Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-05-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 17-05-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Anh   
Thứ Năm, 17 Tháng 5 Năm 2012 11:37

Sau Hy Lạp, là cả châu Âu

Tổng thống Pháp François Hollande (P) và thủ tướng Đức Angela Merkel sau cuộc họp báo chung, Berlin, 15/05/2012
REUTERS

Chính trị trong nước là đề tài chính trên các trang báo Pháp số ra hôm nay.

« Bình đẳng » là tít lớn trên trang nhất báo Libération. Tờ báo nhận định thành phần nội các mới của ông Jean-Marc Ayrault, thủ tướng mới của nước Pháp tôn trọng sự bình đẳng nam nữ và mọi xu thế của đảng Xã hội.

Báo thiên hữu Le Figaro lại cho rằng quan hệ giữa tổng thống đắc cử François Hollande và bà Martin Aubry, Tổng thư ký đảng Xã hội bắt đầu có sự rạn nứt qua hàng tít « Hollande – Aubry, sự chia tay ». Theo tờ báo, bà Aubry tỏ ra bất mãn khi ông Hollande đã chọn người bạn đồng hành là ông Jean-Marc Ayrault làm Thủ tướng.

Riêng tờ nhật báo Le Monde lại chạy tít « Trục Pháp-Đức đồng thuận về hồ sơ Hy Lạp ». Theo nhận định của tờ báo cặp đôi Merkel-Hollande khẳng định quyết tâm ủng hộ Hy Lạp, vào lúc mà cả hai nguyên thủ quốc gia vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về chính sách tăng trưởng cho Liên hiệp Châu Âu.

Đây cũng là chủ đề được nhật báo Le Figaro quan tâm đến qua bài xã luận đề tựa « Sau Hy Lạp, là châu Âu ».

Những ngày gần đây, giả thuyết Hy Lạp rút ra khỏi Liên hiệp châu Âu không còn là điều cấm kỵ nữa. Tuy nhiên, Le Figaro cho rằng phát ngôn quá đà này ẩn chứa nhiều mối hiểm nguy cho châu Âu. Và cũng may mắn là cả hai nhà lãnh đạo Pháp – Đức đã thẳng thắn khẳng định sự gắn bó của họ với sự toàn vẹn của châu Âu.

Có hai lý do để giải thích cho việc vì sao châu Âu, nhất là Pháp và Đức phải làm đủ mọi cách để duy trì Hy Lạp trong khối.

Trên phương diện chính trị, từ hai năm nay, cả khối Liên hiệp Châu Âu đã chiến đấu không mệt mỏi để duy trì khu vực đồng tiền chung.

 Các nước trong khối vượt qua mọi bất đồng để đến cứu nguy các quốc gia gặp khó khăn. Vì vậy, từ bỏ Hy Lạp sau ngần ấy nỗ lực chiến đấu sẽ dẫn đến thất bại nặng nề nhất trong lịch sử xây dựng châu Âu. Bởi vì, sau Hy Lạp, một nước khác như Tây Ban Nha – trước khi đến phiên các nước khác – có thể sẽ chịu chung số phận.

Lý do thứ hai là vấn đề tài chính. Trên lý thuyết, sự phá sản của Hy Lạp do phải chi trả hàng chục tỷ euro tiền nợ có lẽ sẽ không đặt châu Âu trong tình trạng nguy hiểm. Nhưng các phép tính vẫn chưa hề tính đến hiệu quả của sự lây lan và các thiệt hại khôn lường bên lề của sự việc.

Nếu như điều tệ hại nhất vẫn chưa bao giờ là chắc chắn, thì cũng không có gì biện minh được, trong bất kỳ trường hợp nào, cho một sự liều lĩnh như vậy.

Quan điểm này cũng được báo Le Monde đồng chia sẻ, trong bài xã luận đề tựa « Berlin, Paris, Athena và lời cảnh báo của thần Dớt (Zeus ) ».

Trong bối cảnh, Hy Lạp vẫn chưa tìm được cho mình một chính phủ và người dân nước này lại phải quay lại với các thùng phiếu, thị trường chứng khoán tụt giảm, lãi suất vay của Tây Ban Nha và Ý bị lên cao khiến cho tăng trưởng trở nên èo uột … do đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi máy bay của ông Hollande khi đang trên đường đến Berlin bị sét đánh trúng. Bởi vì : thần Dớt (vua của các vị thần trong thần thoại Hy Lạp) cũng muốn nhấn mạnh tầm mức trầm trọng theo cách của riêng mình.

Theo tờ báo, đầu tiên hết vận mệnh của Hy Lạp cũng do chính người dân quyết định. Tuy nhiên, việc đề nghị Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro dù là bằng cách ép buộc hay qua thỏa thuận đều có thể có một tác động tàn phá nặng nề.

Đối với châu Âu, sự ra đi của một thành viên trong khối sẽ dẫn đến một thất bại thảm khốc. Đó là một khu vực đồng tiền chung giàu có lại không thể nào đến cứu vãn được một thành viên của mình, mà khoản nợ chỉ chiếm có 2% của tổng sản phẩm quốc nội của toàn khối. Cú thất bại này sẽ để lại hình ảnh xấu cho đồng euro.

Đối với người dân Hy Lạp, đó sẽ còn là một bi kịch tệ hại hơn bi kịch mà họ đang trải qua hiện nay. Bởi vì, nếu họ phải quay trở lại với đồng tiền đracmơ cũ của mình, điều đầu tiên xảy đến chính là đồng tiền này sẽ bị giảm giá đến 50% vì một lý do rất đơn giản : người Hy Lạp chẳng có gì để mà xuất khẩu cả. Thậm chí, mức sống có lẽ sẽ còn rơi xuống không chỉ 10 hay 20% mà là đến 50%.

Đất nước cần có đầu tư, chứ không phải là sự giảm giá trị cạnh tranh. Đó quả thật là một sự lãng phí. Bởi vì một phần con đường đã được thực hiện.

Cuối cùng, bài viết cho rằng « chúng ta chỉ còn biết hy vọng rằng lời cảnh báo của thần Dớt đã được nghe thấu ».

Người dân Hy Lạp đổ xô đi rút tiền tại các ngân hàng

Trong khi hai nhà lãnh đạo Pháp – Đức bày tỏ quyết tâm duy trì Hy Lạp trong khối đồng tiền chung châu Âu, thì tại xứ sở của thần Dớt, người dân đổ xô đến các ngân hàng rút hết tiền mặt.

 Đáng lo ngại nhất là Ngân hàng trung ương châu Âu đã cho ngưng các hoạt động cấp lại vốn cho một số ngân hàng tại quốc gia này.

Theo Le Figaro, từ hồi đầu tuần này, người dân Hy Lạp đã lũ lượt kéo nhau đến rút hết tiền tại các ngân hàng để cất giữ tại nhà. Hơn một tỷ euro đã được rút ra tính từ hôm thứ hai đầu tuần (tương đương với khoảng 700-800 triệu euro/ngày).

Hiện tượng này đã từng xảy ra một lần vào tháng 4/2010, trong vòng có vài ngày người dân đã rút ra hơn 8 tỷ euro trước khi kế hoạch cứu trợ đầu tiên của IMF được thực hiện.

Như vậy, tính từ năm 2010 đến nay thì khoảng 75 tỷ euro đã được rút ra từ các ngân hàng Hy Lạp.

Tuy nhiên, lượng tiền hụt đi này sẽ không được ngân hàng trung ương châu Âu bù đắp lại, cơ quan duy nhất có thể cung cấp tiền mặt vô giới hạn cho các ngân hàng. Trong trường hợp này, Hy Lạp còn phải đợi sự chấp thuận của BCE đến cứu trợ cho các ngân hàng Hy Lạp, một khả năng ngày càng ít chắc chắn.

Một tín hiệu xấu khác có thể làm trầm trọng thêm tình hình tại Hy Lạp. Hôm qua, thứ tư 16/5/2012, BCE tuyên bố sẽ ngưng các hoạt động tái cấp vốn cho một số ngân hàng Hy Lạp, « do các ngân hàng này đã không được tái đầu tư vốn một cách đúng đắn ». Thậm chí, ông Mario Draghi, chủ tịch BCE còn gợi ý đến việc để cho Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro.

Thế nhưng, theo nhận xét của một chuyên gia phân tích tài chính thì BCE không thể nào bỏ rơi Hy Lạp, bởi lẽ nếu quốc gia này rời khỏi khu vực đồng euro, thì « tất cả các ngân hàng trung ương các nước thành viên sẽ phải trả giá đắt. Một điều không ai mong muốn.

Việc ra lệnh trục xuất Hy Lạp cũng không thể nào có được, bởi lẽ nếu chuyện này xảy ra, thì cả khối euro chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn ».

Một điều đáng chú ý là trong khi các ngân hàng đang khốn khổ với lượng tiền mặt đang khan hiếm dần, thì ngành kinh doanh tủ sắt an toàn lại phất lên đáng kể.

Doanh thu trong lãnh vực này trong những ngày gần đây tăng lên đến 40%. Lượng hàng tồn kho cũng không đủ cung cấp cho khách hàng.

 Các nhà kinh doanh phải liên tục đặt hàng từ các nhà sản xuất Ý. Thậm chí, các nhà kinh doanh phải mua lại các tủ sắt cũ, sau đó cải tạo lại để có thể cung cấp cho khách hàng. Thế mới biết, trong khủng hoảng cũng có kẻ vẫn trục được lợi.

Trung Quốc, mảnh đất màu mỡ của các nhãn hiệu cao cấp

Nếu như người dân tại xứ sở của thần Dớt đang khốn khổ với các chính sách thắt lưng buộc bụng, thì tại vùng châu Á, đất nước của Vạn Lý Trường Thành lại đang trở thành thiên đường cho các đại gia của thương hiệu cao cấp.

Theo Le Monde, quốc gia này sẽ còn là « mảnh đất hứa hẹn của các nhãn hiệu cao cấp cho ít nhất 5 năm nữa ».

 Với sự xuất hiện của tầng lớp người giàu mới và tầng lớp trung lưu mới trỗi dậy (ước tính khoảng 130 triệu người), thị trường sản phẩm cao cấp Trung Quốc hiện đang chiếm đến 17% thị phần thế giới và có thể sẽ trở thành thị trường hàng đầu về mặt hàng cao cấp vào năm 2015.

Các chuyên gia ước đoán, tăng trưởng của nền thị trường cao cấp hiện nay đang ở mức từ 18% đến 22%. Và mức tăng này sẽ còn tiếp tục đi lên trong vòng 10 năm nữa, « ngoại trừ có các biến cố chính trị hay xã hội nghiêm trọng ».

Theo các chuyên gia, tầng lớp trung lưu mới này chính là thế hệ được mệnh danh là « cục cưng thế hệ thứ 2 ». Đây chính là những đứa con thừa tự của những bậc triệu phú hiện nay. Họ sẽ được thừa hưởng toàn bộ tài sản của cha mẹ, do không có anh chị em (hệ quả của chính sách một con) và do luật thừa kế cũng không hiện hữu tại Trung Quốc.

Theo thống kê cho biết, đất nước Vạn Lý Trường Thành đã có nửa triệu người có mức thu nhập trên 750 ngàn euro/ năm. Chưa kể đến là vào năm 2020, sẽ có thêm 330 thành phố có mức sống cao hơn của Thượng Hải hiện nay.

Ông Jean-Marc Bellaiche, giám đốc của Boston Consulting Group, nhận thấy rằng vòng tiêu thụ cổ điển luôn bắt đầu từ mỹ phẩm, rồi đến các loại đồng hồ đeo tay, các mặt hàng da thuộc, nữ trang, cuối cùng là thời trang và du lịch.

 Nỗi đam mê dành cho các thương hiệu cao cấp đến mức các loại túi xách tay bằng giấy có khắc Louis Vuitton, Chanel, Gucci, Dior, Hermes … cũng được bán lại trên mạng Internet như là đi bán bánh mì. Với những chiếc túi xách này, người Trung quốc còn muốn chứng tỏ rằng « họ có tiền để mua các xa xí phẩm, nhưng trên thực tế chỉ để đựng đồ ăn trưa thôi », theo như nhận xét của ông Bernard Malek, cộng tác viên của văn phòng tư vấn Roland Berger.

Le Monde cho biết, các tập đoàn lớn như LVMH, Richemont, PPR, Chanel hay Hermes (đứng đầu là thương hiệu Louis Vuitton, Cartier, Gucci…) đang đua nhau gầy dựng cơ sở tại Trung Quốc.

Hơn nữa, giá bán các mặt hàng xa xí phẩm tại Trung Quốc mắc hơn tại Hồng Kông đến 30% và tại châu Âu đến 40%.

 Theo quan sát của các chuyên gia, thì các thương hiệu lớn phải đưa ra các kiểu mẫu mã hàng hóa y như là tại New York hay Paris, « [n]ếu các tập đoàn này sản xuất các sản phẩm đặc trưng theo kiểu Trung Quốc, thì khách hàng Trung Quốc không thích ».

Mặt khác, đầu tư vào sản phẩm cao cấp tại Trung Quốc cũng chính là gieo hạt nảy mầm ở nơi khác vậy. Người Trung Quốc tiêu xài tài sản của họ ở nơi khác. Chủ tịch tập đoàn Cartier ước tính, lượng khách du lịch Trung Quốc, hiện nay ước tính khoảng 75 triệu người/ năm có thể sẽ tăng lên gấp đôi trong vòng năm năm nữa.

Tên trộm đào hoa Arsene Lupin trở về

Cuối cùng trong lãnh vực văn chương, Le Figaro mang đến một thông tin mới cho những ai hâm mộ nhân vật Arsene Lupin, tên trộm đào hoa nổi tiếng của tác giả Maurice Leblanc.

 Theo tờ báo, vào ngày 22/5 này, nhà xuất bản Balland sẽ cho phát hành tập truyện mang tựa đề « Mối tình cuối cùng của Arsene Lupin » kể lại chuyến phiêu lưu cuối cùng của nhân vật nổi đình nổi đám, từng cuốn hút hàng triệu con tim độc giả, đến mức mà tại Pháp người ta thành lập « Hiệp hội những người bạn của Arsène Lupin ».

Theo Le Figaro bản thảo của tác phẩm này đã được cất kỹ trong tủ từ mấy chục năm nay, giữa hàng tá đống giấy tờ cá nhân của ông Maurice Leblance.

 Trong thời gian chuẩn bị tái bản lại các mẩu chuyện Arsene Lupin dưới hình thức một quyển sách khá đẹp và theo bản gốc, quyển sách tựa đề « Các cuộc phiêu lưu ly kỳ của Arsene Lupin », ông Jean-Claude Gawsewitch, chủ nhà xuất bản cùng tên Balland đã thuyết phục được bà Florence Leblanc, cháu nội của tác giả Maurice Leblanc cho phát hành bản thảo cuối cùng.

Le Figaro cho biết, « câu chuyện tình cuối cùng của Arsene Lupin » được viết trong khoảng giữa năm 1936 và 1937. Vào thời điểm này, ông Maurice Leblanc đã bị bệnh tai biến mạch máu não nhẹ, do đó ông không thể nào hoàn thành công tác chỉnh sửa .

Điểm đáng ngạc nhiên của cuộc phiêu lưu cuối cùng là ở đó, người đọc sẽ tìm thấy ở Arsène Lupin, một tên trộm đào hoa khét tiếng lại mang trên mình chiếc áo của một nhà giáo dục với một tâm hồn cao thượng. Ông dạy dỗ những đứa trẻ nghèo sống ở những vùng ngoại ô phía Bắc Paris.

 Bà Florence Leblanc cho biết rằng bà đã khá ngạc nhiên khi đọc bản thảo. Bà nói : « Nhân vật Arsene Lupin đã cho tôi có cảm nhận về tính hiện đại trong tác phẩm. Anh ta đóng vai một nhà giáo dục giúp những người trẻ gặp khó khăn. Bởi lẽ, những cậu bé này sống tại các vùng ngoại ô trong câu chuyện khá giống với những đứa bé của thời buổi hiện nay ».