Điểm Báo Pháp Quốc Ngày09-05-2012 |
Tác Giả: Tuấn Thảo |
Thứ Tư, 09 Tháng 5 Năm 2012 11:29 |
Báo chí Pháp hôm nay tiếp tục quan tâm đến số phận của ông Trần Quang Thành Luật sư Trần Quang Thành : tương lai còn bấp bênh
Luật sư Trần Quang Thành cùng với vợ con (REUTERS)
Tờ báo công giáo La Croix điểm lại các sự kiện quan trọng diễn ra trong một tuần qua. Còn nhật báo Le Figaro thì đăng nguyên một bài phỏng vấn luật sư người Trung Quốc với hàng tựa : "Tương lai của tôi còn bấp bênh". Ngay trong phần mở đầu, thông tín viên báo Le Figaro nói rõ là bài phỏng vấn đã được thực hiện qua điện thoại, chứ không có chuyện được gặp tận mặt. Ông Trần Quang Thành hoàn toàn bị cô lập ở bệnh viện Triều Dương (Bắc Kinh), và ít được tiếp xúc với người bên ngoài. Có một điều rất khó hiểu là vào thời đại của điện thoại di động thế hệ 3G, bạn bè của ông Trần Quang Thành phải gọi điện cho ông cả trăm lần thì mới hy vọng được dịp nói chuyện với ông một lần. Ngoài ra, cho dù là người trong gia đình hay thân hữu thì không ai được quyền đến thăm ông tại bệnh viện Triều Dương. Nhập viện từ một tuần nay, ông Trần Quang Thành cho biết chỉ gặp mặt có hai người duy nhất : người đầu tiên là một vị bác sĩ do sứ quán Mỹ cử đến để hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của ông. Nhân vật thứ nhì là một quan chức đại diện cho chính quyền trung ương, cho biết là Bắc Kinh đang xem xét việc cấp hộ chiếu cho ông, nhưng lại không nói rõ là thời hạn chờ đợi là bao lâu và đến khi nào ông mới có thể rời khỏi bệnh viện. Trả lời câu hỏi ông nghĩ sao về giải pháp Hoa Kỳ cấp visa cho ông sang Mỹ đi ‘‘du học’’, ông Trần Quang Thành cho biết là ông không hoàn toàn vừa ý, nhưng ít ra giải pháp này sẽ giúp cho tình hình bớt căng thẳng. So với một tuần lễ trước đây, thì không khí đã bớt ngột ngạt, sự căng thẳng đã tạm thời lắng dịu dù chưa biến mất hoàn toàn. Ông Trần Quang Thành vẫn tiếp tục lo ngại cho số phận của một người cháu ruột bị công an tỉnh bắt giam, sau khi ông trốn ra khỏi Sơn Đông. Riêng về bản thân, ông nghĩ rằng tương lai của ông vẫn còn nhiều bấp bênh, vì liệu cả hai phía Trung Quốc và Hoa Kỳ có thực hiện những lời cam kết ? Trong trường hợp ông được phép sang Mỹ đào tạo tu nghiệp, thì ông Trần Quang Thành cho biết sẽ học thêm về ngành luật, bởi vì công việc đấu tranh bảo vệ dân quyền là một điều hết sức hiển nhiên, là một mục tiêu mà ông muốn tiếp tục đeo đuổi. Điều làm cho ông bận tâm là liệu trong tương lai, ông có thể trở về Trung Quốc hay không ? Theo luật sư Trần Quang Thành, người dân Trung Quốc ngày càng ý thức đến quyền lợi và trách nhiệm của họ. Điều đó dẫn đến một sự dấn thân, đòi hỏi một xã hội công bằng, hài hoà hơn. Xã hội Trung Quốc đang thay đổi, câu hỏi đặt ra là sự biến chuyển đó sẽ nhanh hay chậm chứ không thể nào trở lại như cũ. Về điểm này, tờ báo công giáo La Croix không tỏ ra lạc quan cho lắm. Theo tờ báo, Bắc Kinh và Washington đã tìm cách dàn xếp với nhau để tránh cho cả bên bị mất thể diện và việc cấp học bổng cho ông Trần Quang Thành sang Mỹ du học là một ‘‘thủ thuật’’ khéo léo của ngành ngoại giao : nếu hai phía đều không có lợi thì nên tìm cách nào để cho hai bên không quá bị thiệt thòi. Cũng theo tờ báo thì một khi sang Hoa Kỳ, điều chắc chắn là ông Trần Quang Thành sẽ khó mà đặt chân trở lại lên lãnh thổ Trung Quốc. Thực tế cho thấy là rất nhiều nhà đấu tranh dân chủ Trung Quốc một khi đã xuất ngoại, thì coi như là phải chịu sống lưu vong. Chẳng hạn như trường hợp của nhà văn Liêu Diệc Vũ sang Đức hay nhà đấu tranh dân chủ Vương Đan, một trong những lãnh đạo phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh hiện sống lưu vong tại Mỹ. Đầu năm 2012, họ đã từng xin phép về thăm gia đình ở Trung Quốc. Nhưng cho tới giờ, chính quyền vẫn im hơi lặng tiếng. Putin : Ngày trở lại của "Sa hoàng" Cũng là một trò ‘‘ảo thuật’’ nhưng lần này lại diễn ra tại Nga. Trong chuyên mục điều tra, tờ báo kinh tế Les Echos đăng bài phân tích nhân dịp ông Putin tuyên thệ nhậm chức tổng thống lần thứ ba. Tờ báo này giải thích vì sao ngày ông Putin trở lại điện Kremlin cũng hàm chứa khá nhiều điều bất trắc, rủi ro. Gọi là trò ảo thuật vì trên nguyên tắc Hiến pháp Nga không cho phép một vị tổng thống tại chức trong ba nhiệm kỳ liên tục. Bằng cách thay đổi ghế ngồi, hai ông Putin và Medvedev đã luồn lách được luật ghi trên văn bản. Ông Putin cũng đã cho biết là không có gì ngăn cản ông tranh cử tổng thống lần thứ tư và như vậy có khả năng nắm quyền cho đến năm 2024 (2 lần nhiệm kỳ 6 năm). Báo Les Echos ghi nhận là năm 2012 là một năm khá đặc biệt vì trong số 5 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, có đến 4 nước đang bầu ‘‘tân lãnh đạo’’. Trung Quốc với kỳ Đại hội đảng sắp tới chuẩn bị cho một êkíp mới lên nắm quyền. Pháp vừa có tân tổng thống, Hoa Kỳ cũng chuẩn bị bầu tổng thống. Còn nước Nga thì gọi là bầu nguyên thủ quốc gia nhưng thật ra thì mọi chuyện như thể đã được thượng tầng lãnh đạo sắp đặt trước. Ông Putin trở lại nắm quyền trong một bối cảnh mà theo tờ báo chưa chắc gì là thuận lợi. Trong số các thách thức đang chờ đợi ông Putin, trước hết có hồ sơ tư hữu hóa một số công ty quốc doanh, trong đó có ngành ngân hàng, năng lượng, hàng hải giao thông … Mục tiêu là chấn chỉnh họat động của các công ty nhà nước làm ăn thất thu lỗ lã. Hồ sơ thứ nhì, song song với việc hiện đại hóa quân đội là kế hoạch nâng cấp hạ tầng cơ sở. Các vụ tai nạn máy bay trong thời gian gần đây cho thấy là ngành hàng không dân dụng của Nga đã quá cũ kỹ. Hệ thống ngành đường sắt cũng cần phải được nâng cấp để chuẩn bị cho Cúp Bóng đá Thế giới 2018, vì các trận thi đấu sẽ diễn ra tại 13 thành phố khác nhau trên lãnh thổ Nga. Cho dù nợ công của nước Nga chỉ bằng 15% tổng sản phẩm quốc nội, nhưng chưa chắc gì Nga có đủ ngân khoản để tài trợ cho các dự án mới. Theo Les Echos, vấn đề của nước Nga không phải là tiềm năng kinh tế mà lại nằm ở chỗ cơ cấu : để trấn an giới đầu tư và thu hút vốn nước ngoài, Nga buộc phải xây dựng một nhà nước pháp quyền, theo đúng nghĩa của từ. Bởi vì có một vấn đề gốc rễ mà các chính quyền Nga từ trước tới nay chưa giải quyết được : đó là nạn tham nhũng. Theo tờ báo, vấn đề tham nhũng ở Nga đã tồn tại trước đó, nhưng sau khi ông Putin lên nắm quyền, thì vấn đề lại càng nghiêm trọng hơn. Dư luận Nga thường mỉa mai châm biếm khi nói về hiện tượng các ông mặc đồng phục : cảnh sát, quân đội, cơ quan tình báo, hay nhân viên làm việc cho các định chế nhà nước, việc nộp tiền đút lót, ăn hối lộ xuất hiện ở mọi cấp bậc chính quyền. Theo ước lượng của tổ chức Minh bạch Quốc tế, mỗi lần nhà nước Nga có đấu thầu, thì 20% trị giá của hợp đồng, không cánh mà bay. Các khoản đút lót hối lộ tương đương với 300 tỷ đô la hàng năm (tức là 1 phần 7 GDP). Một vụ tai tiếng gần đây rộ lên vào trung tuần tháng tư là người ta phát hiện trong kế hoạch xây dựng hàng không mẫu hạm tối tân của quân đội Nga, chiếc chiến hạm mới toanh này lại được gắn với một chiếc neo cũ kỹ đến nổi bị gỉ sắt. Một chiếc neo mà đáng lẽ ra phải trị giá 100 ngàn đô la, nhưng thật ra chỉ bằng 27 ngàn đô la, tức là chỉ bằng một phần tư. Hiện đại hóa trang thiết bị quân sự mà còn gặp vấn đề tham nhũng huống chi là đấu thầu xây dựng đường xá hoặc là dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở. Ngoài ra tại Nga, các cơ quan truyền thông, các nghiệp đoàn, các tổ chức phi chính phủ cũng như cánh đối lập đã không tạo được thế đối trọng với chính quyền trung ương. Mô hình của một nước Nga dân chủ và đa nguyên còn hơi xa vời, nhất là theo quan niệm của ông Putin, đất nước cần được lãnh đạo bởi một chính quyền trung ương mạnh. Theo các chuyên gia, thì nước Nga có thể thay đổi theo một chiều hướng tốt hơn trong nhiệm kỳ của ông Putin, nhưng vấn đề là liệu ông có đủ quyết tâm để áp dụng tới nơi tới chốn các kế hoạch cải cách. Cách mạng Văn hóa trong mắt Vương Tiểu Soái Trong lãnh vực văn hóa, các tờ báo Pháp đều quan tâm tới bộ phim ‘‘Eleven Flowers’’ tạm dịch là 11 xuân xanh của đạo diễn Trung Quốc Vương Tiểu Soái ra mắt khán giả Pháp hôm nay. Vương Tiểu Soái là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thế hệ thứ sáu, tức là tầng lớp đạo diễn đi sau Trương Nghệ Mưu và Trần Khải Ca. Sau khi bắt mạch xã hội Trung Quốc qua các bộ phim như Xe đạp Bắc Kinh (Beijing Bicycle), Giấc mơ Thượng Hải (Shanghai Dreams) và Nhật chiếu Trùng Khánh (Chonqing Blues), Vương Tiểu Soái lần này đưa người xem đến vùng Quý Châu vào giai đoạn cuối của cuộc Cách mạng Văn hóa. Báo Le Figaro so sánh cuộn phim này với tác phẩm Les 400 Coups của đạo diễn Pháp François Truffaut, gần giống trong cách xây dựng hình tượng và tâm lý nhân vật chính. Toàn bộ cuộn phim của Vương Tiểu Soái được quay từ góc nhìn của một cậu học trò 11 tuổi, tức là phản ánh thế giới bên ngoài qua ánh mắt của một thằng bé, tuổi đời còn non nớt nên cả tin nhẹ dạ. Theo tờ báo Les Echos, Eleven Flowers thông qua câu chuyện của một cậu học trò 11 tuổi thật ra phác họa nỗi khổ đau của rất nhiều người dân dưới thời Cách mạng Văn hóa. Đến khi thằng bé bắt đầu hiểu những gì người lớn đang nói, thì coi như là cậu học trò đã giã từ lứa tuổi thơ ngây. Bộ phim của Vương Tiểu Soái, mà qua đó tác giả đã gửi gấm khá nhiều kỷ niệm tuổi thơ, thật ra dùng một câu chuyện nhỏ để kể một câu chuyện lớn. Đó là thời kỳ của phong trào Tiến về nông thôn, gọi là huy động trí thức nhưng thật ra đẩy hàng trăm ngàn hộ gia đình trước kia là dân thành thị về các vùng nông thôn để sinh sống, cầy ruộng, hay xây dựng công xưởng nhà máy. Trong phim có cảnh các nhóm Hồng vệ binh truy đuổi rượt bắt một kẻ phạm tội giết người, nhưng đây là một cách hàm ý rất khéo, vì trong thực tế các nhóm Hồng vệ binh được điều chuyển về nông thôn, nơi mà họ ít có khả năng làm loạn, gây rối. Trong các nhân vật xuất hiện trong phim, có đủ mọi thành phần xã hội Trung Quốc thời bấy giờ : các nhà trí thức không chịu đựng nổi đời sống khó khăn ở các vùng kinh tế mới. Những ‘‘cán bộ’’ bị thanh trừng vì không trung thành với đường lối của ông Mao Trạch Đông. Chỉ có điều là đạo diễn Vương Tiểu Soái thay vì trực diện khai thác đề tài này, thì lại dùng cách nói vòng, hay phác họa bằng những nét chấm phá. Trung thành với lối chơi chữ, báo Libération chạy hàng tựa lớn Ma Chine Arrière. Dịch từng chữ thì tựa đề này có nghĩa là Trung Quốc, đất nước của tôi nhìn lại phía sau. Nhưng tùy theo cách đọc, tựa đề này cũng có nghĩa là cỗ máy xe đang chạy lùi. Hàng tựa của Libération đầy ngụ ý châm biếm : Cách mạng Văn hóa muốn thực hiện Bước Đại nhảy vọt, ngờ đâu đã phạm sai lầm rất lớn : thời của tư tưởng lạc hậu, thời của kinh tế thụt lùi. |