Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-05-2012 |
Tác Giả: Minh Anh |
Thứ Bảy, 19 Tháng 5 Năm 2012 16:14 |
Dân Hy Lạp đua nhau rút tiền khỏi các ngân hàng Trụ sở ngân hàng trung ương Hy Lạp (REUTERS /John Kolesidis) Khủng hoảng Hy Lạp : nỗi ám ảnh cho toàn khối đồng euro. Cho đến giờ phút này, khả năng Hy Lạp ra khỏi khu vực là rất có khả năng xảy ra. Tin đồn Hy Lạp có thể sẽ phải quay lại đồng đracmo cũ làm cho người Hy Lạp sợ đến xanh mặt, dẫn đến tình trạng người dân ồ ạt đi rút hết tiền tại các ngân hàng để cất giữ tại nhà. Báo Le Monde đăng bài viết đề tựa « Nỗi sợ mất tất cả của người Hy Lạp ». Tổng cộng có đến 1,5 tỷ euro tiền mặt đã được rút ra khỏi các ngân hàng tính từ đầu tuần đến nay. Riêng trong ngày thứ hai 14/5/2012, người dân đã rút đến 800 triệu euro. Còn nếu tính từ đợt bầu cử quốc hội được tổ chức hôm 6/5/2012 cho đến hôm nay thì số tiền bị rút là khoảng từ 2,5 và 3 tỷ euro. Bầu không khí ảm đạm đang bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ, với hai đợt bầu cử quốc hội, diễn ra trong vòng có một tháng đã khiến cho người Hy Lạp sợ đến tái mặt khi nghĩ chuyện phải ra khỏi khu vực đồng euro. Sự việc xảy ra vào lúc mà các ngân hàng Hy Lạp vẫn đang trong tình trạng khốn đốn. Dù rằng, số ngân hàng này vừa được xóa bớt đi một phần nợ. Nhưng cũng ngần ấy ngân hàng vẫn chưa được tái cấp vốn. Đây là lần thứ hai, người Hy Lạp ồ ạt đi rút tiền kể từ khi đất nước rơi vào khủng hoảng vào cuối năm 2009. Theo Le Monde, có nhiều yếu tố khiến cho người dân Hy Lạp phải lo sợ. Từ việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà lãnh đạo châu Âu không còn gì phải e dè khi nói đến chuyện gạt Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro. Khả năng chiến thắng của phe cực tả trong đợt bầu quốc hội lại vào ngày 17/6 sắp tới. Châu Âu đe dọa sẽ ngừng hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp nếu như Athène không áp dụng các biện pháp « khắc khổ », dù rằng lãnh tụ đảng cực tả Syriza, ông Alexis Tsipras bày tỏ mong muốn ở lại trong khu vực đồng euro. Thêm vào đó, việc cơ quan chấm điểm tín nhiệm tài chính Fitch vừa hạ điểm Hy Lạp thêm hai bậc làm dấy lên nguy cơ gạt Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Điều đáng chú ý là trong tổng số 72 tỷ euro bị rút ra (tính từ khi khủng hoảng bắt đầu cho đến giờ), có đến 16 tỷ đã được gởi qua các nước khác. Một quan chức cho Le Monde biết, mỗi lần có dịp đi ra nước ngoài, ông ta đều mang tiền mặt theo để gửi vào các tài khoản khác an toàn hơn, do lo sợ bị mất tất cả. Theo Le Monde, ngày càng có nhiều cá nhân rút hết tiền tiết kiệm của mình ở các ngân hàng để cất giấu ở nhà, vì sợ rằng số tiền này sẽ bị đổi qua đồng tiền đracmo cũ trong trường hợp chúng vẫn ở lại trong các tài khoản ở ngân hàng. Còn theo nhận định của chuyên gia kinh tế Panayotis Petrakis, một nửa số tiền bị rút ra dùng để trang trải các chi phí hàng ngày do sức mua đã bị giảm mạnh và lương và lương hưu cũng bị hạ xuống. Nhìn chung, ¾ người dân Hy Lạp vẫn thích giữ đồng euro và nghi ngờ việc quay trở lại với đồng tiền quốc gia cũ. Theo họ, đấy sẽ là một cơn ác mộng. Nó « minh chứng cho một thất bại nặng nề và sự xuống cấp trầm trọng của quốc gia ». Theo đó, mức sống của người dân Hy Lạp có thể sẽ quay trở lại bằng với mức của những năm 1950. Tờ báo dẫn lời nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu phải ra khỏi khu vực đồng euro, Hy Lạp có thể sẽ rơi vào tình trạng « hỗn loạn hoàn toàn », thậm chí có người còn nghĩ đến tình huống xấu nhất là xảy ra « nội chiến ». Liên hiệp châu Âu chỉ lối ra ở Athènes Về phần mình, châu Âu vẫn tỏ ra cứng rắn trên hồ sơ Hy Lạp. Trong lúc chờ đợi kết quả bầu lại quốc hội , diễn ra vào ngày 17/6 sắp đến, Liên hiệp châu Âu bí mật trường trình về khả năng gạt quốc gia này ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu. Chủ đề này được báo Libération thuật lại trong bài viết « Liên hiệp châu Âu chỉ lối ra ở Athènes ». Một nhóm làm việc bao gồm các nhà lãnh đạo Ngân sách khu vực đồng euro cũng như là đại diện của Ủy ban và Ngân hàng trung ương châu Âu (BCE) đã được thành lập kín đáo để lên kế hoạch tỉ mỉ cho dự án « Grexit », tên viết tắt của cụm từ « Greece exit » (lối thoát của Hy Lạp). Libération trích dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao cho biết châu Âu cần phải chuẩn bị trước các « kịch bản khẩn cấp » trong trường hợp phải cho Hy Lạp ra khỏi khối. Theo nhận định của ông Karel De Gutch, ủy viên châu Âu phụ trách thương mại quốc tế thì « hồi cuối đã đến rồi ». Ông này cũng cho rằng « nếu phải bỏ phiếu về việc để cho Hy Lạp phải ra đi, thì có lẽ sẽ không có một quốc gia nào ủng hộ cho quốc gia này nữa ». Theo các quan chức ngoại giao, thì « [châu Âu] đã quá chán ngấy việc phải trả nợ cho một quốc gia mà một phần cam kết của họ vẫn không được thực hiện ». Họ cho rằng người dân Hy Lạp nên ý thức hơn về chính vận mệnh quốc gia của mình và đừng quá ảo tưởng vào việc châu Âu sẽ giảm nhẹ bớt các yêu sách. Châu Âu cho rằng họ « không hề có ý định đe dọa người Hy Lạp nhưng người dân cũng phải biết rằng lá phiếu của họ sẽ có những hậu quả nặng nề ». Theo Libération, ngoài các định chế của châu Âu, phần đông các ngân hàng và các doanh nghiệp lớn cũng phải chuẩn bị hiệu chỉnh các kịch bản để có thể đối phó với cơn sốc, có nguy cơ phải trả giá đắt không chỉ cho Hy Lạp mà cho cả khối đồng euro. Như vậy trong trường hợp xấu nhất phải xảy ra, tác động tài chính nào ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực đồng tiền chung châu Âu ? Đây cũng là một vấn đề mà báo Libération quan tâm đến. « Một sự đầu hàng đắt giá đối với kinh tế châu Âu » là nhận định và cũng là tựa đề của bài viết trên báo Libération. Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính thì khó có thể đánh giá tác động tài chính lên các nước thành viên trong khu vực đồng euro một khi Hy Lạp rút ra khỏi khối. Tuy nhiên, các ngân hàng và các viện nghiên cứu ước đoán rằng việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro, thì châu Âu có thể sẽ trả một cái giá khá đắt tương đương với 500 tỷ euro và kéo theo các thất thoát khổng lồ cho các doanh nghiệp. Về thời sự quốc tế, các báo Pháp hôm nay đều quan tâm đến buổi gặp gỡ giữa hai tổng thống Pháp François Hollande và tổng thống Mỹ Barack Obama. « Breakfast in America » là tít lớn trên trang nhất báo Libération. Đối với tờ báo, chuyến đi lần này là dịp để « ông Hollande khám phá thế giới mới của ông ». Ngay buổi gặp gỡ đầu tiên, trong một buổi điểm tâm tại Nhà Trắng, cả hai vị tổng thống đã tỏ ra khá thân thiện. Báo Le Figaro thì chạy tít « Obama – Hollande : đồng thuận về vấn đề tăng trưởng ». Trước thềm hội nghị G8, tổng thống Mỹ hối thúc châu Âu thúc đẩy mạnh nền kinh tế nhằm tránh một sự lây lan trên toàn cầu. Về điểm này, cả hai tờ báo cùng có chung nhận xét là vấn đề « khủng hoảng đồng euro » sẽ là mối bận tâm hàng đầu của hội nghị thượng đỉnh G8 tại Chicago. Đấy cũng sẽ là một mối đe dọa trực tiếp của việc tái tranh cử chức tổng thống của ông Obama. Theo cả hai tờ báo, cả hai vị tổng thống cùng đồng tình cho rằng « Hy Lạp phải ở lại trong khối đồng tiền chung châu Âu ». Le Figaro viết rằng : « Tăng trưởng kinh tế sẽ là ưu tiên hàng đầu, đồng thời chúng ta phải đưa vấn đề tài chính công vào trật tự thông qua các Hiệp ước kỷ luật ngân sách ». Tuy nhiên, trên hồ sơ Afghanistan, cả hai vị tổng thống vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Tổng thống Pháp một lần nữa nhắc lại cam kết do ông đưa trong quá trình vận động tranh cử, theo đó Pháp sẽ rút toàn bộ quân chiến đấu vào cuối năm 2012. Khi kẻ trộm tấn công vào nghệ thuật « Khi kẻ trộm tấn công vào nghệ thuật » là lời báo động của Le Figaro trên phụ san « Văn hóa và độc giả ». Tờ báo nhận định, Pháp là quốc gia hàng đầu châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các vụ đánh cắp các tác phẩm nghệ thuật. Khi màn đêm vừa buông xuống cũng là thời điểm thuận lợi cho các tên trộm hoạt động. Theo thống kê, năm 2011, tổng cộng đã có 24 vụ đánh cắp xảy ra trong các viện bảo tàng, lâu đài, phòng trưng bày và nơi thờ phượng. Theo một viên chỉ huy cảnh sát, thì Pháp và Ý là hai quốc gia hàng đầu trong tầm ngắm của các tên trộm. Chúng không chừa một thứ gì, từ chiếc compas, khẩu đại pháo, bức họa, hay các tấm thảm … Tuy nhiên, điều đáng quan ngại chính sự tiến triển của bản chất các vụ trộm. Giờ đây, các tên trộm bắt đầu tấn công vào các loại vật liệu quý hiếm : như sừng các con tê giác được trưng bày trong viện bảo tàng (do sừng tê giác được bán trên thị trường Trung Quốc với giá 30 ngàn euro/kg), ống xối nước tại nhà thờ lớn Saint-Denis, tay vịn lan can sắt thế kỷ 18 hay như các đồ chạm trổ kim hoàn và ngay cả chuông nhà thờ. Thậm chí đến các đồ vật thờ cúng như cây thánh giá, hàng rào và đồ đồng trong các nghĩa trang cũng bị đánh cắp. Y dược Trung Hoa, sản phẩm xuất khẩu Từ nhiều năm nay, phương Tây bắt đầu chú ý đến tác dụng của thuốc y học cổ truyền Trung Quốc. Đây cũng là cơ hội để cho các nhà sản xuất thuốc thảo dược cổ truyền Trung Hoa nghĩ đến chuyện thâm nhập vào thị trường phương Tây. Vấn đề đặt ra là chuẩn mực nào cần phải đặt ra cho phép thảo dược Trung Quốc vào thị trường châu Âu nhưng vẫn đảm bảo được độ an toàn cho người tiêu dùng. Được kiểm nghiệm từ 3000 năm lịch sử, được ghi nhận trong một phương pháp tiếp cận chung và được cá biệt hóa theo bệnh nhân, lại ít tốn kém, y học cổ truyền (YHCT) Trung Hoa có đủ cơ sở để quyến rũ người tiêu dùng phương Tây. Hôm thứ năm 10 và thứ sáu 11/5 vừa qua, một hội thảo quy tụ các nhà khoa học Trung Quốc và châu Âu đã diễn ra tại Bologne của Ý, nhằm tăng cường đối thoại giữa hai nền y học. Hiện nay tại Trung Quốc đang có trào lưu nhắm đến hiện đại hóa ngành YHCT và mở rộng thị trường dược thảo sang châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, xu hướng này đang gặp phải rào cản quy định của phương Tây và các đòi hỏi về thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt hơn. Le Monde cho biết, vào tháng 11/2007, dưới sự bảo trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, Bắc Kinh tuyên bố tiếp tục kế thừa YHCT Trung Hoa, với sự hỗ trợ của nền khoa học hiện đại và nhất thiết phải thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình hiện đại hóa và quốc tế hóa. Theo đó, Trung Quốc ưu tiên nghiên cứu các loại thuốc cách tân bằng cách dựa vào khả năng tiềm tàng của dược điển truyền thống. Dựa trên nền tảng tính hợp nhất của thân thể và tinh thần và dựa trên ý tưởng là chính sự mất cân bằng cảm xúc làm cho chúng ta trở nên yếu đuối trước bệnh tật, YHCT Trung Hoa dùng đến bảng phân loại và mạng lưới liên thông có hệ thống để đưa ra các điều trị xác đáng. Tuy nhiên, do tính chất cá biệt hóa của các thảo dược, nên các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được một phương pháp đánh giá tác hại của thuốc YHCT. Theo một vị giáo sư Trung Quốc « vấn đề là phải biết làm sao thực hiện được các nghiên cứu tập thể với một nền y học cá biệt hóa ». Trước mắt, chính quyền Trung Quốc nỗ lực làm sao đạt được giấy phép vào Mỹ và châu Âu các loại thuốc xuất xứ từ YHCT để điều trị các bệnh tim mạch, chống máu đông hay các lý bệnh lý tiền mãn kinh.
|