Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-05-2012 |
Tác Giả: Tuấn Thảo |
Thứ Tư, 16 Tháng 5 Năm 2012 10:10 |
Tiền nào của nấy : Vấn đề an toàn dược phẩm Trung Quốc Một cửa hiệu quốc doanh bán thuốc tây tại Bắc Kinh (Reuters) Trung Quốc là một trong những nơi mà giá dược phẩm thuộc vào hàng rẻ nhất thế giới, ít ra là giá của các loại thuốc thông dụng. Nhưng liệu các loại thuốc rẻ như vậy có đủ an toàn cho người tiêu dùng hay không. Câu hỏi này được đặt ra trong bài phóng sự điều tra đăng trên báo Le Monde, số đề ngày hôm nay 16/05/2012. Dư luận Trung Quốc thật sự quan tâm đến vấn đề này sau khi báo chí nước này phanh phui ra nhiều vụ tai tiếng gần đây. Ngày 15 tháng tư vừa qua, đài truyền hình quốc gia CCTV tiết lộ 13 loại thuốc thông dụng, sản xuất tại Chiết Giang, có một lượng crôm quá cao. Ngay sau bài phóng sự truyền hình, chính quyền địa phương đã ra lệnh tịch thu 77 triệu viên thuốc, và đóng cửa nhiều xưởng sản xuất không có giấy phép hoạt động hợp lệ. Trong vụ này, 9 nghi can đã bị công an bắt giữ. Vụ tai tiếng tưởng chừng dừng lại ở đây, nhưng vài ngày sau đó, loại thuốc có nhiều chất crôm này lại được phát hiện ở thành phố Trịnh Châu, cách Chiết Giang hàng trăm cây số. Hầu như vào cùng một thời điểm, tại tỉnh Hà Bắc, một nhân viên đã phóng hỏa đốt một nhà máy sản xuất chất keo dùng để bào chế thuốc tây. Theo Tân Hoa Xã, nhân viên này theo lệnh của chủ công ty dược phẩm, đã cố tình phóng hỏa để phá hũy các tang chứng, do đang có cuộc điều tra liên quan đến các đường dây sản xuất dược phẩm thiếu chất lượng. Theo báo Le Monde, các vụ tai tiếng này một mặt cho thấy hệ thống kiểm tra y tế tại Trung Quốc còn lỏng lẻo, và như vậy liệu các loại thuốc bày bán trên thị trường có đủ tiêu chuẩn hay chăng. Mặt khác, liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng, ngoài tệ nạn thuốc giả, thành phần dân nghèo Trung Quốc giờ đây còn mắc thêm một cái eo : dược phẩm được công nhận là chính hiệu chưa chắc gì là đủ an toàn. Vấn đề ở đây theo Le Monde tiềm tàng trong chính sách y tế mà Bắc Kinh đã ban hành. Trong thời gian qua, chính quyền đã có nhiều nỗ lực để giảm giá các dược phẩm thông dụng nhất. Mục tiêu là tạo điều kiện chăm sóc cho đại đa số người dân, nhất là tầng lớp dân nghèo thường dễ bị ‘‘cháy túi’’ khi phải chạy thuốc men. Vào năm 2009, Bắc Kinh đã công bố một danh sách 307 lọai thuốc với giá rất mềm, dùng để chữa trị các chứng bệnh như nhức đầu, đau bụng, viêm họng, tiểu đường, sổ mũi, sưng mắt … Để có thể mua thuốc với giá rẻ, chính quyền cấp trung ương cũng như địa phương thường gọi thầu, rồi chọn công ty dược phẩm theo giá trị hợp đồng thấp nhất. Việc mua thuốc ở đây là nhằm để cung cấp cho toàn bộ các bệnh viện công cộng, cho các cửa hiệu dược phẩm quốc doanh. Sắp tới đây, chính quyền dự trù bổ sung thêm danh sách này, từ 300 nâng lên đến 800 loại thuốc khác nhau, trong đó có cả một số thuốc trị ung thư và các chứng rối loạn tim mạch. Lợi bất cập hại : chính sách y tế của Bắc Kinh chẳng khác gì một hình thức ép giá đối với các công ty dược phẩm Trung Quốc. Để có thể chế biến thuốc tây với giá thành thật thấp, một số viện bào chế buộc phải tiết kiệm công đoạn sản xuất, hoặc là mua nguyên liệu làm thuốc với giá cực rẻ. Theo cô Mandy Chui, chuyên viên thuộc công ty nghiên cứu và tư vấn y tế IMS Health, việc chạy theo giá thành được đặt lên hàng đầu, còn chất lượng bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Vấn đề là không có đủ các cơ quan nhà nước để kiểm tra chất lượng dược phẩm, bởi vì chỉ có công việc kiểm tra thường xuyên mới cho thấy là một viện bào chế có thay đổi thành phần nguyên liệu hay không : công thức không thay đổi nhưng thay vì dùng chất tốt nhất, người ta lại dùng nguyên liệu rẻ hơn. Theo ông Jason Mann, chuyên gia nghiên cứu thị trường thuộc ngân hàng Barclays, việc nhà nước áp đặt bảng giá thấp khiến cho các công ty sản xuất dược phẩm Trung Quốc càng chạy theo lôgic ‘‘tiết kiệm’’, chất lượng vì thế mà khó được bảo đảm. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng chính sách áp đặt giá thuốc thật thấp của Bắc Kinh, khiến cho các tập đoàn dược phẩm Trung Quốc và các công ty nước ngoài không bao giờ tham gia đấu thầu để giành lấy hợp đồng cung cấp. Trong khi đó, các công ty dược phẩm cỡ nhỏ và trung bình dễ đấu thầu hơn, thì lại ít bị kiểm soát so với các thương hiệu lớn. Có một điều nghịch lý là Trung Quốc hiện là nền kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới nhưng hệ thống bảo hiểm y tế tối thiểu chỉ chi 240 nhân dân tệ tức khoảng 37 đô la hàng năm cho mỗi đầu người. Để có thể cung cấp tối đa thuốc men cho dân chúng, chính quyền Trung Quốc lại chọn phương thức tối thiểu, để rồi chóng quên rằng : dù có muốn cách mấy, một công ty dược phẩm khó thể nào mà xuống thấp hơn giá thành sản xuất. Tiền nào của nấy, của rẻ là của ôi là điều mà ngay cả ngành dược phẩm chính hiệu cũng khó thể tránh khỏi. Nhiệm kỳ tổng thống Pháp đoạn tuyệt với sự phô trương Về thời sự nước Pháp, hầu hết các báo hôm nay đều đăng trên trang đầu bức ảnh chụp của ông François Hollande, nhân ngày ông nhậm chức tổng thống hôm qua. Chỉ có một mình tờ báo kinh tế Les Echos là đăng tấm chân dung của ông Jean Marc Ayrault, vừa được bổ nhiệm làm thủ tướng, một nhân vật mà tờ báo đánh giá là kín đáo, chừng mực, thận trọng. Nội trong ngày hôm nay, ông sẽ phải công bố thành phần nội các. Riêng về ông Hollande, báo Le Figaro chạy tựa : một nhiệm kỳ tổng thống thiên tả. Từ báo công giáo La Croix đăng tít : Những bước đầu của ông Hollande, và nhận xét là việc chuyển giao quyền hành đã diễn ra khá êm thấm. Tờ L’Humanité đăng hàng tít đậm : Ông Hollande vào điện Elysée, và nhận định ngay ở dòng tựa phía bên dưới : Hết rồi thời kỳ bling bling, hàm ý là trái với tổng thống tiền nhiệm Sarkozy, ông Hollande sẽ không có phong cách phô trương bề ngoài. Còn báo Libération gọi đó là một sự Đoạn Tuyệt. Có một điều rất lạ là khi đưa tin hôm qua về buổi lễ nhậm chức của tân tổng thống Pháp, một số báo đài ngoại quốc lại bàn nhiều về phu nhân tổng thống là bà Valérie Trierweiler, từ vai trò cho đến cung cách ăn mặc. Đối với Libération thì điều này không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm, vì phu nhân tổng thống cũng là một trong những biểu tượng của sự đoạn tuyệt. Đa số người Pháp còn nhớ là vào năm 2007, khi ông Sarkozy đắc cử, phu nhân tổng thống lúc bấy giờ là Cécilia Sarkozy đã xuất hiện lộng lẫy trong kiểu áo thời trang Prada, còn những đứa con của cặp vợ chồng Sarkozy thì mặc trang phục y hệt như tài tử điện ảnh đi dự dạ hội, đứng trên bục thảm đỏ để cho hàng loạt phóng viên nhiếp ảnh chụp hình. Một năm sau (2008), khi ông Sarkozy tái hôn với người mẫu Carla Bruni, cô xuất hiện trong bộ áo cưới của hiệu thời trang Hermès, và trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, Carla mỗi lần xuất hiện trước công chúng, lúc nào cũng chăm sóc vóc dáng của mình với những kiểu y phục đắt tiền. Sự đoạn tuyệt lần này trong nhiệm kỳ của ông Hollande, là phu nhân tổng thống không dùng những hiệu thời trang hạng sang hay cao cấp (haute couture). Bà Valérie Trierweiler chỉ mặc các kiểu y phục may sẵn (prêt-à-porter). Các thương hiệu này dễ tìm thấy trên thị trường, phong cách kín đáo chứ không phô trương, nhưng quan trọng hơn cả là Made in France, tức là được sản xuất tại Pháp, hợp với chủ trương tái lập cơ sở sản xuất trên đất Pháp để tạo công ăn việc làm cho dân Pháp, (thay vì chuyển dời sang nước khác). Theo Libération, rõ ràng là tổng thống Hollande và phu nhân đều nỗ lực tạo một hình ảnh khác với người tiền nhiệm, vốn bị chỉ trích là qúa phô trương. Vào thời đại hình ảnh ngự trị thông tin, tờ báo cho rằng phu nhân tổng thống lại càng phải chọn lựa cách ăn mặc, tránh để cho hình ảnh đi ngược lại các nét thể hiện cho sự ‘‘bình thường’’ mà ông Hollande đề cao. Trung thành với lối chơi chữ, tờ báo chạy tựa Bling Bling bị đo ván, hàm ý trong sự đối chọi giữa hai hình ảnh rốt cuộc thì : phong cách kín đáo đã đánh ngã gục thái độ phô trương. Khai mạc liên hoan Cannes lần thứ 65 Trong lãnh vực văn hóa, do liên hoan điện ảnh quốc tế Cannes 2012, chính thức khai mạc hôm nay cho nên tất cả các báo đều dành nhiều bài vở nói về sự kiện này. Báo Libération đăng bài phỏng vấn chủ tịch ban giám khảo là đạo diễn người Ý Nanni Moretti. Tờ Le Figaro, nhân sinh nhật lần thứ 65 của liên hoan Cannes, điểm lại những bộ phim từng đoạt Cành cọ vàng. Le Figaro đánh giá rằng với khoảng cách thời gian, những bộ phim có giá trị đích thực cho tới nay xem lại vẫn còn hay, trong khi đó một số phim được chấm giải nhất do “ngẫu hứng’’ bất chợt của ban giám khảo vào thời đó, bây giờ xem lại chưa chắc đã hay. Báo La Croix ghi nhận là ngoài 3 phim của nước chủ nhà là Pháp, chương trình tranh giải Cành cọ vàng năm nay đánh dấu sự trỗi dậy của lục địa châu Mỹ với Canada, Hoa Kỳ, Mêhicô và Brazil. Trong khi làn sóng châu Á vốn rất hùng mạnh những năm trước lại có dấu hiệu ‘‘thoái trào’’. Nhìn chung có nhiều tên tuổi gạo cội xuất hiện trở lại tại Cannes năm nay, trong đó có nhiều người từng đọat Cành cọ vàng. Tuy nhiên, tờ báo La Croix đặt nhiều kỳ vọng vào các tài năng mới, có thể tạo được cú đột phá bất ngờ đặc biệt là bộ phim mang tựa đề Sau trận chiến của đạo diễn Ai Cập Nousry Nasrallah nói về làn gió của phong trào Mùa xuân Ả Rập thổi qua thủ đô Cairo. |