Home Tin Tức Thời Sự Nông dân Văn Giang rào lại đất, tiếp tục sản xuất

Nông dân Văn Giang rào lại đất, tiếp tục sản xuất PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Sáu, 11 Tháng 5 Năm 2012 18:02

Nay họ trở thành những kẻ thất nghiệp, ăn dần vào số tiền đền bù (nếu là những nhà đã chịu nhận tiền) nên “đương đầu với tương lai mù mịt”

HƯNG YÊN (NV) -Nông dân 3 xã Phụng Công, Cửu Cao và Xuân Quan huyện Văn Giang đem tre và dụng cụ nhà nông ra các mảnh ruộng đã bị cưỡng chế hơn hai tuần lễ trước đây rào lại các mảnh ruộng của gia đình họ từng làm trước đây, tổ chức lại sản xuất.

 

Nông dân ba xã Cửu Cao, Xuân Quan và Phụng Công của huyện Văn Giang ra rào lại các thửa đất đã bị cưỡng chế để trồng lại cây cảnh, nguồn sống của họ. (Hình: BlogNXD)

 

Theo tin, hình ảnh và video trên các trang mạng xuandienhannom và Nữ Vương Công Lý, hàng chục nông dân của ba xã nói trên, trong hai ngày 9 và 10 tháng 5, 2012, đã “chung sức chung lòng cùng nhau đi rào lại ruộng đất của mình đã bị phá tan hoang ngày 24 tháng 4, 2012 trong cái gọi là ‘cưỡng chế’ phá hoại tài sản của họ”.

Nguồn tin cho hay “nông dân 3 xã sẽ cùng nhau chung trồng cây cảnh, sản xuất nông nghiệp, cùng làm ra sản phẩm trên đất đai của mình và cùng nhau hưởng lợi nhuận, sản phẩm từ đó.”

Ngày 24 tháng 4 năm 2012 khoảng 3,000 công an, cảnh sát cơ động, cán bộ, đầu gấu đã đàn áp khoảng 300 nông dân chống cưỡng chế. Một số người đã bị đánh đập dã man trong đó có cả 2 phóng viên của đài truyền hình (VOV) của nhà nước.

Sau cuộc đàn áp, công ty Việt Hưng cho xe cơ giới cày nát các vườn ương cây cảnh và ruộng của nông dân. Không những vậy, họ còn xới tung rất nhiều mồ mả thân nhân của người địa phương.

Hình ảnh, video cuộc đàn áp này được phổ biến nhanh chóng trên Internet gây phẫn nộ khắp nơi.

Theo nguồn tin trên “Nông dân Văn Giang, gồm cả 3 xã Phụng Công, Cửu Cao, Xuân Quan đã xác định rằng việc phá phách tài sản trên đất đai của họ là việc làm bất chấp luật pháp và vi phạm quyền sở hữu tài sản cũng như quyền sử dụng đất của công dân được luật pháp quy định.

 Ðặc biệt việc cày xới mồ mả của nhân dân là việc làm vô đạo đức, thể hiện một sự thiếu hiểu biết về văn hóa và chà đạp pháp luật. Với tất cả các yếu tố luật pháp, đạo lý đều đã bị vi phạm tại Văn Giang và nông dân là nạn nhân. Do đó, việc gọi là cưỡng chế ở Văn Giang ngày 24 tháng 4, 2012 của cả hàng ngàn cảnh sát, chó và các loại vũ khí đều không có giá trị pháp lý.”

Ngày 1 tháng 5 năm 2012 nhóm chủ trương trang mạng Bauxite Vietnam phát động chiến dịch ký tên chung trên một bản tuyên bố lên án việc cưỡng chế đất tại Văn Giang bằng võ lực. Tới nay, đã có gần 3,000 người gồm đủ mọi thành phần trong ngoài nước đã ký tên trên bản tuyên bố này, gồm hàng trăm nông dân nạn nhân của vụ cưỡng chế.

Ngày 8 tháng 5 năm 2012 một nhóm trí thức trong ngoài nước gửi thư cho hai đối tác Anh Quốc tại dự án Ecopark (Viện Ðại Học Anh ở Việt Nam và tập đoàn Savills) lưu ý họ về vụ cưỡng chế mà họ cho rằng bất hợp pháp.

Các tác giả bức thư cho rằng vụ cưỡng chế “không thể chấp nhận được đối với mọi dân tộc văn minh” và kêu gọi các đối tác thúc giục công ty Việt Hưng (chủ nhân dự án Ecopark) bồi thường thỏa đáng cho các nông dân.

Trong bản tin ngày 11 tháng 5 năm 2012, báo Dân Việt nêu ra tình trạng thê thảm của các gia đình nông dân huyện Văn Giang đã bị nhà nước cướp đất rồi đền bù bằng những số tiền nhỏ nhoi, nay không biết sống ra sao.

Từ những thửa ruộng màu mỡ và những khu ương cây cảnh giúp họ giàu có, nay họ trở thành những kẻ thất nghiệp, ăn dần vào số tiền đền bù (nếu là những nhà đã chịu nhận tiền) nên “đương đầu với tương lai mù mịt”.

 Khuất tuất và trái luật

 Theo Luật Sư Trần Vũ Hải, việc nhà cầm quyền trung ương Hà Nội giao đất của 3 xã Phụng Công, Cửu Cao và Xuân Quan cho công ty Việt Hưng có rất nhiều nghi vấn về sự khuất tất và trái luật.

LS Hải dẫn các tài liệu chứng minh UBND tỉnh Hưng Yên gửi tờ trình số 704 ngày 28 tháng 6, 2004 xin chính phủ “thu hồi đất, giao cho công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng để xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Ðô Thị Thương Mại-Du Lịch Văn Giang và tuyến đường giao thông liên tỉnh Hưng Yên-Hà Nội.

Chỉ hai ngày sau, tức ngày 30 tháng 6, 2004, ông Nguyễn Tấn Dũng, lúc này là phó thủ tướng (ông leo lên ghế thủ tướng năm 2006) ký (thay mặt ông Thủ Tướng Phan Văn Khải) “Quyết định của thủ tướng chính phủ” giao đất. Ðây là sự quyết định theo một tốc độ “kỷ lục” với sự đề nghị của Bộ Tài Nguyên Môi Trường ngày 29 tháng 6, 2004.

Theo Luật Sư Hải, ông Phan Văn Khải hay ông Nguyễn Tấn Dũng “không phải là người có thẩm quyền giao đất”.

Ðúng ra “trường hợp chính phủ giao đất, việc này sẽ được quyết định trong một cuộc họp của chính phủ hoặc được lấy ý kiến bằng văn bản đầy đủ từ ý kiến của các thành viên chính phủ. Nếu đa số thành viên đồng ý, thủ tướng ký quyết định giao đất nhân danh chính phủ (gọi là quyết định giao đất của chính phủ không gọi là quyết định giao đất của thủ tướng chính phủ như văn bản 742/QÐ-TTg nêu trên).

Như vậy, quyết định thu hồi đất nêu trên không do cơ quan có thẩm quyền theo Luật Ðất Ðai 1993 ban hành, nói cách khác quyết định này được ban hành trái thẩm quyền. Một quyết định ban hành trái thẩm quyền không phải là một quyết định đúng luật.

Một điểm đáng để ý là ngày ông Nguyễn Tấn Dũng ký “Quyết định giao đất” là ngày cuối cùng có hiệu lực áp dụng của Luật Ðất Ðai có từ năm 1993 và được sửa đổi vào các năm 1998 và 2001. Từ ngày 1 tháng 7, 2004 thì phải áp dụng Luật Ðất Ðai mới (2003) đã được Quốc Hội thông qua.

Trong quyết định giao đất do ông Nguyễn Tấn Dũng ký, không thấy xác định giao đất cho ai, dù là cá nhân hay tổ chức, mà chỉ nói chung chung thu hồi diện tích hơn 5.4 triệu m2 đất nói trên rồi “giao cho chủ đầu tư,” như cái kiểu cướp đất của dân giao “khống”.

Theo hai luật sư, quyết định như vậy là “ủy quyền cho cấp dưới lựa chọn người được giao đất”. Ðúng luật là phải nêu rõ tên người hay tổ chức được giao và theo điều 25 của Luật Ðất Ðai 1993 (sửa đổi 1998 và 2001) thì “Cơ quan có thẩm quyền giao đất (trường hợp này là chính phủ) không được ủy quyền cho cấp dưới (tức ủy ban nhân dân tỉnh trong trường hợp này).”

Nói khác, “Thực tế công ty Cổ phần Ðầu tư và Phát triển Ðô thị Việt Hưng chưa được ghi tên tại một quyết định giao đất hợp pháp nào. Như vậy quyết định giao đất trên có thiếu sót nghiêm trọng và không phù hợp với điều 25 Luật Ðất Ðai 1993 nêu trên.” (T.N.)