Home Tin Tức Thời Sự Phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-2 của Việt Nam

Phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-2 của Việt Nam PDF Print E-mail
Tác Giả: Anh Vũ   
Thứ Tư, 16 Tháng 5 Năm 2012 09:38

Vinasat 2 do công ty Mỹ Lockheed Martin chế tạo, nặng gần 3 tấn

 

  Tên lửa Ariane 5 phóng đi từ Guiana (Pháp) đưa 2 vệ tinh VINASAT-2 và JCSAT-13 lên quỹ đạo, 16/05/2012
REUTERS/ESA/Arianespace/Handout

 

Theo AFP, vào lúc 5 giờ 13 phút ngày 16/5/2012, từ căn cứ vũ trụ Kourou trên đảo Guyane thuộc Pháp, tên lửa Ariane 5 đã đưa thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-2 của Việt Nam lên quỹ đạo.

 Ngoài VINASAT-2, trong lần phóng này, tên lửa Ariane 5 còn mang theo vệ tinh viễn thông JCSAT-13 của công ty Nhật Sky Perfect JSAT Corporation. Cả hai vệ tinh đã được đưa lên quỹ đạo quanh trái đất đúng như dự kiến.

Đây là vệ tinh viễn thông thứ 2 của Việt Nam sau VINASAT-1 được phóng lên hồi tháng Tư năm 2008.

Vinasat 2 do công ty Mỹ Lockheed Martin chế tạo, nặng gần 3 tấn . Dự tính, vùng phủ sóng của VINASAT-2 bao gồm khu vực Đông Nam Á và một số nước lân cận. Vệ tinh có tuổi thọ thiết kế 15 năm, được sử dụng với mục đích phủ sóng viễn thông trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Dự án VINASAT-2 được chính phủ Việt Nam đầu tư khoảng 300 triệu đô la và được giao cho chủ đầu tư chính là tập đoàn nhà nước Bưu chính Viễn thông (VNPT) quản lý khai thác.

Theo báo chí Việt Nam, vệ tinh VINASAT-1, sau 4 năm đi vào hoạt động, đã được khai thác gần hết dung lượng.

 Hiện đã có gần 150 kênh truyền hình, các mạng viễn thông sử dụng VINASAT-1 để phủ sóng tại Việt Nam và một số nước láng giềng như Cam Bốt, Thái Lan. Dịch vụ của VINASAT-1 được đánh giá là có hiệu quả.

Hình ảnh quá trình phóng vệ tinh VINASAT-2 đã được truyền trực tiếp về Hà Nội sáng nay với sự chứng kiến của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhiều quan chức chính phủ.

 Theo thủ tướng Việt nam, dự án này có ý nghĩa chính trị và kinh tế - xã hội quan trọng, VINASAT-2 được phóng thành công sẽ củng cố an toàn cho mạng viễn thông quốc gia.

 Ngoài ra, sự có mặt của VINASAT-2 cũng khẳng định vị trí chủ quyền của Việt Nam trên quỹ đạo.