á Đông, biên tập viên cao cấp một tờ báo chính thức khác, Nhật báo Khoa học và Công nghệ, đã nêu bật trên trang tiểu blog của mình là đối với các quan chức nhà nước Mỹ, việc công bố tài sản là một vấn đề đương nhiên (và bản kê khai của ông Locke đã có sẵn). Theo The Economist, từ lâu nay, đã xuất hiện những lời kêu gọi các quan chức kê khai tài sản như vậy tại Trung Quốc, nơi tệ nạn tham nhũng nhà nước tràn lan, và cuộc tranh cãi trên vấn đề này đã quảng bá thêm cho các lời kêu gọi. Bị các lời chỉ trích tràn ngập, tờ Beijing News rốt cuộc đã phải gỡ bỏ bài báo của mình. Tuần báo Anh Quốc kết luận : Chủ nghĩa dân tộc trong quần chúng Trung Quốc vẫn còn là một thế lực mạnh mẽ, nhưng chính quyền Trung Quốc rất thận trọng, không muốn để cho lực lượng này tự do tung hoành, vì sợ rằng thế lực đó quay sang chống lại chính Đảng Cộng sản. Vào tháng trước, họ đã ra lệnh cho một trang web dân tộc chủ nghĩa được thành lập vào thời nổ ra cuộc khủng hoảng Tây Tạng năm 2008 (m4.cn, trước đây là Anti-CNN.com) là phải dẹp bỏ phần thông tin. Bắc Kinh không muốn trang web này khuấy động tình hình một lần nữa. Cuộc đọ sức Trung Quốc – Philippines nhìn từ hai phía Tạp chí Pháp Courrier International tuần này đã gợi lại cuộc đọ sức Bắc Kinh Manila trên vấn đề chủ quyền ở bãi Scarborough. Trên trang web của mình, tạp chí Pháp đã trích dẫn hai bài báo, một bên là của tờ báo Thời Đại Chu Báo (The Time Weekly) ở Quảng Đông, và bên kia là tờ báo Philippines Daily Inquirer, đánh giá sự kiện dưới hai góc độ. Courrier International, trích tờ báo Quảng Đông, nhìn thấy trong hàng tựa : « Philippines như đang mọc cánh ». Tạp chí Pháp ghi nhận là đối với tờ tuần báo Quảng Đông, Manila rõ ràng là có hành động khiêu khích. Vì cảm thấy vững tâm với sự trở lại mạnh mẽ của Mỹ tại Châu Á, Philippines nhất định đương đầu với Bắc Kinh nhằm mục tiêu chiếm lấy nguồn dầu hỏa ở nơi đang tranh chấp ở Biển Đông. Bài báo trích dẫn số liệu tập đoàn dầu hoả Philippines, Philex, theo đó trữ lượng mỏ khí đốt ở Sampaguita, gần Reed Bank, ngoài khơi Palawan, được đánh giá hơn 566 tỷ mét khối, cao gấp 6 lần ước tính năm 2008. Điều mà tờ báo còn nêu bật để chứng minh hành động khiêu khích của Manila, là trước năm 1997, Philippines đã không bao giờ phản đối việc Trung Quốc thực hiện chủ quyền và khai thác tài nguyên mõm đá Scarborough. Không những thế, theo bài báo, Manila còn nhiều lần tuyên bố là mỏm đá này nằm ngoài vùng lãnh hải của họ. Bài báo còn chỉ trích thái độ của Manila hiện nay, cho là một cánh cực đoan đang lợi dụng tình hình để kích thích tinh thần bài Trung Quốc. Bài báo cũng trích dẫn chuyên gia Trung Quốc về Biển Đông, ông Lý Kim Minh cảnh báo là nếu không sớm tìm một giải pháp thỏa đáng cho cuộc đối đầu hiện nay giữa hai bên ở Biển Đông, thì tình hình có nguy cơ ngày trở nên phức tạp hơn và càng khó giải quyết. Tờ báo Philippines, Daily Inquirer, mà Courrier International trích dẫn dưới tựa đề : « Những mỏm đá gây bất hoà giữa Bắc Kinh và Manila », công nhận cả hai bên nhòm ngó các mỏ dầu khí tại đây. Nhưng tờ báo nhìn thấy vấn đề đối nội cũng đang ‘hiện diện’ ở vùng biển rất chiến lược này. Bài báo nhắc lại những lời cảnh cáo của bộ Ngoại giao Trung Quốc là « Trung quốc sẵn sàng phản ứng trước mọi cuộc leo thang », cũng như bài viết của nhiều người ‘rất nghiêm túc’, cổ vũ cho giải pháp mạnh, cho một cuộc chiến liên quan đến các mỏm đá tranh chấp. Philippines Daily Inquirer đặt cuộc đối đầu từ hơn tháng rưỡi qua trong bối cảnh Hoa Kỳ bước vào giai đoạn bầu cử và Trung Quốc thì còn bị chấn động vì vụ xì căn đan Bạc Hy Lai, ngay vào lúc Bắc Kinh chuẩn bị cho cuộc chuyển quyền. Hồ sơ lớn trên tạp chí Pháp : tân Tổng thống và chính phủ tại Pháp Nếu Tạp chí Le Nouvel Observateur, đặt trọng tâm trên tổng thống và thủ tướng Pháp, với hình hai người trên trang bìa và dòng tựa : « Trước cuộc khủng hoảng, bí quyết của một tổng thống ‘bình thường’ », thì đồng nghiệp L’Express chú trọng đến người phụ nữ chung sống với ông Hollande, bà Valérie Trierweilller. L’Express đã điều tra về ảnh hưởng của bà, và nêu thành tựa câu hỏi bên dưới bức ảnh chụp hai người, ông Hollande vẻ mặt suy tư, bà Valerie tươi cười đứng sát sau lưng : « Bà có hành động quá đáng hay không ? » Phóng viên L’Express đi theo người phụ nữ được ‘quan sát nhất ở Pháp’, và ghi nhận là từ ngày mùng 6/05, ở đâu người ta cũng thấy bà. Đối với L’Express, vốn là nhà báo từng phụ trách mục chính trị của tạp chi Paris Match, dĩ nhiên bà rất am tường về chính trị. Thế nhưng giờ đây, bà phải tìm được phong cách ở vị trí ‘đệ nhất phu nhân’. Đó là điều không phải dễ khi từ ‘bóng tối’ giờ đây lại phải ra ánh sáng chói chang, nhất cử nhất động đều bị quan sát. Về cá tính của bà Valérie, thường bà bị đánh giá là lạnh lùng, giữ khoảng cách sau cặp mắt kính đen, nhưng theo phóng viên L’Express, thì bà không giận dai, có những người bà giận lúc ban đầu nhưng sau lại quan hệ rất tốt. Tuy nhiên những người chung quanh ông Hollande rất kiêng nể bà Valérie. Lý do, như một người xin giấu tên giải thích : nếu làm cho bà phật ý và bị bà tẩy chay thì kể như cũng sẽ gặp rắc rối với ông Hollande. Một người còn kể lại là mỗi khi bà xuất hiện trong một cuộc họp là không khí lạnh tanh ngay. Một người thân cận khác với ông Hollande, còn cho là về đường lối chính trị, hầu như không ai ảnh hưởng được ông Hollande, ông thường khi tự lấy quyết định, nhưng lấy cảm tình của bà Valerie ‘không phải là điều vô ích để tiếp cận, xích lại gần ông Hollande, để tiến bước. L’Express trích dẫn trường hợp ông Manuel Valls, tân bộ trưởng nội vụ. Nhiều người từng thân cận với ông Hollande đang e ngại bị mất ảnh hưởng nếu phật ý đệ nhất phu nhân. L’Express còn nêu một trường hợp khác gây nhức đầu : đó là quan hệ làm việc của ông Hollande và bà Ségolène Royale. Dù hai người đã chia tay nhau từ 7 năm qua, nhưng bà Ségolène vẫn là một ‘vấn đề’ đối với bà Valérie Trierweiller, vì bà rất ghen. Như một người thân cận đã thổ lộ, mỗi khi nghe nhắc đến tên bà Ségolène Royal là bà Valérie nổi trận lôi đình. Ví dụ như trong cuộc mít tinh ngày mùng 4/04 tại Rennnes, lầu đầu tiên từ 5 năm qua ông Hollande và bà Ségolène có cuộc mít tinh chung. Bà Valerie nổi cơn thịnh nộ, đến nỗi mà êkíp tổ chức mít tinh nghĩ đến việc bỏ đi bức ảnh Royal - Hollande. Theo L’Express, rõ ràng là thái độ ghen tuông không nguôi của bà Valérie làm cho quan hệ trong công việc thêm phức tạp. Sinh viên Canada tiếp tục đấu tranh chống tăng học phí Trên bình diện đào tạo, Le Nouvel Observateur tuần này nhìn sang Canada, nơi mà sinh viên tại Québec đã xuống đường từ 3 tháng qua phản đối học phí tăng cao. Những cuộc biểu tình đang tiếp tục diễn ra. Đại học bị đóng cửa 3 tháng, sinh viên xuống đường, cảnh chưa từng thấy ở Canada. Cho dù bị đàn áp thẳng tay nhưng họ không nản chí thối lui. Có những cuộc biểu tình diễn ra với cảnh tượng vui mắt nhưng đầy ý nghiã : sinh viên nam nữ chỉ mặt quần áo lót mà thôi ! Nguồn gốc của sư phẩn nộ này là quyết định tăng học phí của chính phủ : tăng hơn 60% (62%) trải dài 5 năm. Học phí hiện là 2.716 đô la Canada sẽ lên đến 4.318 đô la. Tăng học phí, theo Le Nouvel Obs, đang là xu hướng toàn cầu từ Nam Bắc Mỹ cho đến Anh Quốc, bất kể những cuộc biểu tình phản đối mãnh liệt. Năm ngoái học phí ở Anh đã tăng lên gấp 3 lần. Le Nouvel Observateur nhìn thấy nguyên nhân một mặt nhà Nước không còn tiền và thứ hai là cuộc chạy đua về chất lượng đào tạo cao để cạnh tranh, không bị thua kém trong các bản xếp hạng quốc tế. Thủ tướng Québec, ông Jean Charet, tỏ ra kiên quyết không nhượng bộ và giải thích quyết định tăng học phí là « muốn tăng phương tiện cho các đại học để có chỗ đứng tốt trong cuộc thi thố, so tài quốc tế ». Nhưng sinh viên, theo bài báo, đang rất vất vả : để có thể đóng học phí, sinh viên Québec đã phải làm việc 15 giờ mỗi tuần và cho dù thế, họ vẫn mang nợ chồng chất, và nợ của sinh viên, như ở Hoa Kỳ, đang trở thành nguyên nhân nợ đầu tiên, và nó đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đô la.
|