Anh Quốc: Olympic Luân Đôn 2012 "xanh" nhất trong lịch sử |
Tác Giả: Đức Tâm |
Thứ Hai, 14 Tháng 5 Năm 2012 12:08 |
Nhờ có sự kiện này mà một khu công nghiệp cũ, bị ô nhiễm nặng, đã được cải tạo lại Một góc khu Olympic Luân Đôn 2012
Năm 2005, khi thủ đô Luân Đôn được lựa chọn làm nơi tổ chức Thế Vận Hội mùa hè 2012, thủ tướng Anh lúc đó, ông Tony Blair đã tuyên bố rằng Olympic 2012 sẽ là « Thế Vận Hội xanh nhất » chưa từng thấy. Tuy nhiên, còn phải chờ xem trong nhiều tháng tới, thậm chí nhiều năm tới, lời hứa này có được thực hiện hay không. Thực ra, tất cả các nước đăng cai Olympic đều hứa tổ chức một Thế Vận Hội đẹp hơn, hoành tráng hơn và « sạch – xanh » hơn. Thế nhưng, sau Thế Vận Hội, các cơ sở hạ tầng bằng beton, hàng km đường xá và hàng tấn rác, chất thải được xử lý ra sao ? Ông John Sauven, giám đốc điều hành tổ chức Greenpeace tại Anh mỉa mai : « Thế Vận Hội xanh, hơi mâu thuẫn đấy ». Trong kỳ nghỉ cuối tuần hoặc trong khoảng 15 ngày, nước chủ nhà mời gọi, đón tiếp một số lượng rất lớn du khách. Máy bay chuyên chở hành khách tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Du khách hồi hương cũng bằng phương tiện này. Do vậy, khó có thể gọi đó là phát triển bền vững. Tuy nhiên, đại diện tổ chức Greenpeace cũng thừa nhận những khía cạnh tích cực của Thế Vận Hội Luân Đôn 2012 : Nhờ có sự kiện này mà một khu công nghiệp cũ, bị ô nhiễm nặng, đã được cải tạo lại. Sau Thế Vận Hội, khu công nghiệp này sẽ được đưa vào mạng lưới hạ tầng đô thị để khai thác. Còn tại Hy Lạp, rất nhiều cơ sở đã bị bỏ hoang, hư hỏng sau Thế Vận Hội Athens. Quần thể Olympic Luân Đôn đã được xây dựng trên một khu vực công nghiệp cũ, ở phía đông thủ đô Anh Quốc. Ông David Stubbs, thuộc Locog, cơ quan chịu tránh nhiệm tổ chức Olympic Luân Đôn 2012, nhấn mạnh : « Ngay từ đầu, vấn đề phát triển bền vững đã được tính tới ». Cụ thể, 2 triệu tấn đất bị ô nhiễm đã được khử sạch và tái sử dụng tại chỗ, để tránh phải vận chuyển, tốn kém về năng lượng. Các công trình xây dựng ưu tiên dùng những vật liệu có hàm lượng carbon thấp, với mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải CO2. Nước mưa cũng được tái sử dụng. Tổ chức Greenpeace và « Những người bạn của Trái Đất » hoan nghênh nỗ lực này, nhưng đồng thời cũng lấy làm tiếc là một số cơ hội đã bị bỏ lỡ: Việc từ bỏ dự án điện gió, làm giảm tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo, từ 20% xuống còn 12%. Mặt khác, giới bảo vệ môi trường phê phán là sự hiện diện của một số tài trợ đã làm xấu đi hình ảnh của Thế Vận Hội, ví dụ như tập đoàn dầu khí Anh Quốc British Petroleum –BP, tác nhân gây ra vụ thủy triều đen ở Vịnh Mêhicô, hay tập đoàn Dow Chemical, mua lại công ty hóa chất Union Carbide, thủ phạm gây ra thảm họa Bhopal ở Ấn Độ. Ông John Sauven châm biếm : « Đã có những cải tiến tuyệt vời ở phía đông Luân Đôn, nhưng không có Bhopal ». Trong đợt tới thăm công trường xây dựng khu Olympic Luân Đôn hồi tháng Tư vừa qua, ông Achim Steiner, giám đốc Chương trình Liên Hiệp Quốc vì môi trường – PNUE, nhận định là còn có thể cải thiện được nhiều việc. Các sự kiện như Thế Vận Hội lẽ ra không nên thải thêm khí gây hiệu ứng nhà kính. Lợi thế chính của Olympic Luân Đôn 2012, đó là cư dân các khu vực nghèo sẽ được hưởng mạng lưới giao thông hiện đại, nhà ở với giá phải chăng, một trung tâm thương mại, một bể bơi và khu công viên nhân tạo Hyde Pack. Sông Lee đã được làm sạch và 33 cây cầu sẽ giúp cho người dân qua lại dễ dàng. Bà Kathryn Firth, thuộc « London Legacy Development Corporation », cơ quan phục trách quản lý các cơ sở hạ tầng sau Thế Vận Hội cho biết : Quãng đường trong thung lũng sông Lee trước kía rất bẩn, nay trở thành khu đa dạng sinh học. Tổ chức này đưa ra nhiều dự án sau Thế Vận Hội : Mở cửa khu công viên vào năm 2014, xây 8000 căn hộ, 3 truờng học và 9 nhà trẻ… Khi được hỏi là nếu kinh tế chưa phục hồi thì sao, bà Firth khẳng định là các dự án vẫn sẽ được thực hiện, nhưng với tốc độ chậm hơn. |