Home Tin Tức Thời Sự Hơn 300 người hỗn chiến để cướp gỗ sưa

Hơn 300 người hỗn chiến để cướp gỗ sưa PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Tư, 09 Tháng 5 Năm 2012 10:31

1 người bị giết, ít nhất 4 người bị thương

QUẢNG BÌNH (NV) - Vụ đốn hạ và “xẻ thịt” ba cây gỗ sưa trị giá cả tỉ đồng Việt Nam chưa đi đến đâu, mới đây đã xảy ra cuộc xung đột giữa khoảng 300 người địa phương để giành nhau “chút phần nhỏ lẻ” của số “chiến lợi phẩm” khổng lồ.

 

Những thước gỗ đắt tiền hiếm hoi tịch thu được. (Hình: Báo Tiền Phong)

 

Theo báo Tuổi Trẻ, cuộc hỗn chiến giữa hàng trăm người trang bị gậy gộc, dao, mác, mã tấu và cả bình xịt hơi cay... xảy ra vào đêm 5 tháng 5 tại Khe Gát thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Một trong những nhân chứng dính phần hỗn chiến giành giật gỗ sưa vào đêm nói trên là thợ rừng Nguyễn Văn Quỳnh cho biết có một người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng, nhẹ trong cuộc xung đột. Người bị giết, theo ông Quỳnh, không phải dân địa phương.

Ông Quỳnh cho hay, người dân Khe Gát không dám tuôn vào rừng mà nằm, ngồi ở cửa rừng phục kích những người vận chuyển gỗ ra ngoài để cướp. Theo ông, xem ra thì trận chiến còn hứa hẹn nhiều pha ác liệt hơn nhiều.

Từ cuối tháng 4 vừa qua, vụ khám phá ba cây gỗ sưa, còn gọi là gỗ huê, bị đốn hạ tại vườn quốc gia Phong Nha, Kẻ Bàng thuộc tỉnh Quảng Bình đã gây chấn động dư luận.

Ngày 2 tháng 5, cách nay một tuần lễ, giám đốc Vườn Quốc Gia Phong Nha nói đã cho người canh gác cẩn mật các ngả đường ra vào để ngăn chặn hoạt động tẩu tán gỗ sưa.

Theo cuộc điều tra ban đầu, một nhóm người lạ mặt được cho là dân địa phương đã bí mật đốn hạ ba cây gỗ sưa tại khu vực hiểm hóc nằm giữa hai vách núi dựng đứng cao trên 730 thước. Người ta ước tính số cây rừng bị đào bới, đốn hạ nằm trên diện tích khoảng 560 thước vuông. Nhóm người này sau đó đã chuyển số gỗ sưa đốn được đến một nơi khác để giấu, bỏ lại một cân bàn loại 1 tạ, cưa xích dài 1.2m... và không buồn mang đi số cây rừng đã bị chặt đốn.

Còn theo các cán bộ chủ chốt rừng Phong Nha thì sau khi ba cây gỗ sưa khổng lồ bị đốn hạ, chuyển đến nơi cất giấu bí mật, mỗi ngày có đến hàng trăm người dân dùng gùi lén lút chuyển gỗ ra ngoài bằng nhiều ngả đường rừng hiểm hóc.

Cuộc truy bắt của lực lượng kiểm lâm tỉnh Quảng Bình xem ra đã bị vô hiệu vì dân gùi gỗ lậu thì đông, mà cán bộ canh gác thì ít.

Cho đến đêm 7 tháng 5, Chi Cục Kiểm Lâm Quảng Bình “may mắn” khám phá và chận bắt được một nhóm người đang chuyển khoảng 366kg gỗ gồm 5 khúc gỗ, trị giá ước lượng khoảng 10 tỉ đồng, tương đương nửa triệu đô la.

Trước đó, chừng 5 giờ sáng ngày 6 tháng 5, một cuộc hỗn chiến đẫm máu diễn ra tại khu vực Trạ, nghe nói là nơi cất giấu khoảng 10 gùi gỗ trị giá 50 tỉ đồng, tương đương 2 triệu rưỡi đôla của một đầu nậu buôn lậu gỗ.

Theo báo Dân Trí, ít nhất 300 người dân địa phương mang theo cuốc, xẻng, mã tấu... bao vây cả khu vực Trạ để tranh cướp 10 gùi gỗ sưa. Báo Dân Trí nói rằng hầu như toàn thể dân làng Khe Gát của tỉnh Quảng Bình gia nhập vào đội quân cướp cạn “tự phát” nói trên. Dân làng Khe Gát, trong đó có vài chục phụ nữ, đã đối đầu với một nhóm khoảng 30 người được đầu nậu buôn lậu gỗ tên H. thuê tẩu tán gỗ bằng gùi.

Tin của báo Dân Trí tường thuật còn nói cuộc hỗn chiến giành giật 10 gùi gỗ sưa trị giá 2 triệu rưỡi đô diễn ra suốt 5 tiếng đồng hồ, có sự tham dự của các băng nhóm “đầu gấu” đến từ Ðồng Hới, Sài Gòn, Hải Phòng, Nghệ An... Nghe đâu, có 3 người Trung Quốc được sự “bảo kê” của nhóm “đầu gấu” Hải Phòng cũng nhúng tay vào cuộc xung đột đẫm máu kinh hoàng này.

 

Cuộc hỗn chiến sắp bắt đầu. (Hình: Báo Dân Trí)

 

Một số nhân chứng cho hay có một chiếc xe hơi hiệu Ford Everest, 3 chiếc xe gắn máy bị phá hủy tan tành. Sau cuộc hỗn chiến, chiến trường kéo dài vài trăm thước đầy những gậy, gộc, đất đá bỏ lại trên mặt đất điêu tàn...

Dân làng còn nói rằng rừng Phong Nha hiện nay đầy dẫy những băng nhóm “thảo khấu” từ nơi khác đến “đóng đô.” Vì quá sợ hãi, dân làng đã từ chối việc gùi gỗ lậu còn cất giấu trong rừng dù giá thuê được đẩy lên gấp nhiều lần hơn.

Theo dư luận, chính quyền hầu như không chịu can thiệp kể cả khi nghe tin cuộc hỗn chiến đẫm máu diễn ra trong rừng sâu. Dư luận còn khẳng định rằng vụ đốn hạ và vận chuyển gỗ sưa được thực hiện một cách dễ dàng tại rừng Phong Nha bởi “lâm tặc” buôn gỗ được sự tiếp tay của cán bộ kiểm lâm rừng Phong Nha.

Mặt khác, theo chính quyền xã Phúc Trạch, nơi rừng Phong Nha tọa lạc, thì họ không đủ sức giữ rừng. (PL)