Home Tin Tức Thời Sự Cục trưởng Hàng Hải bỏ trốn, bị truy nã

Cục trưởng Hàng Hải bỏ trốn, bị truy nã PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Bảy, 19 Tháng 5 Năm 2012 17:40

Dương Chí Dũng đang bị truy tố tội ‘gây thiệt hại nghiêm trọng’ tại Vinalines

 HÀ NỘI 19-5 (NV) - Dương Chí Dũng, cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam, bị truy tố vì quản lý Vinalines đến nỗi lỗ hàng trăm tỷ đồng, đã bỏ trốn và hiện đang bị truy nã.

Dương Chí Dũng, cục trưởng Cục Hàng Hải thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải bị truy tố nhưng bỏ trốn nên đang bị truy nã. (Hình: Tuổi Trẻ)

 

Theo tin nhiều báo tại Việt Nam hôm Thứ Bảy, khi công an tới khám xét nhà ở, chỗ làm việc của ông ta ở Hà Nội, Dương Chí Dũng đã không có mặt tại cả hai nơi nên đã không bị bắt giam theo lệnh bị truy tố để điều tra về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại nghiêm trọng” theo điều 165 của Bộ Luật Hình Sự.

Một số viên chức Cục Hàng Hải nói ông Dương Chí Dũng, 55 tuổi, vắng mặt bất thường vì “không có kế hoạch công tác đột xuất”, và cũng không được ông thông báo nghỉ ở nhà vì bất cứ lý do gì.

Không ai có thể liên lạc được với ông Dương Chí Dũng trong ngày 18 tháng 5 nên ngày 19 tháng 5, cơ quan điều tra Bộ Công An “đã phát lệnh truy nã” đối với ông Dương Chí Dũng hiện không biết ở đâu.

Cùng bị khởi tố trong một vụ nhưng đã bị bắt từ chiều tối ngày 17 tháng 5 là Mai Văn Phúc (54 tuổi, trú ở Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội - phó vụ trưởng Vụ Vận Tải, Bộ GTVT, nguyên tổng giám đốc Vinalines) và Trần Hữu Chiều (60 tuổi, trú ở Thái Thịnh, quận Ðống Ða - phó tổng giám đốc, phó bí thư đảng ủy Vinalines).

Trước vụ khởi tố 3 ông nói trên, một loạt cán bộ, viên chức của tổng công ty quốc doanh Vinalines, đã bị tống giam với các cáo buộc “tham ô tài sản” gồm Trần Hải Sơn (52 tuổi, cư trú tại Sài Gòn - tổng giám đốc công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines), Trần Văn Quang (37 tuổi cư trú tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - trưởng phòng kế hoạch công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines).

 Ngoài ra còn có hai bị can Trần Bá Hùng (33 tuổi, trú tại tỉnh Khánh Hòa - phó trưởng bộ phận vỏ của công ty TNHH Hyundai Vinashin); Phạm Bá Giáp (40 tuổi, trú tại tỉnh Khánh Hòa - giám đốc công ty TNHH Nguyên Ân) cũng bị truy tố vì tội “tham ô tài sản”.

Bốn ông sau này đều dính vào vụ tham ô “trong quá trình sửa chữa ụ nổi No83M do xông ty TNHH sửa chữa tàu biển Việt Nam nhập về”. Theo đó, các ông này “đội giá” nguyên vật liệu, “khai khống” số sắt hàn, thông đồng với nhau để rút ruột nhà nước.

Nhưng tội nặng nhất được nêu trong cái vụ mua ụ nổi No83M là của ông Dương Chí Dũng khi ông này chưa được chính thức chấp thuận đã đổ một số tiền lớn ra mua. Lúc đầu, dự án khai chỉ có 3,854 tỉ đồng nhưng rồi “tự điều chỉnh” lên thành 6,488 tỉ đồng.

Theo một bản tin trên tờ Tuổi Trẻ, đến ngày 19 tháng 7 năm 2011, Vinalines làm lễ khởi công xây dựng nhà máy nhưng lại không có tổ chức tài chính hoặc ngân hàng nào cam kết tài trợ cho nhà máy. “Tại thời điểm khởi công nhà máy, phần vốn đầu tư của các bên liên quan chỉ có hơn 616 tỉ đồng. Phần lớn số tiền này được sử dụng để mua ụ nổi No83M từ Liên Bang Nga về phục vụ dự án.”

 Gây lãng phí gần 514 tỉ đồng

 Theo tờ Tuổi Trẻ, ụ nổi No83M được chủ tịch HÐQT Vinalines ký quyết định phê duyệt mua ngày 8 tháng 10 năm 2007.

“Ðây là ụ nổi cũ sản xuất năm 1965 có sức nâng 25,000 tấn, tổng mức đầu tư trên 14 triệu USD. Trong đó, số tiền Vinalines trả cho bên bán là 9 triệu USD, chi phí thuê vận chuyển từ Nga về Việt Nam là 4.5 triệu USD.'' Ụ nổi này do Nhật sản xuất, đến thời điểm mua đã 43 năm tuổi, không đảm bảo kỹ thuật để đăng kiểm.

Sau khi đưa ụ về Việt Nam, Vinalines đã ủy quyền cho công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines tổ chức sửa chữa hết 193 tỉ đồng, khiến tổng mức đầu tư của việc mua ụ lên đến 26.3 triệu USD. Sửa chữa xong, ụ nổi không được đưa vào sử dụng do chưa có nhà máy nên hiện nay phải neo đậu tại cảng Gò Dầu B với chi phí phát sinh thường xuyên gần 1 tỉ đồng.

Ðáng chú ý, giá mua ụ nổi này và các loại chi phí tính đến 30 tháng 9, 2011 là hơn 489 tỉ đồng, tương đương 70% giá đóng mới bình quân trên thị trường thế giới (giá đóng mới ước tính 37.5 triệu USD). Việc đầu tư ụ nổi nhưng không thể đưa vào sử dụng đã làm lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Thanh tra chính phủ xác định những việc làm này có dấu hiệu cố ý làm trái các quy định của pháp luật về đầu tư, gây lãng phí gần 514 tỉ đồng.”

Trên đây chỉ là một trong rất nhiều tội của ông Dương Chí Dũng bên cạnh những tội khác từ mua tàu cũ gần phế thải hoặc đầu tư xây dựng cảng biển.

Quan chức CSVN thường xuyên lợi dụng các vụ mua sắm trang bị, máy móc hay xây dựng để “đội giá” để rút ruột nhà nước mà mỗi khi vụ việc bị bới móc, người ta mới được biết.