Home Tin Tức Thời Sự Châu Âu: Biểu tình khắp nơi chống chính sách khắc khổ

Châu Âu: Biểu tình khắp nơi chống chính sách khắc khổ PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Nghĩa   
Chúa Nhật, 13 Tháng 5 Năm 2012 20:43

Hàng vạn người đã xuống đường khắp nơi để tố cáo tình trạng khủng hoảng, tham những và thất nghiệp

 

Biểu tình của những người "phẫn nộ" tại Madrid, Tây Ban Nha, 12/05/2012
REUTERS

 

Cả trăm ngàn người ở Tây Ban Nha, hàng ngàn người ở Bồ Đào Nha, hàng trăm người ở Anh, Ý, Đức… Vào hôm qua, 12/05/2012, đông đảo người dân trên lãnh thổ châu Âu đã xuống đường kỷ niệm một năm ngày phong trào những người "phẫn nộ" bùng lên tại Tây Ban Nha, rồi lan ra khắp mọi nơi trên thế giới.

Khẩu hiệu chung của những người xuống đường vẫn là chống lại chính sách khắc khổ đang được nhiều chính quyền áp dụng, đẩy người dân vào cảnh khó khăn cùng cực.

Tại Tây Ban Nha, quê hương của phong trào những người " phẫn nộ " (indignados), hàng vạn người đã xuống đường khắp nơi để tố cáo tình trạng khủng hoảng, tham những và thất nghiệp.

Ở Madrid, hơn 30.000 ngàn người vào tối hôm qua đã tràn về quảng trường Puerta del Sol tại trung tâm thành phố và ở lại đó qua đêm, bất chấp lệnh cấm của chính quyền là phải giải tán sau 22 giờ.

Chính trên quảng trường này, ngày 15/05/2011, phong trào những người " phẫn nộ " hình thành, chống lại chính sách khắc khổ do chính quyền áp dụng, làm tình trạng thất nghiệp tăng vọt tại Tây Ban Nha.

 Một năm sau, tình hình vẫn không có gì thay đổi, thậm chí còn ngặt nghèo thêm, sau khi chính phủ cánh tả bị cử tri bất tín nhiệm thay bằng cánh hữu.

Thông tín viên François Musseau tại Madrid đã có mặt trong đoàn người xuống đường hôm qua:

"Bỏ phiếu không phải là khoán trắng", "Họ không thể đè đầu chúng ta", hoặc "Vì một mùa xuân toàn diện, toàn cầu và vô thời hạn"... Đó là những khẩu hiệu mà những người tập họp tại quảng trường Callao, ở ngay trung tâm Madrid, tự viết trên các tấm biển của mình.

Họ gồm hàng trăm người " phẫn nộ ", tập hợp tại đây, trước khi tiến về quảng trưòng Puerta del Sol, nơi mà rất nhiều người muốn cắm trại một cách tượng trưng như họ đã làm cách một năm, cho dù cảnh sát đã được lệnh ngăn chặn bằng mọi cách.

Điều đáng ngạc nhiên tại quảng trường Callao là thái độ bình tĩnh nhưng cương quyết của người biểu tình.

 Monica, một nữ sinh viên đến đây cùng với hai người bạn, cho biết là cô nhất quyết không bỏ lỡ dịp này : " Tôi thấy là sau một năm, tình hình vẫn không có gì thay đổi, cho nên chúng tôi kiên quyết không đầu hàng, vì nếu bỏ cuộc bây giờ thì họ sẽ muốn làm gì thì làm ".

Những người xuống đường, thuộc mọi lứa tuổi, đều nói lên nỗi tức giận trước tình trạng khủng hoảng mà chỉ có người dân thường là phải trả giá. Hai kẻ thù lớn của họ là giới chính khách và tài chính.

Manuel, một người về hưu, nói rõ lý do tại sao ông xuống đường : " Tôi đến đây để chống lại các thị trường tài chính hiện đang cai quản cả Tây Âu ".

Đối với toàn thể những người biểu tình, họ sẽ kéo dài phong trào phản đối lần này cho đến thứ Ba tới đây. »

Chính quyền, lẽ dĩ nhiên, đã giảm nhẹ quy mô các cuộc xuống đường, nói đến vỏn vẹn 30.000 người ở Madrid tối qua, hay 45.000 người ở Barcelona. Nhóm tổ chức biểu tình thì đưa ra những số liệu cao hơn gấp bốn, năm lần.

Những người phẫn nộ Tây Ban Nha không đơn độc. Tại Bồ Đào Nha, vào hôm qua, cũng có hàng ngàn người xuống đường ở thủ đô Lisboa và nhiều thành phố khác để chống lại các chính sách thắt lưng buộc bụng.

Quan điểm chống lại điều được người biểu tình gọi là sự cai trị của giới tài phiệt đã bộc lộ rõ qua nhiều khẩu hiệu như " Quỹ Tiền tệ Quốc tế cút đi ! ", hay " Passos cút đi ".

Thủ tướng Pedro Passos Coelho là người mới đây đã tuyên bố rằng tình trạng thất nghiệp có thể là " cơ may giúp người ta đổi đời ", một câu nói gây phẫn nộ cùng cực ở một đất nước mà tỷ lệ thất nghiệp đã vượt mức 15%, tác hại đến 35% thanh niên, sau khi chính quyền ban hành chính sách khắc khổ, đánh đổi lấy tài trợ của Liên Hiệp Châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tại Anh Quốc, hàng trăm người thuộc phong trào " Chiếm lĩnh Luân Đôn " (Occupy London) – tương tự như những người " phẫn nộ " - vào hôm qua cũng xuống đường tại trung tâm tài chánh City, với những khẩu hiệu phản đối chủ nghĩa tư bản. Cảnh sát đã can thiệp và một vài vụ xô xát nhỏ đã xẩy ra giữa nhân viên công lực và người biểu tình.

Ngay tại Đức, biểu tình cũng diễn ra ở Frankfurt, nợi dặt trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu.

 Một người biểu tình giải thích : " Chúng tôi chống lại một chính sách làm cho người giàu giàu hơn và người nghèo thì lại nghèo thêm.

Ngân hàng Trung ương châu Âu tại Frankfurt đóng một vai trò lớn trong vụ này. Chúng tôi không thể chấp nhận điều đó và chúng tôi sẽ tiếp tục biểu tình chống lại chính sách đó ".